Phái đoàn Quốc Hội Canada thăm gặp hai Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý và Phêrô Phan Văn Lợi tại Huế, ngày 12-07-2010
Từ trái sang phải: bà Db Thái Thị Lạc, Lm Nguyễn Văn Lý, Lm Phan Văn Lợi
và ông Db Claude Guimond (hình chụp tại phòng của Lm Nguyễn Văn Lý)
Theo thông báo của các chiến hữu dân chủ người Việt tại Canada từ cả tháng trước, một “phái đoàn” Quốc hội Canada gồm có hai người, Nữ Dân biểu Ève-Mary Thái Thị Lạc, Phát ngôn viên nhân quyền của đảng Bloc Québécois, và Thông dịch viên Phạm Huy Bách sẽ đến thăm hai nhà đấu tranh tôn giáo tại Huế là Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý và Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi. Thành ra hai vị đã chuẩn bị hai món quà kỷ niệm nho nhỏ. Không ngờ sáng ngày hẹn 12-07-2010, một phái đoàn đông hơn gồm Bà Dân biểu Thái Thị Lạc, Dân biểu Claude Guimond, chồng sắp cưới của bà, hai Phụ tá người Canada và Ông Thông dịch viên Phạm Huy Bách, tất cả 5 vị, đã từ Sài Gòn ra Huế và đến Nhà Hưu dưỡng thuộc Nhà Chung của Tổng Giáo phận Huế, ở 69 Phan Đình Phùng, lúc 8g30 để gặp hai Linh mục tại phòng Linh mục Lý đang tạm trú để điều trị bệnh tật (trong thời hạn một năm theo quyết định của Tòa án tỉnh Hà Nam).
Bà Dân biểu Thái Thị Lạc, 38 tuổi, là người gốc Việt, dân tộc Chăm. Trường hợp của Bà tương tự trường hợp của ông Philipp Roesler, 36 tuổi, một người gốc Việt khác được cử làm Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Liên bang Đức cuối năm 2009. Nghĩa là cả hai đều mồ côi và được một gia đình ngoại quốc nhận làm con nuôi từ bé, đem về nước cho ăn học thành tài; họ lớn lên có địa vị cao trong chính giới, trở thành niềm tự hào cho dân Việt, đồng thời là người ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ nhân quyền của đồng bào tại quê nhà.
Quả thế, sau khi chụp vài tấm hình lưu niệm, gọi vui là để “bất tử hóa giây phút lịch sử này” và sau khi phân ngôi chủ khách, Bà Dân biểu cho biết chuyến đi Việt Nam lần này (kéo dài từ 10 đến 25-07-2010) có mục đích gặp gỡ một số vị tương nhiệm (Đại biểu Quốc hội Việt Nam) tại Hà Nội, theo như thỏa thuận với Nhà cầm quyền Cộng sản VN, ngoài ra cũng để gặp gỡ một số nhà đấu tranh dân chủ hay nhân vật có khuynh hướng dân chủ ở cả ba miền. Và hai người phái đoàn gặp đầu tiên là hai Linh mục ở Huế.
Trước hết, Bà Dân biểu và phái đoàn hỏi thăm về tình trạng sức khỏe và an ninh của hai Linh mục. Cha Lý cho biết là mình vẫn tiếp tục điều trị bệnh bại liệt tay phải, chân phải và đang điều trị một điểm tụ huyết trên bán cầu não trái và một túi nang ở bán cầu não phải sau gáy. Theo lời Bà Đại sứ Canada Deanna Horton tại Việt Nam đã hứa trong cuộc gặp gỡ trên điện thoại hôm 30-03-2010, cha Lý hy vọng trong tháng 7 này, nếu không có gì trở ngại, một toán y bác sĩ người Canada sẽ qua Việt Nam để thăm khám và điều trị cho cha. Về tình trạng an ninh bản thân thì Linh mục Lý vẫn ở trong dạng quản chế tại phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế (khu vực trong đó có Tòa Tổng Giám mục và Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo phận Huế). Linh mục Phan Văn Lợi cho biết về tình trạng an ninh của mình là vẫn bị quản chế tại gia bằng khẩu lệnh, nghĩa là hầu như luôn có công an đóng chốt canh giữ gần nhà và bám theo khi ra khỏi nhà; ngoài ra còn bị ngăn cấm đi phục vụ (dâng lễ, dạy học, giảng tĩnh tâm…) tại các dòng tu, những việc mà Linh mục vẫn làm từ trước năm 2001.
