Thêm sinh viên khá giả ghi danh
Một thống kê mới được công bố thời gian gần đây cho thấy thành phần sinh viên thuộc các gia đình tương đối khá giả quyết định vào học các trường đại học cộng đồng 2 năm thay vì vào thẳng các trường đại học 4 năm, một chỉ dấu của sự thay đổi thái độ về loại trường từ lâu nay bị coi là trường “nhà nghèo.”
Bên trong thư viện đại học Santa Ana College. Thống kê cho thấy dân Mỹ đang thay đổi thái độ đối với đại học cộng đồng, ngày càng thêm sinh viên gia đình khá giả cũng đi học trường của “nhà nghèo.” (Hình: Neall Library)
Kết quả một cuộc thăm dò trên toàn quốc do công ty Sallie Mae, chuyên cho sinh viên vay tiền học, cho thấy rằng có tới 22% sinh viên từ các gia đình có lợi tức khoảng $100,000 một năm hay cao hơn đang theo học đại học cộng đồng niên khóa 2010-2011, so với con số 11% của năm trước đó. Ðây cũng là mức cao nhất trong trong các cuộc thăm dò từ bốn năm nay. Trong tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài, ngay cả những gia đình tương đối khá giả cũng trở nên ngần ngại khi phải vay tiền cho con đi học đại học.
Các trường đại học Mỹ nay thấy rằng số gia đình sẵn sàng trả nguyên học phí cho con em vào học, có thể lên đến $55,000 một năm ở các trường tư, đang ngày càng ít đi. Và cũng có thêm nhiều sinh viên ở nhà với cha mẹ và đi học trường gần nhà. Các giới chức đại học cộng đồng ở vùng Washington không hỏi sinh viên về lợi tức hàng năm của gia đình họ, nhưng họ cũng nhìn thấy các chỉ dấu của chiều hướng này. Tại đại học Montgomery College tiểu bang Maryland, các giới chức trách nhiệm trợ cấp tài chánh sinh viên thấy có sự gia tăng đều đặn của sinh viên từ các gia đình với lợi tức từ $60,000 trở lên. Ở trường Northern Virginia Community College (NOVA), giới chức thu nhận sinh viên cũng nhìn thấy sự gia tăng trong hồ sơ xin học của sinh viên từ các gia đình khá giả. “Thành phần trung lưu ở khu ngoại ô của chúng tôi đang nhận ra giá trị của NOVA,” theo lời ông George Gabriel, phó giám đốc Văn Phòng Nghiên Cứu, Kế Hoạch và Thẩm Ðịnh của nhà trường. Ðối với các gia đình chú trọng đến phí tổn, đại học cộng đồng nay cho thấy rõ ràng giá trị của mình. Các đại học công lập hai năm thường có mức học phí vào khoảng $5,000 cho mỗi năm, chỉ bằng một phần mười giá của các trường tư nổi tiếng.
Các trường này cũng thường dạy cùng các lớp căn bản đại cương như các trường đại học bốn năm, nhưng với số sinh viên trong lớp ít hơn, và được các giáo sư giảng dạy chứ không phải do phụ tá giảng viên - thường là các sinh viên trên cử nhân - phụ trách như ở các đại học lớn. Ông John Rossi ở vùng Springfield, giáo sư đại học nghỉ hưu, có đủ tiền để gửi cô con gái 18 tuổi của mình vào các đại học như George Mason University (học phí hơn $8,000 một năm) hay Roanoke College, một đại học tư với học phí khoảng $44,000 một năm. Nhưng ông đề nghị con chọn trường đại học cộng đồng Northern Virginia Community College cho khóa mùa Thu này, với học phí gần $5,000 một năm. “Tôi thật sự nghĩ rằng hai năm ở đại học cộng đồng tốt hơn là hai năm đầu tiên ở một đại học bốn năm,” ông Rossi cho hay. Các đại học cộng đồng, nhiều nơi có cả các chương trình học rút cho các học sinh giỏi ở trung học, hiện đang cạnh tranh được với các trường đại học bốn năm để dành các học sinh tốt nghiệp trung học với hạng cao. Các sinh viên này sau đó có thể chuyển sang các đại học danh tiếng và hoàn tất bậc cử nhân của họ với phí tổn thấp hơn. Các giới chức đại học cho hay cuộc suy thoái kinh tế làm thay đổi cách suy nghĩ của các gia đình khá giả về việc trả tiền đại học.
Họ trở nên lo ngại hơn về nợ tiền học và không muốn phải trả nguyên giá. Nhiều gia đình dành nhiều thời giờ hơn để kiếm các trường cho họ kết quả đầu tư cao hơn vào việc học và giảm giá tiền học. Cuộc điều tra của Sallie Mae cũng cho thấy các gia đình khá giả chi 18% ít hơn vào đại học trong niên khóa 2010-2011 so với niên khóa trước, lần đầu tiên sự suy thoái này được ghi nhận.
|