Home Đời Sống Danh Nhân Trạng nguyên Lê văn Thịnh - Oan khiên đến tận bao giờ?

Trạng nguyên Lê văn Thịnh - Oan khiên đến tận bao giờ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải Thanh Thủy   
Thứ Bảy, 08 Tháng 11 Năm 2008 07:26

Những điều trông thấy

Bắc Ninh - cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, một vùng đất quan họ hiền lành trù phú, nơi 9 đời vua nhà Lý đóng đô... một vùng huyền sử đẹp như mơ với những tên gợi nhớ, ăn sâu vào tiềm thức của bao người dân Việt, từ chùa Phật Tích, núi Thiên Thai, sông Cầu, sông Thương, sông Nguyệt Như, suối Hoa, suối Tương Tư, đường Nguyên phi ỷ Lan, phố Lê văn Thịnh v.v.. Có lẽ chưa vùng quê Việt Nam nào lại ẩn chìm nhiều bóng dáng chùa chiền, đền phật, tín ngưỡng đến thế. Tổng cả tỉnh Hà Bắc cũ (gồm hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cộng lại) có 241 xã thì có tới 259 ngôi chùa lớn nhỏ, nhiều xã có tới 2-3 ngôi chùa .

Vốn là cây bút xông xáo, lại viết được, nói được, nên khi còn là phóng viên Báo đảng, dù chỉ là thứ báo hạng xoàng như Cựu "chán" binh, Lao động thủ đô, Người cao tuổi v.v.. tôi vẫn được ban biên tập báo Bắc Ninh để ý, và đến hẹn lại lên, vào dịp tết, hay kỷ niệm ngày thành lập báo, nhóm văn nghệ sĩ thủ đô chúng tôi lại được ban lãnh đạo báo Bắc Ninh gửi giấy mời hoặc gọi điện thoại thông  báo để xuống viết bài tham dự trong dịp báo xuân, báo tết cho thêm phần rôm rả, sang trọng, vì dù sao cũng là người của thủ đô, nhất nước về sự thanh lịch và trí tuệ..

Để có tư liệu viết bài, bao giờ cũng vậy, chúng tôi được ban biên tập cử phóng viên đưa xuống tận cơ sở miếu mạo đình chùa hoặc các phân xưởng sản xuất đồ gỗ Đồng Kỵ, xí nghiệp làm giấy vở học sinh, trung tâm kỹ nghệ chuyên đúc đồng, nặn tượng v.v.. Trong một lần như vậy, chúng tôi  tìm đến đền thờ Lê văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, một trong những  huyện lớn, nằm ngay gần thành phố Bắc Ninh.

Con đường dốc thoai thoải dẫn lên một ngọn đồi yên tĩnh nơi đền toạ lạc, tôi nhàn tản bước vào năm gian Tiền đường và ba gian hai trái Hậu đường, mắt chú ý vào từng chi tiết trang trí, điêu khắc hiện rõ nét trên các bộ vì, bức cốn, bẩy hiên, lòng thầm phục sự tinh tế, sắc nét điêu luyện của những người thợ xưa, cách đây cả vài trăm năm. Dưới bàn tay họ, những bức hình trang trí theo mẫu thức truyền thống như Long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai hiện lên thật  điệu đà phong phú, sinh động, mang rõ nét dấu ấn nghệ thuật của thời nhà Nguyễn.

Khi bước tới gian miếu thờ ở bên ngoài, tất cả cánh văn nghệ sĩ chúng tôi đều nổi da gà khi bức vải được vén lên, một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rồng lớn đang nằm co quắp, một thế rồng khác với tất cả các con rồng cuộn, hoặc rồng bay khác mà tôi đã nhìn thấy từ hàng trăm ngôi đình chùa lớn nhỏ tại Việt Nam, dù là rồng cách điệu theo thời nhà Trần hay nhà Lý, nhà Nguyễn v.v.. Một tư thế uất kết, miệng cắn lấy đuôi, 4 móng vuốt quắp chặt vào thân đau đớn, đôi mắt đỏ, đục, nhoà đi vì căm hận. Khiến ai nhìn thấy cũng phải rùng mình kinh sợ.

Cùng đi với tôi có chị Trương thị kim Dung - người của tỉnh Bắc Ninh làm báo phụ nữ thủ đô - người rất am hiểu lịch sử nước nhà, nên đã kịp nói qua đôi điều về tiểu sử của ngôi đền Lê văn Thịnh cũng như miếu thờ con rồng đặc biệt này.

Nỗi oan khiên từ cả nghìn năm không giải toả được vẫn còn hiển hiện.
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Theo sử sách để lại thì Lê Văn Thịnh sinh khoảng năm 1038, quê ở xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Gia Bình (nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Năm Ất Mão (1075), sau khi định đô ở Thăng Long được vài chục năm, lúc này đã yên bề xã tắc, nhà Lý chú trọng đến việc giáo dưỡng dân chúng, đào tạo người hiền tài cho đất nước, nên đã cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước nhà, vừa khẳng định sự độc lập, cũng là thoát  ra khỏi sự lệ thuộc với phương bắc nên gọi là khoa thi Tam trường hoặc Minh Kinh bác học. Người đỗ thủ khoa năm ấy cũng là ông nghè đầu tiên của nền học vấn đại Việt là Lê văn Thịnh. Vốn là người có tài, lại gặp triều đình sáng suốt, biết trọng nguyên khí quốc gia, nên chỉ sau 10 năm ông đã lập công  lớn và  trở thành Thái sư, tức là thầy dạy học cho chính các công chúa hoàng tử trong  triều (1085).

