Home Đời Sống Pháp Luật Chuyện Tình Luật Sư và Thân Chủ

Chuyện Tình Luật Sư và Thân Chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: LS Trần Đình Bá   
Thứ Năm, 02 Tháng 10 Năm 2008 06:33

CHUYỆN TÌNH LUẬT SƯ VÀ THÂN CHỦ

Sống trong cuộc đời, ai cũng mong muốn làm thế nào để mình có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc, buồn ít, vui nhiều. Tuy nhiên, mong mỏi là một chuyện và có đạt được niềm ước muốn hay không lại là một chuyện khác. Con người từ lúc sinh ra đã không giống nhau, từ hình dạng đến tính tình, từ hoàn cảnh gia đình đến tình trạng xã hội. Ai may mắn thì gia đình hạnh phúc, anh em hòa thuận, tiền bạc lúc nào cũng "lỉnh kỉnh" trong túi. Ai kém may mắn hơn thì gia đình hay xung đột, cơm nước phải lo từng ngày, buồn nhiều hơn vui.

Cuộc sống ngoài xã hội cũng không thoát khỏi định luật đã được Tạo Hóa an bài. Có những công việc thường mang đến niềm vui, có những công việc chuyên đem lại nỗi buồn. Tương tự, có những nghề nghiệp khách hàng thường tìm đến khi họ vui, lại cũng có những nghề chỉ khi nào buồn, đau đớn thì khách hàng mới ghé đến. Ví dụ, các tiệm thuê bán quần áo cô dâu, chú rể, tiệm đặt bánh cưới, nữ trang, sính lễ, quanh năm suốt tháng đều tiếp đón khách hàng với những nét mặt vui tươi, rạng rỡ sửa soạn cho ngày trọng đại sắp tới. Ngược lại, các nhà quàn, nghĩa trang ngày qua ngày đều phải trực diện với khách hàng trong những ngày tháng u buồn, sầu não khi người thân mất đi.

Nghề luật sư, đôi khi còn bị gọi nghề "cãi mướn" hoặc nghề "nước bọt", tuy không hẳn luôn luôn có những thân chủ sầu buồn, nhưng cũng thường tiếp đón các thân chủ ở trong những trạng thái không lấy gì là vui vẻ cho lắm, như lo lắng, bực tức, phiền muộn. Ghé đến văn phòng luật sư là điều mà mọi người đều muốn tránh xa, kẹt chẳng đặng đừng mới phải bước vào. Do đó, khi một người phải nhờ đến văn phòng luật sư đại diện hoặc cố vấn, điều này có nghĩa người đó đang "long thể bất an" vì một vấn đề luật pháp nào đó, hoặc đang trải qua tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" trong gia đình hay trong công ăn việc làm.

Thông thường, nếu con thuyền cuộc đời cứ bình an trôi qua trong biển hạnh phúc, không ai muốn bỏ neo ở "cảng" luật sư làm gì. Nhưng nếu chẳng may phải dừng lại để tham khảo hay cần cố vấn luật pháp, làm sao biết được rằng công việc hoặc vấn đề này có cần đến luật sư hay không? Nếu cần, làm sao chọn được vị đại diện tận tâm, chuyên nghiệp? Làm sao biết được vị đó sẽ hết lòng bảo vệ quyền lợi của mình mà đề nghị những biện pháp hữu ích, thiết thực? Làm thế nào để không lọt vào tình trạng "tiền mất tật mang" hoặc "trao thân cho tướng cướp"?

A.  CHỌN LỰA LUẬT SƯ.

Hầu như mọi việc chúng ta làm trong đời sống đều liên hệ đến pháp luật không nhiều thì ít. Luật pháp hướng dẫn con người hành xử với nhau, với công xưởng, với xã hội, và luật pháp cũng quy định bổn phận của chính quyền đối với người dân cũng như quyền lợi của họ.

Đôi khi chúng ta không để ý, nhưng luật pháp thường giữ một vai trò nào đó khi chúng ta lập gia đình, ly dị, có con, mua nhà, đầu tư, mở tiệm hoặc công ty, thuê mướn nhân viên, ký giao kèo, lái xe, đi khám hoặc chữa bệnh, lập di chúc chia gia tài, v.v....

Dĩ nhiên, nếu luật pháp giữ vai trò chính yếu và lúc nào cũng điều khiển con người trong cuộc đời thì đời sống không còn gì là ý nghĩa. Tuy vậy, mặc dù pháp luật có thể bảo vệ và hướng dẫn người dân hành xử với nhau, nhưng ngược lại nó cũng có thể được sử dụng như một vũ khí cực mạnh chống lại dân chúng. Vì thế, đã có rất nhiều người không biết hoặc không nhận ra lúc nào họ phải quan tâm hay để ý đến luật pháp.

