Home Đời Sống Pháp Luật Vào quốc tịch Việt Nam có mất quốc tịch Mỹ không?

Vào quốc tịch Việt Nam có mất quốc tịch Mỹ không? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Ngọc Cư   
Chúa Nhật, 14 Tháng 2 Năm 2010 08:51

Medicare, Medicaid chỉ có giá trị trong nước Mỹ

 

     
  Sở Di Trú Hoa Kỳ (nay gọi là Sở Quốc Tịch và Di Trú, CIS)
yêu cầu một người khi tuyên thệ nhập tịch Mỹ phải tuyên thệ
     từ bỏ các quốc tịch khác. (Hình: AFP/Getty Images)

Luật Quốc Tịch mới của Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7, năm 2009, có nhiều điểm không rõ ràng khiến người có ý định về Việt Nam sống lâu dài băn khoăn, lo ngại... Người ta băn khoăn vì hai điều:

-Muốn sống lâu dài ở Việt Nam có phải xin lại quốc tịch Việt Nam không?

-Khi xin giữ lại quốc tịch Việt Nam thì có mất quốc tịch Mỹ không?

Vì theo luật mới “công dân Việt Nam chỉ có quyền có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam,” nhưng lại cho phép Việt kiều có quốc tịch của nước khác đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nghĩa là công nhận song tịch.

Xin trích dẫn phần chủ điểm liên quan tới người Mỹ gốc Việt.

Ngày 04 tháng 12, năm 2008, Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường, tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, “Cho đến khi có luật mới có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7, năm 2009, người Việt định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên trong vòng 5 năm, Việt kiều nào có nhu cầu thì làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Quá thời hạn đó họ sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam song vẫn có thể trở lại quốc tịch Việt Nam, thậm chí họ vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu có vợ. chồng, cha mẹ, con đẻ là công dân Việt Nam.”

Như vậy thì ta phải hiểu Luật Quốc Tịch mới của Việt Nam ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Việt như thế nào.

1. Sau ngày 1 tháng 7, năm 2009, người gốc Việt mang quốc tịch nước ngoài không còn “được coi là công dân Việt Nam nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ ngày 1 tháng 7, năm 2009, (hạn chót để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là 30 tháng 6, năm 2014). Như vậy ta có thể hiểu rằng Việt kiều có quốc tịch khác nếu đăng ký giữ quốc tịch VN trong vòng 5 năm kể từ ngày 1 tháng 7, năm 2009, thì “được coi là song tịch.”

2. Sau ngày 30 tháng 6, năm 2014 người Việt nhập quốc tịch mới tự động mất quốc tịch Việt Nam. Nghĩa là sau ngày 30 tháng 6, năm 2014 họ “không được công nhận là song tịch.” Muốn trở lại quốc tịch VN thì phải làm đơn xin với điều kiện là phải có vợ/chồng; hoặc bố/mẹ; hoặc con ruột là công dân Việt Nam. Nếu đơn xin được chủ tịch nước chấp thuận thì người đó có cả hai quốc tịch Việt và quốc tịch của nước khác mà mình đã nhập tịch. Nghĩa là trong trường hợp này ta được Việt Nam công nhận song tịch.

3. Luật Quốc Tịch mới của VN vừa công nhận vừa không công nhận song tịch:

Việt Nam công nhận Việt kiều song tịch nếu đăng ký giữ quốc tịch VN trong thời hạn ấn định hoặc được chủ tịch nhà nước cho phép trở lại quốc tịch VN. Như vậy sẽ có hai hạng Việt kiều, một hạng song tịch và một hạng không.

4. Trường hợp nào thì có quốc tịch Việt Nam theo luật mới?

-Khác với Luật Quốc Tịch của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, Việt Nam không theo nguyên tắc lãnh thổ (jus soli) vì luật mới quy định rằng đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam không tự động có quốc tịch VN ngoại trừ cả hai bố mẹ đều không mang quốc tịch nào cả (stateless) và thường trú tại VN; hoặc là trẻ bị bỏ rơi trên lãnh thổ VN. (a)

Ðiều đó có nghĩa là con của ngoại kiều sinh ra ở VN không có quốc tịch VN.

