Home Đời Sống Tôn Giáo Vụ thảm sát một linh mục Ba Lan

Vụ thảm sát một linh mục Ba Lan PDF Print E-mail
Tác Giả: John Fox / Trần Phong Vũ (dịch)   
Thứ Năm, 10 Tháng 6 Năm 2010 10:23

Mặc dầu một sĩ quan trẻ tỏ dấu lo ngại  đã bị nhận diện và đưa đề nghị bỏ Cha Jerzy trong rừng, chỉ khủng bố mà không giết, nhưng tên đại úy lạnh lùng ra lệnh “Jerzy Popieluszko phải chết!”

 
BBT Nữ Vương Công Lý nhận được bản dịch bài viết của ông Trần Phong Vũ, chủ bút nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân có tòa soạn ở nam California, Hoa Kỳ. Bài viết của John Fox trên tạp chí Reader.s Digest về trường hợp Linh Mục Jerzy Popieluszko bị cộng sản Ba Lan bức tử.
Kính xin cảm ơn ông Trần Phong Vũ và quý độc giả đã ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi thời gian qua, hi vọng tiếp tục được sự ủng hộ của quý vị.

Nguyên tác “Murder of a Polish Priest”,  bản tường trình của John Fox trên Reader’s Digest số phát hành tháng 12-1985 – Trần Phong Vũ chuyển ngữ và tóm lược để đăng trên Nguyệt San Đường Sống số phát hành 30-4-1986 tại nam California, Hoa Kỳ.

Đôi lời của người dịch:

Nhân  dịp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ  vừa tôn phong cha Jerzy Popieluszko lên hàng Chân Phước, chúng tôi chuyển lên mạng phần chuyển ngữ  bài viết này của John Fox để gửi tới  độc giả bốn phương. Một phần tư  thế kỷ đã qua, nhưng nội dung bài viết vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Câu chuyện của Giáo Hội Ba Lan 26 năm trướcxuyên qua chủ trương “đối thoại” và “hợp tác” với đảng và nhà nước CS Ba Lan của Hồng Y Glemp đã và đang ứng vào cảnh ngộ của Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

Trần Phong Vũ

Tiếng Gọi Định Mệnh
Từ  hải cảng Baltic tới những mỏ than Silesian, tập thể  công nhân Ba Lan nhất tề  đứng dậy. Bất chấp mọi đe dọa của điện Cẩm Linh, Công Đoàn Đoàn Kết đã ra đời. Vào tuần lễ chót tháng 8/1980, sau khi đạt được thắng lợi về quyền tự do nghiệp  đoàn cũng như những cải cách căn bản khác, các công nhân Ba Lan mong muốn thánh lễ được cử hành ngay trong xưởng thợ… Và Cha  Jerzy Popieluszko đã đáp ứng lời mời gọi của họ.

 
                                       Cha Jerzy Popieluszko
Khi vị  Linh Mục trẻ bước qua cổng công xưởng, Cha có cảm tưởng như một nhân vật quan trọng nào đó đang đi bên cạnh, vì trước mặt Cha là một biển người với những khuôn mặt vừa khóc vừa cười và những tràng pháo tay vang dội. Khi nhìn thấy bàn thờ và một cây Thánh Giá lớn được dựng lên ngay trung tâm cơ xưởng, Cha Jerzy chợt hiểu  những giọt lệ và những tiếng vỗ tay hoan hô chào đón của đám công  nhân là để dành cho bản thân Cha, vị Linh  Mục đầu tiên đáp lời mời gọi của họ. Và tiếng hát từ đám đông cất lên cảm động hơn tất cả bao giờ.

Kể  từ giây phút ấy, Cha Popieluszko trở thành người bạn nghĩa thiết của công nhân Ba Lan. Đấy là một chọn lựa định mệnh, biến Cha thành vị Linh Mục của quần chúng Ba Lan, một người con cưng của Đức Thánh Cha và là thủ lãnh tinh thần của phong trào Công Nhân Đoàn Kết – đồng thời cũng là một khuôn mặt khiến cả Varsovie và Mạc Tư Khoa úy kỵ và tìm hết cách để hủy diệt.


Làm Việc Không Ngừng Nghỉ
Khổ  đau không phải là điều mới mẻ đối với Cha Jerzy. Ra đời năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo túng, ngay từ thời thơ ấu, cậu bé Jerzy đã nếm mùi thiếu thốn bệnh tật. Nhưng không bao giờ cận tỏ dấu phàn nàn. Jerzy chịu ảnh hưởng sâu xa  tấm gương của Cha Maximilian Kolbe, một vị Linh Mục đã hy sinh mạng sống của mình để cứu một tù nhân cùng bị giam giữ với Ngài ở Auschwitz. Theo chân Cha Kolbe, cậu bé Jerzy đã chọn con đường tu trì sau khi tốt nghiệp trung học, bất chấp những đe dọa về phía chính quyền Cộng Sản. Sau một  năm ở chủng viện, Jerzy bị động viên và chính thời gian này, cậu đã trở thành nạn nhân của chế độ.

Vì  kiên cường không chịu bỏ  thói quen lần chuỗi và hướng dẫn bạn đồng ngũ cầu nguyện, Jerzy đã bị hành hạ tàn nhẫn, bị biệt giam một tháng khiến sức khoẻ bị kiệt quệ đến nỗi phải vào bệnh viện ngót một năm và trải qua một cuộc giải phẫu nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng suy yếu về tim và thận, kết quả của hai năm bị đọa đầy trong quân ngũ. Khi vị Linh Hướng tỏ dấu lo ngại về tương lai mục vụ của Jerzy và muốn Jerzy phải nghỉ ngơi thì được nghe trả lời: “Người  ta sẽ không bao giờ thấy đau khổ khi người ta chấp nhận đau khổ vì Chúa Kitô”. Năm 1972, Cha Jerzy hăng  hái lao mình vào cuộc đời Linh Mục và không bao lâu đã giành được cảm tình của mọi giới. Cha đã trở thành người bạn thiết nghĩa của các sinh viên Y khoa tại đại học Varsovie. Một sinh viên đã nói về Cha Jerzy như sau: “Cha lo lắng cho tôi hơn cả chính tôi lo lắng cho tôi.”

