Hội Đồng Giám Mục Để Làm Gì ? |
Tác Giả: Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm | |||
Thứ Sáu, 15 Tháng 10 Năm 2010 12:39 | |||
Trong những biến cố dầu sôi lửa bỏng như trên, hay những vụ đàn áp bắt bớ, tù đày, gây thương tích hoặc làm chết người, làm sao HĐGM có thể nhẫn tâm chần chờ, đắn đo để xem có nên “lên tiếng hay không lên tiếng” Thêm một Đại hội các Giám mục Đại hội lần thứ XI của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGM/VN) khai mạc ngày 04-10-2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và kết thúc ngày 06-10-2010. Qua hôm sau, ngày 07-10-2010 ta đã có thể đọc Biên bản của Đại hội, cũng như Thư HĐGM/VN gửi cộng đồng Dân Chúa. Đến ngày 09-10-2010 lại có bài Đức cha Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM/VN trả lời ông Gia Minh, biên tập viên đài Á châu tự do. Đọc hai văn kiện vừa nói trên đây, cũng như nghe bài trả lời phỏng vấn của Đức cha Phó Chủ tịch HĐGM/VN, ta có cảm tưởng Giáo Hội Việt Nam đang trong thời kỳ bình an vô sự, “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Nhưng bất cứ ai theo dõi tình hình, đặc biệt qua các bài viết trên mạng, đều biết chắc rằng : mọi chuyện không êm xuôi như vậy. Biến cố đầu tiên gây kinh ngạc, hẳn là cuộc lễ tấn phong cha Nguyễn Năng làm giám mục Phát Diệm ngày 08-09-2009, cách đây hơn một năm, với cả rừng biểu ngữ bày tỏ lòng ngưỡng mộ, yêu mến, tin tưởng, gắn bó đối với Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Giu-se Ngô Quang Kiệt. Hơn bất cứ ai, các vị giám mục khi tiến lên lễ đài không thể không thấy các biểu ngữ tung hô Đức Tổng Kiệt. Sự việc này lại tái diễn, lần này ngay tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội ngày 07-05-2010, cách đây chỉ mới hơn 05 tháng, nhân lễ nhậm chức Phó Tổng Giám mục Hà Nội của Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn. Sự việc đã được đoán trước, nên Ban tổ chức đã phải ra thông báo căn dặn mọi người đi tham dự thánh lễ “đừng mang theo những gì không cần thiết” (!). Thế nhưng bất chấp các lời dặn dò đó, cả rừng biểu ngữ tung hô Đức Tổng Kiệt cùng với những hình chân dung phóng to của ngài được nhiều người đeo trước ngực, tất cả đã tràn ngập quảng trường nhà thờ lớn Hà Nội, đến nỗi đoàn đồng tế thay vì trang trọng đi vào cửa chính, đã phải len lỏi đi vào cửa hông, và sau thánh lễ thì âm thầm rút lui theo cửa hậu. Một chuyện chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử mấy trăm năm đạo Công Giáo tại Việt Nam ! Ngay tại cuộc lễ này, nhìn lại các sự việc trong thời gian qua, chứng kiến những gì đang diễn ra ngay tại buổi lễ, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM/VN đã nhận xét cách thẳng thắn : “Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại. Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn. Điểm tích cực thứ hai là dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một.” Đã hẳn là như thế. Nhưng quan trọng hơn cả là câu kết, vẫn của Đức cha Linh. Ngài nói : “Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn : chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn, nhưng đồng thời trải nghiệm được cái giá phải trả để bảo vệ tình huynh đệ trong đại gia đình Giáo Hội.” Câu kết luận này không hơn không kém là một lời hứa của vị Phó Chủ tịch HĐGM/VN, là sẽ “mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn”. Ai nghe những lời như thế mà không cảm thấy phấn khởi. Hẳn có người nghĩ thầm trong bụng : Cuối cùng các giám mục cũng phải thấy, phải nhận ra thôi. Và một khi nghĩ như thế rồi thì kiên trì chờ đợi. Tôi ở trong số những người đó. Sau các biến cố nói trên, Đại hội các Giám mục chính là lúc lời hứa trên đây của Đức cha Phó Chủ tịch HĐGM/VN có cơ may thành hiện thực. Nếu vấn đề chưa được ghi trong chương trình nghị sự, thì mục không thể thiếu đó phải được bổ sung, nhằm giúp các giám mục cùng nhau kiểm điểm tình hình để điều chỉnh, để sửa sai nếu cần. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Biên bản Đại hội không hề ghi bất cứ một khoảnh khắc nào, dù nhỏ, cho thấy các giám mục đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng đốt cháy tâm can người tín hữu suốt thời gian qua. Đa số các vị trong Uỷ Ban Thường Vụ cũng như các vị đứng đầu các Uỷ Ban trực thuộc HĐGM đều được “tái đắc cử”. Sau khi kết quả của Đại hội được thông tri cho cộng đông Dân Chúa, nhiều người đã bày tỏ nỗi thất vọng ê chề. Nhiều người thất vọng khi không thấy có thay đổi về nhân sự. Nhưng theo tôi, đây chưa phải là vấn đề. Khi không có những nhận định đúng đắn về tình hình để rồi từ đó rút tỉa kinh nghiệm, đồng thời tìm được hướng đi thích hợp với hoàn cảnh, thì có thay đổi nhân sự trong các chức vụ cũng chẳng đi tới đâu. Chắc vì đoán trước được phản ứng của công luận nên Đức cha Nguyễn Chí Linh mới có bài trả lời phỏng vấn đài Á châu tự do ngày 09-10-2010. Đọc bài trả lời đó, cảm tưởng đầu tiên của tôi là Đức cha Linh có vẻ như đã quên những gì đã xảy ra trong những tháng vừa qua, quên những gì ngài đã nói tại lễ nhậm chức Phó Tổng Giám mục Hà Nội ngày 07-05-2010. Về nhân sự trong Uỷ ban thường vụ HĐGM/VN thì, theo lời Đức cha Linh “không có thay đổi gì nhiều”. Về cơ cấu thì lần này “có thêm Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình” do Đức cha Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch. Nếu có ai thắc mắc tại sao đến giờ này mới có Uỷ ban này, thì lý do là vì “từ trước đến nay do tình hình nhân sự không đủ”. Thật ra thì 4 vị trong Uỷ ban thường vụ cộng với 17 vị đứng đầu các Uỷ ban là 21 vị, thì tổng số các giám mục đã vượt con số này từ khuya rồi. Và chẳng biết có phải để thính giả nghe đài đừng “tưởng bở”, hay vì muốn trấn an Nhà Nước Cộng Sản, mà ngay sau khi đề cập đến việc thành lập Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình, đức cha Linh đã vội vàng minh định : “Có lẽ dư luận chung hiểu khái niệm ‘công lý và hoà bình’ khác với quan điểm của Giáo Hội Công Giáo. ‘Công lý’ cũng đồng nghĩa với ‘tình thương’. Bản thân tôi thì nghĩ rằng công lý không đồng nghĩa với tình thương. Có chăng là người tín hữu Chúa Ki-tô, khi tranh đấu cho công lý, khi đòi hỏi các quyền chính đáng của mình phải được tôn trọng, thì chính mình cũng phải tôn trọng luật bác ái yêu thương như Chúa Ki-tô dạy. Vậy thôi. Có vẻ đức cha Linh tìm cách chống chế, tìm cách biện minh cho HĐGM/VN, nhưng với những lý lẽ thiếu tính thuyết phục. Hình như trọng tâm cuộc trả lời phỏng vấn nằm ở cuối bài, khi Đức cha Linh khẳng định : “… đa số người giáo dân Việt Nam sống đạo bình thường chứ không đòi HĐGM/VN phải làm thế nọ, thế kia.” Ta có thể hiểu nôm na thế này : Mấy người căng biểu ngữ, mấy người viết lách trên mạng, chỉ là một nhóm nhỏ tý teo, so với tuyệt đại đa số giáo dân hiền lành, ngoan ngoãn, nghe chuông đổ thì đi nhà thờ, nghe đọc lời nguyện thì thưa “A-men”, nghe lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” thì đáp lại “Và ở cùng cha”, có người đến quyên góp thì xỏ tay vào túi móc tiền ra, v.v… Họ đâu có thắc mắc, đâu có đặt vấn đề, đâu có ký thỉnh nguyện thư đòi hỏi chuyện này chuyện nọ ! Điều không thể nghi ngờ là tuyệt đại đa số giáo dân Việt Nam sống thầm lặng, chu toàn nghĩa vụ của mình với Thiên Chúa và với anh em, nhất mực vâng lời bề trên, hiếm khi dám công khai thắc