Sự ra đi của Đức Cha Kiệt phơi bày những khiếm khuyết Truyền thông của Giáo hội |
Tác Giả: Alf. Hoàng Gia Bảo | |||
Thứ Sáu, 21 Tháng 5 Năm 2010 09:22 | |||
Mấy tuần vừa qua tên tuổi Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt một lần nữa lại trở thành đề tài tranh luận của nhiều trang mạng. Trên các diễn đàn, website công giáo đề tài này càng nóng hơn, bởi lẽ sự ra đi của Đức Cha Kiệt được xem là dấu chỉ thất bại của phong trào đấu tranh đòi công lý của Giáo hội mở đầu bằng vụ Tòa Khâm Sứ cuối năm 2007, cho thấy nhà cầm quyền Csvn xem ra không những đã ‘trị’ được phong trào mà việc Đức cha Nhơn được chọn vào vị trí TGM Hà Nội còn cho thấy HĐGMVN đang bị họ ‘siết’ hòng ngăn ngừa một Ngô Quang Kiệt thứ hai xuất hiện trong tương lai ra sao. Nay thì Đức Cha Kiệt cũng đã rời khỏi Việt Nam (ra đi trong hoàn cảnh ‘đặc biệt’ như vậy thì ngày trở về của Ngài chắc còn xa lắm?) và Đức Cha Nhơn đã thay Ngài để tiếp tục công việc cai quản giáo phận Hà Nội. Mọi trục trặc ban đầu rồi cũng sẽ qua đi, bởi với số tuổi đời gần 5 thế kỷ với bao trận bách hại máu đổ đầu rơi mà vẫn hiên ngang tồn tại, Giáo hội đâu còn là cây non để dễ gãy đổ. ‘Biến cố’ Ngô Quang Kiệt lớn như vậy chứ nếu có bùng nổ lớn hơn nữa chắc chắn không thể ‘quật ngã’ 7 triệu người công giáo được. Nếu ai đó có ý đồ muốn dựng lên một “Giáo hội yêu nước” như tại Trung quốc họ cần biết rằng thế giới hôm nay đã hoàn toàn ‘lột xác’ so với thời thập niên 40-50s thế kỷ trước. Chỉ mới thay một vị giám mục thôi, mà cũng chưa biết có vị nào trong giáo hội ‘tiếp tay’vào hay không, mà dư luận đã làm ‘rùm beng’ lên như thế thì với những cái hiểm họa lớn hơn chắc chắn không dễ lọt qua. Tuy nhiên, qua vụ việc hẳn là nhiều người cùng thấy hệ thống truyền thông của giáo hội đang có điều gì đó chưa ổn. Nếu không Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã chẳng phát biểu (chính xác đó là câu ‘chê khéo’) như hôm 7/5/2010 tại Hà Nội “… nếu suy nghĩ một cách lạc quan, chúng ta cũng có thể rút ra những kết luận rất tích cực từ biến cố này. Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại….” Khi ‘bố’ ít nói ! Sự ‘bùng nổ’ dư luận về việc ra đi của Đức Cha Kiệt có lẽ là vụ 'scandal’ thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất từ trước đến nay về chuyện nội bộ của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Qua đó chúng ta mới càng thấy ‘thấm thía’ hơn vì sao Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng Ngài vẫn cố học sử dụng internet, đồng thời kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hãy tìm cách khai thác khả năng tuyệt vời của phương tiện này phục vụ công cuộc truyền đạo của Giáo hội. Như chúng ta biết HĐGMVN cơ quan ‘quyền lực’ cao nhất của Giáo hội có lập ra một ban chuyên lo về truyền thông có tên gọi đầy đủ là Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội. Với vai trò ấy Ủy Ban này còn có thể xem là ‘phát ngôn viên’ chính thức của giáo hội. Tuy dù Ủy Ban này đã thành lập được trên 3 năm, nhưng vẫn ngủ yên và mới đây (theo thông báo hôm 16/5/2010 vừa qua), Ủy ban vừa