Home Đời Sống Tôn Giáo Kể chuyện bên ni, bên tê

Kể chuyện bên ni, bên tê PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 10:00

Giáo sĩ chẳng còn được nhìn dưới vỏ bọc hào quang linh thiêng. Đó là một mất mát lớn (hay cái thực tế phải chấp nhận?) của giáo hội hôm nay. Xói mòn niềm tin vào giáo hội và xói mòn kính trọng nơi giáo sĩ là những thực tế đau lòng.

Bên tê thành phố tráng lệ…

Bên ni phố vắng ôi buồn ngoại ô…

Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?

(Cung Trầm Tưởng)

Bên ni hay bên tê, bên mô cũng lạnh và rách bươm ra cả.

Hãy bắt đầu với…

Chuyện kể bên ni…

Trong những ngày qua, các biến cố dồn dập đè nặng trên giáo phận chúng ta. Qua tin tức các phương tiện truyền thông, hẳn quý linh mục, tu sĩ , quý ông bà anh chị làm việc trong giáo phận đã biết rằng, Giám mục đáng kính của giáo phận chúng ta (Walter Mixa) đã viết thư ngày 21.04 thông báo tới Đức Thánh Cha, là ngài sẵn sàng từ chức giám mục giáo phận Augsburg“

(Lời người dịch: Nguyên văn trong thư „…hat seinen Rücktritt vom Amt des Bischofs von Augsburg angeboten“, nghĩa là gm. Augsburg không XIN từ chức, mà ngài cho ĐTC biết là sẵn sàng từ chức, nếu ĐTC chấp thuận. Tôi không hiểu đây là một kiểu nói tế nhị áp dụng cho trường hợp này, hay đây là một đặc điểm tư duy của người Đức không có chuyện xin xỏ. Hay là phải cư xử như thế, vì một giám mục không xin từ chức từ một giám mục khác? Dù sao, nó khác hẳn lối tư duy và ngôn từ của người Việt, hễ mở miệng ra là XIN, ngay muốn „dzái“ cha cũng phải xin! Vì thế mà nhà văn Lê Thị Huệ gọi văn hoá việt nam là văn hoá XIN. Giáo phận Augsburg là giáo phận của tôi, nơi tôi đang ở).

„Các gánh nặng đã trở thành quá lớn cho chính ngài. Cá nhân ngài bị tố cáo đã sử dụng vũ lực thể xác và đã sử dụng tiền bạc không rõ ràng trong thời gian ngài còn làm linh mục quản xứ… Các gánh nặng cũng đã quá lớn đối với toàn thể giáo phận; rất nhiều tín hữu mất tin tưởng vào giáo phận, họ đã hàng loạt xin ra khỏi giáo hội và đã đưa ra những thắc mắc bực dọc về mức độ khả tín của Giám mục giáo phận và của giáo hội tại Augsburg…“

Dù đã có thông báo việc từ chức, các tố cáo về ngài trên đây sẽ được tiếp tục điều tra cho ra lẽ. Chúng tôi coi đây là điều rất quan trọng cần làm. Vì thế, không những chúng tôi đã ủy thác cho một văn phòng luật sư ở München, mà chính lãnh đạo giáo phận cũng sẽ tham gia vào việc điều tra này. Và dĩ nhiên, chính Giám mục Walter Mixa cũng sẽ cộng tác vào tiến trình làm sáng tỏ vụ việc.“ (thư của Tổng đại diện ngày 22.04.2010).

„Các biến cố chung quanh giám mục tiến sĩ Mixa đã tạo gánh rất nặng và gây phân rẽ cho giáo phận Augsburg trong những tuần và ngày qua. Niềm tin tưởng vào giáo phận của nhiều tín hữu vì thế đã bị lung lay, nhiều người trong họ đã hết tin tưởng và họ đã nhân sự kiện này bỏ ra khỏi cộng đoàn của những kẻ tin. Những người khác thì vẫn đoan quyết cho rằng, Giám mục là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông. Sự phân rã đó tưởng chừng đã làm đổ vỡ toàn giáo phận, nó gây tác hại cho giáo phận chúng ta và làm cho việc rao giảng Tin Mừng của giáo hội mất khả tín…“

