Home Đời Sống Pháp Luật BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ THƯƠNG SỰ TỐ TỤNG - VNCH - Thiên 7

BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ THƯƠNG SỰ TỐ TỤNG - VNCH - Thiên 7 PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Nam Cộng Hòa   
Thứ Sáu, 06 Tháng 11 Năm 2009 06:02

 

THIÊN THỨ VII

THỦ TỤC LINH TINH


CHƯƠNG THỨ NHỨT

ĐỀ CUNG HIỆN VẬT VÀ KÝ THÁC

Điều thứ 461 – Con nợ muốn tránh hoặc chấm dứt sự truy sách, trong trường hợp chủ nợ không chịu nhận số tiền hoặc đồ vật giao trả, có thể đề cung hiện vật. Nếu chủ nợ từ khước sự đề cung con nợ sẽ được giải nhiệm sau khi ký thác số tiền hoặc đồ vật đã đề cung, theo các thể thức đã dự liệu trong chương này.

Điều thứ 462 – Các đề cung hiện vật chỉ có giá trị nếu hội đủ các điều kiện sau đây:

1. Sự đề cung phải thực hiện nơi tay chủ nợ có năng lực để thâu nhận, hoặc nơi tay người nào có quyền thu nhận nhân danh chủ nợ.
2. Sự đề cung phải thực hiện do một người có năng lực để trả số nợ còn thiếu.
3. Sự đề cung phải bao gồm toàn bộ số tiền thiếu, tính luôn số nợ gốc, tiền lời và sở phí đã thanh toán cùng một đồng bạc tượng trưng các sở phí chưa thanh toán sẽ được bổ túc sau.
4. Sự đề cung phải được thực hiện đúng theo các điều kiện của món nợ ; nếu khế ước có dự định một hạn kỳ lợi ích cho chủ  nợ,con nợ chỉ có thể đề cung sau khi hạn kỳ đã mãn;
5. Sự đề cung phải thực hiện tại nơi ấn định để trả nợ hoặc nếu không có sự thỏa thuận, nơi cư sở thực sự hoặc quyền tuyển định của chủ nợ.
6. trong mọi trường hợp, sự đề cung phải khả chấp và đầy đủ.

Điều thứ 463 – Sự đề cung sẽ được chứng minh bằng một biên bản của thừa phát lại.

Nếu là đồ vật biên bản phải mô tả thế nào để không bị thay thế bằng một món khác, nếu là tiền mặt biên bản phải ghi giấy bạc loại nào và mỗi thứ có mấy tờ, nếu là chi phiếu phải ghi số chi phiếu, tên ngân hàng sẽ trả tiền và ngày tháng kiểm nhận.

Biên bản phải ghi rõ sự chấp nhận hay hay lý do từ khước của chủ nợ. chủ nợ sẽ ký vào biên bản, nếu từ khước hay không biết ký biên bản sẽ ghi rõ.

Điều thứ 464 – Trong trường hợp chủ nợ từ khước, sự đề cung tiền bạc chứng khoán, văn kiện hoặc nữ trang, con nợ sẽ đem ký thác các món này tại phòng lục sự tòa án nơi trả nợ, hoặc nơi cư sở của chủ nợ.

Nếu sự đề cung bằng chi phiếu bị khước từ, con nợ phải ký thác một số tiền mặt tương đương.

Lục sự phải ghi sự ký thác vào một quyển sổ riêng biệt và cấp biên lai cho đương sự.

Điều thứ 465 – Lục sự sẽ gửi trát đòi các đương sự ra trước phiên xử về dân sự gần nhất của tòa sơ thẩm, để nghe xét xử về giá trị của sự đề cung. Sở phí về thủ tục sẽ do con nợ ứng trước cùng một lúc với sự ký thác.

Điều thứ 466 – Nếu chủ nợ từ khước sự đề cung một vật xác định như là súc vật, hàng hóa, thực phẩm hay bất cứ động sản nào khác hơn những loại đã kể trong điều 464 trên đây, con nợ sẽ xin chánh án tòa sơ thẩm một án lệnh phê đơn cho phép ký thác vật ấy nơi tay một đệ tam nhân, hoặc tại nhà hay kho của chính con nợ.

Sau khi ký thác, con nợ sẽ đốc thúc chủ nợ đến lãnh trong thời hạn tám ngày sau đó con nợ sẽ vào đơn khởi tố để xin phê chuẩn.

Trong trường hợp đồ vật phải được giao một chỗ nhất định, thừa phát lại khỏi mang đến cư sở của chủ nợ, mà chỉ cần đốc thúc người này đến chỗ đó để nhận lãnh.

Điều thứ 467 – Nếu mon đồ để lâu ngày sẽ hư hao hoặc mất giá, con nợ có quyền sau khi từ chối sự đề cung, triệu hoán ngắn hạn người này ra trước tòa cấp thẩm để xin phát mãi.

Tiền thâu được sẽ ký quỹ vào phòng lục sự để chờ kết quả đơn xin phê chuẩn sự đề cung.

Điều thứ 468 – Sự đề cung nếu được phê chuẩn sẽ giải nhiệm cho con nợ như là một sự trả nợ, và chủ nợ sẽ chịu mọi sự rủi ro xảy đến cho vật ký thác kể từ ngày đề cung. Cũng kể từ ngày này con nợ khỏi phải trả tiền lời của số nợ gốc.

Ngoài ra, chủ nợ còn phải trả tất cả sở phí về việc đề cung và sự ký thác.

CHƯƠNG THỨ II

SỰ CHUẨN HÀNH CÁC ÁN VĂN NGOẠI QUỐC

Điều thứ 469 – Các án văn do tòa án ngoại quốc tuyên xử chỉ có hiệu lực chấp hành trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã được chuẩn hành.

Phải được chuẩn hành chẳng những các án văn có hiệu lực chấp hành trên tài sản và thân thể của con nợ, mà luôn cả các án văn truyền một thể thức công bố trên những sổ bộ công lập, như các sự ghi chú đăng ký, sửa đổi hay bôi bỏ.

Điều thứ 470 – Án văn ngoại quốc chỉ được chuẩn hành nếu hội đủ các điều kiện sau đây:

1. Án văn được tuyên xử do một tòa án có thẩm quyền chiếu theo các nguyên tắc tư pháp quốc tế áp dụng cho Việt Nam, ngoại trừ trường hợp chắc chắn rằng đối phương không nêu khước biện vô thẩm quyền ;
2. trong án văn không có điều gì trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
3. Các đương sự đã được đòi hợp lệ ra trước tòa án và đã xuất đình hoặc bị tuyên bố khuyết tịch hợp lệ ; dầu xử khuyết tịch, án văn cũng phải viện dẫn lý do ;
4. án văn đã có uy lực quyết tụng và có thể chấp hành theo luật pháp của quốc gia nơi án văn đã được tuyên xử.
5. chưa có một tòa án Việt Nam nào được thụ lý chính vụ tranh tụng đã được tòa án ngoại quốc giải quyết.

Điều thứ 471 -  Án văn sẽ được chuẩn hành dầu rằng tòa án ngoại quốc đã theo các nguyên tắc  phân tranh luật pháp khác với nguyên tắc áp dụng tại Việt Nam, ngoại trừ trường hợp tòa án ngoại quốc đã áp dụng một luật ngoại quốc trong khi Việt Nam phải được áp dụng, chiếu theo nguyên tắc phân tranh luật pháp của Việt Nam.

