Home Đời Sống Tôn Giáo Hỏi ai bây giờ?

Hỏi ai bây giờ? PDF Print E-mail
Tác Giả: J.B Xuân Lộc   
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010 10:06

‘Khó hiểu’ nếu không muốn nói không thể hiểu nổi, ‘thất vọng’, ‘hoang mang’.

Dường như đó là cảm giác chung của nhiều người Công giáo Việt Nam và giáo dân Hà Nội nói riêng kể từ khi ĐC Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà Lạt và Chủ tịch HĐGM Việt Nam, được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó, với quyền kế vị TGM Hà Nội.

Nhiều người sống tâm trạng đó vì biết rằng với việc bổ nhiệm này, sớm hay muộn ĐC Nhơn cũng sẽ lên làm TGM Hà Nội và điều đó cũng có nghĩa là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt phải ra đi.

Những bài viết như ‘Em ngươi đâu?’ của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ‘Cảm giác về biến cố TGM Giuse Ngô Quang Kiệt qua Tông thư thuyên chuyển ngày 22/4/2010’ của LM Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh, ‘Đôi điều suy nghĩ về sự ra đi của đức TGM Ngô Quang Kiệt’ của Alf. Hoàng Gia Bảo, ‘Lạy Chúa con không thể hiểu nổi’ của J.B Nguyễn Hữu Vinh, hay ‘Lòng tin bị lung lay’ của Hương biển Cửa Lò, được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng trong những ngày qua cho thấy rõ những thắc mắc, nỗi lòng đó.


Thắc mắc, khó hiểu

Lý do thường được đề cập đến để giải thích cho việc bổ nhiệm ĐC Nhơn làm TGM Phó với quyền kế vị là sức khỏe của Đức Tổng Kiệt ‘có vấn đề’. Nhưng trong lý do này ít nhiều đã có điều nghịch lý, khó hiểu. Một vị GM 72 tuổi lại được chọn làm TGM Phó cho một vị TGM mới 58 tuổi. Phải chăng người 72 tuổi lại có sức khỏe, lại sung sức hơn người trẻ hơn mình đến 14?

Nhìn những hình ảnh Đức Tổng Kiệt lặn lội đi thăm viếng, yên ủi các nạn nhân sau các trận lũ lụt trong năm vừa qua không ai có thể nói Ngài quá ốm đau không thể tiếp tục công việc mục vụ.

Vậy phải chăng ‘vấn đề sức khỏe’ của Đức Tổng là ‘tinh thần’, là ‘mất ngủ dẫn đến suy nhược’. Nhưng như bài viết ‘Em ngươi đâu?’ đặt vấn đề, tại sao Ngài lại rơi vào tình cảnh đó? Ngài khó ngủ, căng thẳng vì Ngài cảm thấy bị bỏ rơi, cô thế? Ngài mất ngủ, suy nghĩ nhiều vì đường lối của Ngài không được các Giám mục khác trong HĐGM và Tòa Thánh ủng hộ?

Bài phỏng vấn của LM Huỳnh Công Minh với BBC Việt Ngữ gần đây ít hay nhiều tiết lộ nguyên nhân dẫn đến ‘chuyện mất ngủ’ của Đức tổng Kiệt cũng như chuyện ĐC Nhơn được bổ nhiệm làm TGM Phó Hà Nội với quyền kế vị. Đó là đường hướng mới của Tòa Thánh là ‘chủ trương đối thoại chứ không phải đối đầu’.

Mặc dù không nói trực tiếp nhưng qua chi tiết này có thể hiểu được rằng Tòa Thánh và có thể cả HĐGM Việt Nam coi những việc làm của Đức Tổng Giuse như đòi xóa bỏ ‘cơ chế xin cho’, đòi tự do tôn giáo, đòi công lý, sự thật, hay bênh vực những người thập cổ bé miệng là ‘đối đầu’ với chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Đây cũng là lý do chính khiến những người yêu mến Đức Tổng hay những người muốn có một xã hội công bằng, bác ái và tự do thắc mắc, khó hiểu. Thắc mắc, khó hiểu và nếu không muốn nói là không thể hiểu nổi tại sao Giáo Hội lại nhìn và làm như vậy.

Vẫn biết rằng đối thoại là điều cần thiết nhưng làm sao có đối thoại, có sự tôn trọng thực sự khi vẫn còn đó có ‘cơ chế xin-cho’, khi quyền tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng vẫn là một ‘ân huệ’ của chính quyền.

Thông cáo mới đây của Ủy ban Giới trẻ HĐGM Việt Nam về việc UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận việc tổ chức Đại hội Giới trẻ Công giáo toàn quốc tại giáo xứ Ba Làng là một ví dụ. Vì không được ban cho ‘ân huệ’ ấy, Ủy ban Giới trẻ đành phải hủy bỏ việc tổ chức Đại hội mặc dù một sự kiện quan trọng như vậy đã được HĐGM cho phép và Ủy ban Giới trẻ cũng đã mất nhiều thời gian chuẩn bị và ‘xin phép’ cũng như bao bạn trẻ chờ mong.

