Tác giả Tiều Phu vốn là người thường xuyên đưa tin về những diễn biễn trong những ngày sự kiện Thái Hà _ Tòa Khâm Sứ xảy ra. Tác giả Tiều Phu còn có một bút danh khác là Xuân Văn. VRNs (13.08.2010) – Toronto, Canada – Thời gian thấm thoát trôi mau! Chuyện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ mới xảy ra ngày nào, vậy mà đã hai năm tròn! Kể từ khi sự kiện ấy xảy ra, dường như dân Chúa khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, như thấy mình cần phải dấn thân hơn để cất lên tiếng nói cho lẽ phải, công bằng và sự thật, không chỉ cho mình mà còn cho toàn thể quê hương, dân tộc vốn đã và đang phải quằn quại trong những áp bức, bất công và gian dối. Về mặt sự kiện, chuyện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ đã khép lại, nhưng dư âm của nó dường như chưa chấm dứt. Nhiều người Công Giáo, nhất là giáo dân Hà Nội có lẽ cho đến giờ này vẫn chưa nguôi ngoai cái ngày nước sôi lửa bỏng ấy. Đối với bản thân Tiều Phu (*) tôi, người đã có một thời mỗi ngày dành 30 phút ngồi ghi lại “Nhật ký Thái Hà” để hầu bạn đọc – những người không có điều kiện mục kích các diễn tiễn trong thời gian xảy ra sự kiện – đến bây giờ biến cố ấy vẫn hiển hiện trong tâm trí. Hôm nay, nhân kỷ niệm tròn 2 năm biến cố Thái Hà – Tòa Khâm Sứ, Tiều Phu tôi xin hầu quý độc giả đôi ba câu chuyện liên quan đến việc viết “Nhật ký Thái Hà” ngày ấy. Bản tin đầu tiên: “Mẹ Về Chốn Xưa” Khi sự kiện nổ ra ở Thái Hà vào trưa ngày 15 tháng 8 năm 2008, khi mà bà con giáo dân quyết tâm tháo bỏ bức tường bất công, gian dối để rước tượng Nữ Vương Công Lý vào khu đất của giáo xứ, Tiều Phu tôi lúc đó đang có công việc ở Hải Phòng, cách xa Hà Nội hơn 80 cây số. Ông bạn chí cốt của Tiều Phu a lô một tiếng: “Cậu về ngay nhé, Mẹ về chốn xưa rồi đó”. Tiều Phu tôi tức tốc lên đường về Thái Hà. Và bản tin đầu tiên: “Mẹ về chốn xưa” được loan tải trên các trang mạng Công Giáo báo tin sự kiện Thái Hà. Bản tin đó, sau này, được một nhạc sĩ phổ thành một bản nhạc. Thực ra bản tin đó không phải bản thân Tiều Phu tôi viết, mà do ông bạn chí cốt của tôi đã trực tiếp chứng kiến sự việc và đã làm công việc đưa tin cho mọi người gần xa được biết. Sau bản tin đó, ông bạn chí cốt của Tiều Phu tôi hối thúc: “Từ này cậu phải đưa tin đó nha, tớ hoàn thành nhiệm vụ và giờ chỉ chuyên đi chụp hình để minh họa cho các bản tin của cậu thôi đó nha”. Săn tin và bị săn đuổi Sau khi “tiếp quản” công việc của ông bạn chí cốt, Tiều Phu tôi mỗi ngày rảo quanh linh địa Đức Bà Thái Hà ít nhất 10 lần. Có khi đang bận đủ trăm công nghìn việc khác, nhưng chỉ cần có người a lô linh địa Đức Bà có chuyện, thì lập tức Tiều Phu tôi gác lại công việc riêng tư để tức tốc đến quan sát “mặt trận”. Có lần Tiều Phu tôi cũng bị cảnh sát chìm tìm cách chơi xấu. Sau khi chứng kiến cảnh truyền hình nhà nước thuê mướn người đến linh địa để phỏng vấn nhằm trấn át tinh thần Thái Hà, Tiều Phu tôi tức tốc lên đường để về nhà đưa tin về cuộc phỏng vẩn rởm này, thì bám sát đằng sau Tiều phu là hai chú công an chìm, mặt mũi đằng đằng sát khí. Bí quá, Tiều Phu tôi phải vội cầu cứu sự trợ giúp của một số giáo dân quanh đó để không bị ăn đòn. Trọn một đêm không ngủ Vừa trở về nhà từ linh địa Đức Bà Thái Hà lúc 12h đêm và đang ngồi ghi lại “Nhật ký Thái Hà” trong ngày, thì Tiều Phu tôi nhận được cú điện thoại của mấy cụ già đang canh giữ linh địa: “Cháu ra đây ngay nhé, chúng nó hắt nước bẩn lên bàn thờ Đức Mẹ rồi!” Tiều Phu tôi vội gọi điện gấp cho ông bạn chí cốt để cùng