Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Trường Ðại Học Caltech

Trường Ðại Học Caltech PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Sáu, 18 Tháng 3 Năm 2011 09:42

Trường Ðại Học Caltech, tức California Institute of Technology, là một trường đại học khảo cứu tư tọa lạc tại Pasadena, California, Hoa Kỳ.

 Caltech có sáu phân khoa chú trọng mạnh mẽ tới khoa học và kiến tạo.

 
Phòng thí nghiệm vật lý Bridge Laboratory trong khuôn viên Ðại Học Caltech. (Hình: Steve Ryan/Wikimedia Commons)
 
Khuôn viên đại học rộng 124 mẫu Anh (tức 50 mẫu Tây) nằm cách trung tâm thành phố Los Angeles chừng 11 miles về hướng Ðông Bắc.

 Ðại cương

 Ban đầu, trường đại học này là một trường dự bị và hướng nghiệp được doanh gia kiêm chính trị gia Amos G. Throop lập ra hồi năm 1891.

 Thời gian sau đó, trường được lần lượt gọi tên là Throop University, Throop Polytechnic Institute và Throop College of Technology trước khi lấy tên hiện tại là Calfornia Institute of Technology - Caltech từ năm 1921.

Năm 1934, Caltech gia nhập Association of American Universities (Hiệp Hội Ðại Học Hoa Kỳ), và đến thời Thế Chiến II thì trường thiết lập một phòng thí nghiệm khoa học không gian, được coi là tiền thân của Jet Propulson Laboratory (Phòng Thí Nghiệm Sức Ðẩy Phản Lực) của Cơ Quan NASA mà Caltech chịu trách nhiệm điều hành cho tới ngày nay.

Từ năm 2000, Caltech quản lý Einstein Papers Projects (Dự Án Tài Liệu Einstein) là kế hoạch tập trung, bảo tồn, phiên dịch và ấn hành các bài viết và tài liệu khoa học của nhà bác học Albert Einstein.

Năm 2010, Caltech phối hợp cùng phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley National Laboratory để thiết lập một trung tâm sáng tạo năng lượng gọi là Joint Center for Artificial Photosynthesis nhằm phát triển các phương thức mang tính cách mạng dùng tia nắng mặt trời biến thành nhiên liệu.

 Tổ chức và quản trị

 Ðại Học Caltech hưởng quy chế một tổ chức bất vụ lợi và do một hội đồng quản trị gồm 46 thành viên sở hữu và điều hành.

Hội đồng quản trị hiện nay có chủ tịch là Kent Kresa, cựu chủ tịch và tổng giám đốc của tổ hợp Northrup Grumman và cũng là cựu chủ tịch của công-ty General Motors. Vào ngày 1 Tháng Chín năm 2006, cựu Phó Viện Trưởng Ðại Học Georgia Tech Jean-Lou Chameau trở thành vị viện trưởng thứ tám của Ðại Học Caltech.

Ðại Học Caltech được tổ chức thành sáu phân khoa: Biology (Sinh Học), Chemistry and Chemical Engineering (Hóa Học và Kỹ Sư Hóa), Engineering and Applied Science (Kiến Tạo và Khoa Học Ứng Dụng), Geological and Planetary Sciences (Ðịa Chất và Hành Tinh Học), Humanities and Social Sciences (Nhân Văn và Xã Hội Học) và Physics, Mathematics, and Astronomy (Vật Lý, Toán và Thiên Văn).

Các giáo sư làm việc toàn thời gian tại Ðại Học Caltech đảm nhiệm việc dạy lớp, tổ chức các cuộc nghiên cứu, cố vấn cho sinh viên và làm các công việc hành chánh liên hệ tới cộng đồng.

Ba mươi ba phần trăm các giáo sư Ðại Học California Institue of Technology là thành viên của National Academy of Science hay National Academy of Engineering hoặc là học giả thuộc American Academy of Arts and Sciences. Ðây là số bách phân cao nhất trong số ban giảng huấn của bất cứ đại học nào trên toàn quốc Hoa Kỳ, ngoại trừ ban giảng huấn của đại học Rockefeller University ở New York.

 Ðời sống sinh viên

 Vào đầu thế kỷ thứ 20, Ðại Học Caltech đã biến hệ thống ký túc xá Nam trong khuôn viên đại học thành hệ thống cư xá sinh viên.

Bốn khu cư xá được cất lên và mang tên Lloyd House, Page House, Ruddock House và Avery House. Tất cả các sinh viên năm đầu sống trong hệ thống cư xá sinh viên này, và trong các năm sau đó có tới 95% số sinh viên bậc cử nhân vẫn tiếp tục ở đây.

Ðại Học Caltech có các đội thể dục thể thao trong các môn bóng chày, bóng rổ nam và nữ, chạy việt dã, đánh kiếm, bóng tròn nam, bơi lặn, quần vợt nam và nữ, và thủy cầu. Biểu tượng thể thao của Ðại Học Caltech là con Beaver (Hải Ly).

