Nhân đọc nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ, gặp bài viết về Thánh Damien linh mục của những người cùi, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Đồng thời tôi cũng nẩy sinh nỗi khát khao: ước gì mình được mắt thấy tai nghe về những yếu đuối, vấp váp nơi chính con người của linh mục Damien lúc còn tại thế và cách thức để ngài khắc phục. Tại sao? Tại vì cái hay của ngài làm sao tôi theo được! Phải biết cái dở của ngài để tôi còn dám mơ đến nước Thiên Đàng.
Thế rồi tôi mong được ước thấy. Ấy là để thưởng Nhật và Châu ngoan, một tối cuối tuần vợ chồng tôi cho hai con đi mướn cuốn phim có nội dung giải trí lành mạnh mà chúng thích. May quá thấy phim “Damien, The Leper Priest” (Damien, Linh Mục Người Cùi) cũ rích tự bao giờ, tôi mướn cho mình.
Phim chiếu lên là chồng con bỏ đi hết (vì quen xem phim màu nên phim đen trắng đâu có hấp dẫn, lại cảnh cùi lở). Nhưng tôi thì dán mắt xem và lắng tai nghe với tất cả sự háo hức lẫn xúc động ngập lòng. Linh mục Damien là vị linh mục hiển thánh vẻ vang. Tôi nghĩ rằng theo dõi bước chân của ngài giữa thế giới người cùi chính là mình được mắt thấy tai nghe, nói chung là được mục kích tỏ tường con đường đi lên Thiên Quốc vâỵ…
Tài tử Ken Howard da trắng, to cao, đẹp một cách vừa trí thức, vừa đạo mạo, thủ vai linh mục Damien. Giữa đám dân cùi đa số gốc Á Châu đã nhỏ người, đen đủi, lại thêm cùi lở… ông càng rực rỡ như một thiên thần.
Tôi vốn quan niệm dù bất kỳ ai có bề ngoài nom xấu xí, dốt nát, mà dám xả thân vô vị lợi vì lòng kính Chúa yêu người vẫn đáng hâm mộ thay. Huống chi người có vóc dáng diện mạo vừa đẹp vừa trí thức nữa, sự hâm mộ và cuốn hút thêm biết bao, sẽ làm lợi cho nước Chúa dường nào. Bởi vậy, mắt xem, tai nghe, lòng trí tôi không khỏi liên tưởng đến những vị anh hùng trong sử sách của dân tộc mình. Những vị mà khi tổ quốc lâm nguy là dứt khoát khẳng định: “Thử thân sinh tử hà tu luận” (Thân này sống chết không bận tâm bàn đến) nên đã để những nét son ngàn đời cho nòi giống Rồng Tiên. Thì đây, linh mục Damien, người con ưu tú của Giáo Hội, quên mình đi để đáp lời Chúa gọi, vượt đai dương đếm với người cùi.
Đoàn người cùi hầu như bị sống cô lập trên hoang đảo. Tàu đưa linh mục đến “tình” biết bao mà vẫn đậu tít ngòai khơi vì “tránh như tránh hủi”! Tấm lòng, sự hăm hở tràn trong dáng điệu và ánh mắt vị linh mục. Nhưng, cái yếu đuối “rất người” đầu tiên của ngài: tuy quả quyết bước xuống xuồng để được đưa vào bờ mà chợt thấy bàn tay cùi mất mấy ngón của anh bơi xuồng đưa cho nắm, ngài rụt tay không dám nắm. Anh phải cầm khúc cây đưa thì ngài mới nắm khúc cây để bước xuống xuồng. Rồi vừa lên bờ, ngài lại vướng thêm một vấp váp nữa cũng “rất người”. Ấy là giữa đám dân cùi lở thật quá tội và nặng những nỗi niềm câm nín đang đứng đợi đón mình, lẽ ra ngài phải cảm thông xúc động lắm (bởi không, ngài tình nguyện chi), đàng này ngài có vẻ ghê ghê sợ sợ nên thái độ thì hững hờ xa cách. Còn lời nói thì lạnh lùng và buông chỉ một câu: “I am father Damien. I’m your priest”. (Tôi là cha Damien. Tôi là linh mục của anh chị em) Tiếp theo là cảnh dọc đường thấy dân chúng cùi nướng thịt chó chết ăn mà ngài tởm (Người Âu Mỹ đâu có kiểu ăn thịt chó) nên buột miệng hỏi những điều chạm đến nỗi đau và lòng tự trọng của người cùi. Đến nơi, thấy cảnh nhà thờ đã không ra nhà thờ mà cỏn hoang phế tiêu điều, cảnh dân cùi sinh sống ở trong những hang ổ tồi tàn, tối tăm chớ làm gì có nhà… Ngài vừa kinh khiếp vừa bàng hoàng ngơ ngác. Nhưng tấm lòng và sứ mệnh khiến ngài lao