Điều thứ 472 – Tòa án có thẩm quyền để chuẩn hành là tòa sơ thẩm, xử việc dân sự, không kể đến tính chất và cấp bực của tòa án ngoại quốc.

Tòa án có thẩm quyền về địa hạt là tòa sơ thẩm Sài Gòn hoặc tòa sơ thẩm Huế, tùy theo việc chấp hành phải thực hiện trong quản hạt Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn hay Tòa Thượng Thẩm Huế.

Điều thứ 473 – Người xin chuẩn hành phải vào đơn chuẩn tố đối phương theo thủ tục thông thường. tuy nhiên nếu án văn ngoại quốc không làm thiệt hại đến quyền lợi của đệ tam nhân, đơn sự có thể nạp đơn xin chuẩn hành theo thủ tục nguyên đơn.

Điều thứ 474 – Đương sự phải kèm theo đơn xin chuẩn hành:

1. một bản đại tự án văn;
2. truyền phiếu tống đạt án văn cho bị đơn, hay văn kiện nào khác có giá trị như truyền phiếu này;
3. một chứng chỉ không kháng tố và kháng cáo, hay văn kiện nào khác chứng minh rằng án văn ngoại quốc có uy lực quyết tụng và có thể chấp hành;
4. một bản sao trát đòi ra phiên tòa, nếu bị đơn đã bị xử khuyết tịch.

Tất cả các văn kiện phải được dịch ra tiếng Việt Nam, chữ ký của thông dịch viên phải được thị nhận do thẩm phán có thẩm quyền. Chữ ký của thẩm phán này lại phải được thị nhận do Bộ ngoại giao của quốc gia liên hệ. Sau cùng bản dịch phải có chiếu khán của đại diện ngoại giao Việt Nam tại quốc gia nói trên.

Điều thứ 475 – Tòa án có thể buộc đương sự xin chuẩn hành phải xuất hành một chứng chỉ về luật pháp ngoại quốc được áp dụng.

Chứng chỉ này sẽ được cấp phát do ba luật gia của quốc gia liên hệ, hoặc do vị đại diện ngoại giao của quốc gia này tại Việt Nam; chứng chỉ của các luật gia sẽ được thị nhận và chiếu khán theo thể thức ấn định nơi điều 474 trên đây.

Điều thứ 476 – Theo nguyên tắc tòa án không xét lại nội dung vụ tranh tụng mà chỉ kiểm soát coi án văn xin chuẩn hành có hội đủ các điều kiện trên đây hay không; sự nhận xét về điểm này sẽ được ghi chú trong bản án.

Tuy nhiên, nếu bị đơn trong vụ tranh tụng là một pháp nhân hay thể nhân Việt Nam, tòa án cỏa thể xét lại nội dung án văn ngoại quốc.

Điều thứ 477 – Nếu xét án văn ngoại quốc hội đủ điều kiện cần thiết, tòa án sẽ truyền chuẩn hành.

Tòa án có thể chỉ truyền chuẩn hành một phần của án văn ngoại quốc mà thôi.

Nếu án văn ngoại quốc truyền một biện pháp công bố, tòa án có thể buộc đương sự xin chuẩn hành phải công bố lại tại Việt Nam, mặc dù biện pháp này đã được thực hiện tại ngoại quốc.

Điều thứ 478 – Án văn được chuẩn hành sẽ có hiệu lực đối với các đương sự trong vụ tranh tụng và có uy lực quyết tụng tại Việt Nam cũng như các án văn do tòa án Việt Nam tuyên xử.

Điều thứ 479 – Án văn xét xử về đơn xin chuẩn hành có thể bị kháng án theo các phương cách thông thường.

Điều thứ 480. – Những chứng thư do các công lại ngoại quốc lập ra , cũng phải được chuẩn hành mới có hiệu lực chấp hành tại Việt Nam.

Điều thứ 481 – Thủ tục dự liệu trong chương này không áp dụng đối với các đương sự có quyền viện dẫn một hiệp định quốc tế giữa Việt Nam và một quốc gia khác, có dự liệu một thủ tục chuẩn hành giản dị hơn.

CHƯƠNG THỨ III

SỰ TRỌNG TÀI

Điều thứ 482 – Bất cứ người nào cũng có thể, bằng một khế ước trọng tài thỏa thuận để giải quyết những vụ tranh chấp liên quan đến những quyền mà mình có năng cách để hành xử.

Điều thứ 483 – Tuy nhiên người ta không thể ký kết một khế ước trọng tài về nợ cấp dưỡng, về ly thân và ly hôn, về thân trạng, và về những vụ phải được thông tri cho công tố viện.

Điều thứ 484 – Khế ước trọng tài bắt buộc phải ký kết bằng văn tự dưới hình thức một tư hay công chứng thư, hoặc một vi bằng thiết lập trước trọng tài đã được chon cử.
Khế ước phải chỉ rõ đối tượng vụ tranh chấp, cùng danh tánh của trọng tài, nếu không sẽ vô hiệu.

Điều thứ 485 – Thời hạn để trọng tài phải xét xử vụ tranh chấp sẽ là ba tháng kể từ ngày ký kết khế ước trọng tài, nếu các đương sự không có ấn định một thời gian nào.

Điều thứ 486 – Các đương sự có quyền chọn cử một hay nhiều trọng tài mà tổng số có thể là một số chẵn.

Trọng tài chỉ có thể bị bãi nhiệm với sự đồng ý của tất cả các đương sự đã ký kết khế ước trọng tài.

Điều thứ 487 – Một khi đã khởi sự hành nhiệm, trọng tài không thể tự ý rút lui nếu không chứng minh được lý do chính đáng.

Trọng tài có thể bị cáo tị vì những duyên cớ được quy định trong bộ luật này cho việc cáo tị thẩm phán; tuy nhiên, chỉ có thể chấp nhận những duyên cớ cáo tị phát sinh kể từ ngày ký kết khế ước trọng tài.

Điều thứ 488 – Đương sự và trọng tài sẽ tuân theo những thời hạn và thể thức thường lệ áp dụng trước các tòa án, trừ phi khế ước có dự liệu khác.

Điều thứ 489 – Những hành vi thẩm thấu và những biên bản sẽ do toàn thể các trọng tài cùng chung thi hành và thiết lập, trừ phi khế ước cho phép họ ủy thác cho một người trong thành phần họ.

Điều thứ 490 – Nếu có xảy ra một sự tố cáo giả mạo, dù cho chỉ có tính cách phụ đới dân sự, hay một đới tranh hình sự nào khác, hoặc nếu có một vấn đề tiên quyết  thuộc thẩm quyền của tòa dân sự thủ tục trọng tài phải tạm đình chỉ để cho các đương sự tùy nghi khiếu tố. Thời hạn của thủ tục trọng tài sẽ tiếp tục khởi tiến kể từ ngày có quyết định giải quyết vụ đới tranh.

Điều thứ 491 – Khế ước trọng tài sẽ chấm dứt vì những duyên cớ sau đây:

1) Sự từ trần, từ khước, rút lui hay bị cản trở của một trong những trọng tài, nếu khế ước trọng tài không có dự liệu sự chọn cử một trọng tài khác thay thế, hoặc không có định rằng một trọng tài khác thay thế, hoặc không có định rằng thủ tục vẫn tiến hành với những trọng tài còn lại.
2) Sự mẫn hạn của thời gian ước định hay thời gian ba tháng nói ở điều 485 trên đây.
3) Sự đồng số phiếu giữa các trọng tài, nếu khế ước không dự liệu rằng các trọng tài được quyền chọn cử một đệ tam trọng tài.