Ở Cha Jerzy còn là sự can đảm khác thường. Trong dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Ba Lan lần đầu, Cha Jerzy đã liều lĩnh lấy lại một bức thư trong tay bọn Công An Nhà Nước… Bức thư này vốn của một cô bé viết ra với ý định dâng lên Đức Thánh Cha nhưng đã bị Công An tước đoạt. Nhờ Cha Jerzy, bức thư của cô bé đã tới được tay vị thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Công Giáo.

Vì  làm việc nhiều Cha Jerzy bị ngã bệnh trở lại và một lần đã bị ngất xỉu trong khi cử hành thánh lễ. Tháng 6/1980, Cha được đưa tới một nơi dành cho các Linh Mục hưu dưỡng. Nhưng định mệnh đưa đẩy, Cha Jerzy đã không được yên nghỉ trước tiếng kêu mời của tập thể công nhân nhà máy thép Varsovie.

Những Khuôn Mặt Đẹp
Một nguồn sinh lực  mới đã tràn vào cơ thể  Cha  Jerzy khi Cha lao mình vào với giới công nhân. Cha hăng say thuyết giảng về ”danh dự của người lao động.” Cha chỉ cho các công nhân thấy rằng sự bê tha rượu chè cũng là một hình thức nô lệ. Nhờ thế, tệ trạng say sưa giảm bớt hẳn.

Trong suốt 15 tháng tự do nửa vời của Công Đoàn Đoàn Kết, Công An chìm Nhà Nước luôn chiếu cố Cha Jerzy. Những lời cảnh cáo, những đe dọa mạng sống được liên tiếp đưa ra nếu Cha không cắt đứt mọi liên hệ với công nhân.

Mùa thu năm 1981, chế độ vẫn từ khước không chịu thi hành những thỏa hiệp với công nhân. Hiển nhiên Công Đoàn Đoàn Kết đã trở thành một thách đố đối với Varsovie và Mạc Tư Khoa. Tháng 10-1981, Cha Jerzy qua Mỹ dự đám táng một bà cô. Tại đây nhiều người khuyên  Cha xin tỵ nạn chính trị, nhưng Cha từ chối: “Tôi không thể từ bỏ những người bạn công nhân của tôi lúc họ đang bị lâm nguy. Họ cần tôi và tôi cũng cần họ.” Và Cha Jerzy đã trở lại Ba Lan ngay sau khi tang lễ hoàn tất.

Khi chế độ Cộng Sản ban bố “tình trạng  chiến tranh” vào ngày 12 tháng 12 năm 1981, các lãnh tụ Công Đoàn phải rút vào bóng tối vì những đợt khủng bố man rợ của lực lượng Công An. Và các công nhân nhà máy Varsovie thoát khỏi  màng lưới Công An đã vô cùng ngạc nhiên khi  phát hiện sự có mặt từng người tại căn phòng của Cha Jerzy. Một người lên tiếng: “Quả là một sự phản xạ. Khi gặp phiền phức là tìm tới Jerzy.”

Họ  tới với Cha vì Cha không hề sợ hãi. Trên vách căn Apartment của Cha treo sẵn  một tấm bản  đồ Ba Lan vĩ  đại, trên đó đánh dấu tất cả những trại giam giữ các cán bộ Công Đoàn. Khi có người hỏi là thực hiện một tấm bản đồ như thế Cha không sợ sao, thì Cha Jerzy trả lời: “Chỉ những kẻ cầm quyền đã dựng nên những trại tù mới là kẻ phải sợ hãi.”

Đối với Cha Jerzy, tình  trạng cùng quẫn của người dân Ba Lan không phải chỉ là vấn đề chính trị mà còn là một phần của thiên chức Linh Mục.

Sau khi lệnh thiết quân luật được ban hành, Cha Jerzy treo bức hình chụp mới nhất của  song thân lên. Bà Cố tỏ dấu không hài lòng, nói với Cha Jerzy: “Con thấy đấy, bố mẹ lúc này sao trông thiểu não và đau khổ biết mấy!” Và Cha  Jerzy trả lời: “Thưa mẹ, con thấy đó chính là những khuôn mặt đẹp tuyệt vời!”

Cha bắt đầu len lỏi vào những hang cùng ngõ hẻm trong thành phố để an ủi, tiếp cứu những người thiếu thốn cùng quẫn, nhất là vợ con các  cán bộ Công Đoàn tại đào. Chính lãnh  tụ Công Đoàn Lech Walesa đã nói về Cha Jerzy như sau: “Quả thực Cha đã quên hẳn thân mình.”  Vị Linh Mục trẻ đã phân phát đi hàng tấn quần áo trong khi chính trang phục của Cha thì lôi thôi,  rách nát. Một nhà báo tên tuổi vốn là cựu đảng viên Cộng Sản đã mệnh danh Cha Jerzy là “một người bạn thánh của chúng tôi tại giáo đường St. Stanislaw.”

Vượt Thắng Sự Dữ
Cha Jerzy biết rằng tai mắt Nhà Nước hiện diện trong căn phòng của Cha qua những trang cụ điện tử. Công An cũng bắt đầu hăm dọa cả cha mẹ và bạn bè Cha. Nhưng Cha Jerzy đã  đi xa hơn bằng cách bày tỏ niềm tin cả với những nhân viên an ninh Nhà Nước trong cố gắng đánh  động lương tâm từng người. Bất chấp lệnh giới nghiêm trong đêm Giáng Sinh đầu tiên,  Cha len lỏi trong bóng đêm, ngừng lại trước mỗi đơn vị Công An đặc biệt được bố phòng khắp thủ đô Varsovie. Dĩ nhiên, trong điều kiện ấy, Cha có thể bị bắn tại chỗ. Trong khi Cha Jerzy tiến tới các ổ súng với bánh Giáng Sinh, một số nhân viên an ninh quay đi, một số đã nhận bánh và lời chúc bình an của Cha. Có người quá cảm động đã rơi lệ.