đến linh địa Đức Bà. Cả hai vừa đến nơi và chụp vội mấy tấm hình thì mấy chú công an chạy ra đưa ánh mắt soi mói, nghi ngờ. Chờ cho các cụ già ra mắng xối xả vào mặt mấy chú một trận vị cái tội cho người đến đổ dầu nhớt và mắm tôm lên bàn thờ Đức Mẹ, chúng tôi vội tìm cách lánh mặt mấy chú và ra về đưa tin này cho mọi người biết. Chờ cho bản tin được đăng tải trên trang mạng Vietcatholic.net và Chuacuuthe.com, Tiều Phu tôi mới lên giường ngủ. Nhưng chưa kịp chợp mắt thì lại nghe có người gõ cửa. Tưởng người nhà gọi dậy ăn sáng, ai ngờ lại báo tín dữ: Tòa Khâm Sứ đã bị phong tỏa bởi cảnh sát và chó nghiệp vụ! Dù ngái ngủ, Tiều Phu tôi vội vùng dậy, đi đến Tòa Khâm Sứ để quan sát cụ thể sự việc ra sao. Bản tin Ben Stocking bị đánh vỡ đầu Đang ngồi nhà để đánh bản tin về sự kiện nhà cầm quyền đưa cảnh sát và chó nghiệp vụ phong tỏa Tòa Giám mục Hà Nội, thì ông bạn chí cốt của Tiều Phu từ nơi mặt trận chạy thẳng vào nhà thúc giục Tiều Phu: “Cậu đưa tin này ngay nhé, phóng viên hãng AP vừa bị trấn áp và đánh đập bởi mật vụ cộng sản Việt Nam”. Tiều Phu tôi băn khoăn: “Tớ đâu có chứng kiến chuyện đó đâu mà đưa tin như thế”. Ông bạn chí cốt khẳng khái: “Đây là đoạn video tớ vừa quay được. Cậu cứ việc viết, tớ đảm bảo tính chất xác thực của thông tin. Chính tớ là người mục kích sự việc mà!” Căn cứ vào lời chứng của ông bạn chí cốt và xem trực tiếp đoạn video nóng hổi ông bạn chí cốt vừa quay được, Tiều Phu tôi viết thêm một dòng trong đoạn thông tin về biến cố Tòa Khâm Sứ hôm đó: “Được biết, một phóng viên nước ngoài vừa bị dẫn đi và bị đánh đập bởi hai công an chìm”. Lỗi chính tả: “Công lý vá sự thật” Trong ngày 8 giáo dân Thái Hà hiên ngang bước đến tòa phúc thẩm tại Hà Đông, cách Thái Hà 12 km, ngay từ sáng sớm, chưa kịp ăn uống gì, Tiều Phu tôi đã phải làm việc cật lực để cập nhật thông tin cho độc giả xa gần. Đến phần đưa tin về các băng rôn, biểu ngữ được giáo dân giương cao ở bên ngoài tòa án, do đánh máy vội vàng và chưa kịp soát lỗi chính tả, Tiều Phu tôi có ghi nhầm một biểu ngữ: “Công lý vá sự thật” thay vì là: “Công lý và Sự thật”. Cũng vì tính chất cấp bách của thông tin nóng, Ban biên tập của hai trang mạng Vietcatholic và Chuacuuthe.com cũng không soát lỗi chính tả của bản tin do Tiều Phu gửi tới. Bởi vậy, có độc giả sau này phát hiện ra cái lỗi này và nghe đâu là có bài phản hồi rất hay về cái lỗi vô tình không hề hữu ý này. Thôi thì “Sự thật” trên quê hương, trên dân tộc này chưa được sáng tỏ, thì buộc mỗi người dân phải lên tiếng nói cho công lý và lấy công lý để vá sự thật. Dĩ nhiên cái lỗi chính tả này không phải Tiêu Phu tôi cố ý và dĩ nhiên là xin hoàn toàn nhận trách nhiệm, chứ không dám như ông Tổng biên tập của một trang điện tử nào đó đổ hết tội cho người đánh máy khi mà bản tin về “lính Trung Quốc tập trận” bị nhân dân hỏi tội. Giã từ “mặt trận” Thái Hà – Tòa Khâm Sứ Kể từ ngày sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ chấm dứt với phiên tòa phúc thẩm 8 giáo dân Thái Hà tại Hà Đông, Tiều Phu tôi cũng nói lời từ biệt Thái Hà. Dù giờ đây xa Thái Hà cả ngàn dặm cây số, nhưng những kỷ niệm vui buồn về Thái Hà của một người trong vai trò quan sát và đưa tin vẫn không bao giờ xa cách khỏi cõi lòng. Đặc biệt, trong những ngày này, những ngày kỷ niệm hai năm sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ, bỗng dưng lòng Tiêu Phu tôi rộn lên một cái gì đó rất lạ thường. Ước mong có ngày trở lại Thái Hà để tìm lại những dấu chân của những người đưa tin ngày nào.
|