Home Đời Sống Danh Nhân Tỉ phú Mỹ lang thang chợ Sài Gòn

Tỉ phú Mỹ lang thang chợ Sài Gòn PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 27 Tháng 4 Năm 2010 06:47
Giàu thứ 242 nước Mỹ, DeLuca cùng vợ khám phá Việt Nam theo cách riêng của mình
Khởi nghiệp bằng 1.000 USD vay từ một người quen lúc 17 tuổi, Fred DeLuca không nghĩ rằng 45 năm sau ông trở thành tỉ phú và là ông chủ của chuỗi hệ thống thức ăn nhanh với hơn 32.000 cửa hàng ở 91 quốc gia.
Nhà sáng lập Tập đoàn Subway đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 400 doanh nhân thành công và xếp thứ 242 trong danh sách người giàu nhất nước Mỹ với tài sản thuần lên đến 1,5 tỉ USD. Năm 2009, doanh thu toàn cầu của hệ thống này là 13,8 tỉ USD.


- Một chiều tháng 3 nóng nực, người đàn ông Mỹ cao lớn với đôi dép xỏ ngón đơn giản rảo bước đi vào chợ Cũ giữa trung tâm Sài Gòn. Ông ghé hàng cơm tấm, hàng thủy sản, hàng gạo hỏi han người bán hàng về cách ăn uống của người Việt.
 
DeLuca thích thú khi đi tham quan chợ Cũ (Q.1, SG)
 
Người đàn ông đó là Fred DeLuca, tỉ phú, đồng sáng lập chuỗi hệ thống thức ăn nhanh hàng đầu thế giới Subway. Đến Việt Nam để tìm cách triển khai dự án, DeLuca cùng vợ khám phá Việt Nam theo cách riêng của mình, sẵn sàng dừng chân trò chuyện với mọi người và bất chợt tạt ngang một điểm bán bánh mì để mua một ổ gặm ngon lành.
Họ cùng nhau tản bộ dọc những con đường trung tâm, quan sát quán ăn, nhà hàng và tự tay chọn mua những món quà. Chỉ vào đôi dép xỏ ngón đang đi, vị tỉ phú 62 tuổi hóm hỉnh khoe: “Tôi mua đôi này 250.000 đồng đấy. Tôi biết giá này hơi cao, giá trị của nó có thể 140.000 đồng thôi, nhưng anh bán hàng dễ thương và đây cũng là một kỷ niệm vui ở Việt Nam đấy chứ”.

Trong ba ngày ngắn ngủi ở Việt Nam, ông ăn bánh mì hai lần và có thể nói rành rọt hai tiếng “bánh mì” bằng tiếng Việt. Ông cũng “kết” gỏi măng và các món xúp. Ông hóm hỉnh trong ngày cuối ở Việt Nam: “Tôi đang phát phì rồi, món ăn Việt Nam ngon quá”.

DeLuca khá thích thú khi khám phá chợ Cũ (Q.1, TP.HCM). Ông đến từng sạp, bắt chuyện với từng người bán hàng. Rất quan tâm đến thức ăn nhanh kiểu Việt, ông tò mò hỏi người Việt thích ăn loại gạo nào, tại sao người Việt thích cơm tấm (món ăn ông được một người bạn giới thiệu trước)... Bị cuốn hút vì hương thơm tỏa ra từ miếng thịt sườn nóng hổi trên vỉ nướng bên lề đường, ông vội hỏi ngay anh nướng thịt các gia vị ướp thịt và chăm chú nhìn thao tác của anh này.

Mark McGrath, một cộng sự của ông ở TP.HCM, cho biết DeLuca muốn biết mọi thứ, ngồi trên xe hay tản bộ ông đều không ngừng hỏi những câu rất cụ thể như: “Phở bò nghĩa là gì? Cơm tấm nấu từ loại gạo nào? Tại sao người ta vào quán kia đông thế?”...

Cơ duyên của ông đến Việt Nam cũng thật lạ. Ông tâm sự: “Chúng tôi đã có rất nhiều nhà hàng trên khắp thế giới và chỉ muốn tập trung phát triển nó tốt hơn. Nhưng một người bạn tôi đưa ra lời khuyên là nên mở cửa hàng ở Việt Nam. Thế là tôi đến đây”.