Điều thứ 492 – Sự từ trần của một đương sự không chấm dứt khế ước trọng tài, nếu các thừa kế đều thành niên; thời hạn của sự trọng tài sẽ tạm đình chỉ cho đến khi đối phương đốc thúc các thừa kế đó tham dự vào thủ tục.

Điều thứ 493 – Trọng tài phải xét xử căn cứ vào những tài liệu do các đương sự xuất trình.

Điều thứ 494 – Quyết định trọng tài sẽ được tất cả các trọng tài ký tên. Nếu có hơn hai trọng tài, và nếu thiểu số không chịu lý, các trọng tài đa số sẽ ghi chú việc đó và quyết định sẽ là giá trị như là tất cả đều có lý.

Trong mọi trường hợp, quyết định trọng tài không thể bị kháng tố.

Điều thứ 495 – Nếu có sự đồng ý số phiếu giữa các trọng tài và nếu khế ước cho phép, các trọng tài sẽ chọn cử một đệ tam trọng tài ngay trong quyết định tuyên bố có sự đồng số phiếu.

Trong trường hợp họ không thể thỏa thuận về sự chọn cử, đệ tam trọng tài sẽ được chỉ định do chánh án tòa sơ thẩm nơi họp trọng tài, theo thỉnh cầu của đương sự mẫn cán nhứt.

Mỗi khi có sự đồng số phiếu, hai bên bất đồng ý kiến đều phải ghi rõ lập trường của mình, hoặc cùng trong một vi bằng, hoặc trong hai vi bằng riêng biệt.

Điều thứ 496 – Đệ tam trọng tài phải quyết định trong vòng một tháng kể từ ngày nhậm chức, trừ phi thời hạn đó được tăng thêm do văn thư bổ nhiệm.

Đệ tam trọng tài phải thảo nghị với tất cả trọng tài thuộc hai bên đối lập, trước khi quyết định. Các trọng tài phải được đối thúc đến nhóm họp, nếu họ không đến đệ tam trọng tài vẫn có quyền quyết định.

Trong mọi trường hợp, đệ tam trọng tài bắt buộc phải xử theo ý kiến của một trong hai bên.

Điều thứ 497 – Trọng tài và đệ tam trọng tài sẽ xét xử theo đúng luật pháp, trừ phi khế ước trọng tài có cho họ quyền quyết định theo đường lối dẫn hòa.

Điều thứ 498 – Quyết định trọng tài kể cả những quyết định tiên thẩm chỉ có hiệu lực chấp hành sau khi được chánh án tòa sơ thẩm nơi họp trọng tài chuẩn hành, bằng một án lệnh phê vào dưới quyết định.

Để xin án lệnh chuẩn hành, trọng tài phải ký nạp tại phòng lục sự nguyên bổn quyết định, trong vòng tám ngày sau khi tuyên đọc.

Nếu sự trọng tài đã giải quyết một vụ bị kháng cáo, quyết định sẽ được ký nạp như trên tại phòng lục sự Tòa thượng thẩm, án lệnh chưa chuẩn hành sẽ chấm dứt phê ký.

Trong thủ tục chuẩn hành, quyết định của trọng tài không cần phải thông tri cho công tố viện.

Quyết định trọng tài được chuẩn hành sẽ lưu trữ tại phòng lục sự vào hàng nguyên bổn để được cấp phát đại tự và toàn sao.

Sở phí về việc ký nạp và trước bạ đều do các đương sự gánh chịu.

Điều thứ 499 – Những tranh tụng liên quan đến sự chấp hành quyết định trọng tài sẽ thuộc quyền xét xử của tòa án nơi vị chánh án đã ban án lịnh chuẩn hành.

Điều thứ 500 – Quyết định trọng tài sẽ không có hiệu lực đối kháng với đệ tam nhân.

Điều thứ 501 – Quyết định trọng tài có thể bị kháng cáo lên:

1. Tòa sơ thẩm nếu vụ tranh tụng được giải quyết thuộc thẩm quyền tòa hòa giải.
2. Tòa thượng thẩm nếu vụ tranh tụng được giải quyết thuộc thẩm quyền tòa sơ thẩm
Tuy nhiên quyết định trọng tài không thể bị kháng cáo:
1. Nếu các đương sự đã từ bỏ quyền kháng cáo ngay trong trọng tài khế ước hay sau khi ký kết khế ước này.
2. nếu trọng tài đã quyết định theo đường lối dàn hòa.
3. Nếu trọng tài đã giải quyết một vụ bị kháng cáo hay bị xin thâu hồi nguyên án.

Điều thứ 502 -  Sự kháng cáo và xét xử kháng cáo sẽ làm theo thể thức và thời hạn dự liệu trong bộ luật này cho việc kháng cáo và xét xử kháng cáo các bản án sơ thẩm.

Điều thứ 503 – Quyết định trọng tài cũng có thể bị thâu hồi bằng phương sách xin thâu hồi nguyên án theo các thời hạn, thể thức và trường hợp thâu hồi nguyên án được dự liệu trong việc thu hồi các án văn.

Điều thứ 504 – Tuy nhiên quyết định trọng tài cũng có thể bị tiêu hủy trong những trường hợp sau đây mà không cần phải áp dụng phương sách kháng cáo hay thâu hồi nguyên án.

1. Nếu quyết định trọng tài đã được tuyên xử mặc dù không có một khế ước trọng tài nào, hoặc ngoài phạm vi dự định trong khế ước.
2. Nếu quyết định trọng tài đã căn cứ vào một khế ước trọng tài vô hiệu hay đã mãn hạn.
3. Nếu quyết định của trọng tài đã được tuyên do một số trọng tài không được phép xét xử nếu không có sự tham dự của các trọng tài khác.
4. Nếu quyết định của trọng tài đã được tuyên xử do một đệ tam trọng tài không có thảo nghị trước với hai bên trọng tài đối lập.
5. Nếu quyết định trọng tài đã xét xử về những điểm ngoài sự thỉnh cầu của các đương sự.

Trong những trường hợp vừa kể, các đương sự chỉ cần kháng tố án lệnh chuẩn hành để xin tiêu hủy quyết định của trọng tài, nội vụ sẽ được đem ra xét xử trước tòa nơi vị chánh án đã ký án lệnh này.

Điều thứ 505 – Án văn của tòa xử về việc kháng cáo hay thâu hồi nguyên án chống một quyết định trọng tài có thể bị thượng tố trước tối cao pháp viện.

CHƯƠNG THỨ IV

VỀ VIỆC NIÊM PHONG TÀI-SẢN


TIẾT I

SỰ GẮN NIÊM PHONG

Điều thứ 506 – Việc niêm phong tài sản người mệnh một, nếu cần phải có sẽ do chánh án tòa hòa giải hay thẩm phán thay thế thực hiện thẩm phán hòa giải có thẩm quyền là thẩm phán hòa giải nơi phải niêm phong.

Trong trường hợp bận việc hoặc có sự cấp bách, thẩm phán hòa giải có thẻ ủy quyền cho lục sự thực hiện công việc niêm phong, sự ủy quyền này không thể bị kháng án và sẽ được miễn trước bạ.

Điều thứ 507 – Thẩm phán hòa giải, hoặc những người được ủy quyền sẽ sử dụng một con dấu đặc biệt được chính họ giữ và có mẫu in được ký nạp tại phòng lục sự.

