Home Đời Sống Tôn Giáo Tường trình chuyến đi Roma của ĐHY Phạm Minh Mẫn

Tường trình chuyến đi Roma của ĐHY Phạm Minh Mẫn PDF Print E-mail
Tác Giả: Gioan B. Phạm Minh Mẫn   
Chúa Nhật, 13 Tháng 6 Năm 2010 09:11

Tôi nghe thấy và học được gì từ những cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại Giao và Bộ Truyền Giáo của Vatican trong hai ngày 1 và 2 tháng 6.2010


 
                          Đức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn
1.  Mục đích gặp gỡ.   Trong tình hình một số ý kiến trên mạng hay qua truyền tai nhau, tạo nên dư luận gây ít nhiều hoang mang và bất ổn trong cộng đồng giáo hội và xã hội, như dư luận về sự tắc trách của Bộ Truyền Giáo, sự thoả hiệp của Bộ Ngoại Giao, sự cấu kết của một ít nhân vật trong Giáo Hội vì tư lợi, sự ngây ngô của Vatican...Một số giám mục đề nghị tôi đi tìm hiểu sự thật "thật" tận gốc rễ, vì tin rằng chỉ có sự thật "thật", chứ không phải dư luận hay sự thật "ảo", mới đem lại sự ổn định cho đời sống trong cộng đồng giáo hội cũng như xã hội.

2.  Gặp gỡ và trao đổi với Bộ Ngoại Giao .  Sau khi nghe tôi giải bày tình hình do dư luận tạo ra, Đức Tổng Giám mục Mamberti, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Vatican, nói về phần vụ của Bộ Ngoại Giao và đường hướng phục vụ lợi ích của Giáo Hội địa phương và toàn cầu trong sự tôn trọng ý kiến của người liên hệ.  Đức Ông Ballestrero, Thứ Trưởng, cho biết trong thực hành đường hướng đó, Bộ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của đương sự, luôn lưu tâm đến chức vụ cùng đời sống của đương sự trong tương quan với xã hội. 

3.  Gặp gỡ và trao đổi với Bộ Truyền Giáo.  Sau khi nghe tôi giải bày tình hình, Đức Hồng Y Ivan Dias,  Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, cho biết về phần vụ của Bộ và đường hướng phục vụ lợi ích của Giáo Hội, đồng thời Bộ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của người liên hệ.  Chính ngài thường xuyên đệ trình và trao đổi với Đức Thánh Cha về mọi diễn biến và tình hình liên hệ, để Đức Thánh Cha suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định.  Và trước khi quyết định, Đức Thánh Cha lắng nghe đương sự.  Chính vì tôn trọng tiếng nói lương tâm của Đức Cha Ngô Quang Kiệt mà Đức Thánh Cha mới chấp nhận đơn xin từ nhiệm Tổng Giám mục Hà Nội.
 
     (Theo lời của Bộ Ngoại Giao Vatican, khi thông báo quyết định của Đức Thánh Cha, Vatican có nói rõ lý do đó cho Chính Phủ Việt Nam) 

     Đồng thời, với kinh nghiệm 30 năm phục vụ ngành Ngoại Giao của Vatican trong nhiều nước như Việt Nam, Đức Hồng Y Dias có lưu ý đến nhiệm vụ của các giám mục trên đất nước Việt Nam hôm nay, nhiệm vụ loan Tin Mừng, dẫn dắt các tín hữu đi trong ánh sáng đức tin, xây dựng Giáo Hội hiệp thông và hiệp nhất trong tình bác ái huynh đệ.  Và ngài có lời khuyên người công giáo Việt Nam trên thế giới hãy chuyên cần cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương ban sự bình an. 

     Đức Hồng Y Glemp, Giáo chủ Ba Lan, người đã sống qua ba chế độ xã hội, cũng đã có lời khuyên tương tự khi đến Việt Nam thăm hỏi tôi trong năm vừa qua.  Lời khuyên này giúp tôi thêm xác tín rằng chỉ có Chúa Thánh Thần là nguồn lực đổi mới mọi sự trên mặt địa cầu, là nguồn lực gắn kết mọi người nên một trong Nhiệm thể Chúa Kitô cũng như trong trời mới đất mới mà người kitô hữu đang chung sức xây đắp cho xã hội loài người.

4.  Kinh nghiệm tôi học được từ những cuộc gặp gỡ cũng như nhớ lại từ Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội.

     (1)  Trước mọi vấn đề nảy sinh từ cuộc đời trần thế, nhiệm vụ chính của chủ chăn là lắng nghe và tìm hiểu, đồng hành và hướng dẫn dân Chúa đi trong đường lối của Chúa là Đấng làm chủ lịch sử, tiến bước trên Đường Giêsu là Đường Tình Yêu dẫn đến sự sống dồi dào của Chúa Phục Sinh.   Điều chủ chăn cần luôn ghi khắc trong lòng là phải nhờ ơn Chúa, cùng với ơn tin cậy mến là ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn hiệp nhất, thuyền trưởng mới có thể vững tay lái con thuyền Giáo Hội vượt qua mọi cơn sóng gió ba đào ở mọi thời và trong mọi chế độ xã hội nơi cõi trần.

    (2)  Trong mọi hoàn cảnh, lúc yên hàn hay lúc gian truân, hãy kiên vững tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình thương cứu độ của Chúa.  Vì lẽ Lời Chúa là ánh sáng chân lý trường tồn, mọi sự con người nghĩ ra, sẽ qua đi.  Trời cao hơn đất bao nhiêu, sự khôn ngoan của Thiên Chúa cao hơn sự khôn ngoan của loài người bấy nhiêu.

    (3)  Về định luật nhân cách làm người được cấu thành bởi ba yếu tố: một là di truyền, hai là môi trường (gia đình, học đường, cộng đồng xã hội, giáo hội), ba là ý thức và ý chí tự do của mỗi người.  Thể theo định luật này, khi  cộng đoàn tín hữu lâm tình trạng thiếu ít nhiều sự nhất trí và sự hợp nhất, khi một số tín hữu để thói đời lôi cuốn, để lòng đạo phai mờ dần, các mục tử đều có phần trách nhiệm.  Và trách nhiệm ở đây là giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho mọi tín hữu luôn chung sức lấy Lời Chúa làm nền, làm trụ cột để xây đắp, gia cố những ngôi nhà gia đình và cộng đoàn, giáo hội và xã hội, ngày càng thêm vững bền. 

  Ngày 9.6.2010