Một rừng biểu ngữ Tối ngày 08-09-2009, sau lễ tấn phong cha Giu-se Nguyễn Năng làm giám mục Phát Diệm, tôi đã nghe bạn bè nói đến các biểu ngữ được trương lên tại quảng trường nhà thờ Phát Diệm. Chuyện cờ xí hay biểu ngữ trong các dịp lễ hội không phải là chuyện lạ, thế nhưng khi vào trang mạng Vietcatholic xem các hình ảnh, tôi không thể tin vào mắt mình. Nhìn những tấm hình trên mạng, ta có thể đọc được các nội dung sau đây : – Chúc mừng Đức Tân Giám mục. Giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội yêu mến Đức Tổng Giu-se. Chúng con luôn vâng phục và đồng hành cùng Đức Tổng. – Chúng con biết ơn Đức Tổng Hà Nội. – Đức Tổng Hà Nội là chứng nhân của công lý và sự thật. – Đức Tổng Giám Mục Hà Nội – chúng con yêu mến Ngài. – Đức Tổng Giám Mục Hà Nội – trong trái tim của chúng con. – Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, vị Mục tử hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. – Đức cha Cao Đình Thuyên, vị Giám mục cao niên can trường. Cố ý lạc đề Hồi tôi còn đi học, bài luận văn của chúng tôi có khi bị phê là “lạc đề”. Khi thầy hay cô giáo cho một đề tài để phân tích hay bình luận mà mình đi ra ngoài, hoặc là nói chuyện nọ xọ chuyện kia nên bị phê là “lạc đề” thì cũng là chuyện bình thường thôi. Nay khi anh chị em giáo dân Hà Nội đi dự lễ tấn phong giám mục Phát Diệm, mà chúc mừng, tung hô Đức Tân Giám mục Phát Diệm, thì chẳng có gì đáng nói. Đàng này rõ ràng là họ cố ý lạc đề : Ngay sau câu Chúc mừng Đức Tân Giám Mục là một lời xác quyết : Giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội yêu mến Đức Tổng Giu-se. Chúng con luôn vâng phục và đồng hành cùng Đức Tổng. Chưa hết. Bên cạnh biểu ngữ đó, còn có rất nhiều biểu ngữ khác bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng gắn bó, tâm tình biết ơn đối với Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội. Vì lý do nào ? Những người tò mò có thể đặt câu hỏi : Vì lý do nào mà Đức Tổng Kiệt được yêu mến như vậy ? Và đây là câu trả lời : Đức Tổng Hà Nội là chứng nhân của công lý và sự thật. À, ra thế ! Giữa cái xã hội đảo điên này, khi ngày ngày tai nghe mắt thấy bao nhiêu điều dối gian xảo trá, khi bao nhiêu chuyện bất công oan trái cứ chồng chất như núi như non, mà ít ai dám công khai lên tiếng, thì làm chứng cho công lý và sự thật là điều cao quý biết chừng nào ! Lời chứng càng có thế giá khi phát xuất từ một người ở vị thế nổi bật như một Tổng Giám Mục. Nhất là khi người làm chứng không phải là người chỉ đưa ra những lời nói hoa mỹ, những nguyên tắc trừu tượng xa xôi, nhưng là người sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình, như nội dung một biểu ngữ khác : Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, vị Mục tử hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người được cộng đồng Dân Chúa mến yêu kính nể, là người đã thể hiện Lời Chúa Giê-su : Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Do đâu giáo dân Hà Nội thấy cần bày tỏ lòng yêu mến của mình ? Sở dĩ giáo dân Hà Hội thấy cần bày tỏ nguyện vọng, tâm tư của mình qua việc công khai gắn bó với vị lãnh đạo của mình, là vì thời gian gần đây, đã có không ít tin đồn Đức Tổng Giám Mục Hà Nội nộp đơn xin từ chức. Hơn một lần, chính quyền Hà Nội đã công khai bày tỏ ước muốn thấy Đức Tổng Kiệt ra đi, ít là khỏi thủ đô Hà Nội. Thế nhưng quyền cách chức lại ở trong tay Đức Giáo Hoàng, mà muốn cách chức phải có lý do. Thế thì vào lúc Toà Thánh nóng lòng muốn tái lập bang giao giữa Vatican với Hà Nội, phần Đức Giáo Hoàng thì muốn thăm Việt Nam, ta có thể đoán Nhà Nước Việt Nam sẵn sàng dùng Đức Tổng Kiệt như một lá bài để mặc cả. Và nếu Nhà Nước muốn nhờ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam làm trung gian