Đại diên không thường trú tòa thánh tại Việt Nam - Phần 2 |
Tác Giả: Hà Minh Thảo | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 7 Năm 2010 17:12 | |||
(tiếp theo phần 1) Cũng trong ngày 29.06.2010, trong bài có tựa đề ‘Vatican bổ nhiệm đại diện tại Việt Nam’, nữ phóng viên Khoa Diễm, đài phát thanh Á châu Tự do (RFA, Radio Free Asia), Hoa kỳ, đã có những dòng tóm thuật khóa họp lần thứ hai của Nhóm làm việc Hỗn hợp Việt Nam-Vatican mà kết quả là: Đức giáo hoàng sẽ cử một đại diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam. Xin mời đọc bài này tại: BẤM VÀO ĐÂY Để mở đầu phỏng vấn, chị Khoa Diễm gợi ý: « chức vị mới này không phải là một vị Sứ thần hay là vị Khâm sứ thường trực tại Việt Nam và đây là mối nghi ngại của một linh mục không muốn nêu tên tại Việt Nam. » và Linh mục này đáp (xin tóm): « … nghi ngờ vì không chính thức, không rõ vấn đề… chỉ là chuyện chính trị ngoại giao vậy thôi. Tòa thánh có liên lạc ngoại giao với nhà nước Việt Nam thì tốt nhưng không biết như thế nào. Người ta bình luận cũng có cái là sự thật, nhưng sự thật làm đau đớn người ta, người công giáo, người nghèo. Đạo hạnh giữ đức tin cho nó vững vàng mà nhiều khi chỉ nhắm vào chính trị hay ngoại giao thì người nghèo sẽ đau khổ dữ lắm. Chúng tôi xin phép được nói lên cảm tình của mình khi nhận được tin ‘bổ nhiệm đại diện tại Việt Nam’ là vui mừng và hy vọng. Chúng ta nên biết thế này: Tòa Thánh được điều khiển bởi Đức Thánh Cha vừa là Người Lãnh đạo Giáo hội Công giáo vừa là Quốc trưởng Quốc gia Tòa Thánh. Do đó, theo Giáo luật Điều 363, ‘Các Phái Viên Của Đức Thánh Cha’ [Phái Viên được dịch từ la-tin legatus, có nghĩa là ‘người được gởi đi’ (envoyé, tiếng Pháp)] cũng có những nhiệm vụ về Đạo (cạnh Hội đồng Giám mục các nước, lãnh đạo Giáo hội địa phương, theo Giáo luật Điều 364) và về ngoại giao (cạnh Chính phủ của quốc gia, theo Giáo luật Điều 365). Chúng tôi xác tín ‘người nghèo sẽ đau khổ dữ lắm’ không xảy ra đâu mà trái lại. Chúng tôi đã tận mắt thấy Đức Cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam, từ năm 1964 đến 1969, trong biến cố đau thương Tết Mậu thân 1968, đã lê gót khắp nơi để thăm viếng, uỷ lạo các nạn nhân, kể cả các chiến binh miền Bắc trong các trại giam. Khi có dự án y tế, xã hội trợ giúp người nghèo, các đoàn thể sinh viên Công giáo có thể xin gặp Đức Khâm sứ bằng xin hẹn qua Linh mục Vinh sơn Trần ngọc Thụ, Thư ký Đức Khâm sứ (sau này, đã trở thành Đức ông, Thư ký Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II). Hơn thế nữa, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viết Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (Deus Caritas est, ban hành ngày 25.01.2006) mà các Phái Viên của Ngài không biết hay không thực hành sao ? Nếu những năm 1959 và 1960, Đức Khâm sứ Mario Brini không vì Giáo hội Việt-Nam mà xúc tiến công việc thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ ngày 24.11.1960. Ngày nay, Công Giáo Việt-Nam chưa tới lúc để cử hành Năm Thánh hoành tráng năm nay đâu ? Tiếp theo, chị Khoa