Lệnh thiết quân luật đã khóa miệng cả triệu người dân Ba Lan. Riêng Linh Mục Jerzy Popieluszki vẫn tiếp tục lên tiếng. Cha bắt đầu cử hành “Thánh lễ cầu cho quê hương” hàng tháng dành cho tất cả các nạn nhân của chế độ. Một số công nhân hầm mỏ từ miền Nam Ba Lan quá cảm động khi hay tin về Thánh Lễ đặc biệt này đã đánh liều tìm đường về tham dự. Nhưng khi họ nhìn vóc dáng nhỏ thó của Cha Jerzy trên bàn  thờ thì họ cảm thấy như bị đánh lừa. Vị Linh mục này không có vẻ gì là người anh hùng mà họ đã vẽ ra trong trí tưởng tượng.

Nhưng khi Cha Jerzy bắt đầu thuyết giảng thì giọng nói dịu dàng nhỏ nhẹ của Cha trở nên có  một sức mạnh tuyệt vời. Cha nói không giấu giếm những điều mà họ thực tâm cảm thấy mà không thể nói ra. Họ muốn “vùng dậy một lần nữa sau những đớn đau, ê chề và tủi nhục” như lời Cha Jerzy nói với họ “bởi vì các bạn chỉ quỳ gối trước mặt một mình Thiên Chúa mà thôi.” Từ lâu chế độ đã cấm chỉ không ai được nói tới Công Đoàn Đoàn Kết, nhưng Cha Jerzy tuyên bố: “Liên đới có nghĩa là duy trì sự tự do nội tâm  cho dù phải sống trong tình trạng nô lệ: Hãy vượt thắng sợ hãi.” Những công nhân nhà máy thép Varsovie đã lớn tiếng tuyên xưng trong một thánh lễ tại giáo đường Stanislaw rằng: “Tiếng nói của Cha Jerzy là tiếng nói trung thực của chúng tôi.” Nhà văn Adam Michnik, một cây viết hàng đầu trong văn giới Ba Lan đã phát biểu như sau: “Cha Jerzy đã mang lại những giây phút nhiệt thành đặc biệt về niềm hy vọng cho người dân thủ đô Varsovie.”

“Thánh lễ  cầu cho quê  hương” trở thành  một biến cố có tầm vóc quốc gia. Người  dân Ba Lan từ khắp nơi đổ về tham dự, trong đó ngoài thành phần công nhân còn có cả các giới văn nhân, nghệ sĩ, trí thức. Mặc dầu màng lưới Công An trùng điệp trong ngoài thánh đường Stanislaw, mọi  người đều chia sẻ với nhau trong niềm giao cảm mới mẻ về sự thinh lặng và hiệp nhất. Và Cha Jerzy  bắt đầu giảng về đề tài “đạo đức phải thắng gian tà”. Cả trăm ngàn lá thư gửi về bày tỏ lòng biết ơn vị Linh Mục trẻ đã giúp  họ hồi phục niềm tin. Một công nhân viết: “Tôi  là một con người hoàn toàn tự do trong suốt hai tiếng đồng hồ nghe Cha Jerzy giảng.” Một công nhân khác bộc lộ: “Tôi cảm thấy tâm hồn bình an khi ở gần Cha.”

Những bài thuyết giảng của Cha Jerzy được ấn hành, được thu băng, được chuyền tay sang qua sang lại và được phổ biến rộng rãi khắp lãnh thổ Ba Lan trước những biện pháp ngăn chặn vô hiệu của Công An Nhà Nước. Ảnh hưởng của Cha Jerzy lớn đến nỗi một số công an viên Varsovie đã từ chối không tham dự hành vi chống lại Cha. Nhân sự từ khắp  nơi trong lãnh thổ Ba Lan đã được vận dụng. Các công nhân nói với Cha Jerzy: “Jurek! (cách xưng  hô thân mật của bạn bè và công nhân lúc bấy giờ khi nói với Cha Jerzy) Cha không còn là của Cha nữa. Cha đã thực sự là người của quần chúng rồi.”

Nhưng “Thánh lễ cầu nguyện cho quê hương” càng thành công và lôi cuốn được nhiều  người tham dự bao nhiêu thì biện pháp ngăn cản, những thư từ hăm dọa đến với vị Linh Mục can trường của Ba Lan ngày càng tăng thêm thập bội. Nhưng  Cha Jerzy vẫn không lùi bước vì luôn xác tín rằng: “Là Linh Mục thì phải theo đuổi con đường công chính cho đến cùng.” và cũng  vì ngay từ thời niên thiếu Cha đã thấm nhuần lời Phúc Âm Thánh Luca:  “Cha sai con đi để mưu cầu tự do cho những người bị áp chế!” Và trước sự lo âu của thân nhân, bằng hữu, Cha Jerzy thản nhiên nói: “Điều tệ hại nhất mà họ có thể gây ra cho tôi là giết chóc về thể xác!”

Chẵn một năm sau ngày ban hành lệnh thiết quân luật, Cha Jerzy ngã bệnh vào lúc 2 giờ sáng vì quá kiệt sức trong khi chuẩn bị những gói quà Giáng Sinh cho trẻ em trong bệnh viện. Chuông nhà thờ ngân vang nhưng Cha Jerzy không gượng dậy được, và cũng chính nhờ thế mà Cha đã thoát chết trong một cuộc mưu sát tàn bạo, vì ngay ít phút sau đó một trái bom nổ tung trong phòng bên cạnh làm bể nát cửa sổ nơi Cha Jerzy thường đứng mỗi sáng trước khi ra nhà thờ hành lễ.

Vụ  mưu sát đầu tiên này đã cho Cha Jerzy thấy  rõ tính cách trầm trọng của vấn đề, nhưng Cha vẫn  luôn tâm niệm là chủ chiên không thể tách lìa đàn chiên của  mình. Kiểm điểm lại  danh sách những thành viên yểm trợ phong trào công nhân bị đánh đập, bắt cóc thủ tiêu, bị “tai nạn” hoặc “tự tử” do một âm mưu sắp xếp bí mật nào đó, phối hợp với vụ mưu sát trắng trợn vừa xẩy ra, Cha Jerzy bằng lòng đặt mình dưới sự bảo vệ của anh em. Từ đấy các công nhân nhà máy thép thay phiên nhau bám sát Cha Jerszy 24/24 giờ “giống như bảo vệ một kho báu, một người anh em bảo vệ anh em mình”, như lời tâm sự của một công nhân.