chính thức ra mắt trang riêng của mình tại điạ chỉ truyenthongconggiao.org nhưng văn phòng thật thì vẫn ở chung với www.hdgmvn.org tại địa chỉ 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3 TP. HCM Việt Nam. Như vậy không biết rồi trong tương lai trách nhiệm và quyền hạn phát ngôn (tiếng nói chính thức của HĐGMVN) sẽ được phát biểu hay trình bày ở đâu: hdgmvn.org hay truyenthongconggiao.org? Hay cũng là tùy tiện và tùy ý muốn hiểu sao cũng được? Trước nay do chưa ‘đụng chuyện’ nên chúng ta chưa biết nhiều về Ủy ban Truyền thông này ra sao. Có nhiều giáo xứ xảy ra tình trạng tranh chấp về tài sản đất đai với chính quyền cần đến tiếng nói của Giáo hội, hay ít ra là Giáo hội đưa tin một cách trung thực về hiện tình những biến cố đang xẩy ra như thế nào, hay trên lãnh vực hướng dẫn dân Chúa trước những vấn đề bất công xã hội, vi phạm nhân quyền, hiện tình đất nước, đường hướng của Giáo hội trước những biến cố chính trị, v.v... lại càng cần những chỉ dẫn cụ thể cho việc sống đạo và dấn thân... Không biết Ủy Ban này sẽ hoạt động cụ thể ra sao? Điển hình như tình hình tranh chấp tại giáo xứ Thái Hà-Hà Nội năm 2008 có lúc sự căng thẳng leo lên đến đỉnh điểm tưởng chừng như giáo xứ này sắp bị ‘làm cỏ’ đến nơi. Trong khi có nhiều giám mục không quản ngại tuổi tác đường sá xa xôi đến tận Thái Hà để an ủi hiệp thông thì ‘vị ngôn sứ’ có thể ngồi nhà bấm bàn phím thôi mà cũng không làm nổi? Những vụ tiếp theo, như Tam Tòa, Loan Lý cũng tương tự vậy. Đến khi xảy ra vụ Thánh giá tại giáo xứ Đồng Chiêm bị triệt hạ hồi đầu năm nay, có lẽ thấy không thể im lặng mãi nên trang hdgmvn.org đã lên tiếng. Nhưng thật lạ thay! Lên tiếng không phải để phản đối kẻ xúc phạm Thánh Giá mà để nêu nỗi băn khoăn “Lên tiếng hay không lên tiếng”.!? Với câu phân bua “HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng, không nhằm giải quyết từng vụ việc ở mỗi địa phương” bài viết này đã bị dư luận chỉ trích vì cho rằng mục đích lên tiếng là để đá ‘trái banh’ trách nhiệm sang phần sân bổn đạo, nên bị mọi người châm biếm bằng cách sửa tên bài viết này lại thành “lên tiếng cũng như không lên tiếng”. Có lẽ rút kinh nghiệm lần bị phản ứng nêu trên đến khi Đức cha Kiệt “từ nhiệm ra đi”, Ủy Ban này đã tỏ ra cẩn trọng hơn bằng giải pháp thay vì mình nói thì thực hiện phỏng vấn Đức cha Kiệt, chắc muốn để chính ‘đương sự’ nói có gì sai sót thì Ngài ráng mà chịu chăng? Tóm lại, trong một gia đình thôi nếu ông bố bà mẹ mà nhát nói thì con cái họ cũng dễ bị hàng xóm ‘bắt nạt’ rồi, huống chi chuyện sống đạo trong một xã hội chủ trương vô thần? Đoạn trả lời phỏng vấn đài RFA của Đức cha Phó HĐGMVN Nguyễn Chí Linh Trả lời cho thấy các Ngài đã ‘nhát nói’ ra sao “…các Đức cha cũng đã bàn đi bàn lại nhiều lần… Tuy nhiên trong bối cảnh này nếu mình ra một thư chung thì phải đặt vấn đề có lợi hay hại. Lượng định của một số giám mục Việt Nam thì bây giờ nếu ra thư chung thì họ lại ném đá vào bức thư này”. Không riêng gì với Giáo hội mà với mọi tổ chức, việc chủ trương lấy im lặng để giao tiếp với công chúng, ai muốn hiểu sao