Bình chọn Yearbook đôi khi là nỗi ám ảnh |
Tác Giả: Lê Tâm (theo WSJ) | |||
Thứ Hai, 30 Tháng 5 Năm 2011 11:49 | |||
Tương lai những học sinh 'Most Likely to Succeed' Thời gian này là lúc các học sinh lớp 12 ở Mỹ đang nôn nao đợi đến ngày lễ ra trường và chuẩn bị cho bước tới trong đời sống của mình, dù đó là tiếp tục học lên, nhập ngũ, hay có chọn lựa khác khi bước vào cuộc đời.
Và kỷ niệm đánh dấu quãng đời trung học này thường là cuốn kỷ yếu, với hình ảnh bè bạn, các sinh hoạt trong trường, các lời ghi trêu chọc của tuổi học trò, và không thể thiếu là các bình chọn giữa các học sinh với nhau. Mỗi trường có những bình chọn khác nhau, nhưng hầu như tất cả các trường đều có bình chọn về người học sinh được coi là “Có Triển Vọng Thành Công Nhất-Most Likely to Succeed”. Và đây, lắm khi là nỗi ám ảnh ghê gớm với người được chọn. Charlene Dupray là một thí dụ điển hình. Bà được các bạn trong lớp chọn là người có triển vọng thành công nhất tại trường trung học New Hanover ở Wilmington, tiểu bang North Carolina, ra trường năm 1990. Vinh dự này cứ theo đuổi ám ảnh bà từ đó đến giờ. Dù rằng đã học lên, tốt nghiệp đại học University of Chicago, đi đến nhiều nơi ở Âu Châu, Trung Ðông và vùng Caribbean qua chức vụ là giám đốc của một công ty du lịch tàu biển, lãnh lương trên $100,000 mỗi năm, bà Dupray, năm nay 38 tuổi, nói rằng “tôi thường xuyên phải nhìn lại thành quả của mình và dùng cái kết quả bình chọn kia làm thước đo.” Hiện ngày càng có nhiều trường đang bỏ đi tục bình chọn trong học sinh lớp 12, một truyền thống có lâu đời, một phần cũng vì sự quan tâm đến ảnh hưởng của việc này đối với người được chọn. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn những người được chọn đều thành công sau đó trong đời, dựa trên khả năng học vấn, khả năng giao tế xã hội và tinh thần phấn đấu. Nhưng ít ai biết đến ảnh hưởng tâm lý của điều này. Một số người được bình chọn, cho hay điều mà nhiều người cứ tưởng là một sự xác định đầy thiện ý của các bạn cùng lớp thật sự lại tạo ra áp lực hay làm người được chọn phải luôn lo lắng về chính mình. “Bị gán cho danh hiệu này cũng không khác gì đeo một cái tròng vào cổ, đến mọi cuộc phỏng vấn xin việc làm, mỗi khi có mối quan hệ mới hay trong nghề nghiệp của mình,” theo lời Blake Atwood, 30 tuổi, ở Irving, tiểu bang Texas, được trao danh hiệu này năm 1998. Nhắc lại danh hiệu đó chỉ làm anh có thêm nghi ngờ về khả năng của mình trong thời gian sáu năm sau khi tốt nghiệp, khi anh không kiếm được việc làm theo đúng với ngành học của mình. Ðây không phải là những trường hợp cá biệt. Có gần 1/3 những người được trao cho danh hiệu “Có Triển Vọng Thành Công Nhất” ở trung học về sau coi điều này như một lời nguyền độc ác, luôn đeo đẳng họ, theo một cuộc thăm dò mới đây từ 1,369 thành viên của MemoryLane.com, một trang web kết nối người sử dụng với những bạn học thời trung học, các kỷ yếu và kỷ niệm thời trung học. Một số người cho rằng bình chọn này vô hình chung giữ chặt họ với định nghĩa của sự thành công ở bậc trung học, nghĩa là leo lên bậc thang cao nhất trong nghề nghiệp, kiếm được thật nhiều tiền, hay cả hai, khiến họ phải luôn cố gắng, một phần cũng để không làm thất vọng bạn bè, hay những người luôn để ý theo dõi bước tiến trong đời của họ. Nhưng nhiều người trong số này nay thấy rằng “thành công” có ý nghĩa đơn giản hơn và bao gồm nhiều thứ mà người ta thường không để tâm tới như có được sức khỏe, hài lòng với chính mình. Deborah de Freitas, 42 tuổi, tốt nghiệp trường trung học Leander ở Texas, nay là giám đốc tiếp thị của công ty nhu liệu Bazaarvoice ở Austin, Texas, nói rằng sau nhiều năm bà mới nhận ra rằng: “Con người của tôi thời trung học nay sao quá xa lạ với tôi. Tôi nhận ra rằng thành công không phải là những điều mà tôi từng theo đuổi. Tôi muốn có cơ hội đi du lịch, có các mối giao tình bè bạn có ý nghĩa, có được cơ hội thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật, đời sống.” Nhìn lại, bà cho hay ước gì khi ở trung học đã đoạt được danh hiệu khác: “Có Triển Vọng Ðược Vui Sướng Nhất.”
|