Home Đời Sống Tôn Giáo Sứ Mạng Lịch Sử Của Giáo Dân Thời Đại

Sứ Mạng Lịch Sử Của Giáo Dân Thời Đại PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Anh Tuấn   
Thứ Bảy, 19 Tháng 6 Năm 2010 16:55

Ngoài ra cộng đồng nhân loại còn có chung những vấn nạn vô cùng lớn lao đang đe dọa trực tiếp đến đời sống con người khắp nơi

 

Lời giới thiệu: Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp cử nhân chính trị học tại University of Hawaii at Hillo, cao học về ngành quản trị công quyền và bang giao quốc tế (MPA) tại University tại Oklahoma. Anh đang hoàn chỉnh luận án tiến sĩ mang đề tài "The Clash of the East and West Civilisation in the Viet Nam War." Hơn một năm qua anh dành nỗ lực vào công việc đọc Kinh Thánh, các tài liệu Công đồng Vaticanô II, Học thuyết Xã hội Công Giáo. Hiện giờ anh đang là một nhà bình luận sáng giá về chính trị và văn hóa trên đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại tại Washington. Trong bài viết khá dài này, anh đề nghị một lộ trình cho anh em giáo dân nắm lấy sứ mạng lịch sử của mình trong Giáo hội và giữa lòng dân tộc theo tầm nhìn của một nhà khoa học chính trị. Đây có thể là tiếng trống khởi đầu mời gọi tầng lớp giáo dân trên toàn thế giới cùng tiếp tay với anh khuơ lên những hồi trống rền vang, để xua đi bức màn tăm tối đã và đang che phủ Giáo Hội và đất nước chúng ta từng bao thập niên qua. (HQ)

TIẾNG VỌNG TỪ ĐÔ THỊ CỦA THIÊN CHÚA TRƯỚC SỰ SUY ĐỒI CỦA ĐẠO ĐỨC

Kể từ ngày 4-12-1963 khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố toàn bộ 16 tập tài liệu của Công đồng Vatican II cho đến hôm nay (15-4-2006) là đúng 43 năm. Tập tài liệu này gồm có 760 trang, và nó không chỉ liên quan đến sự sống còn của Giáo Hội Công Giáo mà còn liên quan đến tương lai số phận của các quốc gia nghèo khó thuộc khối thứ ba mà cả nhân loại nữa. Đây là một cuộc cách mạng toàn diện của Giáo Hội La Mã nhằm đóng góp vào việc xây dựng trật tự xã hội trần thế, và xây dựng hòa bình cho toàn thể nhân loại. Tập tài liệu này được mô tả như một họa đồ (road map), không chỉ dẫn đưa con người đi trên một tiến trình tiến về cứu cánh tối hậu của kiếp người là sự cứu rỗi vĩnh cửu (eternal salvation) mà đây còn là một kế hoạch, một đề án (blue print) để xây nên sự sống cho con người, xây dựng gia đình, xây dựng quốc gia, xã hội và còn xây dựng nên một cộng đồng gia đình nhân loại (human global family) trên tinh thần yêu thương, tôn trọng công lý và hòa bình cho một thế giới con người qua nhiều hận thù, xung đột và sa ngã hư hỏng - một thế giới mà nhân phẩm của con người luôn luôn bị chà đạp, tự do, quyền sống và quyền tư hữu của con người bị tước đoạt khắp nơi. Bên cạnh đó là những xung đột đầy tính cách bạo lực giữa người và người, quốc gia này và quốc gia khác, giữa tôn giáo này và tôn giáo khác và nhất là giữa nền văn minh này và nền văn minh khác.

Ngoài ra cộng đồng nhân loại còn có chung những vấn nạn vô cùng lớn lao đang đe dọa trực tiếp đến đời sống con người khắp nơi, đó là vấn nạn môi sinh, vấn nạn gia tăng vũ khí nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt, vấn nạn dân số gia tăng, vấn nạn khan hiếm thực phẩm, vấn nạn y tế, vì bệnh tật gia tăng, vì ô nhiễm và nhất là vấn nạn bất công xã hội dẫn đến sự tranh chấp khốc liệt giữa kẻ giầu và kẻ nghèo v.v.. Muốn giải quyết những vấn nạn chung đó, nhân loại phải tìm mọi cách để đoàn kết hợp nhất lại với nhau như một gia đình.

Trong chiều hướng đó, từ bao thập niên qua, Hội Thánh đã nỗ lực không ngừng để thực hiện từng bước tinh thần mà Công đồng Vatican đã đề ra. Trước khi đoàn kết và hợp tác với toàn thể nhân loại, Hội Thánh đã tìm mọi cách để đoàn kết nội bộ của cộng đồng Thiên Chúa giáo, bao gồm Giáo hội Công giáo, Chính thống giáo và khối Cơ Đốc giáo trên toàn thế giới, kể cả Do Thái giáo và Hồi giáo. Vì lẽ đó Đức Giáo Hoàng John Paul II đã có những hàng động vô cùng ngoạn mục thật phi thường chưa từng có trong tất cả các triều đại Giáo Hoàng trước đây. Đó là hành vi tự thống trách chính mình “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Đức Thánh Cha đã đại diện toàn thể Hội Thánh để kêu gọi tất cả hãy tha thứ cho những lỗi lầm trong qua khứ của Hội Thánh nhất là khối Chính Thống giáo, khối Cơ Đốc giáo và cả khối Do Thái giáo và Hồi giáo. Hành động can đảm phi thường này đã gây nên những cơn xúc động cực kỳ sâu xa cho toàn thể nhân loại và làm cho tất cả hướng về Hội Thánh La Mã với tất cả sự thán phục và đầy hy vọng cho tương lai của cộng đồng nhân loại, vì đức tin và lòng can đảm mãnh liệt của Hội Thánh.

