Nhớ Về Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận |
Tác Giả: Gm. Gioan B. Bùi Tuần | |||||
Thứ Ba, 30 Tháng 11 Năm 2010 06:55 | |||||
Hôm nay, tôi viết đôi chút về Ngài. Như một bó hoa gửi tặng Ngài, dịp mừng thánh bổn mạng Ngài, Phanxicô Xaviê. Bó hoa gồm vài hương sắc tu đức mà tôi học được nơi Ngài. Ngài là một ngôi sao sáng và là một sứ điệp. Nhân lễ thánh Phanxicô Xaviê (03/12/2010)
Bình thường, tôi hay nhớ về Đức Cố Hồng y Thuận như một người bạn. Khi gặp thử thách, tôi hay nhớ về Ngài như một người thánh để học hỏi. Trong cảnh tối tăm, tôi hay tìm đến Ngài, như tìm đến một người gần gũi, để được đỡ nâng. Hôm nay, tôi viết đôi chút về Ngài. Như một bó hoa gửi tặng Ngài, dịp mừng thánh bổn mạng Ngài, Phanxicô Xaviê. Bó hoa gồm vài hương sắc tu đức mà tôi học được nơi Ngài. Ngài là một ngôi sao sáng và là một sứ điệp. 1. Yêu thương Đức Cố Hồng y Thuận có nhiều sức thu hút. Đối với tôi, sức thu hút mạnh nhất nơi Ngài là đức tính yêu thương. Ngài yêu thương bạn bè, trong đó có tôi. Yêu thương đó rất cụ thể, nhất là hết sức chân thành. Ngài yêu thương Quê hương Tổ quốc và Hội thánh Việt Nam . Yêu thương đó được thể hiện trên chặng đường dài. Ngài tâm sự với tôi về những khó khăn đủ thứ Ngài đã gặp trong phục vụ cho tình yêu. Xã hội có gây khó khăn. Nội bộ Hội thánh cũng không luôn dễ dàng. Tính nhân loại ở đâu cũng có. Ngay trong bản thân Ngài cũng không thiếu. Chúa giúp Ngài thắng vượt nhờ cố gắng phấn đấu. Phấn đấu nhất là bằng sự khiêm nhường nhịn nhục. Yêu thương của Đức Hồng y Thuận toả hương thơm khiêm nhường. Khiêm nhường kèm theo quảng đại. Không bao giờ Ngài đã nói lời hận thù đối với những tướng lãnh đã phản bội cậu Ngài là Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Không bao giờ Ngài đã có phản ứng chống đối căm ghét đối với những người đã bắt bớ Ngài. Không bao giờ Ngài đã tỏ thái độ bất kính đối với những người trong Hội thánh đáng lẽ phải nâng đỡ Ngài tích cực hơn trong lúc Ngài bị giam cầm và thiếu nơi nương tựa. Khiêm nhường kèm theo nhẫn nại. Ngài cho tôi biết là suốt thời gian xa Việt Nam , Ngài vẫn giữ liên hệ tốt với Nhà nước Việt Nam . Những năm tháng cuối đời, Ngài muốn về thăm quê hương Việt Nam . Nhà nước Việt Nam đã tỏ ý chấp thuận trên nguyên tắc. Nhưng cần chuẩn bị kỹ, để chuyến về thăm quê đạt được nhiều hiệu quả tốt nhất. Tiếc là ý định chưa thành, thì Ngài đã qua đời. Tuy nhiên, Ngài vẫn luôn là con người hoà giải, đầy yêu thương quảng đại khiêm tốn. Có lẽ cũng nhờ vậy, mà giữa Nhà nước và Toà thánh đã có những bước gần lại, mở ra một trang sử mới. Nếu muốn tìm nguồn gốc của tình yêu thương khiêm nhường nơi Đức Hồng y Thuận, thì không khó. Nguồn gốc đó là tình mến tin của Ngài đối với Chúa. Ngài có Chúa trong mình Ngài. Chúa trong mình Ngài là Chúa tình yêu. Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho Ngài. Nên Ngài yêu thương người khác như Chúa yêu thương. Quảng đại khiêm tốn mà hồn nhiên nhẹ nhàng. 