Tệ nạn tội phạm tình dục ở đại học |
Tác Giả: Vann Phan lược dịch | |||
Thứ Tư, 26 Tháng 1 Năm 2011 12:45 | |||
Nhiều vụ án không được báo và nhu cầu nạn nhân bị lờ đi Trên khắp Hoa Kỳ, nhiều phụ nữ trong khuôn viên đại học đang bị hãm hiếp, nhưng thay vì nhận được sự ủng hộ và công lý từ phía ban quản trị nhà trường, nhiều nạn nhân phải đối diện với những nguyên tắc về cơ chế cản ngăn cho nên hoặc là họ đành bỏ trường mà đi hoặc đành chấp nhận làm một nạn nhân thầm lặng. Sau một cuộc điều tra kéo dài chín tháng vào tấm màn bí mật bao trùm những vụ tấn công tính dục trong khuôn viên đại học, các nhà báo thuộc Center for Public Integrity, một trung tâm chuyên phơi bày ra ánh sáng những hoạt động mờ ám và tội phạm nơi công cộng, đã cho công bố bản báo cáo nhan đề “Tấn Công Tình Dục tại Ðại Học: Một Cuộc Ði Tìm Công Lý Ðáng Thất Vọng” (“Sexual Assault on Campus: A Frustrating Search for Justice”). Các nữ sinh viên báo cáo mình bị tấn công tình dục thường gặp phải một chuỗi dài những trở ngại trong kế hoạch truy tố kẻ tấn công, trong đó có những tiến trình kỷ luật không minh bạch, các cuộc thương lượng sau hậu trường với ban quản trị, những lề luật cấm cản vô lý cũng như các vị cố vấn không mấy hăng say đứng về phía nạn nhân. Theo một cuộc nghiên cứu hồi năm 2002 của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, một trong năm nữ sinh viên từ lúc vào học cho tới khi ra trường sẽ là nạn nhân của những vụ hãm hiếp hay mưu toan hãm hiếp, nhưng 95 phần trăm những vụ này sẽ đi vào quên lãng hoặc không được báo cáo. Nhiều sinh viên không báo cáo vụ việc bởi vì họ tự quy lỗi cho mình, hoặc họ không nhận rõ được những yếu tố nào cấu thành tội tấn công tình dục hoặc họ cảm thấy đây là chuyện xấu hổ chẳng nên nói ra làm gì. Nhưng Mallory Shear-Heyman, một cựu sinh viên tại đại học Bucknell University, đã báo cáo và nói lên mọi chuyện mà rồi cũng chẳng đi đến đâu. Khi còn là sinh viên năm thứ hai, cô đã bị tấn công tình dục mà lại còn được khuyến khích tham gia cuộc thương lượng giải hòa bí mật, theo đó cả nạn nhân lẫn thủ phạm cùng ngồi chung một phòng để thảo luận vụ việc đặng tìm cách xếp lại hồ sơ này. Những nhà làm trung gian hòa giải không đề nghị hình phạt nào mà cũng không có biện pháp nào buộc kẻ phạm tội phải đáp ứng thích nghi cho nạn nhân. Cơ Quan Center for Public Integrity cũng xem xét những khiếu nại chồng chất trong một khoảng thời gian là 10 năm gởi đến các trường đại học chiếu theo các đạo luật Title IX và Clergy Act, tức là những luật lệ đòi hỏi các học viện không được đối xử phân biệt với sinh viên dựa theo giống phái và yêu cầu các trường đại học phải thu thập cũng như báo cáo các tội phạm xảy ra bên trong hoặc gần các khuôn viên đại học. Ấy vậy mà cơ quan này chỉ khám phá thấy có một chương trình ngăn ngừa tội phạm ghi lại 46 vụ tấn công tình dục tại đại học West Virginia University trong năm 2008, nhưng những ghi nhận này lại không thấy được đưa vào bản báo cáo an ninh thường niên của trường đại học. Một chương trình cố vấn và bênh vực nạn nhân bị tấn công tình dục tại đại học University of Iowa đã phục vụ cho 62 sinh viên, giảng viên và nhân viên của trường từng báo cáo bị hiếp dâm hoặc gần như bị hiếp dâm trong năm 2008, nhưng những vụ việc này cũng không thấy được ghi trong bản tường trình an ninh hằng năm của nhà trường. Thêm nữa, một chương trình bênh vực cho các nạn nhân bị tấn công tình dục tại đại học Florida State University thu thập các số liệu liên quan tới 57 vụ sinh viên bị tấn công tình dục cả trong lẫn ngoài khuôn viên đại học hồi năm 2008, nhưng chỉ có một phần trong số những vụ này xuất hiện trên số liệu tội phạm chính thức của nhà trường. Cơ quan Center for Public Integrity cho rằng các thiếu sót này là do có quá nhiều giới hạn hoặc lỗ hổng trong đạo luật Clergy Act, trong đó phải kể tới những bãi miễn rộng rãi cho các cá nhân liên hệ được các quyền riêng tư che chở, do sự mơ hồ về định nghĩa của cuộc tấn công tình dục cũng như do tính cách tổng quát của các các thể thức báo cáo. Cuối cùng, Kristen Lombardi, trưởng nhóm các nhà báo điều tra về tội phạm tình dục tại đại học của Center for Public Integrity, nhận định rằng các sinh viên nạn nhân được nhóm này phỏng vấn đều cảm thấy quy trình báo cáo tội phạm tình dục tại các đại học thiếu tính quang minh chính đại và không thật sự bắt ai phải chịu trách nhiệm bởi vì tính cách bảo mật, và thật dễ dàng để cho các trường đại học hành động theo một cách thế nhằm bảo vệ cho quyền lợi của họ thay vì cho quyền lợi của nạn nhân các vụ tấn công tình dục. Mà cho dẫu luật pháp có cho phép làm theo ý của nạn nhân, trong nhiều bản báo cáo về an ninh của trường đại học cũng không thấy nêu rõ tên tuổi của các cá nhân có trách nhiệm gây ra vụ tấn công tình dục, một tình trạng mà Lombardi tin rằng chỉ làm cho tệ nạn này cứ kéo dài mãi. Một số trường đại học khác thì cho phép tờ báo của trường đưa ra các con số, tỷ như những vụ được đưa ra tòa, những cuộc điều trần hoặc những biện pháp chế tài, nhưng tất cả cũng chỉ có thế mà thôi.
|