trở ra nhà thờ, cúi nhặt từng cuốn sách kinh với “mớ đồ nghề” làm lễ đặt tử tế trở vào túi hành trang bé nhỏ của mình mà ai đó tưởng lầm là có gì quí giá, mở ra toan đánh cắp, rồi vứt vương vãi đấy (tại lặn lội đi đón mà đụng phải sự hững hờ xa cách, họ chở ngài đến sân nhà thờ thì thả xuống, ném luôn đồ đạc xuống, bỏ mặc đó. Phần ngài, quá ngơ ngác trước cảnh nhà Chúa và cảnh của dân tình, đâu để ý chi đồ đạc của mình nữa!) ngài hăng hái cầm dùi, đánh vào cái chuông sắt thô sơ bị bỏ lăn lóc ngoài sân đất, vừa đánh vừa thống thiết kêu gọi: “This Church is now open. Come for confession”. (Nhà thờ bây giờ mở cửa. Xin mời hãy đến xưng tội) Chuông vang. Tiếng ngài vang. Chỉ có một sự im lìm đáp trả… .
Ô kìa có bà mẹ cùi với cô con gái nhỏ đến xưng tội. Niềm vui tràn trở lại trong mắt vị linh mục dù chưa có thêm được người thứ ba đến xưng tội như ngài thống thiết kêu mời. Tưởng vậy đã yên, nào ngờ lúc ăn ngài lại vướng thêm vấp váp nữa cũng “rất người”. Tay bưng đĩa thức ăn quá đạm bạc mà còn do người cùi nấu, ngài đã thấy không thể nuốt. Thêm ngó đám dân cùi lở loét ngồi xúm quanh dưới đất ăn, ngài đâu dám ngồi chung, ngồi tách xa xa dưới gốc cây để ráng nuốt. Nhưng, chưa kịp nuốt miếng nào thì mấy con chó có lẽ vừa đói, vừa thấy ngài lạ, sủa vang. Ngài ném đĩa thức ăn cho đàn chó, ném với vẻ gớm ghiếc bực tức… Thế rồi trải bao cố gắng lẫn cầu nguyện, ngài vẫn thấy mình thất bại và bất lực. Mike Farell trong vai bác sĩ Robertson, bác sĩ Công Giáo đã tình nguyện đến đảo này phục vụ người cùi từ nhiều năm trước, thẳng thắn vạch những sai lầm của ngài. Từ việc ngài không dám nắm tay người đi đón rước mình, tới việc muốn đem Chúa đến với họ mà tiếng họ nói, chữ họ viết, ngài mù tịt thì lấy ra đâu sự cảm thông… bởi vậy ngài nên về đi, ở làm chi vô ích. Cuối cùng ngài bỏ về thật. Nhưng vừa lên tàu, chạm mặt viên thuyền trưởng - một điển hình của lối sống ích kỷ và thói rẻ khinh kẻ khốn khó tật bệnh – thì con người hướng thượng và từ ái của Chúa trong ngài được đánh thức. Giữa trùng khơi lộng gió, trên con tàu rộng thênh thang mà trước mặt ngài: chướng mắt thay và tù túng thay tấm lưới chắn lạnh lùng giữa boong tàu! Đằng sau tấm lưới chắn, lúc nhúc đám người cùi lở chen chúc nhau như thể được chỗ đứng, chỗ ngồi, kể cả chỗ thở. Quanh đấy nhưng đống nào ván nào cây…. Và rồi hang chữ: “Sacred Hearts Mission” (Dòng Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Và Mẹ) viết nguệch ngoạc lên bảng nhỏ gắn khiêm nhường bên góc lưới chắn, bỗng đập vào mắt, làm thức tỉnh mãnh liệt trong ngài sứ mạng của mình: sứ mạng truyền bá tình yêu thương, đem Thánh Tâm Chúa đến mọi người…. Ngài tiến lại sát tấm lưới, sà xuống, tươi cười dang rộng đôi tay… Một cô bé tiến đến. Ngài ôm bé, bồng bế bé, vui cười hỏi bé muốn tỏ lòng yêu mến ai thì phải làm sao? Bé ngây thơ trả lời là phải hôn. Thế là ngài hôn bé và bé hôn ngài. Ngài hỏi bé có muốn hôn thuyền trưởng để tỏ lòng yêu mến? Bé gật đầu, toan lao đến thì thuyền trưởng dù đứng xa tít mà hoảng hốt vừa lùi, vừa xua tay. Đoàn người cùi sau tấm lưới chắn mừng vui, nhìn ngài đầy thiện cảm. Ngài trở lên bờ cùng với đám người cùi mới này trong niềm vui. Và rồi, giữa đám người cùi cũ hãy còn rụt rè đứng xa xa, và có lẽ cũng ngạc nhiên tại sao ngài quay trỏ lại, ngài vui vẻ dang rộng tay trìu mến nói: “Come, I’m your priest. I’m your servant.” (Lại đây! Tôi là linh mục của anh chị em. Tôi là người phục vụ anh chị em). Dáng điệu thấy đã muốn gần, thêm nôi dung lời nói… cà đoàn cùi hớn hở xúm quanh ngài.
