Thân ngư nếu muốn thành long Sớm lo nhả ngọc mới mong hóa rồng ( H.V.)
Một thư sinh thông minh tuấn tú, rất chăm chỉ học hành để mong tiến thân bằng đường khoa bảng; nhưng đã ba kỳ thi anh đều dẫm vỏ chuối. Vì vậy anh quyết định tìm lên Thiên Đình vấn hỏi Thượng Đế để biết lý do tại sao anh không đậu!
Anh khởi hành rời nhà được nửa ngày, trưa nắng, thấm mệt nên ghé vào xả hơi dưới gốc cây đa bên lề đường. Tại gốc đa anh gặp hai ông bà già, anh cúi đầu chào hai cụ và được hai cụ hỏi thăm: - Cậu đi đâu mà khăn gói chỉnh tề thế? - Thưa hai cụ, cháu là một thư sinh gắng công đèn sách bao năm qua, đã tham dự ba kỳ thi nhưng đều bị trượt nên cháu muốn thân hành lên hỏi Thượng Đế để biết rõ lý do! Hai ông bà già mừng rỡ liền nhờ vả: - Thật may mắn, nhân tiện cậu lên Thiên Đình, chúng tôi nhờ cậu vấn trình với Thượng Đế dùm. Chúng tôi có một đứa con gái đến nay em nó đã 18 tuổi mà không biết nói, xin cậu hỏi dùm lý do tại sao vậy? Thanh niên trả lời: - Vâng, cháu sẽ gắng nhớ để hỏi cho hai cụ.
Sau khi nghỉ ăn trưa, anh tiếp tục lên đường. Đi được một quãng anh lại gặp một ông già đứng bên đường trước một ngôi nhà rất khang trang. Ông cụ thấy anh liền chào hỏi: - Chào cậu, trông cậu có vẻ thư sinh, khăn gói chỉnh tề chắc lên tỉnh trọ học phải không? - Thưa cụ không, cháu có chút việc riêng cần lên Thiên Đình để thỉnh ý Thượng Đế! - Ồ, thế thì rất may! Luôn tiện tôi nhờ cậu hỏi giúp hộ tôi xem; cậu hãy nhìn mười cây khế của tôi kia, thông thường người ta trồng chỉ bốn hay năm năm là có trái, nhưng tôi trồng đến nay đã mười năm rồi vẫn chưa có trái. Vậy nhờ cậu vấn trình Thượng Đế giúp tôi xem tại sao vậy? - Vâng, xin cụ an tâm, cháu sẽ hỏi giúp hộ cụ. Nói xong anh lại tiếp tục lền đường. Đi được một quãng anh phải lội qua một khúc sông nhỏ, thình lình đụng vào một con cá chép khá lớn. Nó chồm lên và nói với anh: - Tôi đoán không lầm cậu đang trên đường lên Thiên Đình, vì tôi biết đây là lối lên Thiên Đình, nên tôi quanh quẩn ở đây đã lâu để chờ xem có ai đi, tôi nhờ hỏi Thượng Đế hộ rằng tôi đã tu đến nay được năm chục năm rồi mà không hiểu lý do tại sao vẫn chưa hóa rồng! Vậy nếu đúng là cậu lên vấn an Thượng Đế thì nhờ cậu hỏi giúp tôi được không? - Chú mình đoán không sai, tớ sẽ nhớ hỏi hộ chú mình trước. Con cá chép mừng rỡ vẫy đuôi chào tiễn biệt và anh lại tiếp tục cuộc hành trình.
Khi lên đến Thiên Môn, sau khi trình bày lý do để xin yết kiến Thượng Đế. Chờ đợi một lúc thì anh được gọi vào trình diện. Trước Thiên Nhan, anh cúi rập xuống đất và cất tiếng tung hô: - Vạn tuế, vạn vạn tuế, Thánh-Hoàng vạn vạn tuế! Thượng Đế liền phán:
- Miễn lễ, nhà ngươi muốn hỏi ta việc gì, hãy tâu mau?