-Nếu cả bố lẫn mẹ đều là công dân Việt Nam thì dù sinh trưởng ở đâu đứa trẻ cũng mang quốc tịch Việt Nam. (b)

-Nếu một trong hai người bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia mang quốc tịch nước ngoài thì khi ra đời đứa con chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu nó sinh ra ở VN hoặc bố mẹ trường trú ở VN. (c)

Như vậy nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) không được tuân thủ tuyệt đối như Hoa Kỳ hay nhiều quốc gia khác. Vì đối với Luật Quốc Tịch Hoa Kỳ thì chỉ cần một trong hai người là công dân Mỹ thì con của họ dù sinh ở đâu cũng có quốc tịch Mỹ.

-Muốn xin nhập tịch Việt Nam thì phải hội đủ các điều kiện sau: Ít nhất 18 tuổi, biết ngôn ngữ Việt Nam và phải cư trú ở Việt Nam ít nhất 5 năm.

(các mục ghi (a), (b), (c) là do người viết tự đặt ra để giúp độc giả dễ theo dõi)

Trọng tâm của bài này không phải là bàn về chuyện mất hay còn quốc tịch Việt Nam mà là: Nếu đăng ký xin giữ quốc tịch Việt Nam (trường hợp 1) hay làm đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam (trường hợp 2) thì ta có mất quốc tịch Mỹ không?

Ðể trả lời câu hỏi này thì phải xét Luật Quốc Tịch Mỹ. Hiến Pháp Hoa Kỳ không cấm mà cũng không công nhận song tịch. Quốc Hội Mỹ cũng không đặt vấn đề song tịch. Vấn đề song tịch chỉ được bàn cãi vào năm 1967 khi vụ án Afroyim vs Rusk đưa ra tới Tối Cao Pháp Viện. Tối Cao Pháp Viện đã dựa vào Tu Chính Án 14 để xác nhận quyền “song tịch” của công dân Hoa Kỳ.

Song tịch là vấn đề vô cùng phức tạp và mỗi quốc gia có một luật lệ khác nhau. Nhiều quốc gia cho phép công dân của họ song tịch như Pháp, Anh, Canada,... nhưng cũng nhiều nước khác lại không cho phép công dân của họ song tịch nghĩa là khi nhập tịch quốc gia khác là mất quốc tịch của nước đó như Úc, Ðức, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Nhiều người thắc mắc nếu Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ song tịch thì tại sao khi tuyên thệ nhập tịch Mỹ ta lại phải tuyên thệ từ bỏ các quốc tịch khác (Canada đã bỏ điều lệ tuyên thệ từ bỏ quốc tịch cũ khi nhập tịch Canada). Vì tuy Tối Cao Pháp Viện cho phép công dân Hoa Kỳ song tịch nhưng không hề cấm Quốc Hội Mỹ đòi hỏi người xin nhập tịch Mỹ phải chấp nhận một số điều kiện để trở thành công dân Mỹ.

Xin nhớ cho nhập tịch Mỹ là quyền hạn của Sở Di Trú (nay gọi là Sở Quốc Tịch và Di Trú, CIS). Nhưng sau khi có quốc tịch thì quyền phán quyết về mất hay còn quốc tịch là thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại Giao.

Sau hết không một quốc gia nào có quyền tước bỏ quốc tịch khác của công dân mình vì nó không thuộc thẩm quyền của họ mà chỉ có quyền cho người ta quốc tịch của nước mình. Quyền lấy lại quốc tịch hoàn toàn thuộc về mỗi quốc gia. Hoa Kỳ không có quyền tước bỏ quốc tịch VN của bạn mặc dầu bạn đã tự nguyện tuyên thệ từ bỏ quốc tịch VN. Nghĩa là đối với Hoa Kỳ bạn là công dân Mỹ và đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam, nhưng đối với Việt Nam bạn vẫn còn quốc tịch VN (theo luật quốc tịch cũ, muốn bỏ quốc tịch VN thì phải làm đơn xin bỏ quốc tịch VN và phải được chủ tịch nhà nước VN chấp thuận); và không còn quốc tịch Việt Nam nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (theo luật mới).