Trong cuốn When a Pope asks for Fogiveness - The Mea Culpa’s of John Paul II, bản dịch của Jordan Aumann P., xuất bản liên tiếp từ 1998-2005 có viết về 94 lần viện dẫn (quotations) của Đức Giáo Hoàng John Paul II khi nói về những lỗi lầm trong quá khứ của Giáo Hội. Vì vậy Ngài đã kêu gọi tất cả cùng tha thứ cho nhau. Ngài nói: ”Tất cả những tội lỗi trên thế giới được gom tụ lại để cùng sám hối trước sự hy sinh của Chúa Kitô, ở đó bao gồm những tội lỗi đã phạm khiến cho Giáo Hội không hợp nhất được; những tội lỗi của những người Thiên Chúa Giáo với những tội lỗi của hàng giáo phẩm cũng chẳng kém gì những người thế tục. Ngay sau khi đã phạm nhiều tội lỗi dẫn đến những chia rẽ trong lịch sử, sự đoàn kết hợp nhất giữa khối Thiên Chúa Giáo vẫn có thể thực hiện được, đòi chúng ta phải khiêm tốn tự thấy rằng tội lỗi đã ngăn trở sự hiệp nhất và điều đó cho chúng ta thấy sự cần thiết đi đến sự thay đổi. Không chỉ với những tội lỗi riêng tư nơi mỗi con người phải được tha thứ mà cả những tội lỗi có tính cách chung trong xã hội, đó là tội lỗi do bản chất của cấu trúc cơ chế đã đưa đến và sẽ tiếp tục còn đưa đến sự chia rẽ Giáo Hội. Giáo hội Công Giáo phải dấn thân vào cái mà chúng ta gọi là “đối thoại để cùng nhau thay đổi,” từ đó sẽ đưa ra một nền móng căn bản cho cuộc đối thoại để tiến đến sự hợp nhất. Trong cuộc đối thoại này sẽ diễn ra trước mặt Thiên Chúa. Từ đó mỗi cá nhân phải nhận lấy những lỗi lầm của chính họ và thú nhận các tội lỗi và trao tất cả vào tay một Đấng đứng làm trung gian trước mặt Chúa Cha - đó là Chúa Giêsu Kitô .

TINH THẦN CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ CÁC VẤN NẠN CỦA DÂN TỘC VIỆT


Hiển nhiên Giáo Hội La Mã khi đưa ra tinh thần Công Đồng Vatican II, một phần nhằm vào các quốc gia nghèo khó và lạc hậu trong thế giới thứ ba, trong đó có Việt Nam với hy vọng rằng các quốc gia bất hạnh này sẽ tìm thấy một ánh sáng dẫn đường cho các quốc gia đó xây dựng lại quốc gia của họ trên tinh thần tự do dân chủ, độc lập và phát triển để xây dựng những xã hội cởi mở, đạo đức, công bằng và thịnh trị cho con người. Tuy nhiên muốn hoàn thành giấc mơ lý tưởng đó, việc duyệt xét lại lịch sử (historical revision) và tra vấn lương tâm (examination of conscience) của mỗi con người và lương tâm tập thể của một quốc gia là một việc làm cực kỳ khó khăn, nó đòi hỏi hội đủ ba khía cạnh thiết yếu của đạo đức. Đó là NHÂN TRÍ DŨNG theo tinh thần của Thánh Kinh cũng như tinh thần đạo lý của Đông Phương. Chắc chắn mọi sự chuyển đổi từ một trạng thái suy đồi, thoái hóa trong cuộc sống để tiến về những chân trời mới thì mọi thay đổi chuyển hóa phải bắt đầu từ lương tâm sâu thẳm của mỗi con người - bởi vì sức mạnh của lòng nhân ái, sức mạnh của trí tuệ và sức mạnh của lòng can đảm là võ khí quá cần thiết để chống đỡ cho một xã hội đang lao xuống vực thẳm của đói nghèo, lạc hậu, chuyên chế, thoái hóa và đồi trụy vô luân như xã hội Việt Nam dưới sự thống trị đầy lầm lạc tội lỗi của Cộng Sản.

Đứng trước hiện tình Đất Nước đen tối như thế, và dưới ánh sáng chỉ đường của Thiên Chúa và tinh thần Công Đồng Vatican II, đây là lúc những người Thiên Chúa Giáo và cũng là công dân của đất nước Việt Nam thể hiện trọn vẹn niềm tin tôn giáo với Thiên Chúa và với con người, và đây cũng là bổn phận và trách nhiệm trần thế và luật của Thiên Chúa và Hiến Chương mục vụ của Hội Thánh bắt buộc những người Thiên Chúa giáo phải thể hiện và chu toàn trong đời sống của họ. Tất cả những hành động tích cực của Hội Thánh khi duyệt xét lại lịch sử và tra vấn lại lương tâm của các vị chủ chiên và lương tâm của Hội Thánh hướng về sám hối những lầm lỗi trong quá khứ của Hội Thánh, rồi sau đó kêu gọi sự đoàn kết hợp nhất nội bộ của cộng đồng Thiên Chúa giáo và cùng đứng lên thắp sáng lại niềm tin tôn giáo bằng cách dấn thân tích cực để sắp xếp lại trật tự trần thế. Đây là tấm gương mà các vị chủ chiên đang mong muốn tất cả con cái của Thiên Chúa và của Hội Thánh nhìn vào để mà tự duyệt xét lại lịch sử nước nhà và tra vấn lại lương tâm của mỗi người.

