Home Đời Sống Tôn Giáo Đêm Giáng Sinh

Đêm Giáng Sinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Yên Lưu   
Thứ Ba, 28 Tháng 12 Năm 2010 08:14

Hỡi Thượng Đế, suốt đời con đơn chiếc, đi vu vơ như lạc nẻo Thiên Đường


Cách đây gần một thế kỷ, nhà thơ Hải Nam Đoàn Như Khuê, trong thi phẩm Một tấm lòng (in 1917), cảm xúc cuộc đời nhiều nỗi thăng trầm lắm chông gai, đã viết bài thơ Bể thẳm trong có những câu thấm thía về thân phận làm người:

Quá cảnh bèo trên mặt nước trôi
Nước trôi bèo nổi ngán cho đời
Cuộc đời đổi đổi thay thay mãi
Trải mấy lần dâu hóa biển khơi...

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười!
Dẫu cười chưa hẳn đã là vui
Trần vui sao lại cho là tục:
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi!

Khi đau khổ con người thường tìm tới Thượng đế, tìm tới Phật xin ban phúc lành và đôi khi hoang mang như Tạ Ký từng than thở không biết lời nguyện cầu xin cứu rỗi có tới đấng thiêng liêng hay không:

Chúa thì xa, Phật cao vút tầng không
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng
Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ
Nhưng con người yêu đuối, một cây sậy trong vũ trụ, còn biết sao, ngoài việc cầu nguyện.

Như chúng tôi đã từng viết: “Thế mà mùa Giáng sinh là mùa mơ ước và là mùa nguyện cầu. Lời nguyện cầu khẩn thiết nhất từ cõi trần vọng lên thiên không cao vòi vọi thường từ những kẻ tài hoa, ăm ắp tình riêng, vời vợi tình chung nhưng tình không thỏa vì số phận hẩm hiu và đường đời lắm chông gai. Trong lúc tuyệt vọng, kẻ có nỗi lòng trăn trở, có niềm tin son sắt, chỉ còn biết quỳ xuống lạy Đấng Cao Xanh để giãi bày tâm sự và xin ban phúc lành.

Hàn Mặc Tử trong khi quằn quại vì cơn bệnh cũng đã cầu xin Đức mẹ Đồng trinh:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng trinh truyền thanh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang…

Đó cũng là trường hợp nhà thơ Tạ Ký trong bài Đêm giáng thế. Tác giả Sầâu ở lại đã nguyện cầu Thượng đế khi ông lạc lõng giữa dòng đời hoa lệ nhưng ngập bùn nhơ:

ĐÊM GIÁNG THẾ

Hỡi Thượng Đế, suốt đời con đơn chiếc,
Đi vu vơ như lạc nẻo Thiên Đường,
Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.
Con ngẩng mặt: đêm nay trời nạm ngọc,
Quê Cha đâu? Đường lối hẹp kinh kỳ.

Thuyền vật chất trôi xuôi về địa ngục,
Trong hồn con còn dội bước con đi.
Nợ với Đất ngày mai con trả Đất,
Đời vui chi, cười khóc vẫn xô bồ!
Tiếng chuông Chúa những chiều sầu sắp tắt
Gọi đêm về vây phủ kín thành đô.

Đêm Giáng thế, chiên lành quỳ lạy Chúa
Thương đàn chiên nằm dưới gót sài lang,
Chúng con sống đau buồn trong khói lửa,
Thây chồng thây, ngăn mất lối Thiên Đường.

Đấng Cứu Thế tình yêu trùm vũ trụ
Vâng Ngôi Cha làm một kẻ chăn cừu,
Xin vớt lấy những linh hồn đen tối,
Đang điên rồ cười khóc suốt đêm thâu.

Có hiểu cuộc đời ngắn ngủi và khảm kha bất bình của Tạ Ký mới cảm thông tâm trạng của ông trong Đêm giáng thế.

Bài thơ là những lời thành thực, bộc bạch nỗi lòng của một kẻ ở trần thế tìm cơ hội để xin đấng cao xanh cứu rỗi và làm tròn ước mơ yêu thương của mình.

Đêm thanh vắng là một cơ hội tốt để nguyện cầu nhưng thời điểm tối ưu cho kẻ có số phận bi thương ngỏ tâm sự đoạn trường và xin giải thoát đau thương chính là những đêm thiêng liêng như đêm Giáng sinh.

Đêm Giáng sinh, tất cả đều yên tĩnh và lắng đọng, tất cả đều thiêng liêng, tiếng chuông từ giáo đường vọng lại, đánh thức con người thực ở nhà thơ. Tiếng chuông trong trường hợp này có khả năng “ru hồn kẻ khổ” và khi ấy lời cầu nguyện và giãi bày tâm sự của Tạ Ký với Thượng đế xuất phát từ trái tim, một trái tim trong phút chốc không vướng bụi trần, nên đã kết thành những dòng thống thiết nhất.

Đọc kỹ bài Đêm giáng thế mới thấy chân dung bề trong của Tạ Ký. Trong cuộc sống nhà thơ xứ Quảng rất đa tình, yêu rất nhiều và bạn bè không thiếu. Tập thơ Sầu ở lại của ông trong mấy chục bài thơ thì có tới hai phần ba tặng bạn bè thân thiết như Lê Vĩnh Thiều, Thế Viên, Bùi Giáng và Phổ Đức... Thơ tình thì nhiều nhưng tặng bạn tình thì ít. Sao vậy? Thì ra kẻ tài hoa đa tình, đa cảm khát vọng tìm tri kỷ, tri âm nhưng chẳng bao giờ thỏa. Hơn nữa, mộng tưởng cuộc đời đẹp như chuyện thần tiên không thành “rồi những chuyện thần tiên bên xó bếp, chẳng làm mê lứa tuổi đã ba mươi” nên rốt cuộc cùng với cơn khói lửa lan tràn trên đất nước, Tạ Ký chỉ thấy đời với những nét bi quan, đổ vỡ và đầy hoài nghi:

Có thuở chiên lành mến Chúa,
Nơi nơi cỏ mướt, đồng xanh,
Có thuở đời là nhung lụa,
Danh từ chỉ có Em, Anh.