Diễm lại gợi ý: « Nhiều giáo dân tại Việt Nam tin rằng đây là một tin vui, nhưng nhìn chung họ nhận thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan cần phải làm rõ. » và chị mời Ông Nguyễn hữu Vinh, một giáo dân tại Hà Nội cho ý kiến. Ông này cho biết (xin tóm): « Bước tiến về ngoại giao của hai bên là một tin vui. Đức giáo hoàng sẽ bổ nhiệm ra sao, vì qua nhiều sự kiện thì có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Quan hệ tốt đẹp thì cũng vui thôi… Dù ai là Đại diện hay Khâm sứ, vấn đề chính là Vatican cần hiểu rõ được nội tình và tình hình thực tế của Giáo hội Việt Nam hiện nay để phản ảnh đúng thực chất thì mới có tác dụng tốt cho Giáo hội và Đất nước. Tuy chưa đủ như ngày xưa, Vatican và Việt Nam đã có mối quan hệ rất khắng khít với một Sứ thần Tòa Thánh ở Việt Nam. Nhưng so với gần đây, sau khi chế độ Việt Nam Cộng sản nắm quyền cho đến bây giờ thì tôi nghĩ có một vị đại diện sẽ tốt hơn là không có gì. » Chúng tôi xin chia sẻ phần lớn nhận định này. Đúng ra, Đức Thánh Cha chưa bao giờ cử đến Việt-Nam một Phái Viên ở cấp Sứ thần Tòa Thánh (xin xem phần dưới đây). Nữ phóng viên RFA đặt vấn đề: « nếu vị Khâm sứ hay Sứ thần không phải là người Việt thì liệu người này có thể am hiểu tường tận những gì đang diễn ra tại Việt Nam hay không? ». Ông Vinh đáp: « bất kỳ là người Việt Nam, gốc Việt hay người nước ngoài nhưng phải làm tốt vai trò đại diện, có nghĩa là phải nắm bắt được thực chất của tình hình. » Về vấn đề này, đó là quyền độc lập của Đức Thánh Cha (Điều 362 Giáo luật), nhưng chúng ta cần lưu ý hai điều: - Dù đã nhập tịch nước ngoài, một người gốc Việt khi trở về Quê hương vẫn là người có quốc tịch Việt-Nam vì nhà nước Việt-Nam buộc họ phải có sự chấp thuận của Chủ tịch nhà nước, mới bỏ được Việt tịch. - Là người gốc Việt hay người Việt thì Vị nầy rất có thể có đại gia đình tại Việt-Nam và người cộng sản sẽ đến để ‘săn sóc tận tình’ các thân nhân của Vị này như có nhiều khả năng đã xảy ra (Tổ chức Transparency International xếp Việt-Nam vào hạng 120 trên 180 quốc gia ít tham nhủng nhất thế giới năm 2009). 4. Tính cách đặc biệt của nhiệm vụ Phái Viên. Điều 366: Xét về tính cách đặc biệt của nhiệm vụ Phái Viên: 1. trụ sở của Phái Viên Tòa Thánh được miễn trừ khỏi quyền quản trị của Bản Quyền sở tại, ngoại trừ việc cử hành Hôn Phối; 2. sau khi thông báo cho các Bản Quyền sở tại mỗi khi có thể được, Phái Viên Tòa Thánh có quyền cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, kể cả nghi lễ giáo chủ, trong tất cả các thánh đường thuộc lãnh thổ được đặc phái. Qui định này cho chúng ta thấy hai điểm quan trọng: - Khoản 1. trụ sở của Phái Viên Tòa Thánh được coi như là lãnh địa của Tòa Thánh mà Đức Thánh Cha là Đức Giám mục Rôma. Về mặt ngoại giao cũng vậy, vị Phái Viên Tòa Thánh là thành viên của Ngoại giao đoàn và trụ sở của Phái Viên Tòa Thánh được kể là phần đất của Tòa Thánh. - Khoản 2. Trái lại và hợp lý, khi vị Phái Viên Tòa Thánh rời trụ sở sẽ đi vào lãnh địa của Bản Quyền sở tại (Giám mục Giáo phận) nên cần thông báo cho Vị này. 5. Chấm dứt nhiệm vụ. Điều 367: Nhiệm vụ Phái Viên Tòa Thánh không chấm dứt khi Tông Tòa trống tòa, ngoại trừ khi nào Ủy Nhiệm Thư đã ấn định cách khác. Nhiệm vụ chấm dứt khi mãn hạn ủy nhiệm, hoặc do sự triệu hồi được cáo tri cho đương sự, hoặc do sự từ chức đã được Đức Thánh Cha chấp nhận. II. PHÁI VIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI VIỆT NAM. A. Danh sách các Phái viên tại Việt-Nam. 1.