Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Ðến Brussels nước Bỉ

Ðến Brussels nước Bỉ PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm   
Thứ Tư, 07 Tháng 1 Năm 2009 13:21

Tháp Atomium tọa lạc trong công viên Heysel Park.

Hoàng cung Brussels ở trung tâm thành phố.

Thánh đường các thánh St. Michael và Gudula xây năm 1226.

Nước Bỉ (Belgium) là quốc gia nhỏ bé diện tích 30,158 km vuông nằm về phía Bắc nước Pháp. Dân số 10.5 triệu người nói 3 ngôn ngữ: vùng Flanders miền Bắc nói tiếng Hòa Lan, miền Nam vùng Wallonia nói tiếng Pháp và một nhóm nhỏ độ 70 ngàn người ở phía Ðông gần nước Ðức nói tiếng Ðức.
Từ nước Anh chúng tôi qua eo

Kiến trúc cổ ở quảng trường thành phố Grand Palace.
biển Dover bằng phà lớn để sang nước Pháp vào sáng ngày 4 Tháng Năm 2008. Xe buýt của đoàn du lịch men theo bờ Bắc Hải đi về hướng Ðông lối nửa giờ sau đã đi vào lãnh địa nước Bỉ. Nước Bỉ có 67 km bờ biển, vùng phía Bắc giáp biển không có thành phố nào lớn chỉ là những làng đánh cá êm đềm, họ chuyên bắt con chem chép (mussels) là một loại sò vỏ màu đen làm món ăn truyền thống. Vùng đất giáp biển là bình nguyên bằng phẳng, mưa
Hoàng cung Brussels ở trung tâm thành phố.
nhiều nên hoa lá xanh tươi, nhà cửa nho nhỏ nhưng tươm tất gọn gàng và đời sống dân chúng ở đây rất bình dị nhàn nhã, rảnh rỗi người ta ngồi quán cà phê ban ngày hay quán bia vào ban đêm.
Khi xe gần đến thành phố Brugge thì giã từ vùng biển xuôi Nam để vào Brussels là thủ đô đồng thời cũng là thành phố lớn nhất nước Bỉ. Dân số năm 2007 là 1 triệu 31 ngàn người, 90% nói tiếng Pháp, phần còn lại
nói tiếng Hòa Lan. Về lịch sử Brussels được thành lập vào thế kỷ thứ 10 bởi cháu nội vua Charles I (774-814) hay còn được gọi là Charlemagne ông này là hoàng đế của nước Franks gồm các nước Pháp, Ðức và một số nước Trung Âu ngày nay. Thời Trung Cổ vùng nước Bỉ cũng như Brussels nằm dưới sự cai trị của những vương quốc hùng mạnh như Pháp, Ðức, Áo Hung cho đến năm 1830 mới độc lập thành một nước riêng biệt nhưng không có ngôn ngữ riêng. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến Brussels là trung tâm chính trị của Âu Châu, nhiều tổ chức quốc tế đặt bản doanh như NATO và hiện nay giữ vai trò thủ đô Âu Châu nơi nhiều cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu (EU) tọa lạc như tòa nhà của Hội Ðồng Liên Hiệp Âu Châu (European Union Council) và văn phòng của ông chủ tịch EU cũng hiện diện tại đây. Về chính trị Bỉ quốc theo chế độ quân chủ lập hiến, có vua và quốc hội có hai viện: Hạ Viện (Chamber of Representatives) các dân biểu có nhiệm kỳ 4 năm và Thượng Viện (Senate) các thượng nghị sĩ cũng do dân bầu lên. Quốc vương Bỉ hiện nay là Albert II lên ngôi từ năm 1993.