mắc. Sở dĩ tuyệt đại đa số không hề đặt vấn đề, thường khi vì thiếu thông tin, có khi vì không thấy vấn đề, cũng có khi vì muốn yên thân nên không dám bày tỏ ý kiến. Cứ nhìn vào các xứ đạo mà xem, có được mấy nơi mà giáo dân có thể thẳng thắn góp ý với cha xứ. Nói chi với giám mục. Sau mỗi bài viết, tôi nhận được rất nhiều thư, phần lớn là của anh em linh mục từ khắp nơi, ở trong và ngoài nước, khích lệ, cám ơn tôi “đã nói những điều họ nghĩ mà không dám nói”. Nhưng điều không kém hiển nhiên là chẳng phải đa số đương nhiên đúng. Qua rất nhiều bài viết đầy tâm huyết, đầy tính xây dựng, nhiều sự kiện được nêu lên không thể chối cãi, với những lập luận vững chắc, không thể bẻ gãy, người có trách nhiệm không được phép làm ngơ. Không thể giải quyết vấn đề bằng cách làm ra vẻ không có vấn đề. Nhiệm vụ người lãnh đạo là chỉ đường cho người khác. Nhưng khi tự mình bưng tai bịt mắt, thì đâu còn thấy đường mà chỉ cho ai ! Sau khi tôi viết bài “Đạo để làm gì ?” (Nữ Vương Công Lý, ngày 14-05-2010), có người đã gợi ý cho tôi viết một bài mang tựa đề “Hội Đồng Giám Mục để làm gì ?” Lúc đó tôi nghĩ nếu mình làm như thế sẽ bị cho là hỗn. Thế nhưng đến ngày 20-08-2010, cũng tờ Nữ Vương Công Lý đăng tải bài : “Hội Đồng Giám Mục : Giáo luật và thực tiễn tại Việt Nam” của Lê Thiên, trong đó tác giả đã khám phá ra được 86 điều khoản liên quan đến HĐGM. Xin ghi lại sau đây một đoạn tôi đã viết trong bài “Từ Đại hội nhà văn đến Đại Hội Dân Chúa” (NVCL ngày 28-08-2010). Đoạn đó trích lời khẳng định của Lê Thiên như sau : “… theo nội dung Bộ Giáo Luật, HĐGM là một tập thể những vị Chủ Chăn cùng liên đới trách nhiệm làm ‘tiếng nói cho những người không có tiếng nói’ trong một quốc gia. Bất cứ lúc nào và ở đâu trong địa bàn hoạt động của mình, khi xảy ra một biến cố đụng chạm đến đàn Chiên, thì tập thể Chủ Chăn trong HĐGM cũng đều nhanh chóng can dự vào bằng cách này hoặc cách khác, chứ không lưỡng lự ‘lên tiếng hay không lên tiếng’ để rồi đi tới chỗ vô cảm, vô can và… vô trách nhiệm. Với hàng loạt quyền hạn pháp định, không một HĐGM nào tự cho phép mình nại ra bất kỳ lý do gì để tránh can dự vào việc đấu tranh bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ quyền sống của con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận, tự do tỏ bày tư tưởng hay phát biểu quan điểm, quyền tự do cư trú cùng các quyền tự do căn bản chính đáng khác… !” Không dừng lại nơi những nguyên tắc trừu tượng, Lê Thiên đi thẳng vào các vấn đề thời sự đặc biệt trong hai năm vừa qua : “Những vụ xúc phạm đến các biểu tượng thiêng liêng của người tín hữu, như xúc phạm tới Thánh giá, tới các ảnh tượng và nơi thánh, dù xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước, đều không thể coi là chuyện riêng của một cá nhân, một nhóm người, một giáo xứ hay giáo phận. Trong những biến cố dầu sôi lửa bỏng như trên, hay những vụ đàn áp bắt bớ, tù đày, gây thương tích hoặc làm chết người, làm sao HĐGM có thể nhẫn tâm chần chờ, đắn đo để xem có nên “lên tiếng hay không lên tiếng” ? Chưa nói tới khía cạnh đạo đức và tình người, mà chỉ căn cứ vào mệnh lệnh của Giáo Luật, thái độ không dứt khoát hay cố tình tránh né trách nhiệm ấy khó có thể biện minh dù bằng bất cứ lý lẽ nào. Chẳng những thế, thái độ ấy còn làm cho niềm tin bị giao động và lung lay tận gốc. Cho đến giờ này, chưa hề có ai, kể cả các vị khoa bảng trong HĐGM/VN chứng minh được là Lê Thiên đã sai. Mà nếu Lê Thiên không sai, thì quả là HĐGM/VN đã không chu toàn bổn phận của mình theo đòi hỏi của Giáo luật. Thế thì chẳng có gì quá đáng nếu ta thẳng thắn đặt câu hỏi : Hội Đồng Giám Mục để làm gì ?
|