Trong chiều hướng chỗi dậy và chuyển mình tích cực đó của Giáo Hội La Mã, Giáo Hội Việt Nam và toàn thể giáo dân Công giáo Việt Nam sẽ đối ứng và hành xử ra sao? Những vấn nạn của dân tộc Việt Nam bao gồm những gì? Muốn sắp xếp lại xã hội thì tôn giáo đóng vai trò gì? Ai sẽ đoàn kết hợp nhất dân tộc Việt Nam khi dân tộc này đang mấp mé bờ vực thẳm vì nạn phân hóa và hận thù ngùn ngụt giữa anh em tôn giáo này và tôn giáo khác? Làm thế nào để đem lại tự do dân chủ cho quê hương? Đạo đức xã hội có liên quan gì với tinh thần Phúc Âm hóa đời sống? Vai trò và chức năng của giáo sĩ và giáo dân khác nhau ở chỗ nào? Tại sao sự duyệt xét lại những lỗi lầm trong quá khứ và những hành động sám hối công khai nếu có của Giáo hội và khối giáo dân Công giáo VN sẽ quyết định lên tương lai của Việt Nam? Vai trò đem Đạo vào Đời hay tinh thần Phúc Âm hóa đời sống của những người giáo dân công giáo quan trọng ra sao cho nền cộng hòa dân chủ tương lai của Việt Nam?

Bên cạnh những hành vi duyệt xét cặn kẽ lại những lỗi lầm trong quá khứ, tra vấn lại lương tâm, Hội Thánh La Mã còn tìm cách để gạn đục khỏi trong ký ức đen tối của quá khứ lịch sử (the purification of the historical memory) để tìm lại ánh sáng chói lòa của tâm thức nơi mỗi con người. Không có những hành vi tự thanh tẩy và thánh hóa linh hồn hay còn gọi là THANH LỌC TÂM như Đức Phật đã dậy thì con người không thể trùng phùng hội ngộ được với Thiên Chúa. Tội lỗi trong suy tư, trong lời nói và trong các hành động đã giữ con người lại với bóng tối khổ đau và dẫn con người bước đi trên những con đường đầy lầm lạc.

Tự thánh hoá, đó là việc làm đầu tiên mà Thiên Chúa và Hội Thánh muốn mọi người phải làm để trở thành ánh sáng và muối trong cuộc đời- bởi vì luật của Thiên Chúa đã viết trong Thánh Kinh và viết trong tâm con người từ lúc con người chưa sinh ra. Tất cả những vấn nạn, tất cả mọi thảm kịch chồng chất trên dòng sống điêu linh của dân tộc đều xuất phát từ cái bóng tối âm u trong tâm con người. Vọng tâm, manh tâm, ác tâm và phàm tâm xô đẩy con người vào đủ mọi hình thái xung đột và hận thù ngùn ngụt trong xã hội con người, không chỉ đánh mất niềm tin vào chính mình, mà còn đánh mất niềm tin tôn giáo nữa. Khi tham-sân-si khống chế những suy tư, khống chế những lời nói và khống chế những hành động, thì NHÂN-TRÍ-DŨNG cũng bị vùi lấp luôn và từ đó làm cho con người trở nên bất nhân, yếu đuối và trí tuệ mất hết ánh sáng là loại võ khí phi thường giúp con người chiến thắng các ác lực của thế gián. Dân tộc Việt Nam đã bị bạo lực thế gian của kẻ vô thần khống chế quá lâu, vì con người yếu đuối và vì con người đã làm mất đi cái ánh sáng mầu nhiệm và những hạt muối linh thiêng trong lòng người. Vì thế thánh hóa và thanh tẩy là một đòi hỏi tất yếu mà cả Thiên Chúa, Hội Thánh và tất cả các bậc giáo chủ hay hiền triết Đông Tây thường khuyên nhủ con người. Không có ánh sáng đó dẫn đường, con người sẽ luôn luôn lang thang mất lối và yếu đuối bất lực - bất lực trước những vấn nạn, bất lực trước kẻ thù đang khống chế và vây hãm con người trong nghèo đói và lạc hậu trong đau khổ ê chề.

Đối với tầng lớp giáo dân nói riêng và những công dân VN nói chung, dù trong hay ngoài nước, tất cả đều đã nhìn thấy những vấn nạn vĩ đại đang đè nặng trên dòng sinh mệnh của dân tộc, trong đó hơn 80 triệu con người đã và đang sống, không chỉ trong nghèo đói và lạc hậu, mà còn bị khống chế vô cùng tàn bạo và phi lý bởi chính những con người VN đã đánh mất hết nhân tính. Chủ nghĩa man rợ của duy vật vô thần tìm mọi cách để tiêu diệt văn hóa và truyền thống đạo lý đã được tổ tiên xây đắp từ bao ngàn năm qua, để dẫn đưa con người vào con đường vô tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo.

Quan trọng nhất là tự do tôn giáo và tự do lương tâm cũng bị kìm hãm và đe đọa để rồi xô đầy cả một xã hội con người vào tình trạng li tán, chia lìa thảm khốc, để không ai còn tin ai được nữa. Bên cạnh những vấn nạn đó, còn có cả vấn nạn môi sinh ô nhiễm tất cả sông ngòi, rừng núi, đất đai và không khí. Đây là nguồn gốc của tất cả những chứng bệnh hiểm nghèo. Thêm vào đó là mức độ gia tăng dân số. Theo ước tính của các cơ quan quốc tế, chỉ cần 20-25 năm nữa, dân số VN sẽ có thể gia tăng từ 140-160 triệu người. Khi dân số gia tăng, tất cả các nhu cầu kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục và thực phẩm cũng phải gia tăng.

Thảm họa và hiểm họa sâu kín và độc địa qủy quái nhất là sự chia rẽ toàn bộ xã hội. Chủ trương và sách lược của chủ nghĩa ngoại lai vô thần như những con rắn độc đã thường xuyên phun ra những nọc độc trong đường lối cai trị quốc gia; nó làm cho tất cả các mối tương quan liên hệ giữa người, giữa các tôn giáo rơi vào hận thù, xung đột triền miên, khiến cho sinh lực dân tộc mỗi ngày một thêm rũ liệt, nhờ vậy đảng CS dễ bề khống chế và đè bẹp toàn khối dân tộc.