Âm Mưu
Một hôm, một công nhân tìm tới Cha Jerzy với nét  mặt buồn rầu tuyệt vọng. Anh thú nhận với vị Linh Mục trẻ là vì áp lực và đe dọa anh đã phải ký vào biên bản nhận làm chỉ điểm viên cho Công An Nhà Nước. Sau khi thỏa thuận về phương thức giải quyết để gỡ rối cho người công nhân, Linh Mục Jerzy đã dùng chính câu chuyện của anh để đưa vào bài thuyết giảng hình ảnh của lòng trung tín và sự phản bội. Ông lớn tiếng kêu gọi Công Đoàn Đoàn Kết bảo vệ người công nhân can đảm và tiếp tay với anh trong việc khước từ những nhượng bộ tinh thần, vì theo  Cha Jerzy, để “chiến  thắng áp bức cần phải chiến thắng sự sợ hãi.” Một khi nội vụ được công khai hóa, Công An Nhà Nước đành ngậm miệng làm ngơ, bỏ qua sự việc. Từ đấy mưu toan khóa miệng Cha Jerzy được sắp đặt kỹ càng hơn với sự quan tâm của đích thân Tổng Trưởng Nội Vụ Ba Lan.

Một chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ được Nhà Nước phát động nhằm vào Cha Jerzy. Thôi thì đủ thứ tội danh đã được gán cho vị Linh Mục quả cảm này. Vì lo sợ Cha  Jerzy có thể bị bắt đi thẩm cung, giáo dân đã phối hợp với công nhân liên thủ canh chừng nơi cư ngụ của Cha. Nhưng rồi Cha  Jerzy vẫn không thoát khỏi bàn giấy Công An  khi chính quyền Cộng Sản đạt được sự thoả hiệp với Giáo Hội Ba Lan cho phép thẩm vấn Linh Mục. Chính lúc vừa chấm dứt cuộc tra khảo của Công An thì Cha Jerzy nhận được tin căn phòng của Cha bị khám xét.  (Căn phòng này vốn là quà tặng của người cô ruột ở Mỹ lúc bà còn sinh thời). Cha Jerzy tỏ dấu thản nhiên vì nơi  cư ngụ của Ngài chẳng có gì có thể bị coi là quốc cấm. Nhưng khi Cha Jerzy cùng với các giới chức Công An tới nơi thì các dụng cụ chụp hình, quay phim của Cảnh Sát và đài truyền hình Ba Lan  đã túc trực sẵn  sàng. Vào đến trong  nhà, không cần khám xét lục lọi, chỉ trong vòng vài ba phút, Công An đã tìm ra được đủ thứ từ lựu đạn, chất nổ tới súng ống đạn dược, và những truyền đơn kêu gọi một cuộc võ trang nổi dậy!

Kết quả là Cha Jerzy bị đẩy vào tù giữa ngày kỷ niệm năm thứ hai lệnh thiết quân luật. Cha đã bị giam chung với bọn trộm cướp, trong đó có cả một tên sát nhân. Mặc dầu sức khỏe yếu kém, Cha Jerzy vẫn không bị ngã gục trước cơn thử thách như sự chờ đợi của Nhà Nước Cộng  Sản. Chỉ trong giây lát Cha đã chinh phục được sự kính trọng của những phạm nhân khác trong tù.  Và ngay cả tên sát nhân cũng bắt đầu cởi mở với Cha. Hai người  tâm sự với nhau suốt sáng.  Dần dà Cha Jerzy nhận ra những đổi thay nơi kẻ giết người. Đến gần rạng đông, người đàn ông bật khóc và xin lãnh bí tích hòa giải với Thiên Chúa qua Cha Jerzy. Vì không có phương tiện cho hối nhân rước lễ, Cha Jerzy đã làm phép mẩu bánh trong nhà giam và trao cho anh. Sáng sớm hôm sau, Cha Jerzy được  phóng thích. Cha nói với kẻ sát nhân là Cha rất vui vì được trải qua một đêm không ngủ thật nhiều ý nghĩa.

Điều bất hạnh cho Cha Jerzy là việc làm của Cha đã không được sự tán trợ của Đức Hồng Y Glemp, người cầm đầu Giáo Hội Ba Lan. Quan điểm của vị Hồng Y này là bằng mọi giá phải  duy trì cuộc đối thoại với chế độ và vấn đề tôn trọng nhân quyền phải đặt căn bản trên những mối liên  hệ tốt với chế độ (!) Trong khi ấy, nhà cầm quyền CS Ba Lan đã chuyển tới tay Hồng Y Glemp một danh sách liệt kê 69 giáo sĩ thuộc thành phần chống phá xã hội chủ nghĩa, trong đó dĩ nhiên Cha Jerzy Popieluszko là người đứng đầu. Ngay sau đó, một số Linh Mục đã  bị thuyên chuyển tới những vùng  xa xôi hẻo lánh. Phần  Cha Jerzy cũng được vị Giáo Chủ Ba Lan chuẩn bị cho rời nhiệm sở.

Giữa tình trạng tuyệt vọng như thế thì hai điệp văn từ Vatican gửi qua. Đức Thánh Cha  Gioan Phaolô II gửi tới Cha Jerzy phép lành Tòa Thánh và chuỗi Môi Khôi đặc biệt kèm theo lời khích lệ là “hãy cho Cha Jerzy hay là tâm hồn Ta luôn ở bên Cha.” Với Hồng Y Glemp, vị lãnh đạo tối cao của thế giới Công Giáo viết: “Hãy bảo vệ Cha Jerzy Popieluszko, nếu không có ngày họ sẽ tìm thấy vũ khí ngay tại bàn giấy mỗi Đức Giám mục…”

Vị  Giáo Chủ Của Công Nhân
Giới hữu trách Ba Lan thừa hiểu rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô  II rất ưu ái  Cha Jerzy, bởi lẽ cả hai cùng chia sẻ một cách sâu đậm về một cuộc cách mạng luân lý bất bạo  động. Cha Jerzy luôn luôn trích dẫn lời Đức Thánh Cha. Về phần vị Cha Chung rất ngưỡng phục việc  làm của vị Linh Mục trẻ, điều mà chính Ngài đã từng làm. Trên bình diện rộng rãi hơn  là cuộc thử lửa giữa Vatican và Mạc Tư Khoa, tinh thần Cha  Jerzy đã làm vui lòng vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan.