Tiếp đến Bà Dân biểu hỏi về hoạt động của Khối 8406 mà hai Linh mục là những người đồng sáng lập. Linh mục Lý cho biết là Khối vẫn tiếp tục sinh hoạt, phát triển trong và ngoài nước với số thành viên ngày càng gia tăng và số văn phòng hải ngoại ngày càng thành lập nhiều chỗ, ngay tại Canada cũng có. Ngoài ra Khối vẫn tiếp tục thực hiện “Tiến trình dân chủ hóa 4 giai đoạn và 8 bước của mình” (công bố ngày 22-08-2006), mà nay đang tiến hành, củng cố giai đoạn một (Thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí) và đang xúc tiến giai đoạn hai (Phục hoạt, thành lập, phát triển các Chính đảng dân chủ phi Cộng sản).
Nghe nói đến báo chí, bà Dân biểu hỏi về tình hình tờ Tự do Ngôn luận. Sau khi biếu mọi thành viên phái đoàn các số TDNL mới nhất (100, 101, 102), kèm thêm vài tập trong Tủ sách Khối 8406 và vài CD tài liệu lịch sử về Giáo hội Công giáo VN, về CSVN, về CS quốc tế do Khối 8406 sưu tập và phát hành khắp cả nước, hai Linh mục cho biết hiện nay tổng số phát hành (kiểm soát được) của tờ báo do chính các thành viên Khối và thân hữu dân chủ trong nước, gồm cả một số viên chức nhà nước thực hiện, giao động từ 40 đến 60 ngàn số mỗi kỳ, chưa kể số lượng được đồng bào in ra và sao chụp thêm từ bản điện tử lưu hành trên mạng.
Ông Dân biểu Claude Guimond hỏi tiếp: “Mới đây chúng tôi có đọc được Thư Hiệp thông của nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền với Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng. Xin vui lòng trình bày toàn bộ sự việc”. Cha Phan Văn Lợi trả lời: Tại Việt Nam chúng tôi có một nhóm Linh mục sống theo tinh thần của Đức Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (cha Lý lúc ấy mời mọi người nhìn lên chân dung của Ngài trên vách tường) là vị mục tử đã bị Cộng sản đầu độc chết năm 1988 vì đã can đảm lên tiếng bênh vực cho sự thật và lẽ phải, cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Nhóm chúng tôi lấy tên Ngài và mới đây đã lên tiếng lần hai về vụ Cộng sản tước đoạt đất đai và hành hạ giáo dân (thậm chí đến chết) tại giáo xứ Cồn Dầu, Giáo phận Đà Nẵng. Quý vị biết rằng tại Việt Nam, người dân chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đất đai. Quyền sở hữu này nằm trong tay nhà nước và đảng Cộng sản (mà họ gọi cho nhẹ là “quyền quản lý”). Đây là một trong những nguyên tắc cai trị của Cộng sản, nó đẻ ra cơ chế xin-cho và gây ra biết bao điêu đứng cho cuộc sống người dân và sinh hoạt của các tập thể. Vụ việc ở Cồn Dầu cũng như tại tòa Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà và giáo xứ Đồng Chiêm ở Hà Nội, giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình, giáo xứ Loan Lý ở Huế, dòng Thánh Phaolô tại ở Vĩnh Long và hàng vạn vụ việc liên quan đến đất đai khắp cả Việt Nam không phải là vấn đề dân sự và hình sự (tranh chấp đất đai giữa cá nhân hay tập thể với người của chính quyền) mà là vấn đề chính trị, nghĩa là đảng Cộng sản tự coi mình là sở hữu chủ mọi tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, tại Việt Nam và khi cần thì tước đoạt ruộng vườn, cơ sở của các cá nhân hoặc tập thể, nhất là tập thể tôn giáo, để chia cho nhau trong đám đảng viên cán bộ hoặc để bán hay cho ngoại nhân thuê mướn lâu dài. Tất cả chỉ nhằm bảo vệ quyền lực và duy trì ách thống trị của đảng trên dân Việt.