„…chúng ta hãy hướng nhìn về phía tương lai của giáo phận. Chúng ta đang đứng trước một công tác to lớn và nặng nề, đó là làm sao để tái tạo niềm tin đã mất hay đang bị tổn thương. Chúng ta cần thời gian để làm chuyện này. Công tác của chúng ta lúc này là làm sao tìm ra đúng nguyên nhân cuộc khủng hoảng. Cần phải có không gian cho việc tự xét mình, cho sự thành thật và sự tự nhận biết. Và đó cũng là bước cần thiết cho một cuộc bắt đầu mới trong thành khẩn“ (thư của gm. Giám quản, ngày 10.05.10)

Trên đây là mấy đoạn trích từ hai lá thư luân lưu gởi tới các linh mục, dòng tu và các nhân viên làm việc trong giáo phận Augsburg, Đức quốc – một giáo phận gồm trên một ngàn giáo xứ với 1,47 triệu tín hữu trên tổng số 25 triệu tín hữu công giáo tại Đức, ngân sách năm 2010 của giáo phận là 278 triệu âu kim.

Sau hơn hai tuần chuyển thư, ngày 08.05, ĐTC chấp nhận việc từ chức. Một tiếng đồng hồ sau khi quyết định được công bố tại Rôma, Hội đồng chính toà (Domkapitel: Kapitel = cái đầu; Dom = nhà thờ chính toà) của giáo phận triệu tập phiên họp đặc biệt để bầu giám quản, chiếu theo giáo luật số 421 triệt 1. Một giám mục về hưu nhưng nhiều kinh nghiệm đã được bầu vào vai trò này. Và vị Giám quản liền đó đã chỉ định vị đương kim Tổng đại diện làm đại diện cho ngài để điều hành công việc thường trực. Hội đồng lãnh đạo (Domkapitel) gồm 10 vị, không kể Gm. địa phận. Đây là một hội đồng nội các, hầu hết các vị đều mang tước Prälat (cũng là một thứ „Đức ông“, nhưng thuộc loại sĩ quan cấp cao, chứ không phải Monsignore là loại cấp nhỏ), mỗi vị đặc trách một lãnh vực chuyên môn (Caritas, huần luyện, truyền giáo, tu sĩ…) và là đại diện cho Gm. địa phận trong các công tác đặc biệt… Domkapitel của các giáo phận ở Đức đều được tổ chức giống nhau. Vì thế ít xẩy ra chuyện giám mục địa phận lem nhem tiền bạc hay quá ôm đồm, độc tài.

(Vừa rồi, tôi thấy giáo phận Đà-lạt cũng đã mau mắn áp dụng luật 421 §1 để tự bầu cho mình một giám quản, sau khi gm. Nhơn được điều khỏi giáo phận. Nghe đâu người ta đã sắp sẵn cho họ một giám quản nào khác rồi? Hoan hô tinh thần tự lực cánh sinh của Đà-lạt!).

Tại sao gm. Mixa phải từ chức? Câu chuyện hơi dài.

Tất cả chuyển động về việc lạm dụng tình dục thiếu niên tại Đức đều do linh mục dòng Tên, Klaus Mertes, giám đốc một trường nội trú dòng Tên nổi tiếng ở Berlin tạo ra. Sau khi nghe tâm sự đau đớn của một vài cựu học sinh nội trú, Mertes đã viết thư cho 600 cựu học sinh nội trú trong thập niên 70 và 80, khuyến khích họ mạnh dạn nói lên những gì không tốt đã xẩy ra đối với họ. Cuối tháng giêng, Mertes nhận được những lá thư tố giác đầu tiên. Và ông cho bạch hoá tên hai vị tu sĩ của dòng trước đây là thầy giáo nội trú và đã lạm dụng một số học sinh nam. Việc bạch hoá này đã tạo nên một cơn lũ chưa từng có tại Đức. Nhiều ông bà cựu nội trú trong nhiều trường đạo trên nước Đức, nay đã lớn tuổi, nhân dịp này đã tố giác một số thầy giáo (linh mục, tu sĩ) cũ xâm phạm mình. Hầu hết những trường hợp lạm dụng này đã xẩy ra quá lâu, không còn giá trị về mặt pháp lí, nhưng truyền thông đã nhân cơ hội chỉa mũi dùi tấn công giáo hội công giáo. Họ cáo buộc giáo hội đã cố tình bưng bít các sự vụ. Quả thật giáo hội đã nhận được thông tri nhiều vụ, nhưng đã âm thầm giải quyết nội bộ (thuyên chuyển nhiệm sở, đổi qua giáo phận khác, thay việc hoặc đình chỉ công tác…). Không có luật buộc giáo hội phải đưa ra toà án đời, nếu không có sự tố cáo của nạn nhân. Có lẽ tất cả chỉ liên quan tới độ đôi ba chục linh mục tu sĩ, mà phần lớn đã chết hoặc về hưu lâu rồi.