Tháng 5 năm 1984, Tướng Wojeiech Jaruzelski chủ tịch Nhà  Nước Ba Lan qua Nga hội đàm với các  nhà lãnh đạo điện Cẩm Linh, trong đó bao gồm cả đương kim Tổng Bí Thư Mikhail  Gorbachev. Đối với Mạc Tư Khoa, vị Linh Mục thợ có giọng nói mềm mỏng là một biểu tượng nguy hiểm cho đế quốc Sô Viết. Trở về Ba Lan, Jaruzelski chỉ thị cho báo chí mở chiến dịch công kích Cha Jerzy và các Linh Mục được coi là “cực đoan” khác. Những thư từ và những cú điện thoại hăm dọa tới tấp đến với Cha Jerzy. Bất cứ nơi nào Cha Jerzy thuyết giảng, Công An chìm  đều xâm nhập, rải truyền đơn khích động, với dụng ý xúi giục quần chúng bạo động để có cớ tiêu diệt uy tín Cha Jerzy. Và chỉ trong vòng nửa năm đầu 1984, giới chức an ninh đã thẩm vấn Cha Jerzy 13 lần.

Trong “Thánh lễ cầu cho quê hương” tháng 5 năm 1984, với trên 10.000 người tham dự, Cha Jerzy đã lên tiếng ca ngợi lòng can đảm của 11 lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết hiện đang bị giam giữ, khi những nhân vật này cương quyết bác bỏ một cuộc mặc cả của chế độ trong đó có cả đại diện của Giáo Chủ Ba Lan là họ sẽ được trả tự do nếu chịu từ bỏ những hoạt động  của Công Đoàn. Cha Jerzy ca ngời lòng can đảm của các tù nhân lương tâm này vì họ “đã không phản bội lý tưởng chung.”

Sự  kiện trên đã chọc giận vị Giáo Chủ và các cố vấn của Ngài. Do đó đã có một thỏa  hiệp với chế độ nhằm khóa  miệng Cha Jerzy. Nhưng thỏa hiệp đã trở nên vô hiệu vì thái độ cương quyết của vị Linh Mục trẻ. Cha nói: “Nếu tôi im  tiếng có nghĩa là tội ác đã thắng.” Tấm  gương của Cha Jerzy và sự tán thưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy nhiều Linh Mục khác đứng ra tổ chức các “Thánh lễ cầu cho  quê hương”, tại địa sở của họ. Phần Cha Jerzy đã được mời đi thuyết giảng khắp nơi trong nước. Trong các xí nghiệp, người ta mệnh  danh Cha là “Vị Giáo Chủ của công nhân.”

Đợi Chờ Điều Tệ Hại Xảy Đến
Mùa Hè 1984, cả Công Đoàn và Giáo Hội đều nhận được tin là Công An mật  đang phác họa chương trình hạ sát một  trong ba Linh Mục chống chế độ, trong đó có Cha Jerzy. Người ta được biết kể từ sau  khi thiết quân  luật, Giám Mục Kazimierz Kluz,  người được coi là cương trực hay nói thẳng và tu sĩ Honoriusz Kowalezyk đã bị giết trong những  tai nạn xe hơi  có bóng dáng của  Công An mật. Riêng Cha Jerzy, trong năm 1984 cũng đã thoát hiểm hai lần trong những “tai nạn” tương tự.

Các công nhân tăng cường gấp đôi việc bảo vệ Cha Jerzy. Nhiều xe an ninh Nhà Nước và cả xe nhà binh đậu quanh nhà vị Linh Mục này. Căn Apartment của Cha giờ đây không còn là nơi mở ra để giúp đỡ những người thiếu thốn cùng khổ nữa. Bù lại, Cha Jerzy mặc dù hết sức mệt mỏi vẫn tìm cách thăm viếng gia đình của các công nhân bị tù hoặc bị sa thải khỏi xí nghiệp. Cha tiếp tục  mang đồ cứu trợ giúp những người nghèo đói, bệnh tật quanh vùng thủ đô Varsovie. Cha còn lo đưa Mình Thánh tới tận nhà cho những người già cả yếu đau trong họ đạo. Hằng đêm Cha Jerzy bị mất ngủ vì thần kinh căng thẳng. Trong một Thánh Lễ, sau phần cầu nguyện thường lệ Cha quay về phía giáo dân nói: “Lúc này tôi cần tới lời cầu nguyện của anh chị em.”

Nhà  Nước đưa ra một lời mặc cả với Cha Jerzy là nếu chịu ngưng các “Thánh lễ cầu cho quê hương” thì đổi lại Cha sẽ được Nhà Nước xóa bỏ mọi “tội lỗi”. Ngày 26  tháng  8 năm 1984,  Cha Jerzy đã khẳng khái tuyên bố trước cộng đoàn giáo dân đông đảo nhất đời Cha là: “Chúng ta không sợ điều gì. Chúng ta chỉ sợ sự phản bội!” Với dáng vẻ xanh xao nhưng quyết liệt, Cha  nói tiếp: “Công Đoàn Đoàn Kết tiếp tục sống còn vì nó là niềm khao khát trong tim mọi người, niềm  khao khát yêu thương, hòa bình và chân  lý.” Và Nhà Nước đã lên tiếng cảnh cáo Giáo Hội Ba Lan là cuộc đối thoại giữa đôi bên sẽ bị đe dọa nếu Giáo Hội còn che chở những Linh Mục cực đoan như thế.