Lạy Chúa mùa xưa đã hết,
Không còn nhung lụa, anh em.
Nhân loại đi vào cõi Chết,
Giẫm tan từng giọt sương đêm.

Phải chăng vì thế mà nỗi cô đơn, cảm giác lạc lõng nơi cõi đời, không biết hướng tìm tới thiên đường, có thực ở tâm hồn tác giả Sầu ở lại:

Hỡi Thượng Đế, suốt đời con đơn chiếc,
Đi vu vơ như lạc nẻo Thiên Đường,

Tạ Ký sống trong thời loạn, vào một lúc yếu đuối nhất và bất lực nhất chỉ còn biết nguyện cầu Thượng đế ban bố tình thương và chỉ lối cho mình khi nhà thơ cảm thấy bơ vơ trong muôn nẻo kinh kỳ đang trôi theo con thuyền vật chất hướng tới địa ngục:

Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.
Con ngẩng mặt: đêm nay trời nạm ngọc,
Quê Cha đâu? Đường lối hẹp kinh kỳ.
Thuyền vật chất trôi xuôi về địa ngục,
Trong hồn con còn dội bước con đi.

Trong Đêm thánh vô cùng, hoài bão tuổi thơ vốn bị chôn vùi bấy lâu, có cơ hội bùng lên khi tiếng chuông lay động tận đáy linh hồn. Từ đó những lời cầu nguyện chân thực thì thầm trong đêm vắng:

Đêm Giáng thế, chiên lành quỳ lạy Chúa
Thương đàn chiên nằm dưới gót sài lang,
Chúng con sống đau buồn trong khói lửa,
Thây chồng thây, ngăn mất lối Thiên Đường.

Đấng Cứu Thế tình yêu trùm vũ trụ
Vâng Ngôi Cha làm một kẻ chăn cừu,
Xin vớt lấy những linh hồn đen tối,
Đang điên rồ cười khóc suốt đêm thâu.

Càng cô đơn, càng lận đận và chán chường nhân thế, niềm tin yêu vào đấng thiêng liêng ở Tạ Ký càng in đậm trong thơ ca. Càng bị đời hất hủi và chứng kiến lòng người đen bạc, Tạ Ký càng mơ ước tình thương chan hòa giữa người với người. Đó là những nét độc đáo nhất trong thơ Tạ Ký:

Chúng con quỳ dâng ngưỡng mộ,
Lòng Tin sấm sét không dời.
Vũ trụ rồi đây sụp đổ,
Điềm xui từ cánh sao rơi.

Chúng con thương nhau trọn kiếp
Như lời Chúa dạy từ lâu,
Chắc chẳng còn gì cao đẹp
Cho bằng nhân loại thương nhau.

Người ở chốn xa xăm có gửi về tâm sự cho kẻ bên song đan áo hay không ta không biết. Nhưng ta biết chắc chắn mùa đông thê lương và kỷ niệm tái tê, khiến biết bao kẻ đã yêu, lại một phen ngổn ngang tâm sự. Tâm sự như ngọn lửa bùng lên tạm thời làm tan cơn băng giá nhưng băng tan thì cơn đau thấm thía hơn, khi nghe tiếng chuông Giáng sinh như Đinh Hùng từng viết:

Khi mắt em rung bóng giáo đường,
Chiều mưa trên mái tóc tha hương.
Anh đi trong gió và anh nguyện
Tìm những hồn đau lạc biển sương.

Anh đợi em về đêm Giáng sinh
Nghe hồi chuông vọng thấu tâm linh
Mùi hương thoảng gót chân hoài niệm.
Thương nhớ từ đâu bỗng hiện hình.

Tuy nhiên, con người nhiều khi vô ơn, tự mình chuốc khổ, tự mình làm lỗi, rồi than trời trách đất, chẳng hạn như Nguyễn thị Hồng, một nhà thơ nữ đương đại tuy quỳ trước bục giáo đường vào dịp Giáng sinh nhưng chỉ để buông lời oán trách trước cuộc tình tan vỡ trong bài Thánh Chúa:

Chúa ơi!

Trái tim con ngon lành lắm Chúa
Nó biết dịu mềm khi chạm cỏ non tơ
Sao Chúa nỡ bắt nó đem thử thách
Những khổ đau cùng tận bây giờ.

Chúa nỡ cho nó thấy cái ánh ngày mùa hạ
Rồi lại giam cùng u ám mùa đông
Để suốt đời nó giày vò trong nỗi nhớ
Cái ánh vàng óng ánh xa xăm.

Trái tim con cần đâu nhiều lắm
Nó lánh xa địa vị danh quyền
Những hào nhoáng lớn lao chẳng dám
Nó chỉ khát khao một ánh mắt dịu êm.

Chúa nỡ cho nó nếm cái ngọt ngào hòa hợp
Cho một trái tim gặp một trái tim
Rồi Chúa lại bắt nó sống trong đơn độc
Để suốt đời nó ngơ ngác kiếm tìm.

Chúa ơi!

Trái tim con không yên bình đâu nhé
Nó ì ầm muôn đợt sóng ngầm
Và con e một lúc nào, ai biết
Nó sẽ cuốn phăng mọi lời Chúa răn.