Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Tháp cổ thành Luân Ðôn

Tháp cổ thành Luân Ðôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Trịnh Hảo Tâm   
Thứ Ba, 16 Tháng 12 Năm 2008 07:55

Lâu đài White Tower trong cổ thành tháp Luân Ðôn.

 

 

 

 

 

 

White Tower từng là hoàng cung cũng là nơi giam giữ tra tấn nhiều nhân vật hoàng gia.

 

Tháp Luân Ðôn (góc phải) bên bờ sông Thames.

 

Nhà nguyện bên trong có ngôi mộ Anne Boleyn.

 

Mary Trinh (con tác giả) bên ngoài tháp Luân Ðôn.

Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm

Khi du lịch Luân Ðôn du khách thường được đưa đi viếng Palace of Westminster, tháp Big Ben, tu viện Westminster Abbey, hoàng cung Buckingham v.v... và cứ tưởng nơi đây là trung tâm của Luân Ðôn. Thật ra đây là trung tâm của Ðại Ðô Thị Luân Ðôn (Great London) tức Luân Ðôn “ngày nay” thuộc “quận” Westminster chứ Luân Ðôn cổ xưa, nơi thành phố được thành lập đầu tiên bởi người La Mã cách nay hơn 2 ngàn năm, lại nằm về hướng Ðông cách Westminster 5 km. Nơi này còn lưu lại nhiều di tích lịch sử của Luân Ðôn cổ như một phần bức tường thành bằng đá, Tháp Luân Ðôn (Tower of London), Vương Cung Thánh Ðường St. Paul và Cầu Tháp (Tower Bridge) đồ sộ.

Chúng tôi đến thăm khu Luân Ðôn cổ bằng xe điện ngầm London Underground, từ Westminster đi tuyến xe District và ra ở nhà ga Tower Hill. Như tên đã gọi, ra khỏi nhà ga là chúng tôi đứng trên khu đồi cao, nhìn xuống phía Nam là Tháp Luân Ðôn như một thành lũy thời Trung Cổ và chiếc Cầu Tháp đồ sộ bắc ngang dòng sông Thames chảy lặng lờ. Nhìn xuống hai nơi đó du khách tấp nập nhất là con đường dọc theo bờ sông dẫn vào thành tháp cổ và đường lên cầu. Cạnh nhà ga người ta còn để lại một đoạn tường thành bằng đá. Ðây là một đoạn trong bức tường thành London Wall dài 3 km, cao 6 mét và dầy 2.5 mét có 6 cửa dân chúng ra vào do người La Mã xây trong khoảng thời gian từ 190 đến 225 AD. Chúng tôi băng qua con đường lớn tên là Byward St. Tower Hill (hình như có đường hầm băng qua mà chúng tôi không thấy nên băng ngang qua lộ nơi ngã tư có đèn giao thông).

Tháp Luân Ðôn (Tower of London)

Tháp Luân Ðôn người ta thường gọi tắt là “The Tower” trong khi “tước hiệu” chính thức của nó là “Her Majesty's Royal Palace and Fortress” có nghĩa là “Hoàng Cung và Thành Trì của Nữ Hoàng”. Là một di tích lịch sử nằm ở trung tâm Luân Ðôn bên bờ phía Bắc sông Thames thuộc quận London of Tower Hamlets. Tháp Luân Ðôn người ta cũng gọi là Tháp Trắng vì lâu đài xây đầu tiên ở giữa có 4 ngọn tháp xây bằng đá trắng lấy từ đất Pháp bởi vua William the Conqueror vào năm 1078. Vua William the Conqueror thuộc người Norman là sắc dân gốc Vikings sinh sống ở miền Bắc nước Pháp đã xâm lăng Anh Quốc vào năm 1066 và giết chết vua Anh Harold Godwinson. William the Conqueror đốt phá phía Nam cầu London nhưng không đụng đến thành phố London, sau đó ông ta cho xây hoàng thành Tower of London kiến cố bên ngoài thành Luân Ðôn cạnh bờ sông để dễ tiếp tế, làm thành lũy chống lại cướp biển và những nhóm nổi loạn. Ngày nay tháp Luân Ðôn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều lâu đài nằm bên trong hai lớp tường thành và bao bọc bởi hào nước nay đã cạn làm vòng đai.

