Công Chúa Audrey |
Tác Giả: Quỳnh Giao /Người Việt | |||
Thứ Năm, 10 Tháng 12 Năm 2009 15:49 | |||
Audrey Hepburn là người sinh ra để đóng vai công chúa với nét thanh quý và vóc dáng mảnh khảnh. Bị ảnh hưởng của văn hóa Pháp, chúng ta đều đã say mê truyện “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” của ông Alexandre Dumas và còn nhớ khá nhiều tác phẩm điện ảnh của Tây và của Mỹ liên quan tới truyện này. Cũng từ thành tích hào hiệp tài hoa của chàng tân binh ngự lâm quân tên là d'Artagnan mà mình lại có cảm tình với bà Hoàng Hậu Anne d'Autriche. Rồi nghi ngờ Hồng Y Richelieu và còn có ý thương mến mối tình quý phái của bà Hoàng Hậu Pháp với Quận Công Buckingham của Vương Quốc Anh... Một bà Hoàng Hậu Pháp lại tư tình với Quận Công của nước thù nghịch mà vẫn làm chúng ta thương cảm thì đấy là mãnh lực của tình yêu hay của văn chương? Cái gì là thật trong chuyện này? Bây giờ, hãy đặt giả thuyết rất vu vơ là nếu bà hoàng hậu đa tình ấy không tặng người tình chuỗi vòng có nạm 12 viên kim cương - khiến chàng hiệp sĩ d'Artagnan phải khổ công vượt biển đem về - mà bà lại gửi cho Quận Công Buckingham những lá thư tình nóng bỏng. Theo kịch bản ấy thì trong cõi văn chương của người phàm chúng ta, biết đâu chừng lại chẳng có nhiều tác phẩm rất trữ tình khác? Thế rồi, nếu người ta lại tìm ra những lá thư tình hoen màu thời gian và nước mắt của người đàn bà không có hạnh phúc trong triều đình Paris cách đây mấy trăm năm thì thiên hạ nghĩ sao? Nếu nhà Christie's lại có mấy lá thư này đem bán đấu giá tại thủ đô Anh Quốc thì tỷ phú nào của Mỹ sẽ mua về?... Trong một giây phút lãng mạn, người viết cột mục “Tạp Ghi” này bỗng tưởng tượng ra chuyện hư cấu ấy khi đọc thấy trên báo rằng một lá thư tình của Audrey Hepburn vừa được bán đấu giá hôm Thứ Ba mùng 8 vừa qua. Tình tiết của lá thư thật ra không có gì là “võ hiệp kỳ tình” như giả thuyết Hoàng Hậu Anne gửi thư đẫm lệ cho người tình ở bên kia chiến tuyến. Nhưng khi lãng mạn thì mình có thể tưởng tượng ra nhiều chuyện lắm... Vào đầu thập niên 50, Audrey Hepburn đã yêu một kỹ nghệ gia người Anh tên là James Hanson và sau hơn một năm hứa hôn, hai người chuẩn bị làm lễ thành hôn. Thế rồi, ngày mùng 6 Tháng Mười Một, năm 1952, nàng bỗng rùng mình lo sợ và nghĩ lại. Rồi viết thư cho người tình. Hay là mình chấm dứt tất cả, hả anh? Tình yêu có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi. Việc đoạn tuyệt tình yêu cũng thế, chính Audrey Hepburn cũng không hiểu nổi và sau này ân hận mãi. Lá thư đoạn tuyệt ấy vừa được bán tại London với giá thật là quá rẻ, có gần bốn ngàn Anh kim hay là sáu ngàn Mỹ kim mà thôi. Nhưng cũng trong lố hàng của Audrey được bán đấu giá còn có một số y phục đắt giá hơn nhiều, kể cả một tấm áo cưới nàng không bao giờ mặc... Ðắt gấp bảy lần lá thư đoạn hôn đầy hối tiếc của một trong những nữ tài tử khả ái nhất của điện ảnh quốc tế. Những người còn nhớ tới Audrey Hepburn thì không thể quên được nàng công chúa Âu Châu trong