Các cuộc họp bàn giữa những thành phần tối cao trong Đảng được triệu tập mà mục tiêu  chính vẫn là Cha Jerzy. Các tay trùm an ninh sợ rằng nếu đụng tới các giáo sĩ khác trước sẽ khiến việc bảo vệ Cha Jerzy được các công nhân tăng cường có thể đến mức Cha trở thành nhân vật  “bất khả xâm phạm”. Cũng đã có sự dàn xếp để Cha Jerzy đi du học ở La Mã nhưng Cha từ chối.

Vào lúc giới hữu trách xiết chặt vòng vây thì Cha Jerzy về thăm làng cũ. Tại đây Cha nói với Linh Mục bản sở là Cha sẵn sàng “chờ đợi điều tệ hại nhất… nhưng không có gì đáng sợ ngoài sự phản bội.” Khác với những lần viếng thăm trước đây, lần này Cha Jerzy tha thẩn thăm từng xó xỉnh trong  nhà. Ông mời cha mẹ già tham dự “Thánh lễ cầu cho quê hương.” Thân mẫu Cha nhìn người con trai Linh Mục dạo bước trên cánh đồng giống như đang nói lời giã biệt!

Tai Nạn Đẹp Mắt
Ngày 12 tháng 9 năm 1984, tờ Sự Thật tung ra chiến dịch công kích Cha Jerzy. Mạc Tư Khoa lên án Cha đã cấu kết với “những kẻ phản Cách Mạng.” Ngày 17 tháng 9, Tổng Trưởng Tôn Giáo Vụ gửi cho giáo quyền Ba Lan một văn thư với những lời lẽ tương tự. Jerzy Urban, cố vấn thân cận của Chủ Tịch Nhà Nước gọi Cha Jerzy là “tên phù thủy chính trị.”  Sau này, qua phát giác của những nhân chứng lúc Cha Jerzy đã bị thảm sát, người ta được biết ngay  lúc ấy Công An mật đã phác họa kế hoạch “tạo một tai nạn lưu thông ngoạn  mục” bằng xe hơi hoặc đẩy vị Linh Mục này từ một toa xe lửa đang chạy!

Trong khi ấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn chăm chú  theo dõi những biến  cố ở Varsovie. Ngài  e ngại  cho sinh mạng Cha Jerzy, vì trong một bức thư gửi cho Ngài, Cha Jerzy viết: “Người ta phải chấp nhận khổ đau vì Chân  Lý. Đấy là lý do tại sao con sẵn sàng chờ đợi  bất cứ điều gì.” Dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi phép lành đặc biệt và một cây Thánh Giá cho Cha Jerzy.

Theo kế hoạch đã được trù định, Cha Jerzy sẽ bị giết ở ngoài thủ đô Varsovie để  tránh sự can thiệp của các công nhân bảo vệ Cha, đồng thời cũng  để tránh sự xoi mói của dư luận. Waldemar Chrostowski, người tài xế tình nguyện, đồng thời cũng là vệ sĩ của Cha Jerzy từng bị Công An thẩm vấn nhiều lần và buộc phải chấm dứt sự liên hệ mật  thiết này. Khi Waldemar  tỏ ra bất chấp lời cảnh cáo thì căn nhà của ông ta đã bị phá hủy bình địa bằng bom lửa. Chính quyền đã  trì hoãn việc điều tra vụ này mặc dầu Waldemar vốn là một nhân viên của sở cứu hỏa tại Varsovie!

Cũng do những tiết lộ sau này của nhân chứng, ngày 9 tháng 10 năm ấy, một mật lệnh  được đưa ra: LM Jerzy sẽ bị thủ tiêu và nếu có ai cùng đi chung với ông, người ấy cũng sẽ bị giết để phi tang. Vào giữa buổi trưa ngày 13 tháng 10 năm 1984, một tiểu đội đặc biệt mai phục  trên đoạn đường giữa Varsovie và Gdansk để dàn xếp một “tai nạn đẹp mắt” khi Cha Jerzy trở về sau một “Thánh lễ cầu cho quê hương.” Nhưng nhờ phản  ứng mau lẹ của Waldemar Christowski, xe chở Cha Jerzy đã thoát khỏi mai phục của toán Công An đặc biệt.

Sau vụ này, Cha Jerzy cảm thấy hết căng thẳng. Ông nói với một người bạn: “Tôi không biết tại sao, nhưng tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa.”

Bắt Cóc Và Bạo Hành Man Rợ
Khi ra ngoài, Cha Jerzy thường ăn mặc sơ sài. Nhưng hôm Thứ Sáu 19 tháng 10 năm 1984, Cha lại mặc áo dài Linh Mục. Như thường lệ, Cha mang theo xâu chuỗi Đức Thánh Cha tặng, vì đấy là báu vật nhất đời của Cha. Được mời thuyết giảng tại nhà thờ thuộc thành phố Bydgoszez, Cha Jerzy tiếp tục nói về đề tài “Đạo đức thắng gian tà.” Sau đó, mặc dù giáo dân đề  nghị ở lại nhưng Cha Jerzy quyết định ra về ngay trong đêm. Có người nhận diện viên đại úy Grzegorz Piotrowski, người từng  được giao phó việc theo dõi Cha Jerzy từ lâu, trên chiếc Fiat đậu ngoài giáo đường. Cạnh y còn có hai sĩ quan cao cấp thuộc phòng 4 sở Công An. Đây cũng là bọn người từng rình rập Cha Jerzy 6 ngày trước đó.

Khi chiếc xe chở Cha Jerzy do Waldemar Christowski lái tới một quãng đường vắng cách Bydgoszez khoảng  nửa giờ thì bị bọn Công An chặn bắt. Waldemar bị uy hiếp bằng súng trong khi tên đại úy Piotrowski lôi Cha tới chiếc xe Fiat: “Các ông làm  gì thế?” Vị Linh Mục  phản kháng: “Các ông có thể xử với một  người như thế sao?” Với thái độ cục cằn lạnh lẽo, bọn  Công An đánh vào sọ và mặt Cha Jerzy đến ngất xỉu. Sau đó chúng  trói Cha lại và liệng vào thùng xe. Phần  Waldemar, nhờ là một  cựu com-măng-đô, nên đã  nhân lúc bất ngờ liều lĩnh lăn mình trốn khỏi chiếc Fiat trong khi chiếc xe đang lao vào khu rừng vắng. Nhưng khi  anh tới được phòng cấp cứu bệnh viện Torun thì đã có đội Công An mật đợi anh ở đấy. Tuy nhiên, anh đã kịp thời báo động cho các giới chức trong Giáo Hội hay biết nội vụ.