1. Trường hợp nào cần luật sư:

* Quyết định quan trọng: Kinh nghiệm của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày, trong vấn đề thương mãi, trong phạm vi nghề nghiệp chuyên môn, thường giúp họ hiểu biết về luật lệ liên quan trong lãnh vực này mặc dù cá nhân đó không phải là luật sư. Thí dụ một người chủ thường thấu hiểu về luật phải giữ lại thuế của nhân viên, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, quyền lợi nhân viên, làm sao thuê và đuổi nhân viên hợp pháp. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải suy nghĩ và có những quyết định ngoài lãnh vực chuyên môn. Nếu đây là những quyết định quan trọng, đó là dấu hiệu báo trước chúng ta nên tham khảo với luật sư vì hầu như những quyết định này ít nhiều sẽ liên quan đến luật pháp hoặc có hậu quả pháp luật.

* Bị kiện: Nên tham khảo với luật sư ngay khi nhận được đơn kiện vì thời hạn trả lời văn kiện hay chống trả có giới hạn.

* Dính líu đến luật hình sự (criminal): Nếu là nạn nhân, chúng ta có thể nhờ đến cảnh sát hay các cơ quan công quyền, hoặc tham khảo với luật sư để biết rõ quyền lợi. Nếu bị truy tố là tội phạm, luật sư có thể đại diện tranh cãi để nội vụ được công lý xét xử công minh và tránh tù tội hoặc án phạt.

* Bị thiệt hại: Khi bị thiệt hại vì hành vi của một người khác, nạn nhân có thể được bồi thường như luật pháp hoặc khế ước quy định. Thí dụ chính phủ từ chối không cho hưởng quyền lợi như luật định ; sản phẩm hoặc món đồ do công ty chế tạo gây thương tích cho người sử dụng ; công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại như khế ước đã quy định ; bác sĩ chểnh mảng trong việc điều trị hay chữa bệnh cho nạn nhân, hoặc luật sư, kế toán sao lãng trong việc đại diện cho thân chủ, v.v....

2. Chọn luật sư: Tương tự như bác sĩ, có luật sư hành nghề trên nhiều lãnh vực, có luật sư chỉ chuyên môn trong một hoặc vài lãnh vực. Thông thường rất ít có luật sư nào chuyên môn hành nghề trên mọi lãnh vực pháp luật. Do đó, khi có việc liên quan đến luật pháp, trước hết nên tìm đến vị luật sư nào có tiếng thành thật, chuyên nghiệp. Nếu họ không chuyên môn trong lãnh vực liên hệ đến vấn đề này, họ có thể giới thiệu đến người chuyên môn.

Để biết được vị luật sư nào mà chúng ta có thể "trao thân gửi phận" được, hỏi thăm người nhà hay bạn bè, đặc biệt những người mà chúng ta thường tín cẩn, là phương cách hữu hiệu nhất. Hoặc chúng ta có thể liên lạc với các hiệp hội luật sư địa phương hay luật sư đoàn của tiểu bang. Những cơ quan này sẽ cho biết các chi tiết tổng quát căn bản của những luật sư đang hành nghề tại tiểu bang như lãnh vực chuyên môn, thời gian hành nghề, địa chỉ liên lạc, v.v.... Sau đó, chúng ta có thể liên lạc thẳng với luật sư đó để "xem mắt" và nhận định xem họ có thể tín nhiệm được hay không.

Trong trường hợp bị truy tố về hình sự và bị cáo không có tiền nhờ luật sư riêng, tòa án sẽ chỉ định một luật sư chính phủ biện hộ miễn phí. Nếu liên quan về hộ, có những cơ quan với các luật sư chuyên giúp đỡ các người nghèo sẽ đại diện miễn phí hoặc với một lệ phí tượng trưng. Ngoài ra, các hiệp hội luật sư địa phương cũng có danh sách những luật sư tình nguyện đại diện miễn phí cho các thân chủ "thấp cổ bé miệng". Mặc dù luật pháp không bắt buộc người dân phải có luật sư đại diện tại tòa, nhưng nếu tự mình đại diện, cá nhân đó vẫn phải tuân theo và thi hành các thủ tục và luật lệ của tòa như luật sư.

B.  LỆ PHÍ LUẬT SƯ.

Thông thường, lệ phí thỏa thuận giữa luật sư và thân chủ được dựa vào 3 hình thức sau đây:

1. Lệ phí cố định: Luật sư có thể cho biết số tiền cố định cho công việc, nghĩa là luật sư làm nhiều hay ít vẫn chỉ được trả tiền chừng đó mà thôi.

2. Lệ phí theo giờ: Luật sư được trả trên số giờ thực sự làm cho công việc đó.

3. Lệ phí tùy kết quả: Luật sư được trả theo phần trăm nào đó trên số tiền đòi bồi thường cho thân chủ. Nếu không được bồi thường, thân chủ không phải trả lệ phí luật sư.

Đôi khi, luật sư và thân chủ có thể áp dụng các phương cách kể trên cùng một lúc . Thí dụ, luật sư được trả theo giờ tới một khoản tiền nào đó. Sau đó, thân chủ không phải trả thêm hoặc chỉ trả phần trăm nào đó trên số tiền được bồi thường.