Thánh đường các thánh St. Michael và Gudula xây năm 1226.
Atomium

Trước khi vào trung tâm thành phố chúng tôi được đưa đi xem kiến trúc Atomium tọa lạc trong công viên Heysel Park ở phía Bắc thành phố (cách trung tâm 7 km) cạnh xa lộ vòng đai. Atomium là một “đài kỷ niệm” (monument) được xây trong dịp Hội Chợ Thế Giới Brussels 1958 được thiết kế bởi André Waterkeyn, cao 102 mét (335 ft) với 9 trái cầu bằng thép nối kết với nhau tạo thành hình dạng một phân tử của chất sắt (có 9 nguyên tử) được nhân lên 165 tỷ lần.
Hôm nay ngày Chủ Nhật đầu mùa Xuân thời tiết lại ấm áp lạ thường nên dân chúng đổ xô đến công viên Heysel rất đông. Công viên rộng lớn cây cối xanh tươi và hồ nước tĩnh lặng, ngày xưa là khu rừng với lâu đài nhà vua được xây bên trong. Vào chơi công viên không phải trả tiền. Bãi đậu xe không còn chỗ trống nên thiên hạ đậu xe dọc theo lề đường, mỗi khi có một khoảng trống vừa đủ là có người chen vào, mỗi xe khít nhau những người lái xe bên Mỹ khó đậu được như vậy. Xe buýt du lịch có chỗ đậu riêng gần đài Atomium và chúng tôi chỉ có 15 phút xuống ngắm nghía bên ngoài chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Chín trái cầu lớn có đường kính 18 mét được nối nhau bằng những ống tròn và du khách có thể đi trong đó. Lên trên trái cầu cao nhất có cửa kính để nhìn xuống thành phố Brussels. Trục giữa thẳng đứng nối 2 trái cầu gần mặt đất nhất là ống của thang máy lên xuống. Khi xây Atomium cho hội chợ thế giới người ta dự trù đài chỉ lưu lại 6 tháng nhưng đến nay vừa đúng 50 năm Atomium vẫn còn và lâu dần thành biểu tượng cho thành phố Brussels khiến người ta không phá bỏ đi được. Khi quyết định lưu giữ vĩnh viễn, vào năm 2004 Atomium đóng cửa 2 năm để tu bổ trong đó có việc thay thế lớp vỏ bọc bên ngoài của mỗi trái cầu, trước kia là lớp nhôm đã phai màu thay bằng thép không rỉ (stainless steel) sáng loáng rất đẹp. Ðể có tiền tu bổ, ban quản lý đài cho bán những miếng nhôm cũ cho du khách làm vật kỷ niệm. Công tác tu bổ còn bao gồm việc nới rộng phòng trưng bày, nhà hàng và gian nhà nghỉ trưa cho các cháu học sinh vào du khảo (field trip). Khi đi ngang qua phòng trưng bày thấy hình gian hàng các quốc gia tham dự Hội Chợ Thế Giới Brussels 1958 trong đó có hình gian hàng Việt Nam Cộng Hòa với các sản phẩm thủ công và lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Tôi còn nhớ cha tôi hồi năm đó có đến xem hội chợ này trong phái đoàn Công giáo hành hương Lộ Ðức, ông có mua dĩa sứ kỷ niệm in hình đài Atomium. Hồi đó tôi nghĩ mình khó có cơ hội một ngày nào đến thăm nơi đây. Hôm nay đúng nửa thế kỷ sau tôi lại đến đây và dĩ nhiên cha tôi không còn nữa đã qua đời ở Việt Nam năm 1992.

Những tòa nhà dùng trong Hội Chợ Quốc Tế 1958 và trước đó là Hội Chợ 1930 ở phía Bắc đài Atomium vẫn còn để đó. Cạnh đài Atomium về phía Tây có công viên Mini Europe nơi đây xây lại những mô hình nhỏ theo tỷ lệ 1/25 gồm 300 tòa kiến trúc của 80 thành phố Âu Châu nhưng không có trong chương trình du lịch của chúng tôi. Cạnh Mini Europe là sân vận động và cầu trường King Baudouin Stadium xây xong năm 1930 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Bỉ. Cầu trường này rất lớn là nơi diễn ra những cuộc tranh tài thế giới gần đây nhất là giải bóng tròn Euro 2000.
Chúng tôi lên xe đi về hướng Nam đến một khu rừng cạnh Atomium có tên là Park Van Laeken được rào lại bằng hàng rào sắt, bên trong cây cối dầy đặc thấp thoáng phía xa một lâu đài. Ông trưởng đoàn cho biết đó là lâu đài hoàng gia Laeken (Royal Castle of Laeken) là nơi vua và hoàng gia trú ngụ. Nhà vua tiền nhiệm cũng rất thích những kiến trúc Ðông Phương nên ông cho xây bên trong khu rừng thượng uyển một ngôi chùa Tàu và một tháp chuông Nhật Bản nhiều tầng bên cạnh là khu vườn cảnh Nhật đầy đủ cầu gỗ bắc ngang ao cá Koi và những cây thông Nhật. Xe chạy bên ngoài cũng có thể thấy ngôi chùa và tháp chuông bên trong vườn thượng uyển.