Khi người ta đang tấn công công giáo, thì dùng một cái, có những tố cáo xâm phạm tình dục ở trường kiểu mẫu Oldenwald, một trường nội trú đời có một không hai tại Đức. Đó là trường thí điểm rất nổi tiếng về một lối giáo dục hoàn toàn nhân bản, dành cho con ông cháu cha, được hình thành do kết quả đấu tranh của thế hệ 68. Việc xâm phạm tình dục mang tính loạn dâm trong trường này vượt ngoài dự tưởng. Nhờ đó mũi tấn công vào giáo hội công giáo đỡ bớt.

Nhưng dựa theo cơn lũ đó, ở Augsburg, có sáu người (hầu hết là phụ nữ) tuổi trên dưới 50 cáo buộc linh mục Mixa trong thập niên 70, 80 đã đánh đập và đì họ. Cho tới năm 1996 là năm được trao mũ gậy giám mục, linh mục Mixa làm quản xứ Schrobenhausen. Giáo xứ này có một nhà nội trú (một loại cô nhi viện) cho các em nhỏ bị bỏ rơi hay khó dạy, do các nữ tu điều khiển, dưới quyền linh mục chính xứ. 6 người trên trước kia sống trong nội trú này. Khi nghe cáo buộc, phản ứng đầu tiên của giám mục Mixa là: hoàn toàn không có chuyện đó, và doạ đưa họ ra toà về tội cáo gian! Ở Đức, từ năm 1980 có luật cấm đánh trẻ con. Báo chí vớ được dịp tốt nhào vào khai thác. Nhiều báo chí và thế lực tại Đức (vô thần, đồng tính, đảng Xanh, công giáo cấp tiến) đã sẵn dị ứng với gm. Mixa, vì họ cho ông này là bảo thủ, hay nổ, tự cao. Bên Âu châu, chữ „bảo thủ“ cũng được coi là nguy hiểm như chữ „kì thị“ ở bên Hoa-kì. Các thành phần trên đây ghét „bộ ba M“: đó là gm. Mixa của giáo phận Augsburg, gm. Müller của Regensburg và hồng i Meisner của Köln, vì ba vị này vốn „bảo thủ“ và chẳng bao giờ im miệng mỗi khi người ta đụng tới giáo hội. Nhưng rồi, trước áp lực bên ngoài lẫn bên trong, gm. Mixa thú nhận là không đánh đập nhưng có „đét đít, bợp tai“. Báo chí làm tới. Trong lúc đó, giáo dân trong giáo phận sắp hàng ra khỏi giáo hội. Trong 4 tháng đầu năm đã có 5100 tín hữu trong giáo phận ra khỏi giáo hội. Lượng người bỏ giáo hội như vậy là gấp ba, bốn lượng bình thường. Sở dĩ có việc phải khai báo ra hay vô giáo hội là vì kitô hữu tại Đức phải đóng thuế tôn giáo. Những tin tức về lạm dụng tình dục trong giáo hội từ đầu năm và giờ đây thêm chuyện nói dối của gm. giáo phận đã khiến cho họ đua nhau bỏ giáo hội, phần vì do chán nản mất tin tưởng, phần sẵn để khỏi phải đóng thuế. Đa số kitô hữu tại Đức chẳng còn hiểu gì về đạo và chẳng có một liên hệ sống động gì với giáo xứ, nhà thờ nữa, nên họ chỉ còn hiểu và chỉ biết tiếp cận chuyện giáo hội qua những tin tức giật gân của báo chí và những vụ xì-căng-đan mà thôi. Trong khi đó, một phần tín hữu khác lại cực lực lên án truyền thông, họ hoàn toàn hỗ trợ Giám mục. Hai thành phần trong giáo phận chống nhau, căng thẳng tưởng chừng đưa đến đổ vỡ.