Ông đến và trải nghiệm những gì mà người bạn đã khoe với ông về Việt Nam. “Tôi bị ẩm thực Việt Nam mê hoặc, các món ăn rất ngon. Tôi cũng đã thử bánh mì thịt và bị thuyết phục vì nước sốt của nó. Con người ở đây thì quá tuyệt rồi, rất cởi mở và hiếu khách. TP.HCM lớn hơn tôi nghĩ và đông dân, có rất nhiều xe máy”.
 
DeLuca hỏi người bán hàng:  “Anh ướp gì trong miếng thịt này mà thơm vậy?” - Ảnh: Như Bình

Trò chuyện với tỉ phú Fred DeLuca:
“Phải biết mình muốn gì trong tương lai”


* Điều gì ông học được khi mở nhà hàng đầu tiên?

- Là bạn phải chọn một vị trí tốt và xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ để quản lý chất lượng sản phẩm cũng như lợi nhuận. Mất vài năm tôi mới nhận ra điều này. Khi mở cửa hàng đầu tiên, tôi phát hiện nó ở vị trí quá khuất, không thu hút nhiều người. Một thời gian sau tôi quyết định mở cửa hàng thứ 2, thứ 3 thì cửa hàng đầu tiên mới hoạt động ổn định.

* Thế nhưng trước Subway, tại Việt Nam đã có nhiều thương hiệu thức ăn nhanh đến trước và chọn những mặt bằng đẹp?

- Ôi, vậy cơ hội nào cho tôi đây (cười). Vừa rồi tôi và vợ muốn mua một đôi dép, chúng tôi phát hiện một con đường chỉ toàn bán giày, dép và thu hút rất đông khách. Không chọn được tiệm này bạn có thể sang tiệm bên cạnh. Tương tự như thế, nếu các cửa hàng thức ăn nhanh của những thương hiệu khác chọn hết những địa điểm tốt thì cách tốt nhất là mở những cửa hàng ngay cạnh họ. Như thế cũng có nghĩa họ đã làm cái công việc khó khăn nhất là chọn địa điểm tốt, Subway chỉ việc mở cửa hàng bên cạnh mà thôi.


DeLuca trò chuyện với một tiểu thương. Ông muốn biết cơm tấm được nấu từ loại gạo nào - Ảnh: Như Bình

* Một tỉ phú sẽ dạy con thế nào?

- Tôi có một con trai, hiện là kỹ sư máy tính. Tôi không ép buộc cháu phải theo sự nghiệp của mình. Điều quan trọng nhất tôi muốn ở con mình là phải tôn trọng, cởi mở và hòa đồng với tất cả mọi người vì mỗi người đều có những khả năng và tài năng riêng. Một khi cháu nhìn nhận được giá trị bản thân của mọi người, hiểu được điểm mạnh riêng của từng người thì cháu sẽ biết cách phát huy khả năng của họ trong lĩnh vực thế mạnh. Cháu thành nhân, đó mới là hạnh phúc của ông bố, bà mẹ.


* Với trải nghiệm sau 45 năm trong lĩnh vực kinh doanh, ông muốn chia sẻ cùng những người khởi nghiệp trẻ điều gì?

- Năm 1965 vì muốn trang trải việc học của mình tôi đã nghĩ đến việc mở một cửa hàng nhỏ. Một người chú (sau này là người góp vốn) đã gợi ý sao không mở cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt, mặc dù lúc đó có khá nhiều thương hiệu nổi tiếng rồi.

Chú tôi đã giúp tôi nhận ra được điều quan trọng nhất là phải có mục tiêu kinh doanh dài hạn. Mở một cửa hàng không quá khó, nhưng lớn hơn là phải biết mình muốn gì trong tương lai. Nghĩa là bạn phải có tầm nhìn và đó chính là mục tiêu để ta phấn đấu.

Tất nhiên, trong quá trình điều hành không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ thuận lợi. Một khi ta nhìn nhận ra vấn đề nằm chỗ nào thì phải tìm ra giải pháp, có khi phải thay đổi cả chiến lược để đạt mục tiêu. Ví dụ khi mới mở cửa hàng đầu tiên, tôi đặt mục tiêu mở 32 cửa hàng trong vòng mười năm nhưng sau tám năm tôi chỉ mở được 16 cửa hàng. Nếu tiếp tục như vậy sẽ không đạt mục tiêu và tôi nghĩ đến hình thức nhượng quyền dù trước đó tôi là người không ủng hộ mô hình này chút nào.

