Án tử hình: Khoa học – Sự công bằng – Giáo Lý Công Giáo |
Tác Giả: Lưu Hiền Đức | |||
Thứ Bảy, 05 Tháng 9 Năm 2009 15:09 | |||
Khoa học Một người tử tù da đen ở Dallas, tiểu bang Texas vừa được giải oan sau 23 năm ngồi tù vì buộc tội hiếp dâm và cướp của. Anh Thomas McGowan được thả ra vào năm ngoái và đang chuẩn bị nhận số tiền đền bù hơn 1,8 triệu Mỹ kim. Anh sẽ được đền bù khoảng 80 ngàn Mỹ kim cho mỗi năm anh bị giam cầm, và gần 50 ngày Mỹ kim trợ cấp hàng năm từ nay cho đến hết cuộc đời. Texas là tiểu bang hào phóng nhất trong số 27 tiểu bang có luật đền bù người bị bắt giam oan uổng. Anh Steven Phillips, bị giam gần 24 năm vì tội xúc phạm tình dục và trộm cắp cũng sẽ nhận khoảng 1,9 triệu Mỹ kim. Người nhận nhiều nhất trong lịch sử là anh James Woodard. Anh được đền bù gần 2,2 triệu Mỹ kim sau khi ở tù 27 năm vì bị buộc tội giết người oan uổng vào năm 1980. Đây là những trường hợp điển hình trong số 38 người đã được tiểu bang Texas trao trả tự do sau khi các cuộc điều tra bằng DNA (mã di truyền) chứng minh họ vô tội. Tất cả những cựu tù nhân này đều thừa nhận họ không thể tự quản lý cuộc đời mình nên chính phủ cũng đã cử những chuyên gia tài chính quản lý tài sản cho họ cũng như khuyến khích họ nhận tiền hàng năm thay vì nhận một số tiền lớn cùng một lúc. Họ trở về với nhiều cảm xúc lẫn lộn, vui vì gặp được người thân mà họ dường như không có hy vọng được gặp lại. Buồn vì đã uổng phí gần nửa đời người và tuổi trẻ vì bị buộc tội oan uổng. Năm 2004, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật khuyến khích các tiểu bang điều tra DNA đối với những tử tù hoặc những tội nguy hiểm. Ở Texas, gần một nửa số tử tù nộp đơn xin được điều tra DNA đã được giải oan. Kiểm chứng bằng DNA đã cứu thoát một thanh niên 17 tuổi ở Houston bị buộc tội nhầm tội danh hiếp dâm. Chúng ta sẽ nghĩ gì nếu tất cả các tử tù trên đều đã bị hành hình cách đây hơn 20 năm? Sự công bằng Nếu có ai giết chết con chúng ta hoặc người thân của chúng ta, chúng ta muốn kẻ phạm tội phải đền tội như thế nào? Theo thống kê mới nhất 75 phần trăm người Mỹ muốn kẻ đó bị tử hình. Cách đây hơn 40 năm, con số ủng hộ tử hình chỉ là 60 phần trăm. Không chỉ người dân mà ngay cả chính phủ cũng có khuynh hướng làm luật để tăng án tử hình đối với những tội phạm nguy hiểm. Đa số đưa ra lý do là nhằm làm cho những ai có ý định phạm tội phải run sợ trước án tử hình. Những người chống lại án tử hình thì cho rằng án tử hình thật sự là 1 cách trả thù man rợ như đã đề cập trong Kinh Thánh: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Sự thật là rất nhiều quốc gia hủy bỏ án tử hình đã thống kê thấy tỉ lệ phạm tội nguy hiểm giảm đáng kể. Giáo lý Công Giáo Theo hướng dẫn của các Giám Mục Hoa Kỳ thì án tử hình đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu. Vào năm 1980, các Giám Mục Hoa Kỳ đã thông qua giáo huấn rằng: Từ rất lâu, truyền thống Kitô hữu đã thừa nhận quyền của các chính phủ là bảo vệ người dân bằng cách sử dụng án tử hình trong một số trường hợp thật nghiêm trọng, tuy nhiên, án tử hình nên được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trong bối cảnh hiện nay. Vì án tử hình có thể ngăn cản tử tù phạm thêm tội khác, nhưng án tử hình có chắc chắn sẽ làm những kẻ khác run sợ mà không gây ra những tội ác nghiêm trọng không? Các Giám Mục nhận định rằng có bốn lý do để cân nhắc: - Thứ nhất, tội phạm có nguồn gốc rất phức tạp từ sự nghèo đói, bất công, chúng ta nên diệt tận gốc nguyên căn hơn là chỉ cắt tỉa hậu quả của nó. - Thứ hai, Thánh kinh đã dạy rằng mỗi con người đều lạ tạo vật giống hình ảnh Chúa tự ngay khi thụ thai trong bụng mẹ. Chúng ta phải tôn trọng phẩm giá của tạo vật này. - Thứ ba, Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Con người được mời gọi để bảo vệ sự sống qua việc phục vụ lẫn nhau chứ không phải quyết định mạng sống của người khác. - Thứ tư, loại bỏ án tử hình là chúng ta đang noi gương của Chúa Giêsu vì Chúa là nguồn mọi sự tha thứ và cứu chuộc, là tình yêu và lòng vị tha “Chúng ta không thể giết người để dạy cho người ta thấy cái sai của việc giết ngườii. Chúng ta tự hạ thấp mình qua cái vòng luẩn quẩn bạo lực này, nhất là con cái chúng ta” (trích “Đối diện với Văn Hóa Bạo Lực” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tháng 11 năm 1994).
|