Mặc dầu một sĩ quan trẻ tỏ dấu lo ngại  đã bị nhận diện và đưa đề nghị bỏ Cha Jerzy trong rừng, chỉ khủng bố mà không giết, nhưng tên đại úy lạnh lùng ra lệnh “Jerzy Popieluszko phải chết!”

Buổi tối hôm sau, thân mẫu Cha Jerzy thao  thức không sao ngủ  được. Bà mở Ti-vi và khi nghe thấy tên Popieluszko bà khuỵu xuống âm thầm cầu  nguyện. Thay vì  quàng khăn đen,  bà quàng chiếc khăn đỏ. Tự dưng bà cảm thấy con trai bà ”còn sống và đang bị tra khảo hành hạ đâu đó.”

Do sự vượt thoát của Waldemar, tin tức về vụ  Cha Jerzy bị bắt cóc đồn ra khắp nước rất  nhanh gây chấn động mạnh trong lòng mọi người. Hàng ngàn tín hữu đổ về giáo đường St.  Stanislaw để cầu nguyện cho vị Linh  Mục trẻ đầy tinh thần quả cảm  của họ. Một số lượng đông đảo nhân viên an ninh được huy động tới để bao vây nhà máy thép Varsovie, nơi các công  nhân đang vừa làm việc vừa cầu nguyện. Các giáo đường tại khắp nơi trên lãnh thổ Ba Lan cũng chật ních người. Họ canh thức 24/24  giờ để đòi trả tự do cho Cha Jerzy. Nhiều xí nghiệp cũng tổ chức những buổi cầu nguyện tương tự.

Sau 10 ngày chờ đợi, quần chúng khắp nước không còn giữ được kiên nhẫn nữa. Giới hữu quyền CS Ba Lan lo sợ một sự bùng vỡ vô phương cứu vãn có thể xẩy ra khi quan sát bầu khí sôi sục tại Thủ Đô. Tập thể công nhân nhà máy thép Varsovie chuẩn bị đình công với sự hưởng ứng  của nhiều xí nghiệp khác nếu “vị Giáo  Chủ công nhân” của họ không được trả tự do. Tại các đại học, nhiều sinh viên bị cảnh sát đánh  đập khủng bố vì họ  lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân. Trong khi ấy, nhiều đô tỉnh thị đã được các giới chức an ninh Nhà Nước đặt trong tình trạng khẩn trương.

Vào Chúa Nhật cuối cùng tháng 10 năm 1984, lối 50.000 người đã tràn về nhà thờ St.  Stanislaw tham dự “Thánh lễ cầu cho quê hương” được tổ chức ngoài trời lạnh lẽo. Rừng người yên lặng nghe cuốn  băng thâu bài thuyết giảng cuối cùng của Cha Jerzy tại Bydgoszez với đề tài “Đạo đức thắng gian tà.” Đứng trước phản ứng cuồng nhiệt được coi là lớn lao nhất kể từ khi Công Đoàn  Đoàn Kết khai sinh, Nhà Nước Cộng Sản Ba Lan thấy khó có thể tiếp tục ếm nhẹm nội vụ. Vì thế, qua ngày thứ 11, họ cho kéo xác Cha Jerzey từ một hồ nước trên sông Vistula cách thủ đô Varsovie 80 dặm về hướng tây bắc. Một chiếc túi đựng đá còn lủng lẳng dưới chân Cha.

Khám nghiệm  tử thi, người ta ghi nhận nạn nhân  đã  bị bạo hành hung hãn đến nỗi từ  đầu đến chân đều bầm dập những vết thương tàn bạo còn rỉ máu. Mặt Cha Jerzy bị méo xẹo, hai bàn tay bị đánh gẫy với những vết cắt cùng khắp. Cặp mắt và trán bị đập đến thâm tím. Quai hàm, miệng, mũi bị đánh bể nát. Cuộc khám nghiệm bên trong tử thi cho  thấy Cha Jerzy trước khi tắt thở đã bị hành hạ dã man gây nên nội thương khiến máu còn đọng lại trong phổi. Một trong những bác sĩ đã tường trình lại là trong suốt cuộc đời hành nghề y sĩ chưa bao giờ ông  chứng kiến một người bị quá nhiều nội thương như vậy!

Khi miệng Cha Jerzy được cậy ra, người ta thấy hàm răng Cha bị bể nát hoàn toàn. Ở vị trí cái lưỡi hùng biện của Cha chỉ còn là một mớ thịt bầy nhầy. Một nhóm  Linh Mục thân hữu  Cha Jerzy cố gắng nhận diện nhưng đành chịu. Cuối cùng, nhờ cái bớt cạnh ngực có từ thuở sơ sinh mà người anh Cha Jerzy mới nhận ra được em mình.

Ngôi Mộ Thánh Đầy Quyền Uy
“Điều tệ hại nhất đã đến.” Đấy là  lời tuyên bố của lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết  Lech Walesa về vụ thảm sát Cha Jerzy. Tại Giáo Đô La Mã, Đức Thánh Cha hết sức xúc động khi theo dõi những tin tức cuối cùng trong đêm. Bầu khí kinh hoàng đau đớn đã choán ngập đêm canh thức 30 tháng 10 tại giáo đường  St. Stanislaw khi tin dữ loan ra. Một Linh Mục bắt đầu  phát ngôn, nhưng tiếng nói của ông bị lạc vào những tiếng kêu gào, khóc than thảm thiết.

Lúc  đầu Nhà Nước đã cố tình khỏa lấp trách nhiệm bằng cách nói rằng vụ thảm sát Cha Jerzy là một âm mưu “được tính toán cẩn thận nhằm khích động phong trào chống chế độ” và được thực hiện bởi những thành phần trong Công Đoàn Đoàn Kết đang hoạt động bí mật. Nhưng khi vai trò của công an mật bị lôi ra công luận thì Jerzy Urban và các phát ngôn nhân khác của  Vac-Sô-Vi đã vặn tréo sự việc đi là: Vụ sát nhân là hành vi riêng rẽ của đơn vị công an chìm, và tự nó chống lại chế độ Cộng Sản. Để  lấp liếm, Nhà Nước đã bỏ tù một số viên chức an  ninh trung cấp, trong khi những thượng cấp của họ không hề hấn gì.