Đức Tổng Kiệt được biết bao người (cả Công giáo lẫn không Công giáo) yêu mến, quý trọng vì Ngài dám mạnh dạn đứng lên ‘đòi’ quyền căn bản và đơn giản ấy. Và năm 2002 cũng chính HĐGM Việt Nam đã đề nghị hủy bỏ cơ chế đó vì nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất công khác trong xã hội Việt Nam.

Nhiều người giáo dân thắc mắc và khó hiểu cũng tại vì Tin Mừng mà họ được nghe, được rao giảng là ‘Tin mừng’ cho người nghèo, cho những người thấp cổ bé miệng, cho những người bị áp bức. Đức Kitô mà họ biết, họ tôn thờ, họ theo là một Đức Kitô làm chứng cho sự thật, dám mạnh dạn lên tiếng tố cáo những bất công, dối trá, không thỏa hiệp với cường quyền, là một vì chủ chăn hết lòng vì đoàn chiên, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên đó.

Những bài viết kể trên cho thấy nhiều người Công giáo nói chung và người giáo dân Hà Nội nói riêng cảm nhận được ‘Tin mừng’ và ‘Vị mục tử nhân lành’ đó nơi con người, nơi chứng tá của Đức Tổng Kiệt.

Thất vọng, hoang mang

Nhưng việc bổ nhiệm ĐC Nhơn làm TGM Phó với quyền kế vị không chỉ lấy đi biểu tượng của niềm tin và hy vọng của họ mà hình như còn đi ngược lại những gì họ được nghe, được rao giảng. Và cũng chính điều này làm cho họ cảm thấy thật vọng.

Họ thất vọng vì trong những lúc căng thẳng như vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ hay Đồng Chiêm hoặc lúc Đức Tổng ‘đau đầu, mất ngủ’,  HĐGM không lên tiếng, không mang đến cho Ngài ‘liều thuốc an thần’.

Họ thất vọng vì Giáo Hội dường như nhắm mắt làm ngơ trước những bất công, những điều phi lý, hay thậm chí ‘thỏa hiệp’, chấp nhận sự điều khiển, chi phối của chính quyền cũng như bao thế lực ‘trần thế’ khác. Việc chính quyền thành phố Hà Nội công khai đòi đưa Đức Tổng ra khỏi thành phố và giờ yêu sách đó đang dần dần trở thành hiện thực cho thấy Giáo Hội đã và đang bị chính quyền hay ‘tà quyền’ điều khiển.

Như hai bài viết của hai linh mục kể trên cho thấy bao người thất vọng vì nghi rằng ngay trong lòng Giáo Hội cũng có những ‘Cain’, ‘Herodias’ hay Herodes Antipas – những người vì những lý do và mục đích khác cá nhân nhau đã và đang ‘giết’, hoặc ‘đòi đầu’ hay ‘cho chặt đầu’ Đức Tổng Kiệt?

Họ thất vọng vì họ biết sớm hay muộn họ cũng sẽ mất đi ‘người Cha’, ‘người Thầy’, ‘người Mục tử nhân lành, dũng cảm’ ấy.

Chính nhờ sự hiện diện của Ngài mà họ cảm thấy được che chở, được nâng đỡ. Chính nhờ chứng tá của Ngài mà niềm tin của họ được khơi dậy, được củng cố. Cũng chính nhờ lòng nhân hậu, tính kiên trung của Ngài mà họ biết tìm đến bên nhau, yêu thương đùm bọc, nâng đỡ, bảo vệ nhau.

Việc 8 giáo dân ‘bị cáo’ và hàng ngàn giáo dân khác vui vẻ, ung dung, hiên ngang ra ‘pháp trường’ sau vụ Thái Hà, TKS cho thấy điều đó.

Những người như luật sư Lê Trần Luật hay Tạ Phong Tần chắc cũng đã không vào đạo nếu như ban đầu họ không cảm nhận được sự đoàn kết, lòng dũng cảm trong việc đấu tranh cho công lý nơi người Công giáo và giáo dân Thái Hà nói riêng.

Chắn chắn đã không có nhiều bạn trẻ nhiệt tình tham gia, dấn thân vào các sinh hoạt của giới trẻ Công giáo Hà Nội hay can đảm có mặt tại các ‘điểm nóng’ trong các vụ Thái Hà, TKS, Đồng Chiêm hay Tam Tòa nếu không có những vị Mục tử dám kiên trung, can đảm như Đức Tổng Kiệt hay ĐC Thuyên.