Tháp Luân Ðôn nguyên thủy được sử dụng như một thành lũy ngăn cướp biển Vikings. Vào thế kỷ 12 vua Richard the Lionheart xây thêm bức tường thành và đào hào dẫn nước từ sông Thames vào. Dự án dẫn nước này thất bại nên đến thế kỷ 13, vua Henry III phải mướn chuyên gia về đào kinh người Hòa Lan làm lại. Ông cho tu bổ lại tường thành cho vững chắc hơn và phá một khoảng trống hướng Ðông ở bức tường thành La Mã để Tháp Luân Ðôn thông với thành phố. Vua Henry III cho xây thêm nhiều dinh thự để biến tháp thành hoàng cung cho vua và hoàng gia ở. Ðến đời vua Edward I cho xây thêm tường thành bao bọc phía ngoài, lấp hào nước bên trong và đào lại hào bên ngoài bức tường mới xây. Sau này các dinh thự hư cũ xuống cấp, hoàng cung dời ra Westminster thì tháp trở thành nhà tù để giam giữ những nhân vật thuộc hoàng gia kể cả các vua chúa (như nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi năm 1558 và bị giam rồi chết ở đây năm 1603 vì hỗ trợ cho nhóm phản loạn Protestant). Ngoài ra qua nhiều triều đại khác nhau, tháp còn là nơi tra tấn, tử hình, kho báu, nuôi thú dữ, lầu quan sát thiên văn và từ năm 1303 là nơi cất giữ các vương miện của triều đình Anh quốc.

Chúng tôi mua vé vào xem bên trong Tháp Luân Ðôn, nơi bán vé là một ngôi nhà hiện đại xây phía Tây tháp, có sân xi măng rộng để du khách sắp hàng mua vé. Nơi nhà bán vé có trưng bày vài báu vật hoàng gia như vương miện, long bào để quảng cáo trước những gì được trưng bày trong nhà bảo tàng bên trong Tháp Luân Ðôn. Phía Nam của tháp giáp với bờ sông ngày xưa là bến tàu để chuyển vận vũ khí, lương thực tiếp tế nhưng ngày nay là bờ sông để du khách ngắm cảnh đẹp chiếc cầu Tower Bridge cổ kính và hoành tráng. Nơi đây có lối vào Tháp Luân Ðôn là cửa Nam của tường thành, trước khi vào phải qua một chiếc cầu đá bắc ngang hào nước nay đã cạn chỉ trồng cỏ xanh. Bên trong thành là những lối đi nhỏ hẹp quanh co qua những dinh cơ ngày trước xây bằng đá không có cửa sổ trông hoang lạnh u buồn. Kiến trúc chính xây ở giữa là tòa Tháp Trắng, một lâu đài có 4 tháp cao xây 4 góc, 3 tháp hình vuông nhưng tháp Ðông Bắc hình tròn. Bên ngoài nhà Bảo Tàng Vương Miện (Crown Jewel House) có ngự lâm quân gác và những cổ đại bác ngày trước. Bên trong nhà Bảo Tàng chứa nhiều vương miện đính kim cương và đá màu.

Những bóng ma ở tháp Luân Ðôn

Nước Anh cảnh vật thường ẩn hiện trong sương mù âm u hoang lạnh nên nổi tiếng là xứ sở có nhiều ma nhất trên thế giới. Tháp Luân Ðôn là một lâu đài cổ gần một ngàn năm từng là nơi giam giữ, tra tấn và chém đầu rất nhiều nhân vật tiếng tăm nên Tháp Luân Ðôn có nhiều hiện tượng ma quái. Thí dụ như vào Tháng Giêng 1816 một ngự lâm quân gác bên ngoài Bảo Tàng Vương Miện la lên rằng bị một con gấu lớn tấn công. Ðó là chuyện lạ không thể giải thích được vì vòng thành tường cao, cổng kín, gấu làm sao vào được? Vài ngày sau người lính này chết vì quá... kinh hãi! Tháp Luân Ðôn nhiều huyền thoại về hồn ma xuất hiện như hồn ma của Vua Henry VI, Lady Jane Grey, Magaret Pole và nổi tiếng nhất là hồn ma của Hoàng Hậu Anne Boleyn bị xử trảm chém đầu vào năm 1536 về tội ngoại tình và làm phản chống lại chồng là Vua Henry VIII. Nhiều nhân chứng cho rằng họ từng thấy Hoàng Hậu Anne xuất hiện ở nhà nguyện St. Peter-ad-Vincula là nơi bà được chôn, bóng bà tha thướt trong xiêm y lộng lẫy đi vòng quanh lâu đài Tháp Trắng và dưới cánh tay... cặp chiếc đầu của mình!