Bà Dân biểu hỏi tiếp: “Vậy nhân cơ hội này, Quý vị có đề nghị gì mà chúng tôi có thể trình bày trước Nhà cầm quyền Việt Nam không?”. Linh mục Lý cất tiếng: “Chúng tôi yêu cầu hai điều. Một là nếu chưa thể để cho người dân, nhất là các nhà đối kháng dân chủ công khai ra những tờ báo độc lập và các tài liệu dân chủ nhân quyền, thì ít nhất Nhà cầm quyền, cụ thể là Công an, không được bắt bớ, sách nhiễu, hăm dọa những người dân đọc các tờ báo và tài liệu dân chủ đang được phổ biến của Khối 8406 và của các cá nhân, tổ chức dân chủ khác. So với thời Các Mác trong chế độ tư bản Anh ở Luân Đôn cách đây gần hai thế kỷ, so với thời nhóm Nguyễn Ái Quốc, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Thế Truyền trong chế độ Thực dân Pháp cách đây một thế kỷ, so với thời các báo cánh tả trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, thì tự do ngôn luận trong xã hội Cộng sản Việt Nam còn thua rất xa, thậm chí chẳng có gì đáng kể. Nhà nước khống chế, kiểm soát mọi sinh hoạt báo chí, dù là báo viết, báo nói, báo hình hay báo điện tử…. Điều yêu cầu thứ hai là nếu nhà cầm quyền CSVN có đưa ra những chương trình phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, xây dựng khu chế xuất, thiếp lập khu sinh thái… thì hãy làm vì lợi ích của người dân, thỏa thuận với họ về chuyện lấy đất đai, bồi hoàn cho họ cách công bằng và tái định cư họ sao cho an cư lạc nghiệp. Yêu cầu nhà cầm quyền chấm dứt mọi kiểu di dời bằng cưỡng bách, bằng bạo lực, bằng dùi cui, bằng nhà tù…. Và quan trọng nhất, triệt để nhất, là phải trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân. Có như thế thì mới bớt bất công trong xã hội và tăng phát triển trong đất nước”
Dân biểu Claude Guimond tiếp lời: “Tôi trước đây cũng từng hoạt động trong vấn đề đất đai tại Canada. Tôi đã từng tham gia vào việc bảo vệ quyền tư hữu đất đai cho một số cư dân bản địa (ct: gốc da đỏ) bị nhiều tay tư bản, tài phiệt tranh giành chiếm đoạt. Nhưng ở nước tôi, chỉ có sự tranh chấp quyền lợi giữa hai nhóm người như thế, chứ không có chuyện Nhà cầm quyền dựa vào cái nguyên tắc lạ lùng như tại Việt Nam để cho cán bộ đảng viên tha hồ cướp đất của người dân đâu!”
Bà dân biểu hỏi: “Chúng tôi sắp ra Hà Nội. Hai cha muốn chúng tôi gặp những nhà dân chủ nào ngoài đó?”. Linh mục Lý đã giới thiệu Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân và một số thành viên tiêu biểu khác của Khối 8406 cũng như các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (nhưng rất tiếc sau đó phái đoàn đã không thể gặp được ai cả) - “Ngoài các nhà đối kháng đó ra, chúng tôi có nên gặp thêm ai nữa mà có tinh thần dân chủ không?” - “Chúng tôi thiết nghĩ phái đoàn có thể gặp Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông này chưa phải là nhà đấu tranh dân chủ nhưng là một nhà trí thức có khuynh hướng muốn dân chủ hóa đất nước. Ông từng có nhiều lời nói, bài viết và hành động chứng tỏ sự mong muốn độc lập của giới trí thức Việt Nam, sự thao thức về các vấn đề gây bức xúc trong đất nước và xã hội do cơ chế độc tài đảng trị hiện giờ” - “Trong giới đại biểu Quốc hội Việt Nam, có vị nào là nhà dân chủ không?” - “Đại biểu Quốc hội Việt Nam thì đại đa số là đảng viên Cộng sản, số còn lại thì cũng do đảng chọn, nên hiện giờ chưa thể là nhà dân chủ được. Nhưng có vài Đại biểu nay đã dám nói thẳng với đảng và có khuynh hướng cổ vũ đa đảng đa nguyên, như ông Dương Trung Quốc chẳng hạn” - “Vâng, chúng tôi sẽ tìm cách gặp những người mà hai cha vừa giới thiệu đó. Dĩ nhiên chắc không phải là dễ dàng”.
Linh mục Lý đề xuất tiếp: “Vào lại Sài Gòn, Quý phái đoàn nên gặp cho được Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài đang bị quản chế tại Thanh Minh thiền viện, Giáo hội của ngài chưa được nhà cầm quyền CS thừa nhận và đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt”. Linh mục Lợi thêm vào: “Đó là một Giáo hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật”. Lm Lý còn giải thích rõ hơn vì sao Phật giáo VN hiện có 2 Giáo hội. “Ngoài ra, cha Lý tiếp, Quý vị nên gặp kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên Ban Điều hành Khối 8406 của chúng tôi. Và nếu cần, thì kỹ sư Hải sẽ giới thiệu thêm vài nhà đấu tranh dân chủ khác tại Sài Gòn….”
Cuộc gặp gỡ chấm dứt lúc 11g45 cùng ngày, trong những cái bắt tay nồng ấm thân mật. Hai linh mục nói với Bà Thái Thị Lạc và các bạn đồng hành: “Bà là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam và toàn thể Quý vị là sự nâng đỡ hỗ trợ cho phong trào dân chủ Việt Nam chúng tôi. Xin hết lòng cảm ơn Quý vị”. Phái đoàn rất phấn khởi khi rời Nhà Chung Huế. Dù cuộc gặp kéo dài khá lâu, nhưng không thấy ai thoáng mệt nhọc. Hai Linh mục vui vẻ đứng đưa tiễn và cầu nguyện cho Phái đoàn các Dân biểu này có những ngày an bình tại Việt Nam, hoàn thành tốt công việc và… an toàn trở về miền đất Canada xa xôi lạnh giá. @@@
|