Giáo dân Công Giáo ký thỉnh nguyện giữ TGM Ngô Quang Kiệt |
Tác Giả: Người Việt | |||
Thứ Ba, 27 Tháng 4 Năm 2010 14:25 | |||
HÀ NỘI (TH) - Hàng ngàn giáo dân Công Giáo khắp nơi, đặc biệt là giáo dân tại Tổng giáo phận Hà Nội đã ký thỉnh nguyện thư gửi Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI xin giữ Tổng Giám Mục Guise Ngô Quang Kiệt ở lại. Giáo dân ký thỉnh nguyện thư gửi Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI xin giữ Tổng Giám Mục Guise Ngô Quang Kiệt. Ngày 22 tháng 4, 2010, Tòa Thánh Vatican chính thức loan báo bổ nhiệm Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hiện là giám mục Giáo phận Ðà Lạt và cũng là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đương nhiệm, làm phó tổng giám mục với quyền kế vị, chấm dứt những tin đồn đãi về sự thay thế Tổng Giám Mục Kiệt. Sự bổ nhiệm chấm dứt được tin đồn nhưng lại đem ngay đến sự thất vọng khi giáo dân sợ vị phó tân cử 72 tuổi sắp tới tuổi phải nghỉ hưu nhưng với “quyền kế vị” sẽ tiến lên thay cho TGM Kiệt 58 tuổi trong một thời gian không xa. Khi có tin chính thức được loan báo và cũng hiểu có nhiều sự buồn phiền của giáo dân về sự bổ nhiệm này, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã gửi một lá thư gửi giáo dân ngày 23 tháng 4, 2010 một thư ngắn vừa thông báo tin bổ nhiệm của Giáo Hoàng, vừa nói với giáo dân là, “Chúng ta tạ ơn Chúa và cảm ơn Tòa Thánh đã cử ngài đến phục vụ Tổng giáo phận và giúp đỡ tôi trong tình trạng sức khỏe yếu kém. Từ hôm nay, trong lời cầu nguyện cho Giáo Hội, xin quý cha xướng tên của ngài cùng với chúng tôi.” TGM Ngô Quang Kiệt tiếp xúc với giáo dân sau một thánh lễ. (Hình: NVCL) Ngay từ trước khi tin chính thức cử Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn về Hà Nội làm Phó tổng giám mục chuẩn bị thay thế cho Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân Công Giáo đã truyền nhau các trao đổi và kêu gọi nhau vận động với Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican. Tuy nhiên, sự việc diễn tiến quá nhanh và kế hoạch đã chuyển sang thành vận động thỉnh nguyện với Giáo Hoàng không thay thế Tổng Giám Mục Kiệt. Bản thỉnh nguyện thư đề ngày 24 tháng 4, 2010 được phổ biến trên trang mạng Nữ Vương Công Lý và sau đó được phổ biến rộng rãi đi khắp nơi. Bản thỉnh nguyện thư này cũng được phổ biến trên website www.thepetitionsite.com/petition/731795358 để mọi người trên thế giới có thể ký tên trực tiếp. “Thời gian qua, tại Việt Nam có những thông tin rằng: Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt sẽ rời khỏi cương vị tổng giám mục - Tổng giáo phận Hà Nội vì sự thỏa hiệp giữa Vatican và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Ðiều này được các cơ quan chức năng của Việt Nam thông tin ra ngoài đã làm cho các tín hữu hoang mang và lo lắng. Thông tin đó làm quặn đau tất cả chúng con, những tín hữu Kitô mến yêu một Giáo Hội tông truyền, thánh thiện, hiệp nhất và yêu thương. Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt là ‘vị mục tử nhân lành’ của chúng con và là một thợ gặt lành nghề của Chúa, một tấm lòng nhân hậu với tất cả những kẻ nghèo hèn.” Bản Thỉnh Nguyện Thư gửi Giáo Hoàng Benedict 16 viết như vậy và nói rằng, “Những năm tháng qua, nhờ ơn Chúa quan phòng, ngài đã chứng minh cách xuất sắc khả năng lãnh đạo, quy tụ và phát triển đoàn chiên Chúa trong tổng giáo phận Hà Nội, quên mình bảo vệ đoàn chiên trước sự dữ tấn công. Ngài là hiện thân của mục tử Thánh thiện như lời Ðức Giêsu: ‘Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên ta và các chiên ta biết ta.’ Ngài đã thể hiện sự đạo đức, thánh thiện và đồng hành với những gian nan của giáo dân và cả dân tộc Việt Nam chúng con. Ngài luôn được sự yêu mến hết lòng của mọi tín hữu tổng giáo phận Hà Nội, của toàn thể giáo dân Việt Nam và là biểu tượng của mọi người yêu chuộng sự thật-công lý-hòa bình.” Bản Thỉnh Nguyện nhắc lại, “Những biến cố vừa qua tấn công vào Giáo Hội Việt Nam dưới sự cai trị của nhà nước Cộng Sản, cướp đoạt tài sản Giáo Hội, đánh đập giáo dân, linh mục, tu sĩ, đập phá Thánh Giá... Ngài là thành trì vững chắc, là mái nhà che chở cho chúng con trú ngụ trên con đường dấn thân yêu mến Thiên Chúa và Giáo Hội. Tình cảm, tấm lòng của ngài đã ăn sâu vào máu thịt, là hơi thở, là niềm hy vọng của mỗi giáo dân tổng giáo phận Hà Nội, giáo dân Việt Nam và những người yêu mến sự thật-công lý-hòa bình.” TGM Kiệt lội nước đi thăm giáo dân trong trận lụt lịch sử hồi tháng 11 năm 2008. (Hình: NVCL) Vì vậy, Thỉnh Nguyện Thư nói rằng, “Nếu ngài phải ra đi, thì sẽ là một thảm họa khôn lường cho tín hữu, cho Giáo Hội Công Giáo tại TGP Hà Nội và Giáo Hội Việt Nam nói chung. Ðiều trực tiếp là tạo nên vô vàn những điều quan ngại và sự nghi ngờ với sự sáng suốt và đường lối của Tòa Thánh Vatican.” Trước sự việc đã xảy ra và “trước thông tin ngài có thể ra đi” giáo dân “đồng lòng kính xin” với Tòa Thánh Vatican, “Kính xin Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt ở lại với tổng giáo phận Hà Nội để dẫn dắt đoàn chiên của Chúa vì phần rỗi các linh hồn. Kính xin Bộ Truyền Giáo đệ trình trực tiếp Giáo Hoàng Benedicto XVI tình trạng hiện nay của chúng con và khẩn xin ngài giữ gìn đức tổng chúng con ở lại phục vụ giáo dân tổng giáo phận Hà Nội. Tất cả chúng con, xin được hết lòng cảm tạ sự quan tâm lưu ý của Ðức Thánh Cha, Bộ Truyền Giáo Tòa Thánh và Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đáp ứng nguyện vọng này của chúng con.” Theo bản tin của Nữ Vương Công Lý ngày 25 tháng 4, 2010, chỉ 12 tiếng đồng hồ sau khi bản thỉnh nguyện thư được phổ biến, đã có hơn 4,500 người khắp nơi đồng ký tên. Những người ở tổng giáo phận thì ký tên ngay tại nhà thờ, những người khác ký tên trên mạng. Danh sách phổ biến trên mạng Nữ Vương Công Lý cho thấy người ký tên gồm đủ mọi thành phần, tại nhiều quốc gia và cả ở Hoa Kỳ. Danh sách này sẽ còn được tiếp tục cập nhật hàng ngày. Cuối năm ngoái, đã có tin đồn Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt xin từ chức vì lý do sức khỏe. Tin đồn lại càng gây sự chú ý khi ngài sang Roma chữa bệnh hồi đầu tháng 3 nhưng trở về đột ngột vào ngày cuối của phiên họp Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ngày 9 tháng 4, 2010 vào lúc có tin ngài bị thay thế. Nay tin chính thức từ Tòa Thánh thì không bị thay thế nhưng lại có một vị phó tổng được cử đến “với quyền kế vị” không làm cho giáo dân vốn yêu mến kính trọng TGM Kiệt yên tâm. Tòa Thánh Vatican đang đứng trước phản ứng của khối giáo dân Công Giáo Việt Nam muốn có một vị chủ chăn được họ tin cậy.
|