Nữ hoàng của tôi |
Tác Giả: Lê Phan | |||
Chúa Nhật, 20 Tháng 12 Năm 2009 11:23 | |||
Là công dân Anh, Nữ Hoàng Elizabeth Ðệ Nhị quả là nữ hoàng của tôi. Nhưng câu nói đó đối với công dân Anh còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn nhiều bởi ở một khía cạnh nào đó, nữ hoàng quả là nữ hoàng của dân Anh. Nữ Hoàng Elizabeth Ðệ Nhị nhận hoa từ một bé gái trước khi bà lên xe lửa đến King's Lynn tại Norfolk. (Hình: Stefan Rousseau - WPA Pool/Getty Images) Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ. Hôm Thứ Năm tuần rồi, dân chúng Luân Ðôn được một chuyện ngạc nhiên vui vẻ khi thấy nữ hoàng đến đón chuyến xe lửa bình thường đi từ Luân Ðôn về Norfolk để dự Giáng Sinh với gia đình. Nữ Hoàng Elizabeth có một đoàn xe lửa riêng, đoàn xe lửa của hoàng gia cũng như chiếc phi cơ Airforce One của tổng thống Hoa Kỳ, là tiêu biểu của uy quyền quốc gia mà nữ hoàng đại diện. Nhưng nữ hoàng đã từ chối không sử dụng đoàn xe lửa đó. Thay vì vậy bà đón chuyến tàu 10:45 đi King's Lynn từ nhà ga King's Cross của công ty xe lửa tư nhân First Capital Connect. Chuyến xe lửa này tôi đã từng đi vì nó cũng là một trong những đường xe đi qua thành phố Cambridge. Ðây là một đường xe lửa bình thường của Anh, không có gì đặc biệt cả. Vé hạng nhất mà nữ hoàng dùng chỉ có được thêm chỗ rộng rãi hơn thôi chứ cũng không có gì đặc biệt. Nữ hoàng dùng đường xe lửa này để đi đến Sandringham, tòa nhà riêng của gia đình nơi mà hàng năm toàn thể hoàng gia vẫn tụ tập về để ăn Giáng Sinh và đón Năm Mới. Nữ hoàng tới trạm 10 phút trước khi xe chạy, một đoàn xe nhỏ, không có gì ồn ào. Trước khi lên tàu, một nhân viên của công ty đã trao cho bà một bó hoa nhỏ chào đón. Bà tự bước từ cửa vào, leo lên xe, ngồi cạnh cửa sổ, bên cạnh có một nhân viên bảo vệ yếu nhân, trước khi tàu chạy đúng giờ. Câu chuyện này tiêu biểu cho thái độ của nữ hoàng. Là một người có tinh thần trách nhiệm cao nhưng thường cũng rất tế nhị. Cựu Thủ Tướng Harold MacMillan đã từng viết “Nữ hoàng là người vô cùng cương quyết. Bà rất bực mình với thái độ coi bà như là một tài tử. Thực sự bà có ‘trái tim và tấm lòng của một người đàn ông’. Bà say mê trách nhiệm của mình và nhất quyết làm một nữ hoàng.” Thái độ đó bộc lộ ngay từ khi còn thơ ấu. Một cuốn sách của bà Marion Crawford, người hồi nhỏ làm thụ giáo cho nữ hoàng và Công Chúa Margaret, em bà, đã kể lại là “Công Chúa Elizabeth thích chó, thích cưỡi ngựa và có tinh thần trách nhiệm.” Cố Thủ Tướng Winston Churchill diễn tả Công chúa Elizabeth năm mới lên hai tuổi là “đầy cá tính. Cô đã có một hào quang uy quyền và một thái độ suy tư thật đáng ngạc nhiên ở một đứa bé.” Lớn lên, trong Thế Chiến Thứ Hai, bà đã tham chiến, được huấn luyện để lái xe và làm thợ máy. Vào ngày chiến thắng, bà và cô em đã xin phép bố mẹ lẻn ra khỏi Ðiện Buckingham để trà trộn vào đám đông dân chúng ăn mừng chiến thắng. Sau này bà kể lại “Chúng tôi xin phép bố mẹ cho đi ra ngoài để tự chứng kiến. Tôi còn nhớ chúng tôi chỉ sợ bị nhận ra. Tôi còn nhớ tham gia vào đoàn người khoác tay nhau đi dọc đại lộ Whitehall, tất cả chúng tôi bị cuốn đi trong một làn sóng hạnh phúc và thở phào nhẹ nhõm.” Mà đó là một vai trò bà đã duy trì ngay cả với các quốc gia khác trong Liên Hiệp Anh như Canada. Hồi thập niên 1970, khi ông Pierre Trudeau lên làm thủ tướng Canada, ông có ý muốn tách rời Canada ra khỏi Anh Quốc hơn nữa. Nữ hoàng đã chú ý đến cuộc tranh cãi về hiến pháp ở Canada, và các viên chức Canada khi sang Anh để bàn thảo về một qui chế mới cho Canada, đã khen là nữ hoàng hiểu biết về vấn đề này hơn là các viên chức chính phủ Anh. Chính ông Trudeau, mặc dầu chủ trương cộng hòa, cũng ghi nhận “Nữ hoàng ủng hộ cố gắng cải tổ hiến pháp của tôi. Tôi luôn luôn kính phục không những sự uy nghiêm của bà ở chỗ công chúng, nhưng còn kính phục hơn, sự hiểu biết của bà trong các cuộc đối thoại riêng.” Và ngay cả năm 1992 khi ba người con, hai ly dị, người thứ ba cuộc đời sóng gió, tòa lâu đài Windsor của hoàng gia bị cháy, và có nhiều chỉ trích hoàng gia cũng như chính bản thân, nữ hoàng đã đọc một bài diễn văn thẳng thắn trong đó bà nói một định chế phải chờ đợi bị chỉ trích nhưng đề nghị là những chỉ trích như vậy nên được trình bày với “một chút vui vẻ, nhẹ nhàng và hiểu biết.” Và sau khi Thái Tử Charles ly dị, rồi một năm sau, khi Công Nương Diana chết vì tai nạn xe hơi, nữ hoàng đã bảo vệ hai đứa cháu suốt năm ngày để chúng có thể khóc thương mẹ. Sự vắng mặt của hoàng gia đã tạo nên áp lực và hơn một tuần sau nữ hoàng đọc bài diễn văn trong đó bà bày tỏ nể trọng Diana và đau lòng cho hai đứa cháu. Bài diễn văn chân thành đã làm thay đổi thái độ của dân chúng từ tức giận sang kính nể. Dĩ nhiên như chính bà cũng công nhận, nữ hoàng cũng có những lúc bị chỉ trích và cũng có lúc đã không theo đúng được lòng dân. Nhưng bà đã nhận mình sai và đã tìm cách sửa chữa. So với các vị nguyên thủ quốc gia khác, có lẽ không mấy ai được như bà. Trong suốt thời gian trị vì kéo dài hơn nửa thể kỷ qua, nữ hoàng vẫn được sự kính nể của dân chúng. Thú thật chứ là công dân của một quốc gia, được một vị nguyên thủ như Nữ Hoàng Elizabeth Ðệ Nhị là một điều đáng mừng. Cũng như đa số dân Anh, tôi xin sẵn sàng ủng hộ bà và hy vọng bà tiếp tục trị vì. Ít nhất tôi sẽ không bao giờ phải xấu hổ vì bà ăn nói vớ vẩn kiểu ông chủ tịch nước của quê hương cũ.
|