Điều thứ 508 – Có thể yêu cầu thực hiện niêm phong:

1. Những người có quyền lợi trong một di sản hay cộng đồng tài sản;
2. Tất cả các chủ nợ có chứng khoán chấp hành hoặc được chánh án tòa sơ thẩm hay tòa hòa giải nơi phải thực hiện sự niêm phong cho phép;
3. Những người cư ngụ chung với người quá cố hay người làm công cho Điều thứ người quá cố, trong trường hợp người phối ngẫu hay các thừa kế vắng mặt.

Điều thứ 509 – Những người có quyền lợi và các chủ nợ vị thành niên đã thoát quyền có thể yêu cầu niêm phong mà không cần có quản tài hỗ trợ.

Nếu những người trên đây là vị thành niên chưa thoát quyền, một người trong thân tộc của họ có thể xin niêm phong.

Điều thứ 510 – Sự niêm phong còn được thực hiện theo lời yêu cầu, hoặc của công tố viện, hoặc theo sự khai báo của tỉnh trưởng, đô trưởng, thị trưởng, quận trưởng hay xã trưởng hoặc đương nhiên do chánh án hòa giải, trong những trường hợp sau đây:

1. Nếu trẻ vị thành niên không có thủ hộ, và không có người trong thân tộc xin niêm phong.
2. Nếu người phối ngẫu thượng tồn, hay một hoặc tất cả các thừa kế vắng mặt.
3. Nếu người chết là một viên chức công thác,trong trường hợp này, sự niêm phong sẽ thực hiện vì lý do có sự ký thác và chỉ trên những đồ vật ký thác mà thôi.

Điều thứ 511 – Nếu niêm phong không được thực hiện trước khi chon cất, thẩm phán hòa giải sẽ ghi nhận vào biên bản ngày giờ được triệu thỉnh, hoặc việc gắn niêm phong.

Điều thứ 512 – Biên bản niêm phong sẽ ghi rõ:

1) Năm, tháng, ngày giờ
2) Các lý do của sự niêm phong;
3) Tên họ, nghề nghiệp, cư sở của người xin niêm phong, sử tuyển định cơ sở của người này tại nơi niêm phong nếu đương sự không trú ngụ tại đó;
4) Nếu không có đương sự nào đứng xin, sự niêm phong đã được thực hiện đương nhiên hay theo sự hiệu thỉnh của những viên chức nói ở điều 510.
5) Án lệnh cho phép niêm phong, nếu có;
6) Sự hiện diện và lời khai nại của các đương sự;
7) Những nơi, văn phòng, rương tủ, mà cửa và nắp đã được niêm phong;
8) Sự mô tả sơ lược những đồ vật không bị niêm phong;
9) Lời tuyên thệ, khi hoàn tất việc niêm phong, của những người cư ngụ tại chỗ rằng họ không có đoạt thủ bất cứ vật gì và họ cung không nghe thấy trực tiếp hay gián tiếp làm như vậy;
10) Sự chỉ định người khán thủ được giới thiệu nếu người này hội đủ những điều kiện cần thiết; hoặc sự đương nhiên chỉ định người khán thủ, nếu không có ai được giới thiệu hay người được giới thiệu không hội đủ điều kiện.

Điều thứ 513 – Chìa khóa của những ổ khóa bị niêm phong sẽ được giao cho lục sự cất giữ cho đến ngày mở niêm phong, và lục sự phải ký nhận và biên bản niêm phong.

Cho đến ngày mở niêm phong, thẩm phán hay lục sự đã thực hiện niêm phong cũng như lục sự giữ chìa khóa đều không được đến nơi niêm phong, ngoài trừ trường hợp bị triệu thỉnh, và sự lý khám phải được quyết định trước một án lệnh có viện dẫn lý do.

Điều thứ 514 – Trong lúc niêm phong, nếu nhận thấy có chúc ngôn hay giấy tờ được niêm kín, thẩm phán hòa giải sẽ ghi nhận hình thức bên ngoài của phong bì những ghi chú và con dấu nếu có, sẽ ký tắt trên phong bì với các đương sự có mặt nếu những người này biết ký và có thể ký; một biên bản về các sự kiện trên đây sẽ được thành lập với chữ ký của các đương sự có mặt, biên bản sẽ được từ khước ký tên nếu có, và ngày giờ các giấy tờ kể trên sẽ được đem nạp tại chánh án tòa sơ thẩm.

Điều thứ 515 – Vào ngày giờ ấn định trong biên bản nói trên và không cần đòi lại các đương sự, thẩm phán hòa giải đưa trình chánh án tòa sơ thẩm các giấy tờ niêm kín, chánh án tòa sơ thẩm mở ra, kiểm nhận tình trạng những tài liệu dựng bên trong, và nếu có tài liệu liên quan đến di sản, sẽ mô tả và truyền ký thác tại phòng chưởng khế sở tại hay tại phòng lục sự nếu không có phòng chưởng khế.

Điều thứ 516 – Nếu theo sự ghi chú bên ngoài hoặc theo những tài liệu viết khác, các phong bì niêm kín này có vẻ thuộc quyền sở hữu của đệ tam nhân, chánh án tòa sơ thẩm sẽ cho đòi người này đến dự kiến việc khai mở, nếu các văn kiện trong phong bì không liên quan đến di sản, chánh án sẽ giao cho đệ tam nhân, nếu người này vắng mặt, chánh án sẽ niêm kín trở lại để giao trả khi người này đến xin lãnh.

Điều thứ 517 – Khi tìm thấy một chúc ngôn không có niêm kín, thẩm phán hòa giải sẽ lập vi bằng mô tả và truyền ký thác y như đã dự liệu ở điều 515.

Điều thứ 518 – Không thể đặt niêm phong nếu biên bản toàn kê tài sản đã lập xong, ngoại trừ trường hợp biên bản này bị chỉ trích và chánh án tòa sơ thẩm ký án lệnh cho phép niêm phong.

Nếu có sự thỉnh cầu niêm phong trong khi đang lập biên bản toàn kê khai tài sản, sự niêm phong chỉ được thực hiện trên những đồ vật chưa được kê khai.

Điều thứ 519 – Nếu không có động sản nào cần phải niêm phong, thẩm phán hòa giải sẽ lập vi bằng khiếm khuyết tài sản.

Đối vơi những động sản cần thiết cho sự sống của những người còn ở trong nhà, hoặc đối với những động sản không thể niêm phong được, thẩm phán hòa giải cũng sẽ lập biên bản mô tả sơ lược.

Điều thứ 520 – Mỗi phòng lục sự tòa sơ thẩm đều phải giữ một quyển sổ ghi chép các sự niêm phong và trong vòng hai mươi bốn giờ (24) sau khi thực hiện sự niêm phong, chánh án phải truyền ghi vào sổ này:

1. tên họ, cư sở của nhữn người có đồ đạc bị niêm phong
2. ngày thực hiện việc niêm phong
3. tên, nơi ở của thẩm phán hành sự.

TIẾT II

SỰ PHẢN KHÁNG NIÊM PHONG

Điều thứ 521 – Sự phản kháng niêm phong có thể thực hiện bằng lời khai ghi vào biên bản niêm phong hoặc bằng truyền phiếu của thừa phát lại tống đạt nơi tay lục sự tòa án sở quan.
 
