Home Đời Sống Tôn Giáo Từ Đại Hội Nhà Văn Đến Đại Hội Dân Chúa

Từ Đại Hội Nhà Văn Đến Đại Hội Dân Chúa PDF Print E-mail
Tác Giả: LM.Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm   
Thứ Bảy, 28 Tháng 8 Năm 2010 08:25

“Sự thật sẽ làm cho các ông được tự do” (Ga 8,32)


Sự  kiện gần nhất

    Trong những ngày này, truyền thông Việt Nam không ngớt lời ca ngợi Giáo sư Ngô Bảo Châu, một tài năng trẻ  Việt Nam, 38 tuổi, đã nhận giải toán học Fields. Trong khi đó, một nhà trí thức khác, Phạm Minh Hằng, giảng viên Đại học Bách khoa Sài Gòn, rời Việt Nam năm 1972 qua Pháp du học, rồi trở lại Việt Nam năm 1990 vào thời kỳ “đổi mới”, nay đang chờ ngày ra toà, chắc không vì lý do gì khác hơn là vì đã mớm cho sinh viên những ý tưởng tự do, dân chủ. Chẳng biết nếu khoa học không nhằm mục đích phục vụ con người thì đối tượng của nó sẽ là cái gì !
 
Đại hội Nhà Văn Việt Nam

    Vẫn là chuyện thời sự liên quan đến giới trí thức Việt Nam xảy ra chỉ mới đầu tháng 8 này, chính xác là trong hai ngày 5 và 6 tháng 8 : tại trường Học viện Hành chính Quốc gia đã diễn ra Đại hội Nhà Văn VIII, với số tham dự viên lên đến bảy tám trăm, trong số đó quãng 2/3 là các đảng viên cộng sản. Nghe đâu chi phí dành cho Hội Nhà Văn lên đến trên 86 tỷ đồng trong thời gian 2005-2010. Điểm đặc biệt là lần này trong Chủ toạ đoàn có nhà văn trung tướng công an Hữu Ước, không biết có quen cầm bút bằng cầm súng hay không.
 
Đến lượt nhà văn bị bịt miệng

    Nhưng yếu tố đã tạo ra sự chú ý tại  đại hội Nhà Văn Việt Nam lần này không là gì khác hơn là một số nhân vật thuộc cánh “lề trái” như Ngô Minh, Bùi Minh Quốc, với những bài viết không được trình bày công khai tại Đại hội, nhưng được biết đến nhờ đưa lên mạng.

    Tuy nhiên có lẽ tiếng nói mạnh mẽ nhất là Trần Mạnh Hảo, tác giả bài tham luận được phổ biến trên mạng trước cả khi Đại hội bắt đầu. Tuy được viết theo đơn đặt hàng của nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam, nhưng lại không được phép đọc tại Đại Hội. Không những thế, tại hội trường, khi tác giả bài tham luận chỉ muốn ngỏ lời với dăm câu ba chữ thôi, thì cứ đụng đến micro nào là đường dây micro đó y như bị sét đánh, thành ra cuối cùng chẳng nói năng gì được.

    Lý  do chẳng có gì khó đoán, đó là vì  nội dung của bài tham luận “có vấn đề”.  Nguyên cái tiêu đề thôi cũng làm cho ai yếu bóng vía phải giật mình : “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước.” Đọc những chữ, những câu đầu tiên, ta có cảm tưởng đang chứng kiến cảnh một võ sĩ vừa nhảy lên khán đài đã vung tay múa kiếm : “Thói thường, con người sợ món gì nhất ? Sợ ma quỷ ư ? Không ! Sợ vợ ư ? Không ! Sợ công an ư ? Không ! Sợ kẻ cầm quyền ư ? Không ! Sợ chết ư ? Không !”. Theo chúng tôi, con người trên mặt đất này sợ nhất sự thật.

    Sau khi đặt câu hỏi và tự trả lời, tác giả liền chứng minh : “Đã có bao nhiêu lý thuyết chính trị thề bồi giải phóng con người, bao nhiêu cuộc lật đổ, cuộc cách mạng tuyên thệ giải phóng con người, giúp con người hoàn toàn tự do, sau khi đã giết hàng triệu triệu sinh mạng. Rút cuộc, con người hình như vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng, chưa hoàn toàn được tự do, con người vẫn còn sợ hãi vì bị sự dối trá thống trị ? Một số đất nước, một số dân tộc trên hành tinh vẫn còn bị nhốt trong nhà ngục có tên là dối trá. Cần phải làm một cuộc cách mạng của sự thật mới mong giải thoát cho nhân dân khỏi ngục tù kia.”

