Điều Hoàn Mỹ Nhất. |
Tác Giả: Tâm Nguyễn | |||
Chúa Nhật, 11 Tháng 3 Năm 2012 20:36 | |||
Ngày xưa, có vị đại sư muốn chọn một đệ tử làm người kế thừa.
Một hôm, ông bảo hai người đệ tử ưng ý nhất, rằng: "Các con hãy ra ngoài và tìm về đây cho ta một chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất". Sau đó, người sư huynh quay về, trình cho đại sư một chiếc lá không được đẹp lắm. "Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy", vị sư huynh nói. Người sư đệ đi cả ngày trời đến chiều mới quay về với hai bàn tay trắng, nói với vị đại sư: "Thưa thầy, con đã tìm thấy rất nhiều lá đẹp, nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất". Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người sư huynh làm người kế thừa.(Theo Nghệ thuật sống) Bài học đạo lý: Rõ ràng, ở đời không có cái gì là toàn thiện, hoàn mỹ tuyệt đối cả. Được cái này thì mất cái kia là đặc tính chung nhất của vạn sự vạn vật. Nói chung là tất cả đều tương đối, tàm tạm kiểu "nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống không ai bằng mình" mà chúng ta cần bình tâm để nhận ra, đồng thời an tâm chấp nhận và không cầu toàn với hết thảy các vấn đề xảy ra trong cuộc sống vốn dĩ bất toàn. Người sư đệ trong câu chuyện rất dễ thương, lý tưởng hóa thực tại, mong cầu sự hoàn mỹ, đây cũng là một đức tính tốt. Tuy nhiên cuộc sống không cho phép lý tưởng hóa mọi việc mà phải đối diện với thực tiễn, chấp nhận thực tại. Nếu quá cầu toàn đến nỗi không tận dụng được những giá trị và tiện ích hiện có của sự vật thì cũng chưa phải là điều hay. Đó là chưa nói đến những giá trị tuyệt đối, lý tưởng là điều vô cùng hy hữu. Trong khi người sư huynh lại thực tiễn hơn. Thực tiễn mà không hề thực dụng. Dù biết rằng, đó chưa phải là chiếc lá hoàn mỹ nhất nhưng theo mình thì như vậy cũng được rồi, là một thái độ sống khôn ngoan và tuệ giác. Trước hết, vị này nhận thức sâu sắc về sự bất toàn của cuộc đời. Thấy rõ ràng không có gì hoàn hảo cả là một sự minh triết, một tuệ giác lớn. Kế đến là thái độ tiếp nhận các vấn đề của cuộc sống trong sự hiểu biết đúng như thật nên dễ dàng cảm thông, chấp nhận, tâm an nhiên bất động trong vô vàn thăng trầm và biến động của cuộc đời. Như người sống trong vùng sông nước thì cần chấp nhận một thực tế là phải "sống chung với lũ". Không "sống chung với lũ" được thì có nghĩa phải bỏ xứ ra đi hoặc chịu chết. Chúng ta cũng vậy, tuy thực tiễn vẫn còn vô vàn điều không như ý nhưng cần chấp nhận để tồn tại và vươn lên. Chối bỏ thực tại để đắm chìm trong mơ ước viển vông là điều không nên và không tưởng.
|