Điều thứ 522 – Mọi sự phản kháng của niêm phong phải được ghi rõ, nếu không sẽ vô hiệu:

1. Việc truyền định cư sở trong quản hạt của tòa án nơi thực hiện niêm phong, nếu đương sự phản kháng không cư ngụ tại đó;
2. Lý do, được hài ra rõ rệt, của sự phản kháng

NIÊM PHONG TÀI SẢN

TIẾT III

SỰ GỠ NIÊM PHONG

Điều thứ 523 – Niêm phong chỉ có thể được gỡ và bản toàn kê tài sản chỉ được lập ra ba (3) ngày sau lễ mai táng nếu đã gắn niêm phong trước khi đó, và ba ,ngày sau khi niêm phong nếu gắn sau lúc mai táng, nếu vi phạm, biên bản gỡ niêm phong và bản toàn kê sẽ vô giá trị, chưa kể rằng người triệu thỉnh, và người lập biên bản còn có thể bị bồi thường thiệt hại, trừ khi vì lý do khẩn cấp được ghi rõ trong án lệnh chánh án tòa sơ thẩm đã cho phép rút ngắn thời hạn. 

Điều thứ 524 – Nếu tất cả hay một vài thừa kế còn vị thành niên chưa thoát quyền, việc gỡ niêm phong không thể tiến hành trước khi họ có người giám hộ hay được thoát quyền.

Điều thứ 525 – Tất cả những người có quyền xin găn niêm phong đều có thể yêu cầu gỡ , ngoại trừ những người đã xin gắn niêm phong chiếu điều 508.

Điều thứ 526 – Các thể thức để đi đến việc gỡ niêm phong gồm:

1. Lời thỉnh gỡ niêm phong được ghi vào biên bản của thẩm phán hòa giải.
2. Án lệnh của thẩm phán ấn định ngày và giờ sẽ gỡ niêm phong;
3. Một tờ đốc thúc đến dự kiến việc gỡ niêm phong tống đạt cho người phối ngẫu thượng tổn, cho các thừa kế tiên định,cho người thi hành di chúc cho các người thụ di bao quát hay với tính cách bao quát, nếu được biết, và cho những người phản kháng.

Không cần phải gọi đến các đương sự ở cách xa hơn 50 cây số, những chánh án phải tự ý chỉ định một chưởng khế để thay mặt cho họ lúc gỡ niêm phong và lập bản toàn kê.

Những người phản kháng sẽ được gọi tại cư sở tuyển định của họ.

Điều thứ 527 – Người phối ngẫu, người thi hành di chúc, các người thừa kế, các người thụ di bao quát hay với tính cách bao quát và các người phản kháng đều có thể đích thân, hay do người được ủy quyền, dự kiến tất cả các buổi gỡ niêm phong và lập bản toàn kê.

Điều thứ 528 – Người phối ngẫu cộng đồng tài sản, các người thừa kế, người thi hành di chúc, các người thụ di bao quát hay với tính cách bao quát và các người phản kháng có thể thỏa hiệp cùng nhau chọn lựa một hay hai chưởng khế và một hay hai hổ giá viên hay giám định viên, nếu họ không thỏa thuận với nhau được, chánh án sẽ tùy theo bản chất các tài vật, tự ý chỉ định một hay hai chưởng khế, hổ giá viên hay giám định viên. Các giám định viên sẽ tuyên thệ trước thẩm phán hòa giải.

Điều thứ 529 – Biên bản gỡ niêm phong phải ghi:

1. ngày tháng;
2. tên họ, nghề nghiệp, trú quán và cư sở tuyển định của người triệu thỉnh;
3. Án lệnh truyền gỡ niêm phong;
4. Tờ đốc thúc dự liệu cho điều 526 trên đây;
5. Sự xuất tịch và lời khai nại của các đương sự;
6. Sự chỉ định các chưởng khế, hổ giá viên và giám định viên;
7. Sự kiểm nhận các dấu niêm phong nếu còn nguyên vẹn, hay nếu không còn tình trạng nguyên vẹn tình trạng các chỗ bị nguy cải, để tùy nghi đối phó với các sự nguy cải ấy;
8. Các thỉnh cầu khác có thể được đưa ra để xin xét định.

Điều thứ 530 – Các dấu niêm phong sẽ được gỡ lần lần để đồng thời lập bản toàn kê tài sản, các dấu niêm phong sẽ được gắn lại sau mỗi buổi nếu công việc chưa xong.

Điều thứ 531 – Nếu có các đồ vật và giấy tờ không thuộc di sản và có người đệ tam đòi, các đồ vật đó sẽ được giao cho sở hữu chủ, nếu không thể giao trả ngay nếu cần phải mô tả, sự mô tả này sẽ ghi vào biên bản gỡ niêm phong chớ không phải vào bản toàn kê.

Điều thứ 532 – Nếu lý do để gắn niêm phong đã chấm dứt trước khi niêm phong được gỡ hay trong lúc đang gỡ, các niêm phong này sẽ được gỡ mà không cần mô tả.

Điều thứ 533 – Tại những nơi chưa có tòa hòa giải, chánh án sơ thẩm hay thẩm phán thay thế sẽ lãnh nhiệm vụ của thẩm phán hòa giải định trong tiết 1,2 và 3 trên đây.

TIẾT 4

VỀ BẢN TOÀN KÊ

Điều thứ 534 – Những người có quyền xin gỡ niêm phong đều có quyền xin lập bản toàn kê.

Điều thứ 535 – Bản toàn kê phải được làm trước sự hiện diện của những người sau đây hay sau khi họ đã được đòi hợp lệ:

1) người phối mẫu thượng tổn;
2) Những thừa kế tiên đỉnh;
3) Người thi hành di chúc nếu chúc thư được biết;
4) Những người thụ tặng và thụ di bao quát hay với tính cách bao quát. Chánh án tòa sơ thẩm sẽ chỉ định một chưởng khế duy nhất để đại diện cho tất cả những người vắng mặt.

Điều thứ 536 – Ngoài những thể thức chung cho tất cả các chứng thư chưởng khế, bản toàn kê còn phải ghi:

1) tên họ, nghề nghiệp, cư sở của những người triệu thỉnh, những người hiện diện, những người khiếm diện, những người thất tung, chưởng khế được gọi để thay mặt cho họ, hổ giá viên và giám định viên; và án lệnh đề cử chưởng khế  cho những người thất tung và khiếm diện cũng phải được ghi;
2) Nơi lập bản toàn kê;
3) Sự mô tả và đánh giá các đồ vật; đồ vàng bạc phải được ghi rõ cân lượng và tuổi; tiền mặt phải được đếm và ghi rõ từng loại;
4) Các giấy tờ sẽ được đánh số trang đầu và trang cuối sẽ được ký tắt bởi chính tay một trong các chưởng khế; nếu có sổ sách thương mãi, tình trạng của những sổ sách này phải được kiểm nhận và những tờ sẽ được đánh số và ký tắt như trên, nếu có những đoạn trắng trong những trang có chữ, những đoạn này sẽ được gạch lấp đi;
5) Bản kê khai những chứng khoán;
6) Lời tuyên thệ khi hoàn tất bản toàn kê, của những người đã giữ các đồ vật trước khi lập bản toàn kê, hay của những người ở trong nhà có đồ vật đó, rằng họ không có đoạt thủ bất cứ vật gì và họ cũng không nghe thấy ai trực tiếp hay gián tiếp làm như vậy.
7) Sự giao đồ vật và giấy tờ, nếu có, nơi tay người được các đương sự đồng ý lựa chọn hay được chánh án tòa sơ thẩm chỉ định nếu không có sự đồng ý của họ.
Điều thứ 537 – Mọi sự khó khăn xảy ra nhân việc gắn niêm phong, gỡ niêm phong và lập bản toàn kê sẽ do chánh án tòa sơ thẩm giải quyết bằng án lệnh cấp thẩm.