- Năm 1922, Đức Thánh Cha Piô XI cử Đức cha Henry Lécroart sj, Dòng Tên, Giám mục hiệu tòa Anchialus, Đại diện Tòa Thánh Địa phận (tức Giáo phận ngày nay) Tcheli (Trung quốc) kiêm nhiệm giữ chức vụ Thanh Tra Tòa Thánh (Visiteur Apostolique, tiếng Pháp và Apostolic Visitor, tiếng Anh), đi quan sát tình hình các Địa phận ở Đông Dương, đặc biệt về cách tổ chức các chủng viện và chương trình học vấn. Từ ngày 04 đến 09.02.1923, tại Phát diệm, Đức cha Henry Lécroart, chủ tọa phiên họp với 11 Đức cha và cuộc họp tại Sài gòn với 7 Đức cha ngày 20.06.1923 các Đại diện Tòa Thánh (Vicaire Apostolique, tiếng Pháp, danh xưng Giám mục trước ngày 24.11.1960) Đông Dương đề nghị Bộ Truyền giáo đổi tên những Giáo phận để mang tên các thành phố có Tòa Giám mục. Năm 1922, Thượng thư Bộ Lại Nguyễn hữu Bài, thành viên trong phái đoàn Vua Khải Định sang Pháp, đã sang Rôma yết kiến Giáo Hoàng Piô XI để thỉnh cầu Người bổ nhiệm Khâm sứ tại Việt-Nam và phong chức Giám mục cho các Linh mục bản xứ. 2.- Ngày 25.05.1925, Đức Thánh Cha Piô XI đã cho lập Tòa Khâm sứ Đông Dương và cử Đức cha Constantin Ayuti, Tổng Giám mục hiệu tòa Phasis, làm Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Đông Dương (Việt-Nam, Laos, và Cambodge) để liên lạc giữa Rôma và các Giáo phận truyền giáo tại Việt-Nam, Cam bốt và Ai lao, đặt Tòa Khâm sứ tại Huế. Đức Khâm sứ Tòa Thánh đã xúc tiến cụ thể và tích cực việc hình thành hàng giáo phẩm bản xứ và chọn linh mục Việt-Nam đầu tiên Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được tấn phong Đức cha tại Rôma ngày 11.06.1933 bởi Đức Piô XI và được bổ nhiệm Phó Đại diện Tòa Thánh với quyền kế vị Địa phận Phát diệm. Đức cha qua đời năm 1928 ở tuổi 25. 3.- Để tiếp nối, Đức cha Victor Colombanus Dreyer, O.F.M., Dòng Phanxicô, Tổng Giám mục hiệu tòa Adulis, đảm nhận Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương từ ngày 24.11.1928 và hưu ngày 19.11.1936. Trong thời gian này, các linh mục Việt-Nam được tấn phong Đức cha dần thay thế các Vị ngoại quốc, như Đức cha Đa minh Hồ Ngọc Cẩn năm 1935 được cử Đại diện Tòa Thánh Địa phận Bùi Chu. Ngày 18.11.1934, Đức Khâm Sứ triệu tập Công nghị lần đầu tiên tại Hà nội với sự tham dự của các Đại diện Tòa Thánh Đông Dương. Công nghị soạn thảo và đúc kết xây dựng Quy chế Công nghị Đông Dương để giúp phát triển mọi sinh hoạt của Giáo hội tại đây, đặc biệt trong việc đào tạo Giáo sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế và thiết lập mọi tổ chức theo như Giáo luật. 4.