- Bẩm tâu Thánh Thượng: Trên đường đi, con gặp một con cá chép nói; nó đã tu luyện được năm mươi năm rồi nhưng chưa hóa thành rồng nên nhờ con lên tâu với Thánh Thượng để biết rõ lý do?
- Ngươi về nói cho nó biết, nó chưa thể hóa nổi rồng được vì trong miệng của nó còn mải ngậm một hòn "Hồng - Ngọc." Vậy còn điều gì tâu tiếp:
- Bẩm tâu Thánh Thượng, một cụ già than phiền rằng; cụ ta trồng mười cây khế đã được mười năm nhưng vẫn chưa có trái, cụ nhờ con tâu với Thánh Thượng để biết lý do tại sao lại lâu như vậy?
- Ngươi cũng về nói cho ông ta biết, những cây khế chưa đủ sức ra trái, vì ở dước gốc của chúng còn chôn hũ vàng ngăn không cho rễ phát triển để sinh hoa, nghe chưa! Còn gì khiếu nại nữa không?
- Bẩm tâu Thánh Thượng, hai ông bà già có đứa con gái đã mười tám tuổi mà chưa biết nói, nhờ con tâu với Thánh Thượng để biết nguyên do tại sao chưa biết nói?
- Ngươi về nói lại cho ông bà ta biết, lý do con gái của ông bà ta chưa nói, không phải vì nó không biết nói mà vì nó thiếu tình thương của gia đình, trong nhà mọi người chê bai và ghen ghét nó nên nó buồn không muốn nói đó thôi!
Anh định tiếp tục cất tiếng trình bày để hỏi về trường hợp của anh; nhưng Thánh Thượng ra lệnh gọi người khác vì mỗi người chỉ được phép hỏi có ba câu thôi, nên anh đành phải lạy tạ và ra về. Trên đường trở lại quê, khi tới khúc sông anh gặp con cá chép đã đang chờ ở đó cất tiếng hỏi: - Thưa anh, đã hỏi cho em chưa? - Thánh Hoàng trả lời: chú mày chưa thể hóa rồng được vì trong miệng chú mày còn mải ngậm một viên "Hồng Ngọc" nên nặng làm sao có thể cất cổ để bay vượt vũ môn! Con cá chép chợt nhớ, liền nhả hạt ngọc ra và tặng cho ân nhân. Hạt ngọc vừa rời khỏi miệng nó, nó liền biến thành con rồng quạt cánh bay đi. Anh thư sinh mừng rỡ và tiếp tục đi về.
Từ xa ngó thấy anh thư sinh đang tiến lại, cụ già mừng thầm chắc chắn anh ta đã biết được lý do, nên sai người nhà chuẩn bị pha trà đãi khách. Khi anh thư sinh vừa tới, cụ gọi bưng trà lên mời khách và liền thăm hỏi: - Thiên Đình chắc hẳn là vui lắm phải không cậu, cậu đã hỏi giúp tôi chưa? - Bẩm cụ, Thánh Hoàng bảo con về thưa lại với cụ; lý do những cây khế chưa ra trái được, chỉ vì dưới gốc mỗi cây có chôn một hũ vàng.
Ông cụ sực nhớ, liền sai gia nhân đào lên và để cám ơn, cụ tặng cho anh thư sinh một nửa số vàng. Anh mừng rỡ, cảm tạ lòng hảo tâm của cụ già rồi bái biệt để tiếp tục hồi quê. Từ xa dưới gốc cây, hai ông bà mà anh gặp đầu tiên đang đứng đưa tay vẫy chào, khi anh tới nơi hai ông bà mừng rỡ chạy ra ôm anh chào và hỏi thăm kết quả, anh lễ phép trả lời: - Thưa hai cụ, Thánh Thượng bảo con về trình lại với hai cụ hay là con gái của hai cụ chưa nói bởi vì cô ấy thiếu tình thương!