    Rồi  dựa vào định đề của K.Marx : “Sự thật là tiêu chuẩn của chân lý”, tác giả lần lượt nêu lên ý tưởng của cố tổng thống Ba-lan Lech Kaczinxki : “Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn luôn giải phóng con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại sự công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hoà hợp.” Tác giả cũng nhắc lại chủ đề cuộc hội thảo do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức đại Đà Lạt trong hai ngày 12-13 tháng 07 năm 2010, chủ đề đó là “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay.” Tác giả cũng không quên nhắc lại lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh căn dặn văn nghệ sĩ : “Cởi trói như thế nào… Cởi trói nói ở đây trước hết là Đảng phải cởi trói cho các đồng chí… Tôi cho rằng khi sợi dây ràng buộc được cắt đi, sẽ làm cho văn học nghệ thuật như con chim tung cánh bay lên trời xanh…”.
 
Ba sự thật

    Sau khi đã cẩn thận rào trước đón sau, tác giả lần lượt đề cập đến 3 sự thật :

    “SỰ THẬT MỘT : chưa bao giờ, số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay : nước nhà đang bị giặc ngoại bang xâm lấn bằng cuộc chiến tranh ngọt ngào, chiến tranh ôm hôn thắm thiết và tặng hoa, tặng quà, anh anh chú chú, bằng cách chiếm dần hai quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa, lấn chiếm dần dần biên giới đất liền và hải đảo, khiến nguồn lợi biển vô cùng tận của ta rồi sẽ mất hết, dân tộc ta không còn đường ra đại dương, coi như tiêu. Ngoại bang dùng chiêu bài “ý thức hệ” và “16 chữ vàng” làm dây trói vô hình, trói buộc đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam phải nhân nhượng kẻ xâm lược hết điều này đến điều khác. Trên đất liền, ngoại bang dùng con bài khai thác bauxite, mua đất thời hạn 100 năm của 18 tỉnh lấy cớ trồng rừng, thực chất là công cuộc chiếm đất di dân theo kiểu vết dầu loang, theo kiểu “nở hoa trong lòng địch”… rừng bị triệt phá gần hết, sông ngòi đồng ruộng cạn kiệt nguồn nước, lụt lội kinh hoàng, khí trời bị ô nhiễm tới mức cuối cùng, nước mặn xâm hại phá hủy các đồng bằng. Chỉ cần một trận mưa lớn là Hà Nội, Sài Gòn biến thành sông do quy hoạch xây dựng phản khoa học. Hạt lúa, củ khoai, mớ rau, tôm cá, thịt gia súc, gia cầm cũng đang bị các chất hóa học độc hại chứa trong thức ăn, các chất tăng trưởng, chất bảo quản độc hại ám sát, khiến sinh tồn của giống nòi có cơ biến dạng…

    Đạo đức xã hội tha hóa tới mức cuối cùng, con người hầu như không còn biết tới liêm sỉ và lẽ phải…

    Nền giáo dục Việt Nam hôm nay là  một nền giáo dục thiếu trung thực… Đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá : thày dối trá thày, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục . Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa…là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ…lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam…

    SỰ  THẬT HAI : Chưa bao giờ như hôm nay, trên đất nước ta, giặc nội xâm có tên là tham nhũng lại hoành hành ngang nhiên, kinh hãi như dịch hạch đến thế. Dân có tham nhũng không ? Không ! Thế thì ai là giặc nội xâm, là giặc tham nhũng ? Thưa, chính quyền ! Chỉ kẻ có chức có quyền mới tham nhũng được mà thôi…

    SỰ  THẬT THỨ BA : Nói một đàng, làm một nẻo, hay là danh không chính thì ngôn không thuận.

    Đảng, Nhà Nước Việt Nam nói thì rất hay, nhưng làm thường ngược lại. Những nguyên tắc, nguyên lý, luật pháp, chính sách, đường lối của đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam hiện nay hầu hết đều không chính danh.”

    Trên  đây chỉ là mấy trích đoạn của một bài viết dài gần 16 trang A5 với những ví dụ rất chi tiết, rất cụ thể để chứng mình rằng : “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước.” Thiết nghĩ không riêng gì tôi, mà bất cứ ai quan tâm đến văn học, đến con người, đến đất nước, đọc bài này xong chỉ có thể vui mừng, cảm phục và tri ân nhà văn Trần Mạnh Hảo đã “dám liều mạng nói lên những sự thật cay đắng nhất, khủng khiếp nhất của đất nước chúng ta hiện nay, những sự thật chết người, ai ai cũng biết, mà vì sợ tù tội nên không ai dám nói ra.”
 