- Đức cha Antonin-Fernand Drapier, o.p., Dòng Đa minh, Tổng Giám mục hiệu tòa Neocaesarea in Ponto, tiếp tục nhiệm vụ ngày 19.11.1928 đến ngày 18.10.1950, nghỉ hưu. Đức Khâm sứ đã đề nghị Đức Thánh Cha cho phép chủ tế phong Đức cha cho nhiều Linh mục Việt-Nam [Phêrô Martinô Ngô đình Thục (Vĩnh Long) ngày 04.05.1938, Gioan Phan đình Phùng (phó Phát diệm) ngày 13.10.1940, Alselmô Lê hữu Từ,O.C., Dòng Xitô (Bùi chu) ngày 29.10.1945, Phêrô Phạm ngọc Chi (Bùi chu) ngày 15.08.1950] và các Linh mục ngoại quốc. Linh mục Micae Nguyễn khắc Ngữ đã là Thư ký Tòa Khâm sứ tại Huế trước khi được bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Long xuyên này 22.01.1961. 5. Ngày 18.10.1951, Đức Cha John Dooley S.S.C.M.E., Tổng Giám mục hiệu tòa Macra, nhận trách nhiệm Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương và dời Tòa Khâm sứ từ Huế ra Hà nội vì, lúc đó, Huế không còn là Thủ đô của Việt-Nam nữa (mà là Đế đô), Khâm sứ Dooley đã quyết định dời trụ sở Toà Khâm sứ ra Hà Nội. Đức Khâm sứ đến Hà nội tháng 12.1951, không tìm được nơi thuận tiên cho Phái đoàn Khâm sứ cư trú, nên Đức cha Giuse Trịnh như Khuê, Đại diện Tòa Thánh Hà nội, cho mượn khu nhà có đầy đủ tiện nghi cạnh Nhà Chung Địa phận Hà nội.. Tháng 06.1959, Đức Khâm sứ bệnh nguy kịch phải đưa đi chửa ở Bịnh viện Pháp tại Phnom Penh (Cambodge). Ba tuần sau, ngày 17.08.1959, Linh mục Terence O’Driscoll, thư ký Toà Khâm sứ bị trục xuất. Linh mục đến Phnom Penh để cùng Đức Khâm sứ về Rôma cuối tháng 08.1959. Từ năm 1959, chính quyền thành phố Hà nội lấy Toà Khâm sứ bị dùng vào các việc khác nhau. Đức Khâm sứ J. Dooley chấm dứt nhiệm vụ ngày 15.09.1959. Nhận Sứ nhiệm Giáo Hoàng ngày 02.03.1939, Đức Thánh Cha Piô XII tiếp nối truyền phong Đức cha cho các Linh mục Việt-Nam và việc tuyển chọn do Đức Khâm sứ cẩn thận phụ trách. 6.- Sau Hiệp định Genève, vì Đức Khâm sứ J. Dooley không liên lạc được với các quốc gia thuộc quyền khác, nên, ngày 15.02.1956, Đức Thánh Cha Piô XII cử Đức cha Giuseppe Caprio làm Thanh Tra Tòa Thánh tại Sài gòn (ngụ tại Dưỡng đường Saint Paul) để thi hành Sứ nhiệm tại Việt-Nam Cộng hòa, Laos, và Cambodge. Ngày 13.03.1957, vị Thanh Tra Tông tòa ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Đức cha được tấn phong Hồng Y năm 1979 và từ trần tại Roma ngày 15.10.2005, ở tuổi 90. 7.- Năm 1959, khi Đức Khâm sứ John Dooley mãn nhiệm, Đức Thánh Cha Gioan XXIII liền thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn tại số 176, đường Hai Bà Trưng, Quận Nhất, với Đức tân Khâm sứ Mario Brini. Đức cha chỉ được thăng Tổng Giám mục hiệu tòa Alziza ngày 14.10.1961. Đức Khâm sứ Mario Brini đã góp công lớn trong việc thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ ngày 24.11.1960. Ngày 14.10.1961, Đức cha rời Việt-Nam đến Ai cập để nhận chức Sứ thần Tòa Thánh. Đức cha được Thiên Chúa gọi về ngày 09.12.1995, với danh nghĩa Tổng Trưởng Danh dự Thánh Bộ Các Giáo Hội Phương Đông. 8.