phim “Roman Holiday” được thực hiện vào đúng thời điểm 1952, khi nàng từ hôn người tình. Truyện phim xoay quanh mối tình thanh thoát như gió thoảng của nàng công chúa tại đất Âu Châu cổ kính với một nhà báo Mỹ, do Gregory Peck thủ diễn. Một truyện tình lãng mạn... Ðáng lẽ, Elizabeth Taylor được mời đóng vai nàng công chúa. Nhưng, trong dịp tuyển lựa tài tử, đạo diễn William Wyler đã cho Audrey diễn thử rồi kinh ngạc về nét duyên dáng, hồn nhiên và rất ngây thơ của nàng. Ông liền quyết định, rằng đây mới là nàng công chúa trong truyện! Một người có con mắt tinh đời khác chính là tài tử Gregory Peck. Khi ông đang trên đỉnh cao của danh vọng và Audrey Hepburn chưa là gì cả, Gregory Peck đã yêu cầu là phải in trên bích chương quảng cáo tên nữ diễn viên này ngang với tên mình vì ông tiên đoán rằng nàng xứng đáng lãnh giải Oscar! Và ông đoán không sai. Không hiểu là giữa hai người về sau có tình ý gì không - nhiều phần thì là không vì Greogry Peck là một nghệ sĩ rất nghiêm túc chừng mực - nhưng khi Audrey Hepburn qua đời, ông đã đọc thơ bên huyệt nàng, với nước mắt lưng tròng... Tình bạn của hai người là cái gì đó rất đẹp. Audrey Hepburn là người sinh ra để đóng vai công chúa với nét thanh quý và vóc dáng mảnh khảnh. Thật ra, phong cách vóc hạc sương mai ấy của nàng là hậu quả của chiến tranh! Audrey Hepburn sinh tại Bỉ nhưng từ một gia đình quý phái Hòa Lan và trong Thế Chiến Thứ Hai, gia đình bị chết kẹt tại Hòa Lan dưới sự thống trị của Ðức Quốc Xã. Nàng bị đói ăn và suy dinh dưỡng nặng, vậy mà vẫn cố học vũ điệu ballet rồi còn lên sân khấu trình diễn để quyên tiền - và kín đáo yểm trợ phong trào kháng chiến của Hòa Lan chống quân xâm lược Ðức Quốc Xã. Chính là những năm hàn vi còm cõi ấy mới khiến Audrey Hepburn có lòng nhân ái đặc biệt với trẻ em đói ăn của các nước nghèo. Nàng trở thành đại sứ Thiện Chí của Quỹ Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc và lăn xả vào các làng mạc hẻo lánh nghèo nàn của Phi Châu, Á Châu để cứu giúp thiếu nhi. Cũng vì vậy mà Audrey Hepburn đã từng qua Việt Nam vận động việc cung cấp nước sạch cho trẻ em. Với các thiếu nhi đói rách bệnh tật trong đáy địa ngục, Audrey Hepburn là một bà tiên, một nàng công chúa. Nghệ sĩ có thể đóng kịch được. Nhưng khi nàng sà vào ôm ấp các em nhỏ bụng sình giun sán, da dẻ lở lói cho ruồi bu thì lòng mẫn cảm thật của Audrey Hepburn đã toát ra ngoài và không thể lừa nổi các em bé. Chúng nhìn đời bằng cái tâm, qua ánh mắt, hơn là qua khả năng diễn xuất của người lớn. Nhờ vậy, hơn là nhờ những vai công chúa trên sân khấu hay trong ống kính, Audrey Hepburn vẫn là hiện thân của một nàng công chúa. Nếu tìm hiểu sâu xa hơn, và lá thư từ hôn vừa được rao bán có thể là một cơ hội, thì mình biết rằng nàng là một công chúa không mấy hạnh phúc. Giọt lệ thương mình và giọt nước mắt thương người có thể giống nhau như hai giọt nước. Hạt kim cương hay mảnh pha lê cũng thế. Thấy ra sự khác biệt ấy thì mới hiểu được lẽ nhân sinh...
|