Trước tình thế đó, gm. Mixa chỉ còn nước phải từ chức. Một giám mục có thể làm sai, nhưng không được nói dối! Đó là „tội“ của ngài do thành phần chống đối đưa ra. Đang khi Rôma chưa quyết định, thì bỗng dưng gm. Mixa bị tố thêm tội lạm dụng tình dục. Một linh mục làm việc tại toà giám mục Eichstett (là giáo phận cũ của gm. Mixa) tố cáo chuyện này cho giáo phận Augsburg. Augsburg tức tốc chuyển nội vụ ngay cho công tố viện (kể từ tháng 4.2010, theo quyết định của Hội đồng giám mục Đức, mọi tố cáo lạm dụng tình dục trong giáo hội phải chuyển cho công tố đời). Báo chí địa phương loan tin nạn nhân là một anh phóng viên 26 tuổi. Các báo khác đồng loạt đăng theo. Anh phóng viên này đọc được tên mình đang lúc cùng người yêu dự khoá chuẩn bị hôn nhân trong giáo phận. Anh ta hoảng hốt lên vì thấy chuyện lạ đời và nhờ luật sư phản đối! Và sau hai tuần tìm hiểu sơ khởi, công tố viện đã xếp hồ sơ lại, vì không đủ yếu tố để tiếp tục điều tra. Nghĩa là gm. Mixa không có chuyện lạm dụng tình dục như người ta tố cáo.

Nhưng câu chuyện lạ đời không nằm nơi kết quả của công tố viện. Giáo phận Augsburg trách cứ giáo phận Eichstett về việc cáo gian. Eichstett thì trách lại Augsburg sao lại nhắm mắt báo cho công tố, lẽ ra trước đó phải hỏi Eichstett xem đầu đuôi ra sao đã chứ! Nhưng nếu có hỏi, thì rõ ràng toà giám mục Eichstett cũng không biết đâu mà mò, vì người tố cáo đã không trình cho các vị thẩm quyền của mình trong toà giám mục! Chuyện như phim trinh thám. Hay là người ta muốn cho gm. Mixa chết sớm bằng một cú ân huệ, bằng cách phao tin để Rôma phải nhanh chóng có quyết định?

Bài học rút ra: Giáo phận Augsburg trách cứ nặng nề ông – giáo dân - cố vấn truyền thông của gm. Mixa. Họ bảo, vì ông này cố vấn dở nên đã đưa Giám mục vào cửa tử. Nếu như ngay từ đầu, gm. Mixa thú nhận là có lỡ tay và lên tiếng xin lỗi các „nạn nhân“, thì câu chuyện đâu đến nỗi. Mà có đến nỗi nào thì việc từ chức cũng diễn ra trong danh dự. Chính cái trước chối sau nhận của Giám mục nên đã rách việc. Nhưng có lẽ cũng chưa hẳn là lỗi của ông cố vấn. Mà có thể là vì gm. Mixa đã coi thường sự việc, vì bổn tính kiêu kì của ông.

Nghe chuyện bên tê…

 
   Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt
Những ngày qua là thời gian đầy sóng gió và chóng mặt đối với những ai có quan tâm tới giáo hội tại quê nhà. Niềm vui của nhiều người nơi buổi lễ khai mạc năm thánh mừng 350 năm vừa dấy lên, thì nó đã bị vụ „đảo chánh“ ở Hà Nội đánh tan. Theo dõi sự việc, người ta có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim trinh thám với những pha gây cấn, mà ẩn số chung cuộc cho tới nay vẫn chưa được vén màn tất cả. Vai chính của cuốn phim nằm trong bóng tối, vai phụ xuất hiện là tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.