CHƯƠNG V

SỰ CAN THIỆP CỦA TÒA ÁN VÀO QUYỀN CỦA VỢ CHỒNG

Điều thứ 538 – Trong những trường hợp dân luật ấn định phải có sự tham dự hay sự ưng thuận của một người phối ngẫu, nếu người kia muốn xin tòa án cho phép hay cấp tư năng để thay thế vào sự tham dự hay ưng thuận nói trên thì phải đệ đơn đến chánh án tòa sơ thẩm đển xin tòa án xét xử.

Điều thứ 539 – Nếu một người, vợ hay chồng, ở trong tình trạng không thể bày tỏ ý định của mình được, vì những nguyên do dự liệu trong dân luật, người kia sẽ đệ đơn lên chánh án và chứng minh các nguyên do đã làm cho người phối ngẫu của mình không tỏ ý định được và cần có tòa án cho phép hay cấp tư năng.

Điều thứ 540 – Nếu đơn xin phép nhắm mục đích bỏ qua sự đối kháng hay sự khước từ của người phối ngẫu, chánh án sẽ ra án lệnh ấn định ngày gọi người ấy đến trước phòng thẩm nghị để giải thích lý do của sự đối kháng hay khước từ ấy.

Điều thứ 541 – Các án văn cho phép hay cấp tư năng nói ở các điều trên, sẽ được tuyên xử tại phòng thẩm nghị, sau khi công tố viện kết luận.

Án văn ấy ấn định rõ những điều kiện phải tuân theo khi thi hành phán quyết, và giới hạn của sự cho phép hay cho quyền đại diện.

Điều thứ 542 – Nếu một người, vợ hay chồng, không làm tròn nghĩa vụ mình trong việc góp phần vào sự chi tiêu gia đình, người kia có thể xin vị thẩm phán hòa giải cho phép làm sai áp chi phó và lãnh một phần, do vị thẩm phán ấn định, trong số lợi tức của người phối ngẫu.

Lục sự sẽ gọi hai vợ chồng đến trước thẩm phán hòa giải, bằng thơ bảo đảm có biên nhận, trong thơ ghi rõ đối tượng của đơn thỉnh cầu.

Hai vợ chồng phải đích thân đến tòa, ngoại trừ khi có sự cản trở tuyệt đối phải được chứng minh.
Án văn tuyên xử sẽ được thi hành tạm thời mặc dầu có kháng án hay kháng cáo.

Sự tống đạt án văn ấy cho người phối ngẫu và chon các người đệ tam bị sai áp, có hiệu quả cấp cho nguyên đơn những số tiền được phép sai áp, khỏi phải làm thủ tục nào khác.

Lúc nào cũng có thể xin sửa đổi án văn mặc dầu đã thành nhất định, nếu có sự thay đổi trong tình trạng của mỗi người phối ngẫu.

CHƯƠNG THỨ VI

VỀ Ý KIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI THÂN THUỘC

Điều thứ 543 – Mỗi khi những quyết nghị của hội đồng gia tộc không được nhất trí, thì ý kiến của mỗi người tham dự hội đồng sẽ được ghi chú trong biên bản, người giám hộ, người đại diện giám hộ, người quản lý tài sản, những hội viên hội đồng gia tộc có thể, trong những trường hợp dự định trong Dân luật, xin tòa xét xử các quyết nghị đó. Họ sẽ đệ đơn kiện những người đã đồng ý với quyết nghị nói trên.

Điều thứ 544 – Nếu người giám hộ hay đại nhiệm giám hộ từ khước hay bỏ lãng việc xin duyệt hành những quyết nghị cần phải duyệt hành, thì quá hạn mười lăm ngày sau khi có quyết nghị, một trong những hội viên của hội đồng có thể làm việc ấy thay họ, nhưng chỉ có thể làm tám ngày sau khi đã hối thúc người giám hộ, nhưng vô hiệu.

Điều thứ 545 – Hội viên nào trong hội đồng gia tộc hoặc người nào đáng lẽ phải được gọi đến dự hội đồng, nếu thấy cần phải chống lại sự duyệt hành, thì có thể can thiệt vào vụ xin duyệt hành. Họ có thể khai sự đối kháng của họ với sự đứng xin duyệt hành bằng chứng thư ngoại tư pháp, và nếu họ không được gọi ra tòa thì họ có thể đứng đệ tam kháng cáo chống lại án duyệt hình.

Điều thứ 546.– Các án văn trên đây của tòa có thể bị kháng cáo.

CHƯƠNG THỨ VII

BÁN BẤT ĐỘNG SẢN CỦA VỊ THÀNH NIÊN

Điều thứ 547 - Trừ trường hợp dân luật định khác, chỉ có thể truyền cho bán bất động sản của vị thành niên theo như quyết nghị của hội đồng gia tộc chỉ rõ bản chất và giá trị phỏng ước của những bất động sản ấy.

Không cần đến quyết nghị nói trên nếu các tài sản ấy thuộc cả về những người thành niên nữa và nếu những người này truy sách việc bán. Sự bán sẽ làm theo thể thức nói ở chương VIII “phân sản và cạnh mại”.

Điều thứ 548 – Khi nào cần phải có tòa án duyệt hành quyết nghị của hội đồng gia tộc theo dân luật, tòa có thể tuyên bố sẽ bán đấu giá hay bán thỏa thuận tùy theo trường hợp định trong luật ấy.

Trong trường hợp bán đấu giá, tòa sẽ ấn định trong án văn duyệt hành là sẽ đem bán trước một vị thẩm phán của tòa án tại phiên tòa đấu giá hay trước một vị chưởng khế được ủy cử để bán đấu giá.

Điều thứ 549 – Án văn truyền cho bán sẽ đặt giá cho mỗi bất động sản đem bán và ấn định các điều kiện về việc bán. Sẽ đặt giá, hoặc theo ý kiến những người họ hàng, hoặc theo bằng khoán, hoặc do các khế ước thuê mướn công chính hay tư thự mà có ngày tháng xác định, và nếu không có khế ước thuê mướn thời do sở thuế điền thổ.

Tuy nhiên, tòa án có thể tùy theo trường hợp truyền cho đánh giá tất cả hay một phần các bất động sản.

Tùy theo sự quan trọng và bản chất của tài sản, sự đánh giá này sẽ do một hay ba giám định viên mà tòa án ủy nhiệm phụ trách.

Điều thứ 550 – Nếu có lệnh truyền cho đánh giá, giám định viên, sau khi tuyên thệ trước chánh án hoặc trước một thẩm phán hòa giải do chánh án ủy nhiệm, sẽ thảo tờ trình trong đó chỉ sơ lược những điểm làm căn bản cho sự đánh giá khỏi cần miêu tả tỉ mỉ các tài sản sẽ bán.

Nguyên cáo tờ trình sẽ ký nạp tại phòng lục sự tòa án. Không cấp phát bản toàn sao tờ trình này.

Điều thứ 551 – Thể thức phát mại sẽ theo như đã quy định ở thiên V. chương II tiết 3 “sai áp bất động sản”.

CHƯƠNG THỨ VIII

PHÂN SẢN VÀ BÁN ĐẤU GIÁ ĐỂ CHIA

Điều thứ 552 – Khi nào sự phân sản phải làm tại tòa án thời người đương sự mẫn cán nhất sẽ thỉnh cầu.