Sợ  hình ảnh Cha Jerzy trở thành một sức mạnh biểu tượng gây bất lợi cho chế độ, giới cầm quyền đã ép buộc song thân Cha Jerzy lo việc chôn cất Cha ở quê nhà. Trong khi ấy, các tín đồ đòi hỏi phải tổ chức một lễ an táng thật lớn ở giáo đường St. Stanislaw. Thoáng  chốc, hàng ngàn người đã chuyền tay ký một bản thỉnh nguyện gửi Hồng Y Glemp, nhưng vị Hồng Y vẫn không lay chuyển. Choàng tấm khăn đen tang chế, thân mẫu Cha Jerzy đích thân hướng dẫn một phái đoàn công nhân tới gặp thẳng vị Giáo Chủ. Tất cả đều quì gối và bà cụ viện dẫn lý do “Chủ Chiên phải ở gần đoàn chiên của mình.” Nhờ thế, thi hài Cha Jerzy đã  được yên nghỉ tại giáo đường St. Stanislaw.

Trong ngày tang lễ, 10.000 công nhân với nón sắt trên đầu đã tuần hành ngang qua  bản doanh của Công An mật, miệng hát vang “Không có tự do nếu không có Công Đoàn Đoàn Kết”. Nửa triệu người tràn ngập trên những con đường dẫn tới giáo đường. Đó đây là những biểu ngữ bị cấm đoán của các xí nghiệp, trường  ốc, công sở xuất hiện khắp các xó xỉnh trên toàn quốc Ba  Lan với những câu như “Môt cuộc bãi công  giữa lòng quốc gia,” “Họ không  thể giết được linh hồn.”….

Toàn quốc lại nhất tề đứng lên một lần nữa sau lần gục ngã của vị Linh Mục trẻ. Tiếng vỗ tay hoan hô vang lên như sấm động trước câu nói: “Vì tình yêu Thiên Chúa và Tự Do, một cậu bé khiêm tốn ở đồng quê đã trở thành một tân anh hùng của dân tộc.” Tiếp theo những tiếng hô chát chúa: “Liên  Đới! Liên Đới!” một  biển những bàn tay vươn lên với hình chữ V biểu tượng cho  lời chào chiến thắng khi lãnh tụ Công Đoàn Lech Walesa cao giọng tuyên bố: “Công Đoàn Đoàn Kết  sống, bởi vì chính Cha Jerzy đã cống hiến đời Cha cho Công Đoàn.”

Cha Jerzy hiểu rằng cái chết của Cha sẽ tạo nên một sức mạnh vạn năng. Cha từng nói với một người  bạn trước lúc bị bắt cóc: “Sống, tôi không thể hoàn tất được mục tiêu.” Thoắt chốc, giáo đường St. Stanislaw trở thành một ngôi mộ Thánh đầy quyền uy. Một dòng sông bất  tận những đoàn người hành hương trôi đi ngang qua mồ Cha Jerzy. Những tràng hoa chất đống  được dời đi để nhường chỗ cho những tràng hoa khác tiếp tục chất lên. Huy hiệu của hằng trăm trường học và các toán Hướng Đạo chen chúc bên cạnh những bảng hiệu của các xí nghiệp Ba Lan, kể cả những xí nghiệp nhỏ nhất. Hằng ngày người ta ghi nhận có hằng ngàn người, gồm cả đảng viên Cộng Sản, dùng xe buýt hoặc xe xí nghiệp, thay vì tới nơi chỉ định, đã tới viếng mộ Cha Jerzy.


Hàng trăm ngàn người dân đã dự đám tang của Linh mục này

Dân chúng sợ rằng chế độ sẽ tìm cách triệt hủy nhà mồ Cha Jerzy, một lực lượng canh gác tình nguyện gồm 1.000 người chia đội luân phiên tuần phòng suốt đêm ngày chung quanh sân giáo đường. Đồ trang cụ của họ chỉ có những huy hiệu tròn mang hình Cha Jerzy với câu “Đạo  đức thắng gian tà” gài trên  ngực áo. Các sinh viên và công nhân có mặt trong lực lượng tuần phòng tuyên bố: “Đây là một mẩu nhỏ của nước Ba Lan tự do. Chúng tôi quyết bảo vệ nó.”

Tinh Thần Bất Diệt
Kể  từ đêm Cha Jerzy bị thảm sát, làn sóng trở  lại đạo Công Giáo tràn ngập các giáo đường Ba Lan.  Những tín đồ lạc hướng cũng tìm về và nói rằng cái chết của vị Linh Mục trẻ đã có tác dụng làm sống dậy trong họ một niềm tin mới. Số người tham dự “Thánh lễ cầu cho quê hương” cử hành kế cận mộ Cha Jerzy đông đúc hơn trước. Từ mật  khu, một lãnh tụ Công Đoàn  viết: “Cha muốn truyền lại cho chúng tôi một phần niềm tin của Người.”

Phúc trình Giáo Hội cho thấy tấm gương của Cha Jerzy đã thúc đẩy thế hệ mới được  ơn gọi làm Linh Mục. Sự hy sinh của vị Linh Mục can trường cũng châm ngòi cho những hoạt động trong bóng tối của Công Đoàn Đoàn Kết, cũng như tạo nên một sức can đảm mới trong số những người hoạt động cho nhân quyền. Trong khi chế độ tìm cách bôi nhọ Cha Jerzy và kết án những kẻ theo Cha, thì quần chúng Ba Lan đã tôn xưng Cha như một vị Thánh. Họ coi Cha như vị Thánh bản mệnh của Công Đoàn Đoàn Kết, một Thánh  Tử Đạo vĩ đại  nhất của dân tộc Ba Lan kể từ sau Cha Maximilian Kolbe.