Trong kinh doanh, để thành công cần bắt đầu từ thị trường trong nước, luôn tìm những người khách gần nhất, cố gắng chăm chút từng người khách một, sau đó mới mở rộng ra nước ngoài. Khi tiếp cận một người tiêu dùng mới, trước hết hãy cho họ nhận thức về thương hiệu của bạn và hãy cho mọi người cơ hội thử sản phẩm, họ sẽ giới thiệu với bạn bè và quay trở lại dùng trong những lần tiếp theo. Mục tiêu của Subway luôn là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh có số lượng nhiều nhất ở bất cứ nơi đâu chúng tôi đặt chân đến và chúng tôi luôn xem trọng đối thủ của mình.

* Là một doanh nhân thành công, có khi nào ông cảm thấy có điều gì đó mình đáng ra phải làm nhưng chưa thực hiện được?


- Việc tôi lẽ ra phải làm từ nhiều năm qua là giảm việc đến lúc nghỉ hưu sớm. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình phải làm việc nhiều như vậy. Vì thật ra tạo ra 32.000 cửa hàng hay 40.000 cửa hàng cũng không khác nhau nhiều lắm. Đó đều là những con số khá lớn. Tôi chỉ nghĩ rằng mình đã làm việc này 45 năm rồi, nếu có làm thêm năm năm nữa thì sẽ đạt con số 50 tròn trĩnh. Nhưng rồi nếu đạt đến đó, có thể tôi sẽ hướng đến con số 100.
Tôi từng từ bỏ kế hoạch học y trở thành một bác sĩ. Và khi công việc kinh doanh tốt đẹp, tôi nghĩ rằng kinh doanh bánh mì kẹp thịt đem lại nhiều hứa hẹn hơn, thế là tôi gắn bó với nó. Chưa bao giờ tôi hối tiếc về điều đó.

* Cuộc sống của một tỉ phú như cách ông bà đang sống có quá giản dị không?

- Tôi và vợ tôi đều nhận thức mình có nhiều tiền, nhưng chúng tôi không hướng đến cuộc sống vật chất nhiều. Tôi không cảm thấy có nhu cầu cho những thứ xa xỉ. Tôi không biết tại sao nhưng đối với tôi xa hoa là một chuyện không quan trọng và không cần thiết. Nhiều tỉ phú mua nhà khắp nơi trên thế giới, có máy bay riêng... nhưng đối với tôi chuyện đó không đáng quan tâm lắm. Tôi có hai chiếc xe, một chiếc ở California và một chiếc ở Connecticut. Tôi vẫn tự lái xe đi làm hằng ngày. Tôi thích hằng ngày tự mình đi kiểm tra các hương vị, nguyên liệu đầu vào cho cửa hàng. Tôi vẫn muốn dành thời gian nhiều cho gia đình như sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi muốn về ăn cơm với gia đình.

Tôi thích bóng rổ và cùng gia đình đi xem phim vào những lúc rảnh rỗi. Dù tôi có một rạp xem phim ở nhà nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ra ngoài xem phim. Tôi thường đi xem trong tư thế đồng hồ điểm còn 10 phút nữa là suất chiếu bắt đầu, thế là hối hả chạy.

* Ông sẽ đầu tư các cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam. Nhưng nhiều người cho rằng sự phát triển của mô hình thức ăn nhanh sẽ ảnh hưởng đến lối sống của người dân đô thị. Ăn nhanh cũng có nghĩa là họ “sống nhanh”?

- Tôi nghĩ thức ăn nhanh nghĩa là một bữa ăn không mất nhiều thời gian để chuẩn bị, mọi người chỉ cần ghé qua 1-2 phút là có, không như trong các quán ăn, nhà hàng để có một bữa ăn bạn phải mất 15-20 phút. Bạn có thể chọn món nhanh nhưng nên... ăn chậm.

Tôi nghĩ vấn đề không phải sống nhanh hay sống chậm mà cách chúng ta ứng xử với cuộc sống và mọi người thế nào. Mỗi khi đối diện với mọi người xung quanh, mình luôn có hai giải pháp hoặc là có thái độ cởi mở, chân thành hoặc là khó chịu, khép kín. Khi chọn cách ứng xử không tốt, bản thân cũng sẽ cảm thấy không thoải mái và người kia cũng vậy. Vậy tại sao chúng ta không thể đối xử tốt với mọi người. Lạc quan và trân trọng những người xung quanh thì mọi vấn đề trong cuộc sống được giải quyết một cách nhẹ nhàng.