Điều thứ 553 – Người giám hộ đặc định và riêng biệt cho mỗi vị thành niên có quyền lợi tương phản với nhau, sẽ được tuyển nhiệm theo thể thức ấn định trong Dân luật.

Điều thứ 554 – Án văn tuyên xử về đơn xin phân sản sẽ ủy nhiệm cùng một lượt, nếu cần, một thẩm phán và một chưởng khế hay, nếu không có chưởng khế, một công chức để thay thế cho chưởng khế.

Nếu trong khi hành sự, thẩm phán hay chưởng khế bị cản trở, chánh án sẽ cử người thay bằng một án lệnh chiếu đơn, án lệnh này không thể bị kháng tố hay kháng cáo.

Điều thứ 555 – Khi tuyên xử về đơn này trong cùng một án văn, tòa án sẽ truyền cho phân sản nếu có thể được, hay là cạnh mại trước chưởng khế hay là trước tòa án.

Tòa án có thể khi truyền cho phân sản hay cạnh mại, phán rằng sẽ thi hành lập tức, khỏi có sự giám định trước, dù cho có vị thành niên trong việc kiện; trong trường hợp cạnh mại, tòa án sẽ đặt giá.

Điều thứ 556 – Khi truyền giám định, tòa án có thể ủy nhiệm một hay là nhiều giám định viên.
Tờ trình của giám định viên sẽ trình bày sơ lược những điểm làm căn bản cho sự đánh giá, và khỏi miêu tả tỉ mỉ các tài sản để tương phân hay để cạnh mại.

Điều thứ 557 – Khi bán phải theo thể thức đã quy định ở thiên V, chương II tiết 3 “Sai áp bất động sản”, và phải thêm vào điều kiện sách:

- Tên họ, nơi trú ngụ và nghề nghiệp người xin phát mãi;
- Tên họ, nơi trú ngụ và nghề nghiệp những người cộng chủ bất động sản phát mãi.

Điều thứ 558 – Tòa án sẽ giải quyết những điều khó khăn xảy ra với điều kiện sách.
Không thể kháng cáo án văn xử việc này.

Điều thứ 559 – Trong trường hợp phân chia hiện vật giám định viên sẽ lập những phần trị giá bằng nhau và sẽ cấp bằng cách rút thăm nếu có sự bất đồng ý giữa các đương sự.

Phải xin tòa án duyệt hành mỗi khi có sự tranh chấp về sự lập thành hay sự cấp dữ các phần.

CHƯƠNG THỨ IX

I – QUẢN TRỊ TÀI SẢN CỦA NGƯỜI SUY ĐOÁN THẤT TUNG

Điều thứ 560 – Khi cần phải quản trị toàn thể hay một phần tài sản của một người suy đoán thất tung theo như dân luật quy định về sự thất tung. Những người có quyền lợi có thể đệ đơn đến chánh án tòa sơ thẩm dân sự nơi cư sở sau cùng hay nếu không có cư sở, thời nơi trú sở sau cùng của người suy đoán thất tung, để xin chỉ định một quản trị viên tạm thời.

Điều thứ 561 – Đơn này sẽ được thông tri cho công tố viên để điều tra và kết luận.

Điều thứ 562 – Trích lục án văn chỉ định quản trị viên tạm thời sẽ đăng vào một tờ báo sẽ do án văn ấy chỉ định.

Điều thứ 563 – Người phối ngẫu của người suy đoán thất tung, các người thừa kế và các chủ nợ của y, có thể xin thâu hồi án văn nói trên.

Điều thứ  564 – Trong mọi trường hợp, chức vụ của quản trị viên tạm thời sẽ chấm dứt khi người suy đoán thất tung trở về; sự chấm dứt ấy bắt đầu từ ngày sự trở về được tống đạt cho quản trị viên bằng văn thơ ngoại tư pháp.

Điều thứ 565 – chức vụ ấy cũng chấm dứt khi có đủ bằng chứng là người suy đoán thất tung đã mệnh một.

Điều thứ 566 – Chức vụ ấy cũng chấm dứt khi những tài sản đã được phép doãn chấp, và sự doãn chấp ấy đã được lục tống hợp lệ cho đương sự.

Điều thứ 567 – Trong mọi trường hợp, quản trị viên tạm thời phải khai trình kế toán về việc quản lý của mình.

II – DOÃN CHẤP TÀI SẢN CỦA NGƯỜI THẤT TUNG

Điều thứ 568 – Việc doãn chấp có thể được tuyên phán ngay trong án văn tuyên bố thất tung hay trong một án văn sau.

Điều thứ 569 – Sự thất tung sẽ được tuyên bố theo những điều kiện và thể thức ấn định trong dân luật.

Điều thứ 570 – Việc doãn chấp có thể tạm thời hay vinh viễn, chỉ có thể được doãn chấp vĩnh viễn sau khi  đã quá thời hạn ấn định trong Dân luật, kể từ ngày có án văn tuyên bố thất tung, hay một trăm năm kể từ ngày sanh người thất tung.

Điều thứ 571 – Án văn về doãn chấp sẽ được tuyên xử sau sự điều tra và kết luận của công tố viên cũng như trong việc  quản trị tam thời.

Điều thứ 572 – Phải đăng trích lục án văn về doãn chấp vào một tờ báo do án ấy ấn định.

Điều thứ 573 – Tất cả các người thừa kế của người thất tung đều có thể xin thâu hồi án văn ấy.

CHƯƠNG THỨ X

QUẢN-TRỊ-DI-SẢN-VÔ-CHỦ

Điều thứ 574 – Sau khi mãn hạn luật định mà không ai ra đòi nhận di sản, không biết ai là thừa kế, hoặc có biết nhưng các người thừa kế này đã khước từ di sản nếu họ có quyền ấy, thì di sản sẽ kể như vô chủ; một quản tài sẽ được chỉ định cho di sản đó, chiếu theo thể thức ấn định trong dân luật và các luật lệ hiện hành.

Điều thứ 575 – Trước hết, người quản tài kiểm chứng tình trạng di sản bằng một bản toàn kê tài sản, nếu chưa làm bản ấy, và bán các động sản theo thể thức luật lệ quy định.

Điều thứ 576 – Các bất động sản chỉ có thể bán sau khi được án văn cho phép, án văn này sẽ tuyên xử khi công tố viện đã kết luận. Án văn sẽ đặt giá các tài sản, một giám định viên có thể được tuyển nhiệm để đánh giá, nếu cần.

CHƯƠNG THỨ XI

NHIÊM VỤ CHÁNH TỐ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG TỐ VIỆN

Điều thứ 577 – Về dân sự công tố viện tự động hành động trong các trường hợp luật định.
Công tố viện trông nom việc thi hành các luật lễ, các án văn, công tố viện tự động truy sách việc thi hành ấy về những khoản liên quan đến trật tự công cộng.

Để làm tròn nhiệm vụ, công tố viện có quyền đòi phòng lục sự chuyển giao mọi hồ sơ, án lệnh, án văn, phúc quyết để tra cứ và sao lục nếu xét cần.

CHƯƠNG THỨ XII

VIỆC CẤP PHÁT BẢN TOÀN SAO MỘT VĂN THƯ

Điều thứ 578 – Chưởng khế hoặc người thụ thác công nào khác từ khước cấp bản toàn sao, bản sao một văn thư cho những đương sự trực tiếp đứng tên trong đó hoặc những thừa kế, thụ quyền của họ, sẽ bị gọi ra tòa ngắn hạn, do đơn khiếu của đương sự và sự cho phép của chánh tòa sơ thẩm, vụ tranh tụng sẽ được xử ngay và án văn được thi hành mặc dù có kháng tố hay kháng cáo.