Trước đó, ngay khi ông đỗ thủ khoa, năm 1076, triều đình nhà Tống từ Trung Quốc sai Quách Quỳ (cấp trưởng) và Triệu Tiết (cấp phó) tại sứ Quảng Nam (tức khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay) làm chiêu thảo sứ, đem hàng vạn quân cùng 9 tướng lãnh đạo, hợp với quân Chiêm Thành và quân của Chân Lạp cùng ùa sang xâm lấn Đại Việt để trả thù về việc bị Lý Thường Kiệt và Tông Đản đem quân tấn công các châu Ung, Khâm, Liêm của nhà Tống năm trước, nhằm phủ đầu mưu đồ xâm lược của nhà Tống. Trên sông Như Nguyệt (Bắc Ninh) nơi triều đình nhà Lý đóng đô, Lý Thường Kiệt đã dàn quân, cùng các tướng lĩnh đánh tan hết trận này, trận khác khiến cả đội quân hùng, tướng mạnh của các sứ quân do Quách Quỳ chỉ huy phải thất điên bát đảo. Cuối cùng, để  bảo vệ mạng sống, đích thân Quách Quỳ phải ra lệnh lui quân lên vùng biên giới phía bắc và chiếm châu Quảng Nguyên của Việt Nam (nay là hai tỉnh Cao Bằng, và Lạng Sơn) để lẩn trốn, định đô.

Trên cơ sở thừa thắng xốc tới, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy nhân nghĩa để thay cho cường bạo, mùa xuân năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tống Nguyên đi sứ sang trung quốc, đem theo 5 con voi thuần chủng biếu vua quan nhà Tống, để giảng hoà và xin họ trả lại phần đất của Việt Nam đã bị lấn chiếm cùng hàng nghìn người dân bị bắt về Trung Quốc trước đó. Năm 1079 nhà Tống trả lại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nhưng nhất định không chịu trả lại phần đất đai mà người dân buộc phải dâng cho nhà Tống. Vì thế, tháng 6 năm 1084, sau 5 năm giằng co, lưỡng lự, Lê Văn Thịnh với cương vị là thị lang bộ Binh liền đến trại Vĩnh Bình cùng vua quan nhà Tống bàn việc cương giới. Tuy binh lực nhà Tống lúc đó đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, song với bản chất tham lam, tàn bạo, họ chỉ đồng ý trả lại phần đất đã xâm lấn chứ nhất định không nhượng lại phần đất cưỡng chiếm của thổ dân với lý do: "Đất ấy là của thổ dân "tự ý" đem sát nhập vào nhà Tống để tỏ lòng thuần phục chứ họ đâu có ỷ thế lấn chiếm. Vì thế, với  kiến thức và sự lịch lãm, khoan dung cao độ, Lê Văn Thịnh đã trả lời Thành Trạc - sứ giả nhà Tống: Đã là đất thì phải có chủ, các viên quan được triều Đình nhà Lý giao cho giữ đất để bảo vệ biên thuỳ mà lại đem nộp cho nhà Tống và trốn đi thì đất ấy đích thực là vật ăn trộm. Việc này, luật pháp Đại Việt không những không cho phép, mà còn làm dơ bẩn sổ sách của vua quan nhà Tống nữa vì đã nhập nhầm phần đất do thổ dân ăn trộm. 

Bàn đi tính lại, cuối cùng, cách trả lời cứng cỏi, đầy đủ lập luận, lý lẽ của Lê văn Thịnh khiến nhà Tống cứng họng. Đơn giản vì luật pháp đã quy định rõ ràng. Tất cả các quan viên, khi nhận một phần lãnh thổ để canh giữ, nếu đem bán hoặc hủy bỏ đều có tội. Trong trường hợp này, các thổ quan - vốn là những người được Lý Nhân Tông tin dùng - cho cai quản các châu quận ở nơi biên ải xa, đã không giữ được sự tin cẩn của triều đình lại  tự tiện đem đất đai của tổ tiên dâng cho nhà Tống, để xin thuần phục là xâm phạm vào lãnh thổ của Đại Việt. Còn việc nhà Tống  tự tiện chiếm giữ đất ấy là bất hợp pháp, không minh bạch, không đáng giá, không xứng đáng với sự hoà hợp của hai dân tộc.

Nhờ phân biệt rõ ràng các khái niệm khế ước ủy nhiệm, ký thác hay quyền sở hữu mà Lê Văn Thịnh đã buộc Nhà Tống phải trả nốt 6 huyện, 3 động đã chiếm của đại Việt theo đúng ý mình. Nhân sự việc này người dân Tống có thơ rằng:

Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên

Nghĩa là chỉ vì tham 5 con voi thuần chủng của người Giao chỉ (tức người Việt Nam ) mà triều Đình nhà Tống của Trung quốc phải bỏ lại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn (Quảng  nguyên) chứa đầy vàng bạc, châu báu trong lòng đất.
(Còn tiếp)

© 2008 www.danchimviet. com


*Hồ Tây còn có tên là dâm đàm, vì cả ngày chỉ trừ giờ chính ngọ là sương tan, còn 23 giờ còn lại, đặc biệt là buổi sáng sớm và sẩm tối, lúc nào sương mù cũng bao phủ, như thơ xưa từng viết:
"Mịt mù khói toả ngàn sương
 Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
"