Hướng về Đại hội Dân Chúa

    Đại hội các Nhà Văn vừa nói trên đây khiến tôi liên tưởng tới một Đại hội khác sẽ diễn ra tháng 11 tới đây, đó là Đại hội Dân Chúa. Chẳng phải tôi không biết đến những gì là tích cực mà mọi thành phần dân Chúa đã và đang góp phần xây dựng để Giáo Hội Việt Nam được như hôm nay. Nhưng điều tôi e ngại, là những thành công đạt được sẽ ru ngủ chúng ta, không cho chúng ta can đảm nhận ra những yếu kém cần khắc phục, những sai lầm cần sửa chữa. Nếu theo lời Trần Mạnh Hảo, chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước, thì cũng chỉ có sự thật mới giải phóng được Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Và cùng với Trần Mạnh Hảo tôi cũng xin được chỉ ra ba sự thật :

    Sự  thật một : Những điều Trần Mạnh Hảo nói trên đây liên quan đến sự tồn vong của đất nước, của dân tộc là điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Câu hỏi đặt ra là trước thảm trạng đó, Giáo Hội Công Giáo chúng ta đã có động thái nào để chứng minh là mình gắn bó với dân tộc, với đất nước. Trong khi các nhà trí thức nhận ra ý đồ xâm lược của ngoại bang nhân vụ bauxite Tây Nguyên, đã nhanh chóng và mạnh mẽ lên tiếng, không những chỉ những người sống trong nước, nhưng cả đến những người Việt ở nước ngoài, kể cả những người không còn giữ quốc tịch Việt Nam, trong khi có những sinh viên, học sinh mạnh dạn kéo nhau đi biểu tình, rồi đến khi bị công an sách nhiễu, canh chừng quá kỹ, thì đêm đêm tìm cách lén vẽ lên tường mấy chữ HS-TS-VN để biểu hiện lòng yêu nước, biểu hiện quyết tâm bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, quyết tâm giữ gìn sự toàn vẹn của lãnh thổ, thì Giáo Hội Công Giáo không có nổi một cử chỉ, một tiếng nói, cứ bình chân như vại, như thể những chuyện đó chẳng liên quan chi tới mình. Vậy sự thật có phải là Giáo Hội Công Giáo đang quyết tình đứng bên lề dân tộc ?

    Sự  thật hai : Tại Na-da-rét, Đức Giê-su đã mặc khải sứ mạng cứu thế của ngài khi trích dẫn lời sấm của I-sai-a : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Và sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối công trình cứu độ của Đức Giê-su. Thế thì trên đất nước Việt Nam hôm nay, khi từ bắc chí nam, từ nông thôn đến thành thị, người dân oan bị cướp đất không còn biết kêu ai, vì đi nộp đơn kêu oan thì cứ bị đùn đẩy từ toà dưới lên toà trên, rồi lại từ toà trên xuống toà dưới, khi những người bày tỏ chính kiến cách ôn hoà nhằm góp phần xây dựng xã hội, xây dựng đất nước, những người đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền, bị áp bức, bị tù tội, ngay cả lúc chưa vào tù thì cũng không còn đường sống, vì đi xin việc không ai dám nhận, đi thuê nhà không ai dám cho, khi phụ nữ bị bán làm gái mại dâm, người lao động bị bóc lột tàn tệ, trong những hoàn cảnh bi đát thê thảm như thế, mà Giáo Hội Công Giáo vẫn ngậm miệng làm thinh, thì sự thật hôm nay có phải là Giáo Hội đang quay lưng lại với người nghèo, người bị bóc lột, bị áp bức ?

    Sự  thật ba : Chúng ta viện cớ “không làm chính trị” để khỏi lên tiếng khi phải lên tiếng, chúng ta nói hiệp thông mà chẳng hiệp thông, chúng ta đề ra phương châm hấp dẫn “Đồng hành với dân tộc”, để cuối cùng chỉ đồng hành trên giấy, chúng ta tôn vinh lòng thương xót Chúa, nhưng khi xảy ra các vụ Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, và mới đây nhất là Cồn Dầu, thái độ của ta là ai chết mặc ai. Thế thì câu hỏi đặt ra là : phải chăng chúng ta cũng như những cán bộ cộng sản : “nói mà không làm, hay nói một đàng làm một nẻo ?”

    Mấy  điểm tôi nêu trên đây chỉ mang tính gợi  ý để ta có thể nhìn lại và suy nghĩ, vì tôi không muốn, mà cũng không có khả  năng liệt kê đầy đủ những điều phải tránh, hay những việc phải làm. Hy vọng sẽ còn nhiều người khác góp ý cho Đại hội.
 
Vai trò của lãnh đạo

    Trong tổ chức nào cũng thế, người lãnh đạo nắm vai trò  quan trọng. Chính vì thế mà trong thời gian qua, nhất là từ khi xảy ra những biến động trong Giáo Hội Việt Nam liên quan đến việc thay bậc đổi ngôi tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, các giám mục đã bị truyền thông phê phán gay gắt, nặng nề. Nhưng làm sao biết được ai đúng, ai sai ?

