Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sư tầm (A - Ki)   
Thứ Bảy, 17 Tháng 3 Năm 2012 12:06

Câu Chuyện Thật Tác gỉa đã mất năm 2009

 

Các Linh Mục ban bí phép giài tội
 
Tôi bước vào đời với một giấy thế vì khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghifils de parents inconnus, ‘con của cha mẹ vô danh’. Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki. Đến bây giờ tôi không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên hỏi là ‘À Qui’?
 
Tôi tôi lớn lên trong vòng tay của các Nữ Tử Bác Ái và các cha thừa sai dòng thánh Vincent de Paul. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu ‘bình thường’ nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường. Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự đi ngược lại với tất cả mong ước của quí vị. Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng tứ cố vô thân.
 
Tôi thi vào Đại Học Sư Phạm Pháp Văn vì đó là nơi để tôi trốn lính, được hưởng học bỗng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở một trường trung học công lập Pháp ở DL. Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha ‘toàn năng và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người.
 
Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức Thiên Chúa. Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào. May ra là điều răn thứ năm: chớ giết người. Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi… Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một lỗ trống ghê rợn. Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần có một người bên cạnh.
 
Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng. Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến bí tích hôn nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi. Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác. Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình vào một ngục tù ngộp thở hơn. Vì lớn lên cạnh những người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến hy sinh. Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự… Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì. Rồi tôi ra trường và chọn về CT, trong khi vợ tôi vẫn còn ở DL. Thỉnh thoảng cô xuống với tôi vài tháng. Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà… Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị. Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình.
 
Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được ‘tư cách’. Tôi tuyên bố mình là người công giáo và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên công giáo. Vị tuyên úy sinh viên công giáo CT; lúc bấy giờ là cha ADH. Vào thời ấy, cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân kinh thánh ở nước ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc. Cha đến CT với dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức công giáo tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Câu lạc bộ Phục Hưng,44 Thévénet (Tú Xương hiện nay) Sàigon, vào thập niên 50.
 
Đi với bụt thì mặc áo cà sa. Đi với sinh viên công giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi ‘lành mạnh’ tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm. Tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội... Chúa đối với tôi là một trò đùa... Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bấc trong cuộc đời và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi ngộp thở từng giây từng phút. Không ít lần tôi đã nghĩ đến một phương thức tự tử êm ái.
 
Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giêsu… Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”, tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Đêm cô đơn ở Giêtsêmani, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh… tất cả. Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.
 
Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca về giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.
 
Tôi đến trao đổi với cha ADH. Cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Luca: đoạn ‘Người con hoang đàng’. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội vì không biết phải xưng thế nào… tội tôi nhiều quá. Cha bảo: Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ. Rồi Cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu thánh giá. Bầu trời như sụp đổ. Không còn một linh mục khuyên nhủ đứa ‘con hoang đàng’ mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: “Lạy Cha xin Cha tha tội cho con.. ”. Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con.. ” và tôi oà lên khóc… Kể từ ngày có trí khôn không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít…
 
Và quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha trên trời, Đấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi. Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng đã trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi…
 
Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa.
 
Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy không phải vì cuộc đời tôi có gì đáng nghe hơn một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.
 
Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây

 A-Ki