Cuốn phim khởi đầu với tin đồn ngài Tổng xin từ chức vì lí do sức khoẻ. Rồi nhân vật này đột ngột đi chữa bệnh ở Rôma, bảo là sau hai tháng sẽ trở về. Rồi bỗng dưng một đêm tối trời, không ai biết chẳng ai hay, ngài đột ngột trở về, giữa lúc một số đồng nghiệp của ngài đang họp nhau bàn chuyện „gì đó“. Xem cứ giống như đoạn phim mấy ông tướng trước đây họp bàn chuyện lật đổ tổng thống Diệm. Kẻ rắp tâm loại ông Diệm trước đây là đồng minh Hoa-kì. Người thực hiện là các tướng việt nam. Kẻ rắp tâm loại Tổng Kiệt hôm nay là đảng cộng sản tại Hà Nội. Người thực hiện là ai, Vatican hay một „tứ nhân bang“ nào đó? Vẫn còn là ẩn số. Trước đây, anh trung tá CIA Conein ngồi trong Bộ tổng tham mưu ra lệnh cho các tướng việt nam, miệng ngậm thuốc lá thơm của Mĩ, một chân gác lên bàn, một tay nắm chặt chiếc cặp nhỏ nhét đầy đô-la mĩ. Hôm nay có một Conein khác không, và đó là ai? Cũng vẫn còn là ẩn số. Rồi Tổng Kiệt cho hay đã có Phó Tổng. Rồi là lễ nghênh đón nàng dâu. Rồi tin đồn ngài sẽ từ chức vào tháng 10, trước ngày cộng đảng hà nội ăn mừng „ngàn năm Thăng Long“. Đảng không muốn ông Kiệt có mặt ở Hà Nội dịp đó, vì nếu không thì họ kẹt. Lễ hội „hoành tráng“ mà không mời giáo hội thì không ổn. Mà mời ông Kiệt thì lại là chuyện cấm kị. Và đùng một cái, Tổng Kiệt lại ra đi không hẹn ngày về, không hiểu sao trong âm thầm vội vàng. (Các tướng lãnh trước đây nhất quyết phải đẩy ông Diệm đi khỏi nước, nếu không thì rất nguy hiểm, vì ảnh hưởng quá lớn của ông. Còn ngày nay?). Thì ra, có lẽ Tổng Kiệt đột ngột về để đón dâu cho đẹp lòng bố mẹ, để rồi lại đột ngột ra đi, như kiểu thánh Alêxù xưa.

Truyền thuyết cho hay, Alêxù (Giáo hội ngày nay đã gạt tên vị này ra khỏi danh sách các thánh, vì không tìm ra hạnh tích) đã bỏ người vợ được ép gả ngay trong đêm tân hôn, để ra đi theo Chúa. Chi tiết câu chuyện thực hư ra sao, tôi không nắm vững. Nhưng tôi biết có một vị cũng mang tên thánh Alêxù, và cuộc đời của vị này cũng lãng mạn và trớ trêu không kém. Đó là Alêxù Phạm Lộc, cựu giám mục Kontum. Anh thanh niên đẹp trai, to cao, học giỏi, con nhà có của người Huế này, sau khi đậu tú tài tây, được gia đình môi giới cho một cô gái danh giá đất thần kinh. Khi mọi chuyện đã dàn xếp xong thì đùng một cái, cậu quý tử theo gương thầy Alê bỏ của, bỏ cha mẹ, bỏ người yêu theo tiếng Chúa gọi lên miền rừng núi Kontum sống giữa các bản buôn người Ba-na. Và cô nàng sau đó cũng theo Chúa, trở thành nữ tu. Rồi sau khi đắc đạo, nghe đâu hai người vẫn thỉnh thoảng tới thăm hỏi nhau trên miền đất cát trắng với con sông Bla rồng rắn uốn quanh Kontum. Đẹp và lãng mạn hết sức!

Cái đẹp của Alêxù xưa và Alêxu nay là ở chỗ hai anh chị trong cuộc chẳng mất gì, trái lại được rất nhiều cho chính họ và cho nhiều người. Gia đình hai bên có lẽ chỉ tiếc nuối một chút cho cuộc hôn nhân bất thành, chứ thực tế cũng chằng tốn kém và mất mát gì.

Nhưng câu chuyện tình trinh thám của chúng ta trên đây thì khác. Cả cô dâu lẫn chú rể (bị ép duyên?) đều mất. Chàng rể mất cơ nghiệp. Cô dâu bị mang tiếng mất tiết hạnh. Gia tộc hai bên là giáo hội, và bố mẹ hai bên là hàng giáo phẩm bị phá sản niềm tin. Vatican bị bốc hơi mất chữ Thánh, chỉ còn lại một Toà thiên nhiên lồ lộ. Ai gây ra nông nỗi? Ai là kẻ chiến thắng và hưởng lợi trong vở kịch này? Tôi tin rằng, Nguyễn Thế Thảo và đồng đảng đang mở tiệc ăn mừng. Họ đã thành công chuyển mũi dùi chống bán đất nhượng biển, chống bô-xít, chống cướp đất của người dân về hướng cha con chống nhau, tín hữu việt nam chống Vatican.

