Home Đời Sống Tôn Giáo Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa

Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa PDF Print E-mail
Tác Giả: Timothy Radcliffe OP   
Thứ Hai, 05 Tháng 7 Năm 2010 22:45

Cái nhìn về lòng trung tín của Thiên Chúa như trên có thể có vẻ là ảm đạm. Khi ta tuyên một lời khấn hứa, đơn giản là phải kiên trì cho đến cùng.

Ta bị buộc với chồng ta, với vợ ta hay với đời tu của ta và không có tương lai nào khác khả dĩ được phác hoạ ngoài sự kiên gan bền chí. Có thực là Thiên Chúa đòi như thế không ? Nói một cách lương thiện, chúng ta khó tin điều ấy.

Quả thật, một số cuộc hôn nhân đổ vỡ và dường như không có phương cách để tiến tới nữa. Nhưng một cách tiềm tàng, chúng ta chỉ có thể dấn thân bằng lời khấn hứa một khi chúng ta tin tưởng phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Đấng Thiên Chúa của các lời hứa sẽ liệu.

Khi truyền lệnh cho ông Ápraham dâng cho Người đứa con trai của ông là Isaác làm hiến lễ trên núi, chính Thiên Chúa là Đấng cung cấp cho ông con cừu để làm lễ hiến tế. “Trên núi Đức Chúa sẽ liệu”.

Như vậy, một lời khấn hứa không phải là một lời khẳng định lòng tin tưởng cậy dựa vào sức riêng của chúng ta, nhưng là một lời tỏ bày lòng hy vọng của chúng ta đối với sự quan phòng của Thiên Chúa.

Ông Phêrô yếu đuối và ông đã thất bại. Nhưng chính Đức Giêsu mở ra cho ông một con đường vượt quá cả thất bại. Lời hứa không kịp suy nghĩ của ông Phêrô phá hủy tư tưởng cho rằng các lời khấn hứa của chúng ta chỉ đặt nền tảng trên sức mạnh của ý chí chúng ta mà thôi.

Ông Phêrô đã chọn đống lửa trong sân dinh của vị thượng tế, nhưng Thiên Chúa lại tặng cho ông đống lửa trên bờ biển.

Điềm cuối cùng : lời hứa của ông Phêrô là lời hứa ông sẽ chết. “Con sẽ liều mạng con vì Thầy”. Các lời khấn hứa tạo hình thể cho cuộc đời chúng ta. Các lời hứa cho cuộc đời chúng ta sự mạch lạc và làm cho cuộc đời chúng ta thành một đường liên tục hơn là những khoảnh khắc kế tiếp nhau.

 Những lời khấn hứa này, tất cả, được làm ra đối diện với cái chết. Với những lời hứa của chúng ta khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã được liên kết với cái chết của Đức Kitô.

Trong hôn nhân, chúng ta hiến thân để sống chung với nhau cho đến khi cái chết chia cách chúng ta. Còn những lời khấn dòng là usque ad mortem (cho đến chết). Các lời khấn, lời hứa của chúng ta đưa chúng ta đối đầu với tính cách khả tử của chính chúng ta. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta ngày nay rất khó ôm ấp các lời khấn lời hứa, đó là vì chúng ta muốn trốn chạy sự kiện là chúng ta đang đi tới cái chết.

 Xã hội chúng ta được xây dựng trên giấc mơ về một sự kiểm soát khả dĩ đối với môi trường, và cũng cả sự kiểm soát nhau nữa. Nhưng cái chết bộc lộ rõ những giới hạn của quyền lực chúng ta. Chúng ta quả có thể đưa một người lên thăm chị Hằng, nhưng điều còn lại vẫn là chúng ta phải chết.

Trong cuốn tiểu thuyết A Single Man (Một người đàn ông cô độc) của Christopher Isherwood, một người đàn ông đến một tuổi nào đó soi gương : Quan sát kỹ ảnh phản chiếu mình, ông ta thấy nhiều khuôn mặt trong một con người – khuôn mặt của một em bé, của đứa con trai, của chàng thanh niên, của người đàn ông không còn trẻ nữa – tất cả vẫn còn đó, được giữ lại như những vật hoá thạch trên những ngăn kệ, và như những vật hóa thạch.

 Chết. Sứ điệp mà những khuôn mặt ấy gửi tới cho cái sinh linh đang tiến đến chỗ chết này là : bạn hãy nhìn chúng tôi đi ! – Chúng tôi đã qua rồi – có gì mà phải sợ ? Nguời ấy trả lời : nhưng nó đã đến rất từ từ, thế thì rất dễ. Bây giờ tôi sợ bị xô tới”.

“Tôi sợ bị xô tới”. Nhưng chúng ta đâu có tuyên các lời khấn hứa một mình. Chúng ta tuyên các lời khấn hứa hướng về và cùng với những người khác. Các lời hứa được làm nên với và trong cộng đoàn. Và có thể chúng ta dám đưa ra các lời khấn hứa vì cộng đoàn, các bạn hữu của chúng ta, các người anh em và người chị em của chúng ta giúp chúng ta đối diện và ôm ấp lấy tính cách khả tử của chúng ta.

Mỗi một hành vi đưa ra khi ta cam kết dấn thân bằng lời khấn hứa đều là một hành vi của lòng tin tưởng phó thác. Câu hỏi của ông Phêrô, câu hỏi không nhận được câu trả lời : “Thầy đi đâu ?” được đặt ra cách gay gắt, khi ta phải chạm trán với cái chết. Ta đặt mình vào trong tay của Thiên Chúa, như D. H. Lawrence đã nói : “Thật là khủng khiếp khi phải rơi vào trong tay Thiên Chúa hằng sống. Nhưng còn khủng khiếp hơn khi từ trong tay Thiên Chúa mà phải rơi ra”.

Kết luận
Nếu ông Phêrô quá sốt sắng rồi khấn hứa theo kiểu hăng tiết vịt “Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy” (mới tuyên xưng trước mặt, chưa kịp phổng mũi thì đã bị đuổi ra đằng sau, hỡi Satan ; được đưa lên núi cao tưởng là mơ nên nói lảm nhảm và phải xuống núi) sau đó đã ngã lên gục xuống nhưng điều đáng nể phục là qua quá trình kiên nhẫn theo Thầy, Thánh Linh của Thầy đã hoán cải ông để lời khấn hứa ấy của ông mà trung thành cho đến chết.

Mỗi người ngày hôm nay cũng có thể vì yêu thương gia đình, vì thích tu được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, hoặc vì… gì đi nữa thì, trải dài trong đời sống, lời khấn sẽ thấm nhập làm cho mình ý thức dần dần nhưng cũng cần có lúc nào đó phải được Thánh Thần hoán cải để cảm nhận được niềm vui hạnh phúc của lời khấn hứa ấy cho đến chết. A-men.
 
LỜI KINH CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ XIN ƠN BIẾT SỐNG KHÔN NGOAN
"Concede mihi"
(do cha cố Giuse Đoàn Thiệu chuyển ngữ)

 Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin ban cho con ước ao khao khát,
kiếm tìm thật khôn ngoan,
hiểu biết thực sự
và chu toàn cách hoàn hảo những điều đẹp lòng Chúa.