thì hiểu, cách giao tiếp này rõ ràng chứa đựng rất nhiều sự rủi ro. Trang www.hdgmvn.org là tiếng nói chính thức của Giáo hội mà lập trường chẳng rõ ràng trước các sự kiện liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình, nhất là lại ‘sợ bị người ta ném đá’ như thế thì chẳng trách sao các trang mạng nhẹ kílô hơn, cũng như tu sĩ, giáo dân khắp nơi không khỏi lúng túng khi phải đối mặt với bao loại thông tin trái chiều nhau trong vụ đức cha Kiệt đang lan tràn khắp các trang mạng? Đến ‘nỗi khổ’ của đàn con Không như mấy trăm tờ báo ‘lề phải’ được tập dợt thường xuyên, các báo đạo có muốn làm theo ‘sự chỉ dẫn’ của Giáo hội (mà nói như nhà nước là ‘đinh hướng’) cũng chẳng biết tìm ‘sự chỉ dẫn’ ấy ở đâu? Từ đó mới thấy cảm thông và ‘tội nghiệp’ cho các vị đứng đầu các website đạo, cũng như cả những người tham gia viết (nhưng không có cửa để ‘lách’!) Nói thế không có nghĩa chúng ta lại ‘điên rồ’ mong tất cả báo đạo viết về Giáo hội đều có cùng giọng điệu tốt đẹp như nhau, bởi có mong cũng chẳng có được, Giáo hội đâu phải là nhà độc tài nên giáo dân đâu bị buộc phải ca tụng các chủ chăn bằng mọi giá. Tuy nhiên, tình trạng ‘đa ngôn’ của truyền thông giáo hội hiện nay đáng quan tâm ở chỗ qua các biến cố từ TKS, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Đồng Chiêm v.v… cho thấy mặc dù phản ứng của người có đạo khắp nơi rất mạnh chứng tỏ luôn có rất nhiều người nhất là giới trẻ quan tâm đển vận mệnh Giáo hội, nhưng là mạnh kiểu ‘mạnh ai nấy nói’, mạnh mà vẫn cứ thua do chẳng ai được xem là tiếng nói chính thức của Giáo hội cả. Thực tế cho thấy chủ nhân của các trang mạng phải tự ‘định hướng’ lấy cho mình, đồng thời phải chấp nhận ‘rủi ro’ khi nói theo bên phải có thể sẽ phải ‘lãnh đủ’ những lời chỉ trích của bên trái, hoặc ngược lại. Nhưng nếu im lặng không nói gì hoặc chỉ nói một cách thận trọng, chung chung, lại dễ bị cho là "nhát gan, đồ ba phải, tắc kè bông nay rày mai khác, v.v…" Tóm lại là viết kiểu gì cũng ‘chết’ và phi lý nhất là ở chỗ viết vì Giáo hội mà khi ‘chết’ lại chẳng biết được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục vì tội chỉ trích chủ chăn, gây chia rẽ giáo hội v.v…vì nhìn từ trên xuống tĩm mãi chẳng thấy có thước đo nào đáng để xem làm chuẩn mực cả! Bởi vậy, có lẽ không ít người cũng có cảm giác như chúng tôi, trong lúc viết, có cảm giác như mình đang đi tìm ánh sáng bằng cách lần mò trong bóng đêm để đi tìm cái hộp quẹt, cây đèn cầy những khi bị nhà nước cúp điện đột xuất. Trang www.hdgmvn.org cũng như các website của từng giáo phận lẽ ra phải là những nơi mỗi khi xảy ra biến cố, sự kiện gì đó liên quan đến giáo hội, thì bất cứ ai có điều gì thắc mắc muốn tìm hiểu họ có thể tìm đến đó để đọc. Trước là để biết rõ chính xác chuyện gì đang xảy ra với đồng đạo của mình, hai nữa, là để biết quan điểm của những vị có trách nhiệm trong giáo hội ra sao? Nhưng thực tế cho thấy cho đến nay tất cả còn khá ‘kín cổng cao tường’. Ngoại trừ trang của TGP Hà Nội của Đức Cha Kiệt, những nơi khác làm được như giáo phận Đà Nẵng nhanh chóng đưa ‘Thư Mục Vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng về biến cố Cồn Dầu’ lên trang nhà của mình là còn rất hiếm. Mà cái vẻ bề ngoài đã yên ắng thế thì nếu chúng ta có email hỏi riêng chắc cũng chẳng hy vọng gì sẽ nhận lại được câu trả lời mong muốn. Phải mò mẫm trong bóng đêm như thế, người viết nếu có lỡ gặp phải tai nạn do chân vấp phải cái này đầu va vào cái khác, viết lệch lạc thậm chí có lỡ sai sự thật… thiết nghĩ những vị có trách nhiệm trong Giáo hội cũng đừng nên trách móc, bởi trong điều kiện ‘nghèo’ tư liệu như thế mà viết hoàn hảo chắc chỉ mong nhờ Chúa viết thay cho. Thực tế mấy tuần lễ vừa qua dư luận gần như bị lệ thuộc hoàn toàn vào thông tin nghe ngóng được từ mạng internet. Mà tình hình các trang mạng Công giáo ra sao, nêu như trên chắc mọi người cũng đã thấy hết rồi. Người thì mò mẫm đi trong bóng đêm, kẻ khác phải cắn bút trước sự ra đi của Đức cha Kiệt… chẳng biết nên viết ra sao cho phải lẽ, cho đúng, và không làm thiệt hại đến lợi ích chung của Giáo hội? Trong hoàn cảnh ấy hai xu hướng thông tin chính, nói theo ngôn từ logic là chỉ còn hai mức ‘1’ và ‘0’ cứng ngắt đối nghịch nhau, mà không thể có các trạng thái analog ‘đa sầu đa cảm’ trung gian nào khác, là điều đương nhiên: (1) Trong khi có những Ban Biên Tập tỏ ra hết sức dè dặt, vì biết rõ đụng chạm đến vấn đề nhân sự cấp cao là đụng chạm đến nỗi đau của giáo hội. Do mọi vị trí giám mục đều phải được sự chấp thuận của nhà nước, nay nếu đem ra mổ xẻ chỉ tổ làm chuyện ‘vách áo cho người xem lưng’ làm mất uy tín giáo hội v.v… thì ngược lại, (2) có những trang mạng chủ trương giáo hội cần phải đối mặt với sự thật, rằng ‘thuốc có đắng thì mới giã được bệnh tật’, phải 'đánh trống lên để cứu nguy' và vì thế họ đã không chịu chấp nhận im lặng mà đã nêu tự nêu ra những giả thuyết và giải pháp. Nhưng dù chọn đi theo hướng nào cũng vẫn không ra khỏi cái vòng lẩn quẩn: một khi ‘thượng bất ngôn ắt hạ ắt phải… ‘láo nháo’! và thực tế cho thấy đúng là sự ‘bát nháo’ đã ngự trị khắp các trang mạng công giáo suốt mấy tuần qua. Bởi một khi con không biết ý cha, không hiểu việc cha đang làm thì việc anh em gây gổ bất hòa nhau cũng là tất yếu. Và cuối cùng là độc giả mà phần lớn là bổn đạo chính là những người ‘đáng thương’ nhất. Vì quan tâm đến giáo hội họ đã mon men vào mạng nghe ngóng… để rồi chính họ lại trở thành ‘nạn nhân’. Sau khi lướt qua nhiều trang đạo rất có thể sẽ bị ‘kẹt giữa hai lằn đạn’ do phải sống trong sự giằng co giữa một bên là sự cảm thông với HĐGMVN về sự "không biết nói thế nào" của các Vị nhưng đồng thời cũng lại bị dày vò bởi những dấu hỏi đang treo lơ lửng trong đầu: vì sao Giáo hội lại có ‘hiện tượng’ Ngô Quang Kiệt để nay phải ra đi, liệu Giáo hội có phải thỏa hiệp với chính quyền trong những vấn đề tưởng chừng rất nội bộ của Giáo hội? v.v…và v.v… do chỉ là người đọc bình thường nên dù sao mức độ hiểu biết của đại đa số họ cũng khó có thể bằng như ban biên tập, các ký giả để có thể vững vàng chọn lấy cho mình một lập trường. Khi người khác nói lại gây “hoang mang”? Bởi vậy nhiều người đã cho là đang