anh vừa dứt lời, từ sau gốc cây một cô gái xinh đẹp bước ra cúi đầu chào, anh mừng rỡ đáp lễ và tỏ lời cảm mến. Cô gái thỏ thẻ cất lời đáp lại với lòng rất ngưỡng mộ anh, vì mải lo cho người mà không hỏi được vấn nạn của mình. Cảm phục nhân đức của anh, cô xin phép cha mẹ cho cô kết duyên cùng chàng thư sinh. Hai ông bà mừng rỡ thấy con gái mình nay đã nói được nên hân hoan nhận lời, liền chọn ngày lành và mời họ hàng làm lễ thành hôn cho hai người.
Viên "Hồng Ngọc" được con cá chép cho, anh dùng làm của lễ cầu hôn tặng lại cho người yêu. Nhờ có năm hũ vàng và được vợ thương yêu chăm lo việc nâng khăn sửa túi . . . anh thư sinh đã tập trung tất cả vào công việc dùi mài kinh sử. Ngay năm sau dự cuộc thi đình anh được chấm đậu khôi nguyên và xuất chính.
Câu chuyện kể trên đã giúp ta nhận thức được bài học rất quý giá là hãy lo cho tha nhân trước còn phần của ta, dẫu chưa kịp trình bày thì chính Đấng có quyền ban ân huệ, Ngài biết rõ những gì xứng đáng cho ta được hưởng, Ngài sẽ tự sai người khác bù đắp cho ta.
Chúa dạy: "Yêu người như chính mình vậy. . ." Chàng thư sinh đã quên mất mục đích chuyến đi của anh để thực hành lòng bác ái đối với tha nhân, không ân hận, không than vãn về phần mình chưa kịp hỏi. . . để cuối cùng anh được tất cả: Vợ trẻ đẹp, đỗ đạt, quyền cao chức trọng, giầu sang phú qúy . . .
Cô gái, có thể chỉ vì chậm biết nói khiến người thân nghĩ rằng. . . bị tật nguyền nên khinh dễ. Cô cảm thấy buồn tủi, cô đơn không người tâm sự nỗi niềm. . . đành làm thinh chưa muốn nói vì thiếu tri âm để trao lời tâm sự đó thôi! Vì vậy chúng ta cần khôn khéo cư xử, an ủi những người xấu số tật nguyền!
Khi cầu nguyện, chúng ta cần nhớ đến mọi người, đặc biệt cho những người kém may mắn hơn ta. Ta cùng bắt chước gương Thánh Saint Francis of Assisi cầu nguyện:
Lord, make me an instrument of Your peace Where there is hatred, let me sow love, O Divine Master, grant that I may not so much seek to be consoled as to console; To be understood, as to understand; . . . .
Thỉnh cầu Chúa biến con ra Hòa bình công cụ quả là tuyệt thay Yêu thương hạt giống gieo đầy Khắp vùng thù hận, hạt này nở tươi . . . . Cầu xin Chúa hướng dẫn luôn Tìm người an ủi, Chúa thương mớm lời ủi an, con chẳng cần người Hiểu người, con chẳng cần người biết con . . . . . Để rồi muốn được như Thiên Thần, ta cần từ bỏ bớt nặng nề của thụ tạo, ghen ghét, ích kỉ để thân hình được nhẹ nhàng hầu dễ dàng bay lượn. Cũng như “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Thiên Đàng.” Vì "con lạc đà" muốn chui qua cổng "lỗ kim" một cách dễ dàng chỉ cần rỡ bớt những hàng hóa chồng chất trên lưng thôi . . . !
Cảm Đề
Miệng còn ngậm ngọc ở bên trong Nặng trĩu khôn bay để hóa rồng Bởi khế chưa hoa sao kết trái Vì vàng cản rễ khó đơm bông Yêu thương chẳng có con đành nín Đâu biết chờ mong khách mở lòng Thụ tạo tách rời thân nhẹ nhõm Thiên thần bắt chước dễ như không.
|