- Đức Cha Salvatore Asta, Tổng Giám mục hiệu tòa Aureliopolis in Lydia, được Đức Thánh Cha Gioan XXIII bổ nhiệm vào chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, ngày 13.10.1962. Đức Cha đã rời Việt-Nam năm 1964 để nhận nhiệm vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Iran. Giáo hội miền Nam tự do, với tín hữu Công giáo từ miền Bắc vào, phát triển nhanh chóng, nên công tác dạy Giáo lý tân tòng rất được chú trọng. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành, các Dòng Tu nam nữ phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu mục vụ. Các Viện Đại học Công giáo được thành lập: Đà lạt, Minh Đức và Giáo hoàng Học viện Piô X (một Chủng viện chuyên dạy về Triết học và Thần Học, thuộc quyền quản trị đặc biệt của Tòa Thánh). 9.- Ngày 17.06.1964, chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương được đổi thành Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam và Đức Cha Angelo Palmas, Tổng Giám mục hiệu tòa Vibiana, được giao nhiệm vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài gòn. Hình ảnh Đức Cha được ghi nhận là một Giáo sĩ niềm nở với mọi người Việt, lương cũng như giáo. Đức Khâm sứ đã chủ tọa Thánh Lễ phong Đức cha cho các Linh mục Giacobê Nguyễn ngọc Quang, Giuse Lê văn Ấn, Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Phêrô Nguyễn huy Mai, Giacobê Nguyễn văn Mầu. Đức Cha đã rời Việt-Nam ngày 19.04.1969, với những lời cám ơn nồng nhiệt của Chánh phủ và người dân Việt, để đi nhận chức Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia. Đức Cha từ trần ngày 09.06.2003 tại Canada. 10. Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam cuối cùng, cho đến hiện nay, là Đức Cha Henri Lemaitre được Đức Thánh Cha Phaolô VI cử vào chức vụ Tổng Giám mục hiệu tòa Tongres kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam và Cambodge, thường trú tại Sài gòn. Đức Cha đã đồng hành trong sự khó khăn như bao người dân miền Nam, sau ngày 30.04.1975. Ngày 14.05.1975, một nhóm linh mục và giáo dân ‘yêu nước’ có những hành động và đòi Đức cha từ chức vì có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Đức cha Phanxixô Xaviê Nguyễn văn Thuận vào nhiệm vụ Tổng Giám mục phó Sài-gòn. Tối 03.06.1975, họ trở lại lần nữa và ở lỳ qua đêm. Can đảm và tin cậy vào Thiên Chúa, Đức Khâm sứ đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ Phái Viên của Đức Giáo Hoàng bên cạnh Hội đồng Giám Mục Việt-Nam và Chính phủ Việt-Nam, trước khi chánh quyền cộng sản yêu cầu Đức Cha rời khỏi Việt-Nam ngày 05.06.1975, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Ngày 19.12.1975, Đức cha nhận chức Sứ thần Tòa Thánh tại Uganda và qua đời tại Hòa lan ngày 20.04.2003. 11. Đức ông Francesco De Nittis được cử tới Việt-Nam để xử lý thường vụ Khâm sứ khi các Đức Cha Salvatore Asta và Angelo Palmas rời Việt-Nam để tham dự Công đồng chung Vatican II trong những năm 1962, 1963 và 1964. Đức ông đã chủ toạ Lễ Khánh thành Giáo hoàng Học viện Piô X ngày 23.04.1964. B. Danh sách các Phái viên Việt-Nam. Hiện tại, một Đức cha Phêrô Nguyễn văn Tốt, người Việt-Nam, đang là Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica, sau khi đã là Sứ thần Tòa Thánh tại Benin, Togo, Trung phi và Chad từ năm 2002.
|