Hoàng Hậu Anne Boleyn

Hoàng Hậu Anne Boleyn (1501/1507(?)-1536) là vợ thứ hai trong 6 đời vợ của Vua Henry VIII cai trị nước Anh từ 1509 đến 1547, bà được tấn phong hoàng hậu vào năm 1533 và đồng thời là mẹ của Nữ Hoàng Elizabeth I (1533-1603) lên ngôi 25 năm sau (1558). Anne Boleyn là con một vị quan ngoại giao trong triều đình, chị của Anne là Mary vốn là tình nhân của vua Henry VIII. Khi gặp Anne Boleyn nhà vua say mê tài sắc của nàng và tìm cách ve vãn chiếm cho bằng được trái tim của nàng nhưng nàng không ưng nếu không được tấn phong làm hoàng hậu. Lấy lý do hoàng hậu hiện tại là Catherine of Aragon không sinh được con trai để nối ngôi, nhà vua xin giáo hội La Mã hủy bỏ hôn nhân nhưng không được Ðức Giáo Hoàng Clement VII chấp thuận. Nhà vua bèn cất chức hồng y nước Anh lúc đó là Wolsey và bổ nhiệm Thomas Cranmer thay thế. Ông này cho hủy hôn thú của nhà vua và chỉ năm ngày sau cho phép nhà vua kết hôn với Anne Boleyn. Ðức giáo hoàng cắt phép thông công đối với Vua Henry và Hồng Y Cranmer. Sự tranh chấp giữa vua nước Anh và đức giáo hoàng đi đến kết quả là từ đó giáo hội nước Anh tách khỏi La Mã để trở thành Anh giáo. Thay vì trước đây giáo hội La Mã có quyền trên nhà vua, bây giờ vua Anh có quyền trong Anh giáo và được hiến pháp ghi là “Supreme Governor of the Church of England”. Chức vị nhà vua trong Anh giáo truyền cho tới bây giờ, áp dụng cả với Nữ Hoàng Elizabeth II hiện nay.

Sau khi được tấn phong hoàng hậu, cùng trong năm 1533 Anne Boleyn sinh được con gái là Công Chúa Elizabeth. Vì không có con trai làm nhà vua thất vọng, cộng thêm những lời đàm tiếu thêu dệt của những người thân với cựu hoàng hậu thất sủng, nhà vua nghi ngờ hoàng hậu phản bội mình, tư tình với nhiều quan chức trong cung. Năm sau hoàng hậu lại sẩy thai, Vua Henry cho đó là một hành động phản bội và nghi ngờ bào thai đó mình không phải là tác giả. Vua Henry ngầm trao đổi với hai thái sư cố vấn là Hồng Y Cranmer và Cromwell là muốn phế bỏ Hoàng Hậu Anne và cũng không trở lại với hoàng hậu trước là Catherine, mà là... cưới vợ mới để có con trai nối ngôi vua. Hồng Y Cranmer một thời cùng phe ủng hộ nàng Anne, nay nghe lời đàm tiếu thế nào không biết lại thay đổi lập trường, ra mặt chống lại Hoàng Hậu Anne. Vô tư trước tình thế trong triều đình bất lợi với không biết bao nhiêu kẻ thù rình rập toan hại mình, Hoàng Hậu Anne lại có tánh phung phí tiền của, tiêu xài những số tiền lớn để mua xiêm y, trang sức, quạt lông công, kiệu hoa lộng lẫy, giường tủ đắt giá từ các nước xa xôi trên thế giới. Nàng lại có đoàn gia nhân nhiều hơn hoàng hậu trước đến 250 người hầu hạ cho riêng nàng và 60 viên chức “maids-of-honour” phục dịch trong công tác “giao tế nhân sự”.

