Chuẩn bị xin nhập quốc tịch Mỹ: Những tiêu chuẩn cần biết |
Tác Giả: LS Mark Yoshida (APALC) | |||
Thứ Tư, 28 Tháng 4 Năm 2010 06:12 | |||
Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ bàn về những tiêu chuẩn cho việc nhập quốc tịch. Ðiều quan trọng là, đương đơn phải hiểu thấu đáo tiến trình này, vì nếu không đáp ứng được hết những tiêu chuẩn đòi hỏi, Sở Di Trú và Công Dân Hoa Kỳ (gọi tắt là CIS) có thể bác đơn nhưng vẫn không trả lại $675 lệ phí nộp hồ sơ. Nghiêm trọng hơn, nếu đương đơn từng phạm tội, hay từ bỏ quyền cư trú ở Mỹ của mình, họ không những sẽ bị từ chối quyền công dân mà còn phải đối mặt với lệnh trục xuất từ tòa án di trú. Tuy nhiên, nếu đương đơn đủ tự tin về tiêu chuẩn nhập quốc tịch của mình, họ vẫn nên tham khảo một luật sư di trú hay một văn phòng bất vụ lợi chuyên về di trú, để xác định lại trường hợp của mình trước khi nộp đơn xin nhập quốc tịch. Các tiêu chuẩn phải có: - Dương đơn tối thiểu 18 tuổi. - Ðương đơn phải là “LPR,” tức là thường trú nhân hợp pháp hay người có thẻ xanh. - Ðương đơn phải cư trú liên tục ở Mỹ ít nhất 5 năm sau khi trở thành thường trú nhân hợp pháp. “Cư trú liên tục” nghĩa là nơi cư ngụ chính của đương đơn trong suốt thời gian này là ở trong nước Mỹ. Một cách tổng quát, các chuyến đi ngắn (ít hơn sáu tháng) ra khỏi nước Mỹ sẽ không gây trở ngại, nhưng nếu chuyến đi đó dài hơn sáu tháng, CIS cho rằng tình trạng cư trú của đương đơn sẽ chấm dứt. Ðiều này có nghĩa, đương đơn sẽ phải bắt đầu trở lại quá trình cư trú 5 năm liên tục của mình. Trong một số trường hợp nhất định, các thường trú nhân hợp pháp có thể nộp đơn trước khi hoàn tất 5 năm cư trú liên tục. Ðương đơn được điều kiện này nếu: 1. Kết hôn với công dân Hoa Kỳ trong thời gian ít nhất là ba năm; hay 2. Ðương đơn có được quy chế thường trú nhân hợp pháp khi bị vợ/chồng hay cha mẹ là công dân Mỹ lạm dụng, ngược đãi. Ðương đơn, trong những trường hợp này, có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch chỉ sau ba năm cư trú liên tục. Trong thời gian cư trú liên tục 5 năm theo quy định, đương đơn phải có mặt ở nước Mỹ ít nhất hai năm rưỡi trong tổng số 5 năm đó. Lưu ý, nếu đương đơn có đủ điều kiện để nộp đơn khi cư trú liên tục dưới ba năm theo quy định nêu trên thì chỉ cần một năm rưỡi (thay vì ba năm) thực sự cư trú tại Hoa Kỳ. - Ðương đơn phải cư ngụ tại tiểu bang hay khu vực của Sở Di Trú và Nhập Tịch tối thiểu ba tháng kể từ ngày nộp hồ sơ. - Ðương đơn phải chứng minh mình là người có “tư cách đạo đức tốt.” Nghĩa là phải tuân theo luật pháp và đáp ứng đầy đủ những nghĩa vụ của mình, như nộp thuế với tư cách là một thành viên của cộng đồng. Nếu đương đơn có tiền sử phạm tội, nên tham khảo với một luật sư di trú có kinh nghiệm trước khi nộp đơn. - Ðương đơn phải biết nói, đọc, viết tiếng Anh cơ bản. Sở Di Trú và Nhập Tịch sẽ kiểm tra khả năng tiếng Anh tại buổi phỏng vấn nhập quốc tịch. Ðương đơn có thể bỏ qua yêu cầu này nếu: 1. Ðược 55 tuổi vào ngày nộp đơn và là thường trú nhân hợp pháp ít nhất 15 năm qua; hoặc 2. Ðược 50 tuổi vào ngày nộp đơn và là thường trú nhân hợp pháp ít nhất 20 năm; hoặc 3. Bị những giới hạn phát triển thể chất, tâm thần nghiêm trọng không cho phép học tiếng Anh và chứng minh khả năng tiếng Anh của mình. - Ðương đơn phải trình bày những hiểu biết cơ bản của mình về chính phủ và lịch sử Hoa Kỳ, những quy tắc và quyền lợi (được hiểu là “quyền công dân”). Ðương đơn sẽ làm một bài thi về quyền công dân tại buổi phỏng vấn để kiểm tra kiến thức. Ðương đơn có thể bỏ qua đòi hỏi này nếu bị những