Điều thứ 579 – Trong trường hợp xin cấp phát bản sao một văn thư không trước bạ hay một văn thư chưa hoàn tất, đương sự nói trên sẽ nộp đơn tại chánh án tòa sơ thẩm.

Chánh án ra án lệnh dưới đơn buộc người có trách nhiệm phải cấp phát, nếu không trái với luật trước ba, án lệnh sẽ được ghi chép dưới chót bản sao văn thư được cấp phát.

Nếu chưởng khế hay người thụ thác khước từ việc cấp phát, đương sự sẽ xin chánh án xử cấp thẩm.

Điều thứ 580 – Trong một vụ kiện đang tiến hành, người nào muốn xin khảo tra để được cấp phát bản toàn sao, bản sao hay trích lục một văn thư trong đó họ không phải là đương sự, phải khai xin tòa lên án cho phép, án văn sẽ được thi hành ngay mặc dù có kháng tố hay kháng cáo. Tòa có thẩm quyền là tòa hộ đang xét chánh vụ hay là tòa sơ thẩm nơi để nguyên cáo văn thư nếu chánh vụ diễn tiến trước tòa đặc thẩm.

Chưởng khế hay người thụ thác công lập biên bản khảo tra hay kiểm chiếu và cấp phát bản toàn sao, bản sao hay trích lục. Trong trường hợp tòa cử một thẩm phán hay một chưởng khế khác để thi hành nhiệm vụ khảo tra thì những người ấy sẽ lập biên bản khảo tra hay kiểm chiếu.

Điều thứ 581 – Trong mọi trường hợp, các đương sự có thể dự kiến việc lập biên bản và có quyền xin ghi vào đó những khai nại cần thiết.

Điều thứ 582 – Nếu những tổn phí về nguyên cảo văn thư chưa được thanh toán cho người thụ khác người này có thể từ khước cấp phát bản sao cho đến khi các tổn phí ấy được thanh toán hết, kể cả tổn phí về việc cấp phát bản sao.

Điều thứ 583 – Các đương sự có thể kiểm chiếu bản toàn sao, bản sao với nguyên cảo do người thụ thác đọc. nếu họ cho rằng bản toàn sao, hay bản sao không đúng với nguyên cảo, họ có thể xin chánh án kiểm chiếu lại, vào ngày giờ được định trong biên bản,  người thụ thác phải mang nguyên cáo trình chánh án và vị này sẽ kiểm chiếu.

Tổn phí về biên bản, tiền vãng phản của người thụ thác phải được người ứng thỉnh cầu ứng trước.

Điều thứ 584 – Các lục sự và các người thụ thác các sổ sách công phải cấp phát bản toàn sao, phóng ảnh, bản sao hay trích lục các văn thư ghi trong các sổ sách ấy mà khỏi phải có lệnh của tòa án, các tổn phí về việc cấp phát sẽ do người đứng xin phải chịu. nếu từ khước cấp phát, những người thụ thác nói trên sẽ phải trả án phí vụ tranh tụng và có thể cả tiền bồ thường thiệt hại nữa.

ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT

Điều thứ 585 – Tất cả những sự cao tri, tống đạt hay chấp hành, dự liệu trong bộ luật này đều được thực hiện do thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh hữu trách.

Điều thứ 586 – Không có sự tống đạt hay chấp hành nào có thể làm trước bảy giờ sang và sau bảy giờ chiều hay trong ba ngày chót tháng chạp và bảy ngày đầu tiên tháng giêng âm lịch, cùng là trong những ngày lễ Quốc Khánh và Lao Động, trừ phi được chánh án cho phép vì có sự nguy tai diện tiền.

Điều thứ 587 – Tất cả các thời hạn thủ tục dự liệu trong bộ luật này đều là thời hạn tròn, ngày làm khởi tiến thời hạn và ngày mãn hạn đều sẽ không tính.

Đối với đương sự ở xa, nếu không có điều luật dự liệu khác, tất cả các thời hạn, sẽ được gia thêm một ngày về mỗi năm mươi (50) cấy số, những khoản dưới bốn mươi (40) cây số sẽ không được tính và những khoản từ bốn mươi (40) cây số trở lên sẽ làm gia thêm một ngày.

Nếu ngày chót của thời hạn là một ngày nghỉ lễ hay ngày chủ nhật, thời hạn sẽ triển khoáng đến ngày làm việc trở lại.

Điều thứ 588 – Trong trường hợp cần chấp nhận một sự tuyên thệ, thực hiện việc chấp cung đương sự hay nhân chứng, hoặc chỉ định giám định viên, nói một cách tổng quát, khi cần thực hiện mọi biện pháp đã tuyên án trong một án văn, chánh án có thể ủy thác cho một thẩm phán trong quản hạt tòa hoặc nếu các đương sự hoặc nơi tranh chấp ở ngoài quản hạt, ủy thác cho chánh án sở tại. với năng quyền chuyển ủy.

Điều thứ 589 – Tòa án tùy theo sự hệ trọng của mỗi trường hợp, có thể theo thỉnh cầu của đương sự hay tự ý, hoặc truyền xóa bỏ những lời lẽ có tánh cách mạ lỵ, lăng nhục hay phỉ bang và kết phạt người có lỗi phải trả bồi thường thiệt hại, hoặc chỉ cảnh cáo người này.

Điều thứ 590 – Tất cả những thể thức hay quy khoản ấn định trong Bộ luật này đề phải được tuân theo nếu không sẽ vô hiệu.

Khước biện vô hiệu, bất cứ trong trường hợp nào, bất cứ về loại nào, không thể do tòa án tự ý tuyên phán và sẽ bị bao yểm nếu không được đương sự nêu lên trước mọi kháng biện hay khước biện khác, trừ ra khước biện ngoại kiều án quỹ và khước biện vô thẩm quyền.

Khước biện ngoại kều án quỹ phải được nêu lên trước nhất.

Khước biện vô thẩm quyền tương đối phải đươc nêu lên sau khước biện trên và trước mọi khước biện khác.

Khước biện vô hiệu cùng tất cả khước biện khác đều phải nêu lên một lượt, trước khi tranh luận về nội dung, nếu không sẽ bị bao yểm.

Không một khước biện nào còn cón thể được chấp nhận sau khi đã có một án văn xử về một khước biện.

Tuy nhiên, những kháng biện hay khước biện về sự vô thẩm quyền đối vật, về sự thiếu tư cách, thiếu năng lực, thiếu lợi ích, đều có thể được viện dẫn trong bất cứ giai đoạn nào của thủ tục, và riêng về sự vô thẩm quyền đối vật, tòa án có quyền tự ý nêu lên.

Điều thứ 591 – Kể từ ngày ban hành Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng này, những bản văn và những điều luật trước trái với Bộ luật này đều được bãi bỏ, nhất là;

1) Nghị định ngày 16-3-1910;
2) Bộ trung kỳ hộ sự và thượng sự tố tụng pháp;
3) Bộ luật dân sự thương sự tố tụng trước các tòa Nam án Bắc kỳ.

Đối với những trường hợp không dự liệu trong Bộ dân sự và thương sự tố tụng này, và được luật lệ riêng biệt quy định, tòa án sẽ tiếp tục áp dụng các luật lệ ấy.

MỤC LỤC   *   THIÊN 1