Khi điện thoại lấy hẹn với luật sư, chúng ta nên hỏi rõ về lệ phí tham khảo. Có văn phòng tham khảo miễn phí, có chỗ miễn phí nửa tiếng đầu, có luật sư tính lệ phí khác nhau cho mỗi giờ, v.v.... Sau đó, nếu quyết định nhờ luật sư đại diện và đồng ý thỏa thuận "giá cả", thân chủ nên hỏi rõ cách thức trả tiền, như phải trả hết một lần hay trả góp, hoặc đóng cọc một số tiền bây giờ, khi nào số này gần hết lại phải đóng thêm, v.v.... Ngoài lệ phí luật sư, thân chủ cũng nên tìm hiểu rõ các phí tổn khác liên quan trong vụ kiện, và ai sẽ là người trách nhiệm trả các số tiền này.

C. THAY ĐỔI LUẬT SƯ.

   Như trong bất cứ cuộc "tình duyên" nào, không phải tất cả chuyện tình "luật sư và thân chủ" đều không có sóng gió. Nhiều khi vị luật sư quá "hăng hái" bảo vệ quyền lợi thân chủ, đánh đấm lung tung, tấn công tới tấp, mà quên đi ước muốn của họ là chỉ muốn dọa nạt, "hù" bên kia chút đỉnh với hy vọng vị luật sư sẽ là người trung gian làm hòa cho cả hai bên nguyên đơn và bị đơn. Hoặc người luật sư quá "lịch sự", áp dụng triệt để câu châm ngôn "Một câu nhịn, chín câu lành", chưa ra trận mà đã chấp nhận tất cả những điều kiện bên kia đòi hỏi vì không muốn mích lòng ai.

Nếu có thắc mắc hoặc không hiểu rõ những công việc mà luật sư đã và đang làm, thân chủ nên hỏi thẳng vị luật sư tại sao lại dùng chiến thuật như vậy, tại sao phải chờ một thời gian, tại sao phải nộp hồ sơ này, tại sao kết quả lại như thế, v.v.... Hầu hết trong mọi trường hợp, luật pháp có các thủ tục và điều kiện mà nhiều khi luật sư không hoặc chưa giải thích tường tận cho thân chủ. Ngoài ra, thân chủ cũng có thể tham khảo với các luật sư khác và xin họ cho biết ý kiến. Sau cùng, nếu nghĩ rằng luật sư của mình đã không giữ tròn trách nhiệm và làm đúng bổn phận, thân chủ có thể đệ đơn kiện đòi bồi thường trong trường hợp sự đình trệ, chểng mảng gây thiệt hại cho quyền lợi của mình.

Thông thường, chúng ta có khuynh hướng suy diễn rằng luật sư chắc đã làm điều gì sai, nên nội vụ đã không diễn tiến hay đem lại kết quả như lòng mong muốn. Nếu thân chủ không bằng lòng hay cảm thấy có điều gì không xuôi, nên tìm cách bàn thảo và giải quyết vấn đề thẳng với vị luật sư đại diện. Người ta thường ví luật pháp như rừng, rất phức tạp và thường hay thay đổi. Do đó, đôi khi thân chủ nghĩ luật sư làm sai vì khác với nội vụ lúc trước, nhưng thật sự luật sư đã làm đúng vì điều luật mới đã thay đổi không giống như lúc trước.

Bất cứ thân chủ nào cũng có quyền thay đổi luật sư của mình. Dĩ nhiên, có nên thay đổi luật sư hay không còn tùy thuộc vào thời điểm của vụ kiện. Thông thường, nếu có đổi luật sư nên làm sớm, vì thủ tục luật pháp có thời hạn và nhân chứng, tang vật có thể mất dần theo thời gian. Ngược lại, luật sư cũng có quyền rút lui khỏi nội vụ nếu việc rút lui này không làm thiệt hại cho quyền lợi của thân chủ, nhưng việc tiếp tục đại diện thân chủ lại gây thiệt hại cho luật sư. Thí dụ, luật sư đã yêu cầu thân chủ thanh toán lệ phí luật sư nhiều lần, nhưng thân chủ cứ “ỳ ra” không chịu trả. Trong trường hợp này, luật sư có thể xin phép tòa để chấm dứt việc đại diện thân chủ. Hoặc nếu thân chủ không chịu hợp tác, cung cấp các tài liệu như đôi bên đòi hỏi, luật sư cũng có thể đệ đơn xin tòa cho phép rút lui khỏi nội vụ.

D.  CÁC CUỘC TIẾP XÚC VỚI LUẬT SƯ ĐƯỢC BẢO MẬT.

Trong hầu hết các trường hợp, luật sư phải bảo mật các chi tiết mà thân chủ đã giải bày và không được tiết lộ cho bất cứ ai, nếu không có sự đồng ý của thân chủ. Bổn phận bảo mật này cũng phải được triệt để tuân giữ bởi các luật sư khác cùng làm việc trong văn phòng, cũng như thư ký, nhân viên.

Luật Sư TRẦN ĐÌNH BÁ