Các tướng lãnh trước đây nay đã nhận ra vai trò tay sai của họ. Còn những kẻ tham gia vào vở kịch hiện nay tới khi nào mới nhận ra nỗi oái ăm trong ván cờ thực dụng của mình?

Tới bao giờ giáo hội mới có lại được bộ mặt hết nhem nhuốc? Tới bao giờ người Việt mới có lại được phần niềm tin đã mất? Tôi tin sẽ không bao giờ có lại được nữa. Đây không phải là một nhận định bi quan hay với hậu í xấu. Mà là một thực tế.

Bởi vì cái nhìn về Giáo hội nơi nhiều người đã đổi. Qua chuỗi biến cố đã qua và đang xẩy ra nơi giáo hội việt nam và giáo hội hoàn vũ, người ta có một cái nhìn thực tế hơn về Giáo hội. Đối với họ, Giáo hội không còn hiện thân như một tổ chức thuần tuý linh thiêng nữa, nhưng trong đó cũng có toan tính rất trần tục. Hàng giáo sĩ không còn được che phủ bởi hào quang thánh thiện mờ ảo nữa, như người dân quê chân chất vẫn tin. Nhưng họ đang trở thành một giai tầng quản trị gia với những tham sân si và với những tính toán phiêu lưu. Có vị cứ nằng nặc muốn được gọi là „cha“, cứ muốn khẳng định mình là một „Kitô khác“, nhưng khi làm bậy thì lại biện luận, tôi cũng là người nên cũng có thể lỗi phạm. Lối đó gọi là „ăn hai đầu“.

Từ cái nhìn đã thay đổi đó, tôi nghĩ lời kêu gọi của vị phó chủ tịch HĐGMVN qua lá thư ngày 06.05.10 – một lá thư mà tôi tâm đắc – khó phát huy tác dụng. Ngài kêu gọi mọi người hãy vượt qua khía cạnh nhân loại mà nghĩ tới mầu nhiệm giáo hội để chấp nhận một thực tế đã rồi. Lá thư có được tác dụng an thần, nhưng vẫn không giúp giải mã được cái „biến cố lịch sử hôm nay“ (gm. Linh) với nhiều ẩn số và toan tính trần thế.

Giáo hội không còn được nhìn thuần tuý như là một mầu nhiệm. Giáo sĩ chẳng còn được nhìn dưới vỏ bọc hào quang linh thiêng. Đó là một mất mát lớn (hay cái thực tế phải chấp nhận?) của giáo hội hôm nay. Xói mòn niềm tin vào giáo hội và xói mòn kính trọng nơi giáo sĩ là những thực tế đau lòng. Tại ai? Đừng vội đổ tội cho đám truyền thông vô thần, cho các ông bà đồng tính, hay cho các thế lực tam điểm, cộng sản, du-dêu. Đức Thánh Cha vừa phát biểu khi trên đường tới hành hương Fatima: „Các vụ tấn công ngày nay chống lại giáo chủ, chống lại giáo hội, các khổ đau của giáo hội, không chỉ đến từ bên ngoài giáo hội, mà cả từ bên trong, từ tội lỗi hiện nay trong giáo hội. Cuộc bách hại lớn nhất chống lại giáo hội không đến từ các kẻ thù của giáo hội ở bên ngoài mà là ở bên trong”.

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, có một khẩu hiệu thường gặp: „Vui duyên mới không quên đề cao cảnh giác“. Cứ mỗi lần có đám cưới của cán bộ hay bộ đội thì khẩu hiệu này thường được treo lên ở cơ quan. Thường chỉ có những tay tội phạm hay bất chính mới phải lên giây cót đề cao cảnh giác 24/24 mọi nơi mọi lúc như thế. Khẩu hiệu trên đây đã được việt cộng công chứng, nó thuộc độc quyền của đảng cộng sản việt nam. Nhưng hôm nay, trong „biến cố lịch sử“ của giáo phận, tôi cuỗm nhẹ khẩu hiệu này của họ để tặng cho giáo dân Hà Nội. Các bạn đang dzui duyên mới. Nhưng cũng đừng vì thế mà quên đề cao cảnh giác, để quên đi việc tiếp tục đấu tranh cho công lí nhân quyền, quên đi bọn cấu kết với tàu lạ đang đe doạ đất nước, quên đi bô-xít đang phá hoại dân tộc, quên đi Khâm sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm… AMEN.

Augsburg, ngày 16.05.2010