có tình trạng ‘hoang mang’ trong tu sĩ giáo dân, và rằng ‘niềm tin vào hội thánh đang bị lung lay’ đang lan truyền khắp nơi trong nước làm nhiều người vì lo ngại đâm ra ‘oán trách’ người này người nọ nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo thiển ý người viết rất may là tình hình không đến đỗi bi quan, tồi tệ như vậy, vì hai lẽ: 1.Thứ nhất, những bức xúc phản ứng gay gắt gây nóng bỏng trong vụ Đức cha Kiệt từ chức chúng ta khó có thể biết nếu chỉ đi lễ nghe cha giảng mà không dùng internet. Nói cách khác chỉ có người có đạo và là cư dân mạng mới có điều kiện nắm bắt vụ việc. Việt Nam như chúng ta biết, mặc dù được đánh giá là có số người dùng máy tính và tộc độ phát triển tin học có hạng đáng nể trong khu vực, chỉ sau hơn chục năm hình thành đã có khoảng một phần tư (1/4) dân số dùng máy tính với xấp xỉ khoảng 25 triệu người. Tuy nhiên không phải tất cả mọi máy tính đều dùng internet và chưa nói đến chuyện thiên hạ dùng internet vào việc gì. Theo BBC trong bài "Việt nam tìm hiểu về sex qua mạng" hôm 11/2/2010 thì hãng Google cho qua công cụ search engine của họ thống kê được cư dân mạng từ Việt Nam cũng đứng đầu danh sách tìm kiếm từ khóa ‘sex’. Hơn 20 triệu so với khoảng 1,5 tỷ người dùng internet toàn cầu chẳng là gì nhưng lại đứng đầu thế giới về truy cập vào các trang sex. Điều này cho thấy con số người Việt Nam thật sự dùng mạng internet để đọc tin tức, theo dõi tình hình đất nước chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Đã thấp thế rồi ‘thị phần’ của người Công giáo chỉ chiếm 1/9, rốt cuộc nhiều lắm chỉ có khoảng một vài ngàn người có đạo dùng mạng một cách hữu ích quan tâm đến Giáo hội. Thật chẳng còn đáng là bao! 2. Kế đến là nhìn vào thực tế. Không biết ngoài miền Bắc thì sao nhưng ngay tại Sàigòn này nơi tôi đang sống, mặc dù là thành phố lớn và đông đức nhất nước với hơn chục triệu cư dân, có dịp đi lễ nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người quen có đạo tôi thấy không chỉ với vụ Đức cha Kiệt ra đi lần này mà tất cả những vụ trước cũng vậy, người viết thấy hầu như mọi nhà thờ đều sinh hoạt rất bình thường như không hề có chuyện gì lớn đang xảy ra, trừ nơi duy nhất là nhà thờ DCCT Kỳ Đồng trong vụ Thái Hà với vài buổi thắp nến. Thậm chí, tôi còn nhớ khi vụ Tòa Khâm Sứ lên đến đỉnh điểm vào buổi chiều Chúa Nhật khoảng cuối 2008 với lệnh cưỡng chế của bà Phó chủ tịch quận, sau khi dự lễ tối tại một nhà thờ nọ ở quận Bình Thạnh tôi được phát cho tờ thông tin mục vụ trong đó có mục tin tức giáo hội trong tuần, vừa đọc mà vừa thấy buồn, thấy thương cho nỗ lực ‘xóa mù’ cho giáo dân của vị cha xứ nhà thờ này quá sức! Bởi trong khi những người đồng đạo Việt Nam của mình ngoài Bắc sắp bị đàn áp, thông báo chẳng thấy nói cho giáo dân biết mà lại đi kể lể ‘mùi mẫn’ về một vị giám mục Trung Quốc mặc dù Ngài cũng từng bị bỏ tù nhiều chục năm vừa qua đời, nhưng thấy cũng thật là khó hiểu? Thực tế cho thấy suốt tháng 4 vừa qua có ai ở Sàigòn này nghe cha xứ thông báo hay nói dù chỉ loáng thoáng về vụ Đức Cha Kiệt không, xin lên tiếng? Người