Việc các bạn trẻ treo biểu ngữ trong một dịp đại lễ để tỏ lòng mến mộ, khâm phục và kính trọng với Đức Tổng Giuse hay ĐC Thuyên là một ví dụ.

Do đó, việc Đức Tổng Kiệt rời hay ‘bị đuổi khỏi’ Hà Nội chắc chắn gây một nổi thất vọng ê chề nơi người giáo dân Hà Nội và bao người khác nói chung.

Bài ‘Lòng tin bị lung lay’ của Hương biển Cửa Lò cho thấy hình ảnh, sự ‘hiện diện’ của Đức Tổng Kiệt còn lan rộng tới mọi ngõ hẻm của xóm biển Cửa Lò, hay những làng quê nghèo tại Giáo phận Vinh. Từ những cụ già đến những em bé tiểu học đều quan tâm và tỏ ra thất vọng về việc Đức tổng Kiệt sắp phải ra đi.

Khó hiểu, thất vọng dẫn đến hoang mang.

Hoang mang vì không biết rồi đây vị Mục tử nhân lành, kiên trung của họ sẽ bị đối xử như thế nào? Hoang mang vì không biết khi vị Chủ chăn ấy ‘bị lấy đi’, ‘bị đuổi đi’ đoàn chiên sẽ đi đâu, về đâu? Hoang mang vì không biết rồi đây vị chủ chăn mới của mình có dám mạnh dạn đứng lên bảo vệ, hướng dẫn họ thoát khỏi những đe dọa, hiểm họa, tấn công hay chỉ biết tìm sự ‘yên hàn’, ‘an nhàn’.

Trong bài phỏng vấn dành cho BBC Tiếng Việt, LM Huỳnh Công Minh cho biết ĐC Nhơn chỉ muốn ở lại ‘trong này (Đà Lạt) cho nó yên hàn chứ ở ngoài đó (Hà Nội) khó khăn lắm’. Vẫn biết rằng có chút gì đó đùa vui nhưng chắc chắn câu nói đó ít nhiều cũng phản ánh được suy nghĩ, thái độ của những người trong cuộc. Do đó, nhiều người hoang mang khi biết vị mục tử của họ được gửi đến không phải để phục vụ mà chì tìm kiếm sự an nhàn, yên hàn.

Họ hoang mang, họ lo âu về những điều ‘khó hiểu’ đã và đang xảy ra. Và họ hoang mang vì trước nhiều khó hiểu đó, họ cảm thấy niềm tin của họ bị lung lay.

Theo dõi những gì liên quan đến Đức Tổng Kiệt và đặc biệt kể từ khi biết việc bổ nhiệm mới này ít hay nhiều tôi cũng sống tâm trạng đó.

Thấy khó hiểu, thất vọng và hoang mang nhưng biết hỏi ai, trách ai bây giờ?

Là người Việt, là người Công giáo, ngay từ nhỏ, ngày từ những buổi học giáo lý đầu tiên chắc chắn ai cũng được dạy phải tôn trọng, phải vâng phục người trên, bề trên, các đấng bậc trong Giáo hội. Hơn việc bổ nhiệm này là của Tòa Thánh làm sao những người giáo dân dám lên tiếng phản đối?

Tin tưởng, phó thác

Không thể hỏi ai thì chỉ biết tin tưởng phó thác vào sự an bài, quyền năng của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa nâng đỡ, ủi an Đức tổng Kiệt trong những ngày này và mãi sau này.

Cách đây hơn 30 năm, ĐC Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng ‘bị đưa’ đi khi Ngài còn khỏe mạnh, sung sức. Nhưng Ngài đã ‘đón nhận’ 13 năm tù giam đó và coi nó như là môi trường mục vụ khác Chúa giao cho Ngài. Chính ‘nhờ’ những năm tháng tù đày đó, mà sau này chúng ta mới có ‘Đường Hy Vọng’, mới có được một ĐHY, một chứng nhân trung kiên.

Ước gì trong tương lai ‘nhờ’ sự ra đi của Đức Tổng Kiệt, Giáo hội Việt Nam có thêm một ‘Đường Hy Vọng’, có thêm ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, có thêm một chứng nhân anh dũng, kiên trung khác.

Xin Thiên Chúa cũng hướng dẫn, soi sáng, ban sức mạnh cho ĐC Nhơn cũng như hàng Giáo phẩm Việt Nam để các Ngài biết dấn thân phục vụ đem công lý, tự do, hạnh phúc, an bình đến cho không chỉ Giáo Hội Việt Nam mà cả dân tộc Việt Nam.

Ước gì việc bổ nhiệm này không trở thành một ‘vết đen’ mà là một ‘điểm son’ cho Giáo hội Việt Nam trong Năm Thánh này! Ước gì khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam những thế hệ mai sau không oán trách thế hệ cha anh vì những gì xảy ra với Đức Tổng Kiệt, với Giáo Hội Việt Nam ngày hôm nay.