Từ đấy, đảo hoang đất chết đã thành đất sống. Vang vang muôn ngàn câu hát tiếng cười. Nhà Chúa tuy đơn sơ, loang lổ nhiều màu sắc (sơn màu trắng rất cần để pha chế mà không được cho, chỉ được cho những màu khác thôi), nhưng giờ Thánh Lễ quy tụ nhiều người, không khí trang trọng và cảm động biết bao! Bài giảng tuy được ngài cố gắng nói theo ngôn ngữ của mỗi sắc dân nhưng nửa chừng lại bị “ngọng” phải tra tự điển… tạo cho bầu không khí thêm vui tươi, thân thương cởi mở… .Tình thân thương càng thêm đậm đà và đạt đích điểm khi bệnh cùi được phát hiện nơi người thừa sai của Thiên Chúa. Từ đây, ngài gọi các giáo dân cùng khổ này là “my friends”, (những người bạn cùng cảnh ngộ). Bác sĩ Robertson, mới ngày nào chê trách ngài, thì lúc này cảm phục. Chính bác sĩ cũng bị lây chứng bệnh ghê tởm này, đã sống tuyệt vọng, mất đức tin. Tiếc rằng bác sĩ Robertson sau khi đươc ơn trở lại đã kết liễu đời mình ngay trong đêm hôn lễ, để lại người thiếu nữ thơ ngây từng tha thiết yêu mình mà lâm cảnh chửa hoang vò võ tháng ngày. Giờ được làm vợ thì chồng tự sát, bào thai vô tội lớn lên thiếu vắng người cha… Vào thời điểm xem như thành công trong việc truyền giáo, ngài lại vấp phải một lỗi lầm nữa, cũng “rất người”. Một vị linh mục trẻ được tăng viện, nhiệt thành muốn sửa sang nhà Chúa thêm khang trang, mỹ thuật (lúc này sơn trắng khá dồi dào và mọi thứ đều phong phú) nên huy động dân cùi cùng lảm với mình. Đang làm, ngài hay được, bắt phải ngưng. rồi bao báo cáo vu khống cho ngài, cộng thêm những hờn ghen đố kị của bạn đồng hành mà không đồng điệu, không đồng tâm ngay trên hoang đảo và cả nơi đền đài cung điện nơi đất liền, tuy có tàn phá thêm tấm thân cùi lở, sức ngày một hao, lực ngày một kiệt; nhưng ngài vẫn quyết một lòng phục vụ cho đoàn người cùi. Phút lâm chung, lời trăn trối của ngài không gì ngoài việc muốn vị linh mục trẻ nên sớm sửa lại nhà Chúa theo như ý thích. Xem cuốn phim, nhiều đoạn tôi không cầm được nước mắt, nhất là đoạn kết. Đẹp làm sao lời trăn trối. Một lời trăn trối thật tuyệt vời, lành thánh. Nó mang trọn ý nghiã của lòng bao dung hỉ xả và cải hóa: khoan dung với tha nhân và nghiêm nhặt với chính mình. Tôi nghĩ chỉ với lời trăn trối này thôi, đủ để Chúa thưởng ngài nên thánh rồi, huống chi còn bao việc tốt lành âm thầm nhưng rực rỡ khác ngài đã làm. Ngoài bài báo ngắn gọn từ nguyệt san “Trái Tim Đức Mẹ” ca ngợi cha Damien, tôi chưa có dịp đọc cuốn sánh nào viết cách chi tiết về đời truyền giáo của cha được giáo quyền chấp nhận để kiểm chứng xem cuốn phim này thực hiện đáng tin cậy hoàn toàn không? Nhưng, nếu quả tình cha Damien trong quãng ngày truyền giáo, có yếu đuối, có va vấp như vậy, cũng không đáng ngạc nhiên. Bao lâu còn mặc lấy xác phàm giòn mỏng, bất kỳ ai dù đức độ đến đâu cũng không sao trách khỏi những lúc yếu đuối và va vấp. Bởi thế, coi như tôi được thỏa mãn vì vừa biết cha cũng có những yếu đuối và va vấp, vừa khám phá ra phương cách cha khắc phục. Phương cách đó chính là tấm lòng với quyết tâm nỗ lực của bản thân và ơn Chúa. Không có ơn Chúa thì dù có tấm lòng, có quyết tâm cũng chẳng đi đến đâu. (Đấy, cái lúc cha lên tàu trở lại đất liền, hàng chữ “Sacred Hearts Mission” viết nguệch ngoạc rồi đính lấy có, chính là ơn Chúa đánh động cha kịp thời và đúng lúc. Nếu không, có lẽ cha cũng chỉ như bao vị linh mục khác đã từng đền và đã từng đi…).