giới hạn phát triển thể chất, tâm thần nghiêm trọng không cho phép tìm hiểu những quyền lợi cũng như trình bày những kiến thức của mình Một lần nữa, hãy hội ý với luật sư di trú hoặc một văn phòng di trú bất vụ lợi nếu đương đơn có bất cứ câu hỏi liên quan đến những đòi hỏi này. Những bước căn bản trong quá trình ly dị LS Danielle Phạm (APALC) LTS: Trung Tâm Luật Pháp Mỹ - Á Thái Bình Dương (APALC) là tổ chức bất vụ lợi, bào chữa cho quyền lợi dân sự, cung cấp những dịch vụ có liên quan đến pháp luật, giáo dục, xây dựng mối liên kết có ảnh hưởng và tác động tích cực đến người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương, đồng thời tạo ra một xã hội bình đẳng và hòa hợp hơn. APALC phối hợp với Trung Tâm Pháp Lý Á-Mỹ ở Washington D.C., viện nghiên cứu Á-Mỹ ở Chicago và tổ chức Luật Á Châu ở San Francisco. Ðơn thỉnh cầu Một vụ ly dị bắt đầu bằng một đơn gọi là “Giấy Triệu Tập” (Summons) và một “Ðơn Thỉnh Cầu” (Petition). Những đơn này cho tòa án và người phối ngẫu của bạn biết rằng bạn muốn tòa chấm dứt hôn sự của mình. Ðồng thời liệt kê những yêu cầu mà bạn nêu ra trong việc giám hộ con cái, gặp mặt con, cấp dưỡng cho con, chu cấp cho người phối ngẫu, phân chia tài sản, chi phí cho luật sư v.v... Dựa vào tình trạng của bạn, bạn có thể cần thêm những đơn từ khác, như sau: Hồi đáp Nếu người phối ngẫu của bạn đã làm giấy triệu tập và đơn thỉnh cầu tại tòa án, họ phải gởi cho bạn văn bản copy những giấy tờ này. Khi có những giấy tờ này trong tay, bạn có quyền làm đơn phản đối, được gọi là “Hồi Ðáp” (Response). Bạn phải làm đúng thủ tục này trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Giấy Triệu Tập và Ðơn Thỉnh Cầu. Nếu không, bạn sẽ bị mất quyền lợi trong vụ ly dị và tòa án sẽ chấp nhận cho người phối ngẫu những quyền lợi mà họ đòi hỏi trong Ðơn Thỉnh Cầu. Án lệnh tạm thời Khi vụ ly dị của bạn đang tiến hành, bạn hay người phối ngẫu của bạn, có quyền đòi hỏi tòa án ban “án lệnh tạm thời” (Temporary Orders). Án lệnh tạm thời là những quy định khi vụ ly dị của bạn đang tiến hành. Bạn, hay người phối ngẫu, ai cũng có thể đòi hỏi tòa cho mình những án lệnh tạm thời - thí dụ, ai sẽ ở lại nhà khi vụ ly dị đang tiến hành, ai sẽ chịu trách nhiệm đối với con cái, ai sẽ thanh toán hóa đơn và những gì mà người vợ hoặc người chồng có thể làm hoặc không được làm. Dàn xếp thương lượng Ða số luật sư và thẩm phán đều đồng ý rằng cách tốt để giải quyết một vụ ly dị là thỏa thuận, chứ không phải đưa ra tòa để thẩm phán quyết định kết quả. Tòa án cũng yêu cầu các đương sự và luật sư của mình tham dự một “buổi hòa giải” (settlement conference). Ðiều này cho thẩm phán biết được vụ ly dị của bạn là về vấn đề gì, đồng thời cũng cho bạn và người phối ngẫu của bạn có một cơ hội khác để cân nhắc xem bạn có thể đi đến một vài thỏa thuận hay không. Nên nhớ, quyết định dàn xếp hay không là quyền của bạn. Nếu bạn thuê luật sư, luật sư không thể quyết định thay cho bạn được. Nếu bạn và người phối ngẫu của mình không đi đến được bất cứ thỏa thuận nào, về tất cả mọi vấn đề liên quan đến vụ ly dị, thì bạn cần phải tham dự phiên xử. Việc xét xử Tại phiên xử, mỗi đương sự phải tường trình sự việc cho thẩm phán biết. Câu chuyện được kể thông qua bằng chứng, chẳng hạn lời kể của bạn, lời kể của các nhân chứng khác và tài liệu được trưng ra. Thẩm phán sẽ quyết định dựa trên những bằng chứng này đối với bất kỳ vấn đề nào mà bạn và người phối ngẫu không thỏa thuận với nhau được. Cuối cùng bạn sẽ nhận được một phán quyết ly dị trong đó bao gồm tất cả các lệnh của tòa.
|