Bây giờ xin trở lại vấn đề song tịch đối với luật Mỹ. Mặc dầu đã có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về quyền song tịch của công dân Mỹ nhưng điều khoản 349 Luật Di Trú vẫn không bị thu hồi. Một trong những điều kiện mất quốc tịch Mỹ ghi trong điều khoản 349 là: “công dân Hoa Kỳ có thể mất quốc tịch Mỹ nếu nhập tịch hay tuyên thệ trung thành với một nước khác khi đủ 18 tuổi.” Ðiều này mâu thuẫn với phán quyết năm 1967 của Tối Cao Pháp Viện. Mặt khác, trong một văn thư công bố ngày 16 tháng 4, năm 1990, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng công dân Hoa Kỳ vẫn còn ý định giữ quốc tịch Mỹ (nghĩa là không có từ bỏ quốc tịch Mỹ) mặc dầu người đó nhập quốc tịch khác hoặc tuyên thệ trung thành với quốc gia khác.

Tóm lại nếu công dân Hoa Kỳ không chính thức bày tỏ ý định từ bỏ quốc tịch Mỹ thì cho dù khi nhập quốc tịch khác hay phải tuyên thệ trung thành với quốc gia khác chỉ vì luật lệ của quốc gia đó bắt buộc như vậy thì vẫn không mất quốc tịch Mỹ.

Hay nói khác đi công dân Hoa Kỳ chỉ mất quốc tịch Mỹ khi tự nguyện và chính thức từ bỏ quốc tịch Mỹ, như nộp đơn xin bỏ quốc tịch và được Bộ Ngoại Giao (hoặc sứ quán Mỹ) chấp thuận.

Nhưng cũng xin lưu ý rằng chỉ thị năm 1990 của Bộ Ngoại Giao chỉ là một quyết định của hành pháp chứ không phải là một văn bản luật được Quốc Hội thông qua và tổng thống phê chuẩn nên nó có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.

Dưới đây là một vài điều độc giả nên lưu ý.

1. Kể từ ngày 1 tháng 7, năm 2009 nếu bạn là công dân Hoa Kỳ về Việt Nam lấy vợ là công dân VN thì con của bạn nếu sinh trưởng ở Việt Nam thì vừa có quốc tịch Việt Nam (theo luật mới của VN) vừa có quốc tịch Hoa Kỳ (theo luật Mỹ con của bố hoặc mẹ là công dân Hoa Kỳ thì ra đời ở đâu cũng có quốc tịch Mỹ kể từ lúc ra đời), nghĩa là nó đương nhiên song tịch. Vậy trong trường hợp này Việt Nam không chấp nhận song tịch cũng không được vì làm trái với điều 4 (c).

2. Cha mẹ chỉ là thường trú nhân ở Mỹ, con sinh ở Mỹ vừa có quốc tịch Mỹ (theo luật Mỹ thì mọi đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều tự động có quốc tịch Mỹ) vừa có quốc tịch Việt Nam, theo luật quốc tịch mới của Việt Nam, 4 (c). Trong trường hợp này đứa trẻ cũng đương nhiên song tịch.

Theo bản tin của Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì khoảng 75% của hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài mang hai hoặc ba quốc tịch. Cho đến nay chỉ có 51 người xin giữ quốc tịch Việt Nam và trong vòng 9 năm qua chỉ có 674 người xin nhập tịch VN (trích bản tin ngày 10 tháng 2, năm 2010 của Bộ Ngoại Giao Việt Nam).

Sở dĩ số Việt kiều xin giữ quốc tịch VN không nhiều vì đại đa số không có nhu cầu. Một số người vì kinh doanh, mua bán nhà đất, đầu tư nên phải xin mang lại quốc tịch Việt Nam.

Trong một hai năm gần đây số người cao niên có xu hướng về Việt Nam dưỡng già tuy có tăng lên nhưng không bao nhiêu vì tuy tiền hưu không mất nhưng khi ra khỏi nước Mỹ là Medicare, Medicaid sẽ không còn giá trị. Hai quỹ Medicare và Medicaid sẽ không chi trả bất cứ phí tổn y tế nào. Bởi vậy nếu quý vị cao niên nào có ý định về VN an dưỡng tuổi hạc thì phải “nghiên cứu” thật kỹ về bảo hiểm y tế, nhà thương, bác sĩ, y tá, thuốc men... ở trong nước./.

*** Tác giả Hà Ngọc Cư hiện là Giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên lo về di dân và tị nạn.