Ý nghĩa tôn giáo và văn hóa của lễ Giáng sinh |
Tác Giả: Thiện Ý |
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 19:33 |
Mùa Giáng Sinh thường khởi sự từ tuần lể đầu và kết thúc vào tuần lể cuối cùng của tháng 12 hàng năm. Đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, Mùa Giáng Sinh khởi sự bằng tuần lể thứ nhất của Mùa Vọng và kết thúc bằng tuần lễ thứ tư của Lễ Giáng Sinh.
Trong thời gian này, các tín đồ thường chuẩn bị tâm hồn trong sạch để đón mừng Chúa đến, theo ý nghĩa Thánh Vịnh về Giáng Sinh, rằng ‘‘ đồi cao san cho bằng, thung lũng lấp cho đầy, đường cong uốn cho thẳng, hãy dọn đường cho Chúa đến ’’. Thể hiện ý nghĩa này, các giáo dân thường có thói quen tham dự các cuộc cấm phòng hay tĩnh tâm, xưng tội rước lễ, hãm mình đền tội và làm nhiều việc lành phúc đức, hòa giải với anh em, chia xẻ cơm ăn áo mặc với anh em nghèo khổ, khốn cùng. Hôm nay đã bước vào ngày đầu của tuần lễ lễ thứ tư và cũng là tuần lễ cuối cùng của mùa Giáng Sinh. Các Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam tại thành phố Houston và các vùng phụ cận, thuộc Giáo Phận Galveston Houston, đều thiết kế những cây thông và hang đá trang hoàng đèn sao lấp lánh, vốn là những biểu tượng không thể thiếu trong Mùa Giáng Sinh. Đặc biệt tại thành phố Houston này, từ nhiều năm qua, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hàng năm đã long trọng tổ chức đại Lễ Giáng Sinh, tập trung hàng chục ngàn giáo dân. Năm nay, đại Lễ Giáng Sinh Năm 2010 cũng sẽ được tổ chức tại Geoge Brown Convention Center ở Down Town Houston. Đại Lễ Giáng Sinh sẽ diễn ra từ 4 Giờ chiều tối ngày Thứ Sáu 24 Tháng 12 năm 2010,do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Daniel N. Dinardo chủ tế,cùng với sự đồng tế của các linh mục Việt Nam trong và ngoài Giáo phận Mặt khác, vượt lên trên ý nghĩa tôn giáo, Giáng Sinh đã đi vào truyền thống văn hoá nhân loại, để trở thành ngày vui chung của mọi người trên trái đất. Riêng tại Hoa Kỳ, hàng năm Mùa Giáng Sinh khởi sự sau Lễ Tạ Ơn( Thanks Giving) vào cuối tháng 11, người ta bắt đầu chuẩn bị đón mừng Lễ Giáng Sinh vào cuối tháng 12, là ngày 25 tháng 12. Bầu không khí Giáng Sinh bắt đầu lan toả khắp nơi nơi, khi các cửa hàng ở các trung tâm thương mại, các siêu thị, bắt đầu trang hoàng những hình ảnh, màu sắc biểu tượng Giáng Sinh: như cây thông giăng mắc đèn mầu lấp lánh, Ông Già Noel bằng hình ảnh hay hình nộm hoặc người thật hoá trang sống động, với nhạc Giáng Sinh réo rắt khắp nơi nơi. Trong khi đó, các tư gia cũng trang trí cây thông giáng sinh trong nhà và treo đèn kết hoa ra tận cửa, trước sân, trên mái nhà, với ánh đèn chớp sáng đủ màu. Một số gia đình, nhất là các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo truyền thống Đông Phương như Việt Nam ta, thì vẫn giữ lại phần nào lối trang trí Giáng Sinh truyền thống như nhửng Giáng sinh năm nào ở quê nhà, với hang đá Bethlhem có máng cỏ bò lừa và hình tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, hai bên có cha nuôi và Mẹ Người là Thánh Giuse và đức Maria, cùng Ba Vua và các Thiên Thần bao quanh thờ lậy. Ngoài hang đá trên cao là hình Thiên Thần thổi loa loan báo tin vui và lời chúc tụng ‘‘ Vinh danh Chúa Cả trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’’. Đồng thời cũng là để chuẩn bị cho Ngày Giáng Sinh, từ mấy tuần trước lễ Giáng Sinh, người ta lo gửi thiệp chúc mừng đến thân nhân, bạn bè ở xa và mua quà tặng cho nhau. Và vì vậy, đối với các nhà kinh doanh, đây là một trong những mùa gặt hái lợi nhuận thương vụ lớn nhất trong năm. Tất nhiên, trái ngược lại, đối với giới tiêu thụ, thì đây lại là dịp phải tiêu tốn tiền bạc nhiều, theo hấp lực của mùa ‘ ‘ Big sale’’, để làm công việc mua sắm theo truyền thống Giáng Sinh vốn là như thế. Tựu chung, Giáng Sinh không còn là ngày lễ riêng của tôn giáo, của những người tin vào mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần cứu chuộc nhân loại, mà đã trở thành ngày Lễ Hội vui chung cho toàn thể nhân loại trên trái đất. Bởi vì Giáng Sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, để trở thành một truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân loại. Và vì vậy, Mùa Giáng Sinh, chính là thời khỏang mà mọi người dù có niềm tin hay không vào mầu nhiệm giáng sinh, đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này.
|