viết chắc có đến 90% hơn là không rồi. Vậy thì sự “hoang mang” trong tu sĩ, giáo dân không biết ngoài Hà Nội ra sao chứ ngay tại Sàigòn này không có chuyện ấy đâu. Các nhà thờ cha con trông ai nấy đều hớn hở hồ hởi chứ có biết chuyện buồn gì đang xảy ra cho giáo phận Hà Nội, thậm chí nếu có hỏi Đức cha Kiệt là ai liệu có mấy người biết? Cha xứ không quan tâm, hoặc có thì cũng chẳng dám nói, hoặc không được phép v.v… nói thì giáo dân, mà hầu hết là những người phải lo ‘vật lộn’ với miếng cơm manh áo hàng ngày, làm gì có cửa để biết? Bởi vậy, khách quan mà nói. Nếu có ai đó cho rằng đức tin mình bị ‘lung lay’ do lỡ dại vào mạng đọc tin tức về vụ Đức cha Kiệt, nói đừng buồn, đức tin của vị ấy chắc đã có vấn đề, bị lung lay sẵn trước đó lâu rồi! Bởi lẽ đã là dân biết xài máy tính, đã biết leo trèo tường lửa để có thể đọc được những tin ‘động trời’ ấy, ít nhiều gì cũng phải là người có trình độ cái đầu biết suy nghĩ để phân biệt đức tin của mình có được đâu phải nhờ Đức Cha Kiệt, Đức Cha Nhơn hay bất cứ vị nào khác. Thậm chí ngay cả ĐGH Benedictô Ngài cũng ban cho chúng ta đức tin được. Cái xương sống đức tin của người công giáo là cái chết vì tội nhân loại cùng sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu chứ làm sao lại để nó lệ thuộc vào cha xứ hay nhà thờ? ‘Rò rỉ thông tin’, từ đâu? Dẫu sao thì hiện tượng ‘rò rỉ’ thông tin, không biết từ đâu, không hiểu do vô tình hay hữu ý nhưng đã ‘có công’ làm nóng dư luận Giáo hội suốt mấy tuần vừa qua, theo người viết có nhiều điều đáng để… suy gẫm! Bản thân người viết lần đầu đọc được những tin này cũng nghĩ chắc chỉ là tin ‘giật gân’! Làm sao có thể lọt ra khỏi tòa thánh Vatican, nơi xưa nay có tiếng là kín kẽ, và nhất lại là với một nơi ‘dầu sôi lửa bỏng’ như giáo phận Hà Nội? những tin tức hết sức ‘nhạy cảm’ như vậy được? Thế nhưng, đáng buồn là cuối cùng thì thực tế đã cho thấy mình đang phải ‘trả giá’ vì đã quá tin vào truyền thống kiên định của Vatican trong vụ Đức Cha Kiệt. Xin nhắc lại khoảng đầu Tháng 4 khi có một trang mạng bắt đầu đang những bài ‘cảnh báo’ về ngày giờ ra đi của Đức Cha Kiệt đã đến gần, thì ngay sau đó nhiều vị đã ‘trấn an’ cho là “không đáng tin, là thiếu logic, là tin đồn nhảm nhí, là dẫn đến hậu quả sai lầm tất yếu v.v…” và khuyên mọi người chỉ nên tỉnh táo, suy nghĩ khi đọc, đọc có chọn lọc, v.v… Người viết cũng được biết có trang mạng Công giáo cho biết là cũng đã biết được nguồn tin này do từ nhân viên có liên hệ tới Nhà nước CSVN đưa ra, nhưng lập luận rằng "biết đâu Nhà nước muốn thả quả bong bóng dò dư luận nên không đưa tin", dù biết rằng Nhà nước VN dĩ nhiên là biết tin trước vì khi bổ nhiệm Giám mục nào thì Vatican vẫn thông báo cho Nhà nước biết trước tên và ngày giờ công bố tin đó. Từ trước tới nay CSVN vẫn giữ lời hứa giữ kín bí mật này và chỉ đưa tin ra cùng thời với Vatican mà thôi! Thế nhưng chẳng mấy ngày, mớ lý thuyết ấy đã bắt đầu ‘chao đảo’ và cuối cùng thì… ‘sụp đổ’ hoàn toàn! Cái bị xem là tin đồn ‘thất thiệt’ bỗng dưng biến thành tin ‘thứ thiệt’, ít nhất cũng là hai lần: Ngày