Trước những vấn nạn và những thảm họa quá sâu dầy này của đất nước, những con người thời đại phải có khả năng đoàn kết dân tộc lại thành một loại keo sơn kết nghĩa gắn bó (state of union). Muốn làm được chuyện đó, con người cần làm sống lại đức tin tôn giáo mãnh liệt, nương nhờ vào ánh sáng của Thiên Chúa và Công đồng Vaticanô II dẫn đường; đồng thời cũng phải duyệt xét lại lịch sử, tra vấn lại lương tâm và bước vào con đường thanh tẩy TÂM HỒN, để xóa bỏ những vết nhơ còn hằn trong ký ức não nề của lịch sử. Phải chăng quốc gia và xã hội VN đã chia lìa tan tác khởi đi từ sự li tán lương tâm này nơi mỗi con người? Đó là con đường mà tất cả kẻ thù độc địa của dân tộc này muốn mọi người đi vào để chúng dễ bề đè đầu bóp cổ cả một dân tộc. Dân tộc phải chịu trăm ngàn cái chết đắng cay chỉ vì lũ lượt đi vào cái bẫy "chia để trị" của kẻ thù mà không sao bước ra được hay sao? Tình trạng này tới nay phải được chấm dứt bằng mọi giá.

VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ TOÀN KHỐI GIÁO DÂN

Từ lâu Giáo hội và phần đông giáo dân Công giáo VN thường bị các thành phần khác của dân tộc cho rằng: "Họ sống như một ốc đảo riêng rẽ trong lòng dân tộc VN." Phải chăng đây là lỗi lầm của các vị chủ chiên đến từ các quốc gia khác khi họ cho rằng dân tộc Việt là giống dân lạc hậu cần bàn tay khai phóng của họ, nên đã dậy dỗ đàn chiên rằng đạo sĩ và văn hóa VN là sản phẩm của "ma quỉ?" Đàn chiên lúc ấy quá mộc mạc ngây thơ, tin chủ chiên hơn cả tin Chúa. Từ đó sự lầm lạc cứ lây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và còn di căn đến ngày nay, đồng thời cũng không cho phép ai được suy tư, phát biểu hay hành động khác với các vị chủ chiên. Đánh mất nền đạo lý và văn hóa tổ tiên là một mất mát quá lớn lao, bởi vì đàn chiên không còn nói chung một ngôn ngữ với anh em mình nữa. Phần nào họ đã bị liệt vào loại người sống ngoài vòng điêu linh của dân tộc như những kẻ xa lạ.

Trong lúc đó Kinh Thánh đã truyền vào VN từ năm 1551 và tinh thần của Công đồng Vaticanô đã có từ hơn bốn chục năm qua, nhưng cả hai luồng ánh sáng của đạo lý vừa rồi vẫn chưa được khai sáng đúng mức, do đó vẫn chỉ là những ngọn đèn leo loét trong tâm hồn con người và trong đêm tối mênh mông của giống nòi. Chính ra tất cả những luồng ánh sáng chói chang của niềm tin tôn giáo này phải bùng dậy mãnh liệt, không phải chỉ trong các kinh điển, nhưng phải cả trong lối sống và hành động của mọi Kitô hữu. Ánh sáng gặp gỡ ánh sáng và bóng tối không thể đến gần ánh sáng. Lời Chúa như hạt cải rơi xuống lòng người và nếu lòng người chỉ là những phiến đá trơ trơ hoặc những bụi gai khô cằn thì hạt giống không thể đơm hoa kết trái được. Đạo lý của Thiên Chúa là đạo lý xây dựng tình yêu thương nhân ái cho con người và tình yêu thương đó không bao giờ xuất hiện, nếu tâm con người chưa thanh tẩy và thánh hóa. Giống như bóng tối và ánh sáng, tình yêu thương nhân ái và tham-sân-si không thể gặp gỡ nhau được.

Luật của Thiên Chúa, sau Mười Điều Răn do Môsê đem từ núi Sinai xuống từ bao ngàn năm trong Cựu Ước, rút lại chỉ còn có hai điều chính yếu là "MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI." Thiên Chúa đã phán bảo dân Ngài rằng: "Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính yêu ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà Ta truyền cho anh em hôm nay, nhờ đó anh em được hạnh phúc?" .

Trong vị trí xã hội con người, Chúa Kitô cũng đã dặn dò các đệ tử của Ngài: "Hãy yêu thương anh em đồng loại của các con như chính mình vậy" . Bên cạnh lề luật của Thiên Chúa đã ghi trong Cựu Ước và Tân Ước, Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticanô gồm 93 điều và điều 43 có ghi như sau: "Người Kitô hữu nào ngoảnh mặt làm ngơ trước các nghĩa vụ trần thế hoặc làm ngơ trước những bổn phận với anh em với đồng loại và cả với Thiên Chúa của họ, họ sẽ gặp hiểm nguy nơi ơn cứu độ đời đời của họ."

Như vậy theo Chúa Kitô, "Yêu thương anh em đồng loại" trở thành Luật và Luật này thường ít được thi hành và thường bị vi phạm trên thực tế trong đời sống các Kitô hữu. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa thường nhắc nhở dân của Ngài rằng: "Các ngươi không được đối xử tàn tệ với một người khách lạ, bởi vì các ngươi đã từng là những người khách lạ trên đất Ai Cập" .

Như vậy "Mến Chúa và Yêu Người," tức hướng thượng và hướng tha - tuy hai mà một, tuy một mà hai. Qua tình thương anh em đồng loại với niềm tin tôn giáo, con người sẽ nhận ra mọi người đều thực sự đều là con cái của Thiên Chúa. Như vậy tính cách nhập thế tích cực vào dòng đời khổ đau của Thiên Chúa giáo đã xác nhận về thiên mạng (divine mission) thật cao quý và khó khăn mà cả Thiên Chúa và Giáo hội muốn trao truyền cho tầng lớp giáo dân trên toàn thế giới trước những vấn nạn quá lớn lao của xã hội con người, nhất là nơi các quốc gia nghèo nàn, lạc hậu và dốt nát.

PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG VÀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI ĐỂ PHỤC HỒI NIỀM TIN DÂN TỘC

Phúc âm hóa đời sống là một hành vi nhập thế tích cực của người Thiên Chúa giáo, nghĩa là đem đạo lý của Thiên Chúa vào đời sống văn hóa, chính trị, xã hội , kinh tế và giáo dục cho quốc gia. Vì thế Kinh Thánh sẽ là nền tảng căn bản để lập hiến, lập pháp và làm thành những chính sách quốc gia. Tuy nhiên, chính Giáo hội La mã cũng chưa giải quyết được, kể cả các quốc gia Âu châu là chiếc nôi chính của nền văn minh Kitô giáo cũng chưa làm được, nói gì đến các quốc gia nghèo khổ và lạc hậu tại các quốc gia đệ tam với dân số chiếm 2/3 dân số thế giới. Và đây là cũng là giấc mơ VƯƠNG ĐẠO của cả Đông phương từ bao ngàn năm qua, nhưng đã bị các chế độ quân thần chuyên chế cản bước nên cũng không làm sao thực hiện được.

Muốn thực hiện được giấc mơ cao đẹp, cả là một vấn đề khó khăn vô cùng, bởi vì nó đòi hỏi ba yếu tố: Lý tưởng (idealism) - Thực tế (realism) - Thực dụng (pragmatism), để xây dựng quốc gia trên tinh thần TỰ DO, DÂN CHỦ và CỘNG HÒA. Đó là kinh nghiệm lịch sử xây dựng quốc gia và phát triển xã hội và chỉ có một quốc gia duy nhất đã thực hiện được từ cuộc cách mạng 1776, đó là Hoa Kỳ.

Bài học cách mạng của Hoa Kỳ là một bài học quá cần thiết và vô cùng giá trị, không chỉ cho các quốc gia nghèo khó lạc hậu, và còn cần thiết cho toàn thể nhân loại muốn thực hiện một xã hội tự do, dân chủ và cộng hòa - bởi đạo đức xã hội (social virtue) và công bằng xã hội là nền tảng chính của đời sống tôn giáo, văn hóa, chính trị, xã hội và giáo dục quốc gia.

Muốn tạo một xã hội có đạo đức và công lý thì phải Phúc Âm hóa đời sống hay đem đạo đức vào đời sống như giấc mơ vương đạo của Đông phương. Hầu như tất cả các quốc gia đi sâu vào dân chủ đều sao chép lại bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhưng đàng sau hai bản văn lịch sử ấy là cái gì thì không mấy ai chú tâm cả. Đó là Đạo lý Chính trị (political morality) và Đạo đức Xã hội. Vì thế Hiến pháp Hoa Kỳ chính là Kinh Thánh của đời sống chính trị của người Hoa Kỳ (political Bible). Cuốn Kinh Thánh chính trị này là con đẻ của Cựu Ước và Tân Ước. Xã hội Hoa Kỳ, dù vẫn là một xã hội bất toàn, nhưng vẫn là xã hội đã thực hiện đựợc giấc mơ vương đạo mà cả Đông phương và Tây phương mơ ước (về miền Tây phương cực lạc!) từ bao ngàn năm qua mà không biết làm thế nào thực hiện được.

Ngày nay muốn đưa đưa tinh thần đạo lý của Phúc Âm vào đời sống, tức là thi hành luật của Thiên Chúa thì lo cho đời sống của anh em đồng loại là mục tiêu chính của đạo đức xã hội. Đạo đức xã hội là ưu tư lo cho hạnh phúc chung của nhiều người và hạnh phúc riêng của mỗi người. Do đó vai trò của những người giáo dân hay tín hữu các tôn giáo là xây dựng trật tự xã hội trần thế trên tinh thần Tự Do, Dân Chủ và Cộng Hòa. ĐÓ LÀ NHIỆM VỤ LỊCH SỬ của tất cả mọi công dân Việt Nam, đồng thời cũng là các tín hữu của các tôn giáo - bởi vì Tự Do phải có luật của đạo đức (moral law) mới có thể ổn định được nhân tâm và xã hội, để giúp cho con người thăng tiến và thăng hoa, nên không có tự do sẽ dẫn con người đến chỗ sa đọa, bừa bài và hư hỏng. Dân Chủ chỉ thành tựu tốt đẹp khi tinh thần tự chủ được phát huy và bảo vệ. Tinh thần Cộng Hòa là tinh thần cộng đồng, nghĩa là mỗi người vì mọi người. Hạnh phúc chung (common good) của tập thể luôn luôn được đề cao. Đó là tinh thần của ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI. Khi đạo đức xã hội được quy luật hóa và trở thành nền móng của luật pháp cộng đồng thì nhân tâm được ổn định và tiến bộ. Không có tinh thần cộng hòa không thể có trật tự trần thế.

Tuy nhiên, việc phát triển xã hội không thể hoàn toàn trông vào hàng tu sĩ và giáo phẩm, nhưng đó là chức năng chính của tầng lớp giáo dân. Và chức năng này chỉ có thể đạt được những hiệu năng (effective) và hiệu xuất (efficiency) tốt đẹp trong vai trò trần thế, khi những người giáo dân và tín đồ phải chú tâm vào việc phát triển sức mạnh tâm linh để đạt tới mức trưởng thành về mặt tinh thần (spiritual maturity), từ đó mới có đủ sức mạnh của đạo đức để biến chuyển ra chung quanh. Bên cạnh sức mạnh tinh thần - muốn giải quyết được tất cả những giá trị thực tiễn và thực dụng cho đời sống, quốc gia và xã hội, thì phải phát triển trí thức, nhất là những ngành thuộc lãnh vực khoa học xã hội như: văn hóa, triết học, nhân văn, tâm lý học, chính trị học, nhân chủng học, luật học, sử học, kinh tế học, khoa học tự nhiên, khoa học tổ chức và quản trị...