Vận xấu rình rập đã đến, ngày 8 Tháng Giêng 1536 hoàng hậu trước là Catherine of Aragon qua đời, công chúa Mary là con của bà tung tin là do Hoàng Hậu Anne đầu độc. Vua Henry VIII lại té ngựa trọng thương trong cuộc diễn hành và Hoàng Hậu Anne đang có thai 15 tuần buồn phiền lại sẩy thai, giám định thai nhi lại là một bé trai tức là nhà vua tương lai nước Anh lại chết khi còn trong bụng mẹ. Trăm dâu lại đổ đầu tằm, ngày đám tang Catherine là ngày cuộc hôn nhân của nhà vua với Anne xem như đà chấm dứt. Qua tới Tháng Tư 1536, thầy dạy nhạc cho Anne là Mark Smeaton bị bắt giam về tội tư tình với hoàng hậu, ông này phủ nhận nhưng bị tra tấn cực hình đã nhận tội. Một người khác là Henry Norris cũng bị bắt nhưng ông này thuộc hàng quí tộc nên không bị tra tấn. Rồi đến Sir Francis Weston, William Brereton và sau cùng là người em ruột của hoàng hậu là George Boleyn cũng bị bắt về tội thông dâm với hoàng hậu. Có dư luận cho rằng sự quan hệ tình dục chỉ là hoàng hậu muốn thụ thai con trai theo ý muốn của nhà vua. Ngày 2 Tháng Năm 1536 Hoàng Hậu Anne bị bắt trong lúc ăn trưa và bị giải về tháp Luân Ðôn và ba ngày sau nàng bị chém đầu về các tội thông dâm, loạn luân và phản bội mặc dù không có chứng cớ rõ ràng! Ðêm trước đó Hồng Y Cranmer đã tuyên bố hôn nhân giữa nàng với Vua Henry hoàn toàn hủy bỏ cũng như trước đây với Catherine. Vua Henry cũng không cung cấp một quan tài xứng đáng cho Anne và xác cùng thủ cấp để chung trong thùng đựng những mũi tên và được vùi lấp không đề tên tuổi trong nhà nguyện St. Peter ad Vincula. Ðến khi xây lại nhà nguyện dưới thời nữ hoàng Victoria, xác Anne mới được nhận diện và cải táng với bia đá cẩm thạch như ngày nay.

Những lời buộc tội Anne không có chứng cớ thuyết phục nhưng thời ấy người ta cho rằng Anne Boleyn là ác quỷ được sai lên trần gian để phá rối giáo hội La Mã vì Anne có dị tướng với bàn tay trái 6 ngón, có một nốt ruồi to nơi cổ mà nàng che đi bằng đồ trang sức thành thử phải triệt tiêu nàng bằng mọi cách. Quan điểm xã hội thay đổi theo thời gian, sau khi nàng chết nhiều dư luận binh vực cho nàng, rằng những người cực đoan cuồng tín đã góp phần trong vụ án đưa đến cái chết cho nàng. Trong số binh vực có nhà nghiên cứu về các thánh tử đạo Anh giáo là John Foxe cho rằng chính Anne đã cứu Anh giáo ra khỏi tà đạo đi sai lời Chúa, Hoàng Hậu Anne đích thực là thánh tử đạo và là vị nữ anh hùng của Anh Giáo Cải Cách (English Reformation). Từ dư luận đó dẫn đưa con gái của Anne lên ngôi nữ hoàng lấy danh hiệu là Elizabeth I vào năm 1558 (sau này bà cũng bị giam và chết nơi đây cũng vì tội phản loạn). Qua nhiều thế kỷ, Hoàng Hậu Anne Boleyn được lưu danh về những công tác văn hóa, nghệ thuật và quần chúng nhớ đến bà như một “hoàng hậu có nhiều ảnh hưởng và vị trí quan trọng nhất trong lịch sử Anh Quốc”. Có 2 bộ phim mô tả cuộc đời Hoàng Hậu Anne Boleyn là “Anne of the Thousand Days” (1969) và “The Other Boleyn Girl” (2008).

Trong sân tháp Luân Ðôn có nhiều con quạ đen, chúng cất tiếng kêu thảm não. Người ta cho rằng chúng không bay được, thế kỷ trước người ta muốn xua đuổi chúng đi nhưng một chiêm tinh gia đã nói nếu bầy quạ bay đi thì chế độ sẽ tàn lụi? Ði trong lâu đài giữa những bức tường đá hoang lạnh, dường như thấp thoáng bóng hình nàng Anne Boleyn, hoàng hậu với nhiều huyền thoại thâm cung bí sử, là đề tài cho nhiều quyển sách từ thế kỷ trước và những bộ phim đương thời.