diễn ra Thánh lễ Tạ ơn (7/5) và ngày Đức cha Kiệt đã phải rời TGM Hà Nội (13/5)! Nói vậy không có nghĩa người viết cũng ủng hộ việc đưa tin “cầm đèn chạy trước ô tô” vừa qua của một số trang mạng. Bởi cho dẫu mục tiêu muốn ‘nhắn gởi’ ai đó đang âm mưu dàn xếp này nọ là đạt được và nếu đúng là có thật vậy đi chăng nữa, thì khi ‘bật mí’ những loại thông tin ‘mật’ như vậy, do liên quan trực tiếp đến ‘số phận’ Đức cha Kiệt, rõ ràng họ cũng đã vô tình đẩy Ngài (và cả HĐGMVN) vào thế rất khó ứng xử, khó ăn khó nói: nói gì nữa, đính chính được gì nữa một khi thiên hạ đã ‘chạy cả xe ba-gác vào bụng’ hội thánh rồi!? (trừ phi chắc chắn ngăn chận được hãy nên công bố) Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm về tiến trình thông tin và hậu quả của thông tin được loan báo ra sao như thế nào. Bởi sống trong một thế giới người mù, hay có rất nhiều kẻ chột nghĩ mình đang là vua nếu không có sự xuất hiện của những người can trường nêu vấn đề và vạch ra những bí ẩn, thì sự yếu kém của bộ máy Truyền thông Giáo hội đâu dễ có cơ hội bộc lộ ra? Đâu có bài diễn văn đầy thuyết phục của Đức cha Nguyễn Chí Linh? Nhưng nhân đây, người viết cũng xin lưu ý là không chỉ có chuyện rò rỉ thông tin với trang 1 trang mạng nuvuongcongly thôi đâu, mà có thể nhiều người khác cũng biết những chuyện trang này đề cập, nhưng vì lý do hoặc 'thận trọng' hay 'bất lợi' nào đó cho Giáo hội họ đã không tiết lộ. Như đúng vào hôm Đức cha Kiệt sắp rời Việt Nam đi chữa bệnh 12/5 vừa qua, người viết nhận được email (xin phép không nêu tên người gởi) đại ý cho biết “Đức tổng Kiệt lên đường đi sẽ tiếp tục chữa trị bệnh tại Hoa Kỳ trong một thời gian để bình phục sức khỏe. Không lâu sau đó, Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm Đức Tổng Kiệt giữ một chức vụ mới, một vị trí xứng đáng với Đức Tổng Kiệt can trường” và cũng cho biết trước "Đức Cha Thuyên được chấp thuận cho nghĩ hưu và sẽ công bố LM Nguyễn Thái Hợp được bổ nhiệm làm tân giám mục giáo phận Vinh..." Và chủ nhân email này còn khẳng định về một số bổ nhiệm sắp tới và diễn biến sẽ xẩy ra như thế nào. Việc rò rỉ thông tin trong vụ Đức Cha Kiệt quả là đã làm ‘đau đầu’ Giáo hội. Vì sao những thông tin thuộc vào loại cơ mật của Giáo hội như vậy lọt ra bên ngoài? Do nhà nước Việt Nam tung tin hòng gây chia rẽ Giáo hội như nhiều người suy đoán? hay 'Đường nào cũng đến Rome” chả lẽ có người nào đó có liên hệ quan trọng và mật thiết trong Giáo hội lại cho 'rò rỉ thông tin bí mật' này? Nếu quyết định ‘khó hiểu’ cho Đức Cha Kiệt nghỉ của tòa thánh Vatican khiến chúng ta phân vân, chưa biết làm thế đúng sai hậu quả ra sao… thì ngược lại sự ‘rò rỉ thông tin’ và loan tin nó là thất bại quá rõ ràng của hội thánh. Liệu có thể đã có những ‘trục trặc’ nào đó xảy ra trong quá trinh thu xếp vụ việc Đức Cha Kiệt gây ra sự chú ý khiến ai đó sớm nhận ra giá trị đặc biệt của những tin tức như vậy chăng? Kết luận Trong cái rủi nào dường như cũng có những cái may riêng của nó. Nếu sự ra đi của Đức cha Kiệt được Giáo hội thật lòng xem là tổn thất lớn lao, cách tốt nhất mà mọi