2. Đau khổ Đức Hồng y Thuận đã có nhiều vinh quang. Nhưng Ngài cũng đã nếm nhiều đau khổ. Hỏi về đau khổ thì Ngài mới trả lời. Những gì Ngài nói về đau khổ của Ngài không có tính cách kể lể than vãn. Đôi khi tôi có cảm tưởng là Ngài kể những đau đớn của Ngài, như một chuyện vui, như một chuyện bình thường. Cao thượng là ở đó. Đau khổ của Ngài tất nhiên là những bệnh tật, những xỉ nhục, những thiếu thốn Ngài phải chịu. Nhưng đau khổ của Ngài còn là những tội lỗi vô vàn xung quanh. Ngài rất có kinh nghiệm về sự hiệp thông hiệp nhất trong Hội thánh Việt Nam . Có lần Ngài nói với tôi: Một đống đá to, hòn nọ sát hòn kia, nhưng không dính vào nhau. Đôi khi hiệp thông hiệp nhất ở một vài nơi cũng như vậy. Cảnh đó làm Ngài đau khổ. Đau khổ do nội bộ thường là âm thầm, nhưng xót xa cay đắng. Tuy nhiên Ngài không vì thế mà bớt yêu thương. Ngài dâng tất cả thân Ngài và đời Ngài như một của lễ, hiệp với của lễ Chúa Giêsu trên thánh giá, để cứu độ các linh hồn. Một hôm, tôi đang làm việc trong phòng riêng ở Long Xuyên, thì nhận được điện thoại của Ngài. Ngài nói từ Rôma. Ngài cho biết là lịch sử đời Ngài không còn thuộc về Ngài. Vì thế, Ngài cũng phải nói đôi chút về những đau khổ của Ngài, vì vâng lời mà thôi. Tôi nghĩ những gì Ngài không nói còn nhiều hơn những gì Ngài đã nói. Giờ đây, khi viết về Ngài, tôi mặc chiếc áo ấm mà Ngài đã mặc. Tôi cảm thấy được bình an. Tôi như được Ngài an ủi đỡ nâng. Tôi xác tín: Chúa Giêsu đã cứu chuộc tôi và nhân loại nhờ mầu nhiệm thánh giá, thì tôi cũng phải sống mầu nhiệm thánh giá một cách thiết thực, như Đức Hồng y, bạn thân thiết của tôi. 3. Hy vọng Hy vọng thường xuyên nhất của Đức Cố Hồng y Thuận là một Hội thánh Việt Nam phát triển trong một Tổ quốc Việt Nam phát triển. Được gần gũi Ngài, tôi hiểu sự phát triển của Hội Thánh Việt Nam là phát triển trên nền tảng Phúc Âm. Phát triển từ những việc tốt lành nhỏ, từ những nhóm đạo đức nhỏ. Phát triển cần có những khởi đầu thực tốt. Thực tốt nghĩa là không phải đẹp ở cái vỏ bề ngoài, mà tốt ở thực chất bên trong và đàng sau các hiện tượng. Ngài khuyên tôi phải cảnh giác, đừng bị ru ngủ bởi những lạc quan ảo. Để phát triển trong Hội thánh Việt Nam , Đức Cố Hồng y Thuận hay đề cập đến vấn đề đào tạo. Ngài chú ý cách riêng đến việc đào tạo giáo dân. Ngài mong ước có một đội ngũ giáo dân trí thức có khả năng phục vụ Đất nước. Hy vọng của Ngài hướng về giáo dân là rất rõ, rất mạnh, rất cởi mở. Với tâm tình yêu mến kính trọng, Ngài hay nhắc đến những giáo dân trí thức đã và đang giữ những địa vị quan trọng trong chính trị, khoa học, văn học, kinh tế tại các nước trên thế giới. Ngài hy vọng Hội thánh Việt Nam sẽ cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam những giáo dân tốt, có nhiều khả năng phục vụ trong bất cứ lãnh vực nào. Phục vụ như một đồng hành, như một cộng tác, như một gắn bó. Hy vọng sau cùng của Ngài là được ở bên Chúa đời đời. Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nay đang ở trên thiên đàng. Đối với tôi, Ngài đã là thánh. Tôi cảm thấy Ngài gần gũi hơn xưa. Vì thế, tôi hay gọi Ngài như đã gọi hồi xưa. Chúng tôi cùng nhau khiêm tốn tạ ơn Chúa giàu tình yêu thương xót.
|