Từ điểm hiểu khám phá này, tôi bỗng vỡ ra một điều: từ nay thôi mình chớ bao giờ chê bai hoặc ác cảm với những ai cứ sống mãi trong tối tăm tội lỗi, hay đang tốt lành mà rồi chẳng ra gì. Bởi tội cho họ lắm. Họ chưa được ơn Chúa soi sáng cho; hoặc được rồi nhưng bị mất. Mình mà thiếu ơn Chúa hoặc mất ơn Chúa thì mình cũng như họ, không chừng còn tệ hơn. Cũng như tôi hiểu mình đừng kiêu hãnh về nhưng gì tôt đẹp mình làm được. Bởi ai chẳng muốn làm, nhưng người thì may mắn được Chúa trợ giúp sớm, kẻ vẫn cứ phải chờ, kẻ lại vĩnh viễn không!.. Phải nói bình thường thì sự phù du giòn mỏng cùa kiếp người ít thấy lắm, nhưng vào phim là dễ thấy vô cùng. Chỉ có 96 phút mà mở ra rồi khép lại cuộc đời của linh mục Damien từ hình ảnh đẹp trai trí thức “quyến rũ” chết người ở đầu phim, đến hình ảnh già lão hom hem còn thêm cùi lở và cuối cùng thì tắt thở kết thúc cuốn phim. Nhưng, cái bọt bèo tạm bợ của kiếp người, qua ngài lại có một ý nghiã tuyệt vời.
Bởi vậy, tôi thấy nếú mình cảm nhận được Chúa gọi mình ở bậc sống nào thì dẫu chuộng chỗ sướng lánh chỗ khổ, dẫu nhiệt tình hay tà tà thì lúc đến tuổi chết vẫn phải chết vậy. Chi bằng hãy sống mãnh liệt cho ơn gọi của đời mình. Mình chấp nhận mọi gian khổ Chúa gởi đến để dũng cảm sống trong sự phó thác. Cũng như nếu mình càng có được nhiều ưu điểm Chúa ban thì càng phải nên sống mãnh liệt cho ơn gọi đó để “quyến rũ” thật nhiều linh hồn, làm lợi cho nước Chúa đến mức tối đa. Và cứ gì phải “ông cha bà phước” mới là tận hiến; cứ cái đòi thường giữa thế gian này mà sống hướng thượng, quyết sửa đổi mọi thói hư tật xấu, mở lòng cách mãnh liệt thì vẫn tận hiến được, vẫn “chẳng tu mà cũng như tu mới là”. Qua phim tôi còn nhận rõ một điều là ai cũng có lỗi lầm va vấp cả. Tận hiến như đời linh mục mà vẫn có lỗi, huống chi là kẻ sống đời thường và sống giữa thế gian (nếu cần định nghiã hai chữ thế gian phải chăng là thế giới của ăn gian nói dối?). Con đường để lên Thiên Quốc là con đường của cuộc sống vì lòng kính Chúa yêu người mà thống hối và sửa mình liên lỉ vậy. Sửa mình ngay cả trong giờ phút sắp lâm chung nữa (như trường hợp của linh mục Damien trong lời trăn trối sau cùng ở phim trên: phim “Damien, The Leper Priest”)
Phim “Damien, The Leper Priest” do hãng Tomorrow Entertainment, USA. sản xuất 20/10/1980. Steve Gethers đạo diễn, tài tử Ken Howard đóng vai cha Damien
|