Dùng Facebook để chọn bạn ký túc xá |
Tác Giả: Lê Tâm (theo Washington Post) | |||
Thứ Bảy, 13 Tháng 8 Năm 2011 19:43 | |||
Việc chọn bạn cùng phòng qua các trang mạng xã hội cũng không thoát khỏi sự dòm ngó của bậc cha mẹ. Từ nhiều thế hệ qua, một trong những thử thách của việc đi học xa nhà, sống trong ký túc xá, của các tân sinh viên là gặp một người lạ mà nhà trường đã chọn để ở cùng với mình.
Trong vài tuần tới đây, nhiều sinh viên năm đầu đại học sẽ vào ký túc xá và ở chung với bạn cùng phòng mà họ đã biết, dù rằng chưa bao giờ gặp hay nói chuyện qua điện thoại. “Trên thực tế, ngay cả các dịch vụ sắp xếp bạn cùng phòng (roommate-matching) tối tân nhất cũng không thể nào bằng Facebook,” theo lời Adam Gang, 18 tuổi, ở Colorado, sẽ vào đại học American University năm nay. “Bạn chỉ cần được chấp nhận ‘friend request’ là có ngay chi tiết về người đó.” Một số giới chức đại học nói rằng việc để nhà trường chọn bạn cùng phòng cũng giúp để người sinh viên có cơ hội biết về những quan điểm khác nhau trong đời sống. Họ lo ngại rằng người sinh viên ở năm đầu đại học thường chọn người cùng chủng tộc, cùng hoàn cảnh xã hội hay cùng quê quán với mình. Nhưng đại học American University cũng nhận rằng người sinh viên cũng có quyền có tiếng nói trong lãnh vực này và chọn một giải pháp dung hòa để giúp họ. Ðầu năm nay, anh Gang trả lời một bản gồm các câu hỏi ngắn về bản tính cá nhân như có duy trì giờ giấc ngủ nghỉ bình thường không? Có thích giao du bè bạn không? Có ngủ nhiều không? Và sau đó, thay vì chọn giùm cho Gang một người bạn cùng phòng, văn phòng điều hành ký túc xá gửi cho anh ta một danh sách ngắn những người nhà trường coi là phù hợp với anh dựa trên bản trả lời. Gang lên mạng Facebook và ngay lập tức làm quen với James Quigley, 18 tuổi ở New York. Cả hai sinh viên này dự tính học ngành quan hệ quốc tế và thích chơi thể thao. Họ yêu cầu được xếp ở cùng phòng với nhau và sẽ lần đầu tiên gặp mặt vào ngày dọn vào ký túc xá trong tháng này. “Tôi và Adam có nhiều điểm hợp nhau,” Quigley cho hay. “Tôi cảm thấy là mình cần phải biết về người kia nếu sẽ sống cùng phòng với nhau.” Với nhiều tân sinh viên muốn có tiếng nói trong việc sống ở ký túc xá, các giới chức đại học cũng không đồng ý được với nhau là để các sinh viên tự chọn như vậy có phải là ý kiến tốt hay không. Một số trường hoàn toàn chấp nhận phương cách này. Nhiều trường khác không có chính sách nào về việc dùng trang mạng xã hội để chọn bạn cùng phòng nhưng sẽ cho ý kiến nếu người sinh viên gọi hỏi. Ðại học University of Marylannd đã thành lập trang mạng xã hội dành riêng cho các sinh viên được nhận vào để họ có thể tự tìm hiểu nhau và tìm bạn cùng phòng. Tại đại học University of Virginia, số lời yêu cầu sắp xếp bạn cùng phòng theo lựa chọn của người sinh viên năm đầu đại học đã tăng hơn gấp đôi trong năm năm. Năm ngoái, theo quyền giám đốc đặc trách ký túc xá sinh viên, Patricia Romer, các sinh viên được cho hay là nhà trường có thể không đáp ứng được hết các yêu cầu này. Cho các tân sinh viên góp phần vào việc quyết định ai là người ở chung phòng với mình có thể giúp giảm đi sự tranh chấp, theo một số giới chức lo về ký túc xá. Họ nói thêm rằng các sinh viên thường thành thật hơn trong cuộc trao đổi trò chuyện với một sinh viên khác thay vì trên các bản câu hỏi do nhà trường đưa ra mà cha mẹ họ có thể nhìn thấy. Sống chung với một người lạ luôn luôn có những vấn đề không lường trước được, nhưng để người sinh viên tự chọn sẽ giúp cho họ có cố gắng sống chung hòa đồng hơn. Nhưng các giới chức khác lại lo ngại rằng các sinh viên có thể chú trọng vào những lãnh vực sai lầm khi chọn bạn cùng phòng-như chọn người có cùng ban nhạc thần tượng thay vì ăn ở sạch sẽ, thích tụ tập bè bạn qua đêm thay vì có những giờ giấc nhất định. Các tân sinh viên khóa ra trường năm 2015 đã tìm kiếm và chọn nhau ngay từ tháng Một năm nay, và thành lập các nhóm trên Facebook. Nhiều trang này xem giống như các trang tìm bạn hẹn hò, với các câu hỏi sinh viên đặt ra cho nhau về sở thích, tính tình, thích xem chương trình truyền hình gì, có thói quen uống rượu, hút thuốc hay không, và ngay cả thích phòng màu gì. Khi Melanie Blair tìm bạn để ở cùng phòng tại đại học University of Southern California (USC) vài năm trước, một số cô gái khác còn muốn biết là cô mặc quần jean cỡ số mấy. “Có mấy cô muốn bạn cùng phòng của mình có cùng cỡ quần áo và giầy dép để có thể mặc chung với nhau,” theo lời cô Blair, 21 tuổi, sinh viên năm thứ tư. Cô cũng nói rằng có một lần bị từ chối vì có vóc dáng khác nhau. Dĩ nhiên là việc chọn bạn cùng phòng qua các trang mạng xã hội cũng không thoát khỏi sự dòm ngó của bậc cha mẹ. Paul Lynch, giám đốc các dịch vụ khuôn viên đại học và ký túc xá, nói rằng cũng có các bậc cha mẹ gọi điện thoại cho trường, than phiền là nhìn thấy cô/cậu XYZ nào đó trên trang MySpace và cho rằng “không thích hợp để được xếp ở cùng phòng” với con của họ.
|