để thực hiện kế hoạch nói trên, thì cũng chẳng có gì khó hiểu cho lắm. Điều mà phía cộng đoàn tín hữu lo sợ, là đang có những sự sắp đặt trên đầu mình, và tới một lúc nào đó, sẽ phải đứng trước những sự đã rồi. Khi đó thì chỉ còn biết gạt nước mắt vâng lời thôi. Nhưng ít ra người tín hữu muốn được một lần công khai bày tỏ nỗi niềm. Và cơ hội đã đến. Đàng sau những biểu ngữ Mấy chữ vàng lác đác trên một khung nền đỏ, đâu có là bao nhiêu. Thế nhưng đàng sau các tấm biểu ngữ, ta dễ dàng đọc được những tâm tư, tình cảm của anh chị em tín hữu Hà Nội trong một cuộc lễ với 20.000 giáo dân, hơn 400 linh mục, cả ngàn tu sĩ nam nữ, và hầu hết các Giám Mục của 25 giáo phận. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để trước mặt cộng đồng Dân Chúa, đứng đầu là các vị lãnh đạo, người giáo dân Hà Nội trải lòng mình ra. Họ quá biết ý đồ của nhà cầm quyền Hà Nội. Nhưng họ cũng hiểu rằng ở vào giai đoạn toàn cầu hoá hôm nay, không thể “đẩy” đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội, như đã đẩy đức cha Thuận gần 20 năm về trước. Nay thì quyết định chỉ có thể đến từ Đức Giáo Hoàng. Và đối với Đức Giáo Hoàng, thì ý kiến đáng quan tâm nhất, tiếng nói có trọng lượng nhất trong vụ việc này, hẳn là của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Qua các biểu ngữ, giáo dân Hà Nội muốn gửi một thông điệp, và cũng là một lời van xin thống thiết đến các giám mục : Xin hãy tích cực bảo vệ người anh em mình. Người ta có thể đẩy Đức Tổng Kiệt khỏi thủ đô Hà Nội hay khỏi nước Việt Nam, nhưng chắc chắn không thể đẩy ngài khỏi con tim của người tín hữu Hà Nội. Và ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng Đức Tổng Kiệt được kính nể yêu mến, không chỉ ở giáo khu Hà Nội. Ai đã đi dự lễ tấn phong giám mục của đức cha Nguyễn Văn Khảm, đều đã rõ điều đó : Khi giới thiệu các giám mục tham dự thánh lễ, cộng đoàn vỗ tay như thường lệ. Nhưng vừa nghe xướng tên Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, thì những tiếng vỗ tay giòn giã đã vang lên và kéo dài tưởng chừng không muốn dứt. Thậm chí có người đứng bật lên, có người vừa vỗ tay vừa lớn tiếng hoan hô. Đánh giá theo tiêu chuẩn nào ? Cách làm của anh chị em giáo dân Hà Nội còn cho thấy tiêu chuẩn để đánh giá một mục tử : Không phải là những khả năng trổi vượt của một nhà hùng biện, một kiến trúc sư, hay một tổng giám đốc điều hành, nhưng trên hết mọi sự, người mục tử phải là chứng nhân của công lý và sự thật, chứng nhân của Đấng đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, của Đấng đã mời gọi các Tông Đồ : Anh em hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33). Chính vì lúc này hơn lúc nào khác, lòng dũng cảm là đức tính được chờ đợi nơi người lãnh đạo, mà bên cạnh các biểu ngữ liên quan đến Đức Tổng Kiệt, ta còn đọc thấy : Đức Cha Cao Đình Thuyên, vị giám mục cao niên can trường. Trừ khi cố tình nhắm mắt để khỏi chia lòng chia trí, còn không ai có thể đọc các biểu ngữ mà không giật mình suy nghĩ. Kết luận Ngày lễ tấn phong giám mục đã trôi vào dĩ vãng, nhưng chắc chắn nhiều kỷ niệm còn đọng lại nơi những người tham dự, đặc biệt nơi Đức Tân Giám Mục Phát Diệm với phương châm “Hiệp thông – Phục vụ”. Và không chỉ riêng ngài, nhưng tất cả các giám mục hiện diện cũng thế, nếu đưa mắt nhìn những cánh tay giương cao các biểu ngữ, nhìn những khuôn mặt rạng rỡ vui tươi, mà còn chút quan tâm đến công luận, chắc không thiếu điều để cân nhắc đắn đo, để suy đi nghĩ lại. Còn tôi, nếu được phép ngỏ lời với anh chị em giáo dân Hà Nội, tôi sẽ nói : Anh chị em của tôi thật tuyệt vời ! Tôi cảm phục óc sáng tạo của anh chị em. Tôi yêu mến anh chị em. Sài-gòn, ngày 11 tháng 09 năm 2009
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|