Trong chiều hướng phát triển như thế sẽ bảo đảm được giá trị đạo đức xã hội và bảo đảm được cả những giá trị thực tiễn và thực dụng của đời sống trần thế. Đạo đức, sức mạnh của trí thức và kiến thức là những động lực chính để xây dựng nên một xã hội công chính. Đó là mục tiêu chính của tiến trình Phúc Âm hóa đời sống, hay đem đạo vào đời để phục vụ nhân sinh. Những người đi xây dựng trật tự trần thế không đi giảng đạo hay truyền giáo. Đó là chức năng chính yếu của tầng lớp tu sĩ và giáo phẩm. Tuy nhiên, qua cung cách sống, qua cách tiếp vật xử thế, thái độ và nhân cách của tầng lớp giáo dân, mọi người sẽ nhìn thấy đó là những con người lý tưởng của thời đại đang đem ĐẠO vào ĐỜI. Đây còn gọi là tiến trình xã hội hoá tinh thần cao cả và siêu việt của tôn giáo, tức là đề cao và phát huy tình thần đạo đức và công lý trong trật tự trần thế. Đưa luật của Thiên Chúa, hay luật của Hội Thánh vào đời sống để phục vụ tha nhân và anh em đồng loại là tiến trình HÀNH ĐẠO (practical religion) của các tín đồ mà luật của Thiên Chúa bắt buộc tất cả Dân được chọn phải thể hiện với anh em đồng loại của mình, nếu họ muốn nhận được phần thưởng đời đời dành cho họ. Và Chúa Kitô đã dặn mọi người rằng: "Ai muốn đứng đầu các ngươi thì phải phục vụ các ngươi, giống như Thiên Chúa đến đây để phục vụ, chứ không phải để phục vụ."

Giống như vua Đavít của thời Cựu Ước đã được chọn để chăn dắt đoàn chiên Israel của Thiên Chúa, Đavít phải chu toàn các nhiệm vụ chính:


    1- Nuôi sống được đoàn chiên

    2- Phải hướng dẫn đoàn chiến

    3- Phải bảo vệ được đoàn chiên.



Như vậy việc xác địnnh lại chức năng giữa tu sĩ và giáo dân là điều cần thiết - bởi vì hàng tu sĩ và giáo sĩ sẽ xuất hiện trong sứ mạng của người truyền giáo nhằm giúp cho tầng lớp tín đồ về phần tín lý để họ phát huy tinh thần Phúc Âm và để củng cố nền tảng đạo đức cho xã hội. Đây là tinh thần phần chia chức năng và phân chia giá trị lao động (division of labor). Tầng lớp giáo dân và tín đồ sẽ được chuyên môn hóa (specialization) theo các ngành khoa học xã hội để đảm bảo cho một hệ thống giá trị trần thế, không thích hợp với chức năng siêu việt của hàng tu sĩ và giáo sĩ. Hàng giáo phẩm không thể một mình ôm lấy mọi chuyện thay tầng lớp giáo dân được. Xã hội con người là nơi còn nhiều sa ngã và tội lỗi nên các tu sĩ và giáo sĩ không nên vướng mắc vào bại trần làm chi. Đã đến lúc cái gì của Thiên Chúa phải trả về cho Thiên Chúa và cái gì của Cesar trả về cho Cesar. Sự bắt tay giữa thần quyền và thế quyền đã làm mất đi bao ý nghĩa cao đẹp của tôn giáo. Việc tách tôn giáo ra khỏi chính trị (separation of church and state) chỉ có nghĩa là bảo vệ tự do tôn giáo và giới tu hành không nên dính vào quyền lực chính trị (political power) của quốc gia. Đó là phần vụ của các tín đồ hay giáo dân, không phải phần vụ của những người truyền đạo. Bổn phận của tôn giáo là đảm bảo cho đạo đức quốc gia và công bằng xã hội được thi hành trong đời sống của con người mà thôi. Đó là điểm khác nhau giữa vai trò của giáo dân và vai trò của giáo sĩ.

HOÀ ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CUỘC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM

Trong cuốn sách mới nhất của Giáo hoàng Benedict XVI có đoạn: "Chúng ta không thể Phúc Âm hóa chỉ bằng những lời nói suông mà phải sáng tạo ra sự sống, sáng tạo nên đời sống của các cộng đồng tiến bộ." Trong thông điệp gửi cho toàn thể Giáo hội La Mã trong ngày đăng quang, tân Giáo hoàng Benedict cũng nhắc lại lời Đức Giêsu dặn Thánh Phêrô: "Hãy nuôi nấng đoàn chiên của Ta." Ngài nhận thấy: "Các tôn giáo đã nói một đàng lại làm một nẻo." Vị chủ chiên nhìn vào cộng đồng nhân loại và nhận ra vẫn còn quá nhiều thứ sa mạc trong đời sống tăm tối và nóng bỏng, trong đó có những sa mạc cùng khốn, sa mạc của đói và khát, sa mạc với những con người bị con người bỏ rơi để sống với những nỗi cô đơn vời vợi của kiếp người, và sa mạc mà tình thương giữa con người đã bị tàn phá. Đối với tân Giáo hoàng, Giáo hội như một tổng thể với tất cả hàng giáo phẩm, tất cả phải hành xử như Chúa Kitô, nghĩa là phải cứu con người thoát khỏi những sa mạc nóng bỏng và tăm tối đang đầy đọa con người.