người có thể vớt vát lại những gì đã mất là hãy bắt tay vào việc cải tổ lại hệ thống truyền thông giáo hội và bằng cách nào đó là trách nhiệm của HĐGMVN. Người viết xin có một câu hỏi nhỏ để những ai quan tâm đến truyền thông giáo hội có thể kiểm chứng xem sự mình có thật đã ưu tư về nó nhiều chưa? - Đó là ai trong chúng ta cũng biết mọi chính thể độc tài đều rất ghét tôn giáo. Thế nhưng nếu quí vị được yêu cầu giải thích vì sao hay cụ thể là họ không ưa chúng ta ở điểm nào, thì không chắc tất cả đều có thể trả lời trôi chảy. Theo thiển ý người viết tôn giáo nói chung bị ghét cũng vì vấn đề truyền thông mà ra, chứ hoàn toàn chẳng vì sự khác biệt hữu thần vô thần nào hết. Công giáo bị ghét nhiều nhất không phải vì sự uy nghi của Thánh Giá, vì cái áo chùng đen của các Cha Cố hay cái khăn quàng ‘mỏ quạ’ của mấy Bà Xơ v.v… mà chính vì trong mỗi nhà thờ đều có cái bục giảng!!! Các tôn giáo khác cũng có việc giảng đạo nhưng chỉ thỉnh thoảng, như bên Phật giáo các buổi thuyết thường chỉ có vào những dịp ngày rằm hay lễ lớn nhưng công giáo chúng ta thì khác. Mọi ngày như một ngày các nhà thờ đều có thánh lễ mà đã làm lễ thì cha không thể bỏ qua mục nói gì đó với con chiên bổn đạo, tức bài giảng bài giảng, trừ những trường hợp đặc biệt. Đứng trên bục giảng dù chỉ vài chúc phút mỗi ngày nhưng các Quí Cha bỗng trở thành những nhà diễn thuyết ‘bất hợp pháp’ trên một đất nước nhà cầm quyền không cho phép bất kỳ ai ngoài họ được quyền nói trước đám đông. Và đó là lý do vì sao họ ghét và sợ đạo công giáo nhưng lại không có lý do gì cấm cản nghi thức này được, vì nó đã tồn tại hàng ngàn năm nay, còn trước cả khi họ chào đời. Nhà thờ DCCT Kỳ Đồng có lẽ là một trong những nơi trước nay được đón tiếp nhiều vị khách ‘không mời mà đến’ để nghe ngóng xem các ‘nhà hùng biện’ của nhà dòng nói gì trên cái bục giảng bất khả xâm phạm kia? Việc này không chỉ khi xảy ra vụ Thái Hà mới có, mà người viết từng tham dự những buổi lễ của các cha Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín v.v…trước 1975 thời ông Tổng thống Thiệu với mật vụ quận 3 ‘lởn vởn’ cuối nhà thờ. Vậy thì không chỉ mỗi việc giảng kinh thánh, có thể nói ‘vũ khí’ chống lại sự ác, chống bất công bạo quyền của giáo hội v.v… đều nằm hết ở cái bục giảng này đây. Các chế độ độc tài dù có mọc 3 đầu 6 tay chắc chắn cũng chẳng bao giờ dám đụng đến, muốn gì cũng phải kiên nhẫn chờ cho đến khi các Ngài kết thúc bài giảng. Cuối cùng, xin nhớ rằng Việt Nam mới chỉ có internet khoảng hơn chục năm nay nhưng Giáo hội thì kể từ khi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đến nay đã gần 500 tuổi. Với một quốc gia còn kém phát triển như chúng ta công tác Truyền thông của Giáo hội nên bắt đầu từ đâu và chú trọng vào đâu? Nếu lập ra nhiều trang mạng như www.hdgmvn.org, www.gpsaigon.net, www.tgphanoi.org, www.tongiaophanhue.net v.v… nhưng mỗi khi có biến cố nào đó xảy ra với Giáo hội, thì lại chẳng giúp ích được gì nhiều, giáo dân bổn đạo vẫn cứ phải leo rào sang nhà hàng xóm nghe ngóng, thì liệu có nên tiếp tục duy trì? Sàigòn, 20/5/2010
|