 

 
   Trước câu hỏi này, diễn đàn Nữ Vương Công Lý  ngày 20-08-2010 đăng tải bài của Lê Thiên : “Hội Đồng Giám Mục : Giáo luật và thực tiễn tại Việt Nam”. Đọc xong bài của Lê Thiên, tôi thầm nghĩ : ông này đúng là “bạo phổi”. Là vì dám “đụng” đến giám mục đã là “to gan” rồi, nhưng ở đây Lê Thiên đụng tới cả Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) ! Có điều ông không nói vu vơ, nhưng nói có sách. Trong phần chú thích, ông liệt kê ra đến 86 điều trong Bộ Giáo Luật liên quan đến HĐGM ! Ông dựa vào đó để chỉ ra quyền hạn và trách nhiệm của HĐGM. Rồi ông khẳng định : “Chúng ta có thể kết luận rằng, theo nội dung Bộ Giáo Luật, HĐGM là một tập thể những vị Chủ Chăn cùng liên đới trách nhiệm làm “tiếng nói cho những người không có tiếng nói” trong một quốc gia. Bất cứ lúc nào và ở đâu trong địa bàn hoạt động của mình, khi xảy ra một biến cố đụng chạm đến đàn Chiên, thì tập thể Chủ Chăn trong HĐGM cũng đều nhanh chóng can dự vào bằng cách này hoặc cách khác, chứ không lưỡng lự “lên tiếng hay không lên tiếng” để rồi đi tới chỗ vô cảm, vô can và… vô trách nhiệm.

    Với hàng loạt quyền hạn pháp  định, không một HĐGM nào tự  cho phép mình nại ra bất kỳ  lý do gì để tránh can dự  vào việc đấu tranh bảo vệ  công bằng xã hội, bảo vệ quyền sống của con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận, tự do tỏ bày tư tưởng hay phát biểu quan điểm, quyền tự do cư trú cùng các quyền tự do căn bản chính đáng khác… !”

    Không dừng lại nơi những nguyên tắc trừu tượng, Lê Thiên đi thẳng vào các vấn đề thời sự đặc biệt trong hai năm vừa qua : “Những vụ xúc phạm đến các biểu tượng thiêng liêng của người tín hữu, như xúc phạm tới Thánh giá, tới các ảnh tượng và nơi thánh, dù xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước, đều không thể coi là chuyện riêng của một cá nhân, một nhóm người, một giáo xứ hay giáo phận. Trong những biến cố dầu sôi lửa bỏng như trên, hay những vụ đàn áp bắt bớ, tù đày, gây thương tích hoặc làm chết người, làm sao HĐGM có thể nhẫn tâm chần chờ, đắn đo để xem có nên “lên tiếng hay không lên tiếng” ? Chưa nói tới khía cạnh đạo đức và tình người, mà chỉ căn cứ vào mệnh lệnh của Giáo Luật, thái độ không dứt khoát hay cố tình tránh né trách nhiệm ấy khó có thể biện minh dù bằng bất cứ lý lẽ nào. Chẳng những thế, thái độ ấy còn làm cho niềm tin bị giao động và lung lay tận gốc.”

    Không biết trong hàng ngũ các giám mục Việt Nam, đã có bao nhiêu vị chịu dành thì giờ nghiên cứu các tài liệu Công Đồng Vatican II và giáo luật hiện hành liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của HĐGM như Lê Thiên đã làm. Nếu không ai chứng minh được là Lê Thiên sai, thì nay các tín hữu Công Giáo đã có cơ sở để đánh giá lập trường và thái độ các giám mục Việt Nam trước những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước và Giáo Hội.
Kết luận

    Sau 350 năm truyền giáo và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, lạc quan hay bi quan là quyền của mỗi người. Nhưng sự thật khách quan là suốt nhiều thập niên liên tiếp, số tín hữu Công Giáo Việt Nam không vượt quá  ngưỡng 7 hay 8 phần trăm. Trong cộng đồng dân tộc 86 hay 87 triệu hôm nay, chúng ta vẫn là thiểu số. Nếu truyền giáo là bản chất người Ki-tô hữu, thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Thế nhưng nếu dưới mắt người Việt Nam ngoài Công Giáo, Giáo Hội chúng ta chỉ là một tổ chức mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có tài sản lớn lao, có nhân lực có trình độ, nhưng lại thờ ơ với vận mạng dân tộc, quay lưng lại với đại đa số vốn là những người nghèo, thờ ơ với mọi cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do dân chủ, thì đồng bào ta có gì để chờ mong, có gì để hy vọng ? Làm sao tin tưởng vào những vị lãnh đạo tôn giáo chỉ vì muốn được yên thân mà chịu khuất phục bạo quyền ? Trong bối cảnh đó, những tiếng nói như Trần Mạnh Hảo hay Lê Thiên là những tiếng nói rất đáng trân trọng.

    
Sài Gòn, ngày 28 tháng 08 năm 2010