May thay! May mắn ! Tiếng nói đầy hùng tâm, hùng lực và từ bi độ lượng của vị chủ chiên cất lên làm lóe ra những ánh sáng hy vọng và niềm tin cho đoàn chiên bất hạnh không người chăn dắt tại sa mạc Việt Nam, một sa mạc chỉ thấy hận thù và xung đột tơi bời, một sa mạc nóng bỏng nhất, tăm tối nhất và đau khổ nhất - bởi vì con người đã và đang hóa thân thành những đàn chó hung hung hãn và hóa thân thành bầy rắn độc để hành hạ và cấu xé tàn nhẫn nhau. Địa ngục trần gian là đây, một địa ngục do chính anh em tạo ra cho nhau. Giáo hội Việt Nam và tầng lớp giáo dân Việt Nam là một phần chi thể trong tổng thể của Hội Thánh toàn cầu. Tại sao chúng ta lại quay ngơ trước lời mời gọi khẩn thiết của vị chủ chiên ở La Mã? Tại sao chúng ta quên lời dặn dò của Chúa Kitô: "Hãy nuôi nấng đoàn chiên của Ta?" Tại sao chúng ta từ chối lặng lẽ trước bổn phận và trách nhiệm trần thế lớn lao với anh em ruột thịt của chúng ta? Đạo lý của Thiên Chúa là đạo lý nhập thế tích cực để đem ánh sáng Phúc Âm vào những nơi tối tăm trong cuộc sống con người, chứ không phải chỉ lo phần hồn đời sau của con người. Và tinh thần của Công đồng Vaticanô là ánh sáng soi đường cho Hội Thánh và toàn thể giáo dân dấn thân tích cực vào dòng đời khổ đau và tăm tối của trần thế. Đây là hành vi chỗi dậy mãnh mẽ của niềm tin tôn giáo. Từ đó Giáo hội đã duyệt xét lại lương tâm để bước vào sám hối, tự nhận trước cộng đồng nhân loại và đất nước: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng." Sau khi ĐGH John Paul II đã cùng Hội Thánh làm xong hành động lịch sử phi thường và lạ lùng đó, Giáo hội đã kêu gọi hàng giáo phẩm cùng bước vào giai đoạn thanh tẩy và thánh hóa để phục hồi lại sự thánh thiện, trong sáng vô tì vết của lương tâm Giáo hội. Nhờ đó Giáo hội sẽ tự cứu được chính mình và cứu luôn được sự chia rẽ não nề trong nội bộ của cộng đồng Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới và trên quê hương từ bao thế kỷ qua.

Đứng trước những bài học lịch sử đó, đứng trước những lề luật của Thiên Chúa và đứng trước Hiến chươg Mục vụ của Công đồng Vaticanô đã quy định vai trò của tất cả người Thiên Chúa giáo với nhiệm vụ và trách nhiệm trần thế, Giáo hội và tầng lớp giáo dân Công giáo VN cũng được Thiên Chúa và Hội Thánh trao cho nhiệm vụ lịch sử với anh em của chính mình: HÃY CỨU LẤY ĐOÀN CHIÊN VIỆT NAM THOÁT KHỎI SA MẠC NÓNG BỎNG VÀ TĂM TỐI TRONG TAY ĐÀN CHÓ SÕI HUNG HÃN VÀ ĐỘC ÁC - bởi vì chiên của Thiên Chúa không phải chỉ có trong các cộng đồng Thiên Chúa giáo, mà là tất cả nhân loại. Muốn cứu đoàn chiên Việt thì phải thống nhất được nhân tâm của dân tộc Việt, một dân tộc đang li tan về trăm hướng thật đau khổ.

Tuy nhiên đoàn kết, hiệp nhất dân tộc Việt là một công việc khó khăn vô cùng, bởi vì đây là một thứ oan khiên nghiệp chướng tích tụ từ những hậu quả lịch sử đầy lầm lạc và tội lỗi của bao nhiêu thời đại. Vì thế các vị chủ chiên của Việt Nam cần giúp cho đoàn chiên tự tra vấn lại lương tâm của mỗi người và đồng thời tra vấn luôn cả lương tâm của Giáo hội VN để cùng bước vào giai đoạn sám hối và can đảm tự đấm ngực: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng." Con đường sám hối cũng là con đường thanh lọc tâm hồn, thanh tẩy và thánh hoá nhân tâm của mình để trở thành những con người mới với niềm tin mãnh liệt của tôn giáo (religion conviction) và trở thành những con người thánh thiện và minh triết (enlightened or godly persons) sửa soạn hành trang đem Đạo vào Đời.

ĐÂY LÀ CUỘC CÁCH MẠNG TÂM THỨC CỦA DÂN TỘC VIỆT phát xuất từ ý thức khổ đau tột cùng của kiếp người lăn lội trong địa ngục trần gian. Đây là hành vi tự cứu tích cực nhất, mãnh liệt nhất, bi táng nhất, trầm hùng nhất, và cũng khó khăn nhất. Nhưng nếu không làm như thế thì tìm đâu ra ánh sáng để bước ra khỏi cái đêm tối dầy đặc của lịch sử dân tộc bão bùng hôm nay? Lời dậy của Chúa Giêsu trong Tám Mối Phúc Thật và lời dậy của các vị giáo chủ Đông phương có khác gì nhau đâu: "Phúc cho những ai có cái TÂM trong trắng, tinh bạch vô tỉ vết!" Biết bao lần Chúa Giêsu đã nói với con người rằng: "Nước Trời ở trong lòng anh em." Khi con người đã xua đuổi được tất cả tham-sân-si ra khỏi tâm mình thì con người gặp được Thiên Chúa và khi đó con người sẽ gặp lại con người trong yêu thương và đùm bọc. Đây cũng là con đường duy nhất để những con người VN gặp lại nhau và để cho toàn dân Việt quy về một mối, muốn thế, chúng ta phải cổ suý tinh thần đạo đức xã hội và công lý. Con đường Phúc Âm hóa hay đem Đạo vào Đời chỉ thành sự thật khi Phúc Âm và đạo lý trở thành sự sống đích thực của mỗi người. Mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người. Tinh thần Phúc Âm hóa không chỉ đem của cải giúp cho những kẻ nghèo khó, mà còn giúp cho họ tự lực, tự cường, tự chủ để phát triển và thăng hoa đời sống của chính họ. Phúc Âm là con đường, không phải chỉ truyền bá và giảng đạo bằng lời nói mà là con đường HÀNH ĐẠO của tầng lớp giáo dân đi thi hành LUẬT CỦA THIÊN CHÚA buộc họ phải thể hiện ra nơi anh em đồng loại khổ đau của họ.