 Chương trình bậc cử nhân

 Chương trình học thuộc bậc cử nhân nhấn mạnh tới kiến thức về nhân văn và khoa học. Ðại Học Caltech cung ứng 24 môn ngành chính và sáu môn ngành phụ qua sáu phân khoa tại trường. Trường Caltech còn cung ứng các chương trình học liên ngành về Applied Physics (Vật Lý Ứng Dụng), Biochemistry (Sinh Hóa), Bioengineering (Sinh Học Kiến Tạo), Environmental Science and Engineering (Khoa Học Môi Trường và Kiên Tạo), Geochemistry (Ðịa Hóa Học), (Planetary Astronomy (Hành Tinh Thiên Văn)...

Ðại Học Caltech đòi hỏi sinh viên phải lấy hết 30 classes (học khóa) căn bản gồm năm terms (học kỳ) toán, năm terms vật lý, hai terms hóa học, một term sinh học, một học khóa nhiệm ý trong năm thứ nhất, hai term nhập môn phòng thí nghiệm, hai term hành văn khoa học, và 12 terms khoa học nhân văn.

 Chương trinh bậc cao học và tiến sĩ

 Chương trình bậc cao học và tiến sĩ chú trọng tới các cuộc nghiên cứu dẫn tới học vị tiến sĩ chủ yếu về khoa học, kỹ thuật, kiến tạo và các ngành liên hệ tới toán học. Trường Caltech cung ứng các văn bằng Master of Science, Engineer's Degree, Doctor of Philosophy, BS/MS và MD/PhD. Các môn ngành được sinh viên ưa chuộng nhất là Chemistry (Hóa Học), Physics (Vật Lý), Biology (Sinh Học), Electrical Engineering (Kỹ Sư Ðiện) và Chemical Engineering (Kỹ Sư Hóa).

Sinh viên ứng tuyển vào các chương trình học tại bậc cao học và tiến sĩ tại Caltech đều phải qua kỳ thi GRE (Graduate Record Exam) chuyên chú khảo sát khả năng phân tích, toán học và ngữ vựng của sinh viên.

Sinh viên bậc tiến sĩ, cao học và cử nhân tại Ðại Học Caltech, ngoài trình độ học tập ra, còn phải theo đúng đạo đức học vấn như được đề ra trong Honor Code (Quy Tắc Danh Dự) của trường: “Không ai trong cộng đồng Ðại Học Caltech được quyền lấn lướt người khác một cách bất chính.”

 Số sinh viên theo học

 Trong niên khóa 2010-2011, Ðại Học Caltech có số sinh viên ghi danh học theo từng chủng tộc như sau:

Mỹ da trắng: 37% bậc cử nhân; 44% bậc cao học & tiến sĩ.

Mỹ gốc Á: 39% bậc cử nhân; 11% bậc cao học & tiến sĩ.

Mỹ thuộc các gốc thiểu số khác: 9% bậc cử nhân; 6 % bậc cap học và tiến sĩ.

Quốc tế: 12% bậc cử nhân; 37% bậc cao học & tiến sĩ.

Cũng trong niên khóa này Caltech có 967 sinh viên bậc cử nhân và 1208 sinh viên bậc cao học và tiến sĩ. Phụ nữ chiếm 40% số sinh viên cử nhân và 29% số sinh viên cao học và tiến sĩ. Tỉ số tốt nghiệp trung bình của sinh viên bậc cử nhân là 80.6%, và tỉ số ra trường trung bình của sinh viên cao học là 88%.

 Cựu sinh viên Ðại Học Caltech

 Mười bảy cựu sinh viên và 14 giáo sư không phải là cựu sinh viên của Ðại Học Caltech đã đoạt giải Nobel.

Sáu cựu sinh viên Caltech khác đã đoạt được giải Turning Award, là một giải vẫn được coi là “Giải Nobel Ðiện Toán,” và một sinh viên đã đoạt được giải Fields Medal, một giải toán học quốc tế cao quý.

Khôi nguyên giải Nobel Carl D. Anderson, thuộc Caltech, chứng minh được sự hiện hữu của positrons và muons; khôi nguyên giải Nobel Edwin McMillan tổng hợp được yếu tố transuranium đầu tiên; khôi nguyên giải Nobel Leo James Rainwater khảo sát được dạng không phải hình cầu của nhân nguyên tử; và khôi nguyên giải Nobel Douglas D. Osheroff nghiên cứu thành công tính siêu lỏng của khí helium-3.

Các cựu sinh viên Caltech khác thì đi vào khoa học không gian.

 C. Gordon Fullerton là phi công của sứ mạng phi thuyền con thoi lên phòng thí nghiệm không gian Skylab bay quanh quỹ đạo trái đất, phi hành gia (và sau này là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ)

Harrison Schmitt là nhà địa chất học duy nhất đặt chân lên mặt trăng.

Nhà thiên văn Eugene Merle Shoemaker là người đồng khám phá ra sao chổi Comet Shoemaker-Levy 9 và là người đầu tiên của địa cầu có hài cốt được rải trên mặt trăng.

(Viết theo Wikipedia và colleges.usnews.rankingsandreviews.com)