Từ xưa Chúa Kitô thường nói: "Ta nói thật cho anh em biết, tất cả những gì anh em làm cho những anh em nhỏ bé nhất, chính là anh em làm cho Ta" (Mt 25:40). Nói tóm lại, sám hối và thanh tẩy là hành vi của những tâm hồn cao cả và can đảm, bởi đó là con đường duy nhất để con người trở thành ánh sáng của niềm tin, trở thành thánh thiện và nhân từ đúng theo tinh thần Phúc Âm đã giảng dậy và uốn nắn cho con cái Thiên Chúa. Đây là những điều khó khăn vô cùng trên tiến trình Phúc Âm hóa đời sống. Muốn đạt được giấc mơ Phúc Âm hóa, thì con người phải phát triển được đời sống tâm linh. Nếu trình độ tâm linh chưa chín chắn trưởng thành thì khó mà có được đức tin mãnh liệt để xông vào cuộc đời quá tăm tối như hiện nay đang đòi hỏi đạo đức và công lý.

Như vậy tầng lớp giáo dân Công giáo VN chỉ còn biết trông cậy vào các vị chủ chiên và trông vào các tâm hồn cao cả và tài ba đức độ trong cộng đồng dân tộc đưa đường chỉ lối cho đoàn chiên tiến về ánh sáng, không chỉ có ánh sáng Phúc Âm, nhưng còn có cả ánh sáng trong tâm tư con người giáo dân thời đại. Nếu cả cộng đồng Thiên Chúa Giáo VN sáng suốt và can đảm, thì con đường sám hối và thanh tẩy chắc chắn sẽ sinh ra những người mới thánh thiện, can đảm, minh triết, hiểu biết và nhân từ nhằm giúp cho toàn dân Việt đoàn kết hợp nhất thành một mối keo sơn trong yêu thương và đùm bọc. Giáo hội và hàng giáo phẩm sẽ giúp cho mọi tầng lớp dân tộc nhìn thấy ánh sáng Phúc Âm là những hành vi nhập thế tích cực và mạnh mẽ để tranh đấu chấm dứt sự khổ đau cho dân tộc đem đạo vào đời - bởi vì đàn chim Việt đã từ lâu rơi vào tay những kẻ cầm quyền như bầy sói dữ. Họ đã không nuôi đàn chiên mà còn bóc lột đoàn chiên đến tận xương tủy. Họ cũng chẳng hướng dẫn được đoàn chiên, mà chỉ dẫn đàn chiên đi sâu vào xung đột và hận thù. Và thay vì bảo vệ đoàn chiên, những kẻ cầm quyền đã cắn xé đoàn chiên tơi tả.

KẾT LUẬN

Sau chót, đàn chim Việt không còn biết trông cậy vào đâu cả, chỉ còn biết trông cậy vào các vị chủ chiên trong tất cả các tôn giáo và tất cả các tín đồ trong các tôn giáo. Đó là hy vọng duy nhất còn rơi rớt lại trong đêm tăm tối của lịch sử. Thiên Chúa và Hội Thánh đang âm thầm trao nhiệm vụ lịch sử lớn lao cho Giáo Hội và giáo dân Công giáo VN thống nhất nhân tâm của đàn chim Việt, để cứu bao triệu người đang quằn quại trong sa mạc tối tăm và hãi hùng đó. Nhiệm vụ muôn đời của các tôn giáo là cứu vớt con người ra khỏi bể trầm luân, là vẽ ra một lộ trình và viết lên một đề án xây dựng xã hội trần thế cho con người, để từ đó con người vừa giải quyết được đời sống trong xã hội, vừa sửa soạn tiến đến sự giải thoát tối hậu của kiếp người. Mẫu mực tốt nhất hiện nay để xây đắp nên xã hội trần thế thanh bình, thịnh trị, và hạnh phúc cho con người, đó là chế độ TỰ DO, DÂN CHỦ VÀ CỘNG HÒA. Tự do có một ý nghĩa vô cùng cao đẹp và thiêng liêng... Tự do chỉ thực sự có khi con người tuân theo kỷ luật của đạo đức và luật tối cao của quốc gia là luật hiếp pháp, nếu không, tự do sẽ trở thành hỗn loạn, phóng túng và sa đọa bừa bãi. Dân chủ phải có ý thức tự chủ, tự lực, tự cường. Và cộng hòa là sự hòa đồng hợp nhất nhân tâm và ý chí của toàn thể cộng đồng. Muốn có cộng hòa thì phải xây dựng, phát huy, củng cố đạo đức xã hội và công lý xã hội để vừa bảo đảm được sự tiến bộ về vật chất, vừa làm thăng hoa được đời sống tinh thẩn của con người. Và sau chót là sự giải phóng toàn triệt để con người đi về với đời sống vĩnh cửu sau khi đã đi hết đoạn đường thương khó tại trần gian.

Đúng như ĐGH Benedict XVI vừa dặn dò: "Tất cả phải hành xử như Chúa Kitô, nghĩa là phải cứu con người thoát khỏi những sa mạc nóng bỏng và tăm tối đang đọa đầy con người." Luật của Thiên Chúa và Hiến Chương Mục vụ đã buộc tất cả mọi Kitô hữu phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm trần thế, bổn phận và trách nhiệm trực tiếp với anh em đồng loại. Vì vậy bài viết này cũng là tiếng nói của lương tâm Công giáo cất lên từ sa mạc buồn bã, tối tăm và khổ đau của quê hương VN, đúng theo tinh thần Phúc Âm và tinh thần đem Đạo vào Đời của Đông phương để réo gọi anh em hãy cùng nhau lên đường hầu mong hoàn thành giấc mơ Vương Đạo cho quê hương. Phải chăng đó không phải là vai trò lịch sử của người giáo dân và công dân thời đại sao