Hoàng cung và công viên Brussels
Tiếp tục theo hướng Nam để về trung tâm thành phố Brussels. Không biết ngày thường như thế nào nhưng hôm nay là ngày Chủ Nhật đường sá xe cộ vắng vẻ chỉ lưa thưa người đi bộ. Ðường phố không rộng lắm, dốc cao thoai thoải, hai bên đường dinh thự, phố xá sơn màu trắng êm đềm thanh thản. Giữa thành phố có một dòng sông nhỏ chảy qua theo hướng Ðông Bắc-Tây Nam, có một khúc sông trở thành sông ngầm và người ta xây đường sá bên trên ở khu trung tâm thành phố. Thành phố có nhiều nhà thờ cổ như nhà thờ Ðức Bà (Notre Dame Church of Laeken xây năm 1872) mà chúng tôi có dừng lại bên ngoài chụp ảnh. Cuối cùng chúng tôi ghé lại ở quảng trường dài và rộng như một đại lộ ở trước Hoàng Cung Brussels (Royal Palace of Brussels). Hoàng cung là một tòa nhà có kiến trúc Neoclassical giống như những lâu đài ở Paris, tường đá, mái lợp kim loại đồng trổ ten màu xanh. Mặt tiền chính diện như ta thấy hiện nay được xây vào khoảng 1900 dưới triều vua Leopold II trong khi phần lớn tòa nhà có niên đại vào cuối thế kỷ 18, tuy nhiên khu đất vườn cảnh một phần còn lại từ hoàng cung thời Trung Cổ. Tòa nhà thuộc tài sản quốc gia, người cư trú là vua Bỉ và hoàng gia nhưng đây chỉ là văn phòng nơi vua làm việc, hội họp, nghi lễ còn nơi cư ngụ thật sự vẫn là lâu đài Laeken bên cạnh đài Atomium chúng tôi vừa viếng qua.

Ðối diện hoàng cung phía Bắc quảng trường là công viên Brussels là công viên lớn nhất ở ngay trung tâm thành phố. Xung quanh ngoài hoàng cung còn có tòa nhà lập pháp Belgian Parliament và tòa đại sứ Mỹ. Trong công viên cây cối xanh tươi trang trí nhiều bồn phun nước, tượng đá, cổng chào rất trang nghiêm. Trong Mùa Hè mỗi cuối tuần đều có tổ chức những buổi hòa nhạc, văn nghệ miễn phí cho công chúng xem. Gần đó có nhà hát hoàng gia Théâtre Royal du Parc và nhà ga xe điện ngầm Park Metro Station cũng đầy dấu tích xưa cũ. Ngày xưa nơi công viên Brussels là lâu đài Koudenberg của những lãnh chúa thời Trung Cổ được trang hoàng nguy nga nhưng lâu đài đã bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn năm 1731 khi Brussels được cai trị bởi đế quốc Áo Hung đang thống lĩnh phía Nam Hòa Lan. Năm 1775 lâu đài được xây lại là tòa nhà dùng làm hoàng cung hiện nay, phần đất rộng còn lại nữ hoàng Áo Hung là Maria-Theresia rất thích vườn cảnh hoa lá cho biến thành công viên hoàng gia. Năm 1780 khán đài Waux-Hall được xây dựng cho những buổi hòa nhạc và khán giả có thể ngồi ngoài trời vừa thưởng thức âm nhạc vừa ăn uống thoải mái. Năm 1803 buổi dạ tiệc được tổ chức tại đây với 1,800 quan khách nhằm chào đón vinh danh hoàng đế Napoléon và hoàng hậu Josephine. Tháng Chín 1830 công viên trở thành chiếc nôi cho nền độc lập của Bỉ quốc, sau khi chiếm rạp hát Opera, lực lượng cách mạng đã đánh nhau với quân Hòa Lan trong công viên và vua Hòa Lan là William I phải rời Brussels ngày 27 Tháng Chín mở đầu cho một quốc gia mới được khai sinh là Bỉ quốc.

Rời công viên thành phố chúng tôi được đưa về khách sạn NH Grand Palace Arenberg cách chừng 2 km ở phía trước nhà thờ hai thánh nam nữ St. Michael và Gudula. Nhà thờ màu đen cổ kính và to lớn nên được phong là vương cung thánh đường (cathedral). Thánh đường được xây từ năm 1226 và kéo dài đến 300 năm mới xong. Hôm nay là ngày Chủ Nhật lễ buổi chiều đang cử hành bên trong nhà thờ, giống như ở Việt Nam bổn đạo đứng tràn ra bên ngoài. Mặc dù là con chiên nhưng đang bận... du lịch không đi lễ được, Chúa vốn nhân từ, lòng lành vô cùng nên chắc là tha thứ, thông cảm nổi lòng con chiên... ghẻ!
Khách sạn thuộc loại 4 sao nhưng phòng nhỏ chỉ đủ chỗ đặt 2 giường (gia đình chúng tôi 3 người thường ngụ 1 phòng, được giảm giá tour chút đỉnh). Vì không thể kê thêm giường nhỏ cho Mary, con gái chúng tôi, nên hôm nay Mary được chiếm nguyên một phòng riêng bên cạnh, cười khoái chí. Chúng tôi có hơn một tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi, sau đó lúc 5 giờ chiều ông Luigi trưởng đoàn hẹn gặp nhau trong tiệc trà Welcome Drink ở bar rượu của khách sạn. Sau khi tắm rửa thoải mái, đúng giờ chúng tôi xuống bar rượu thì hầu như mọi người trong đoàn du lịch đều tề tựu đông đủ. Mỗi người giới thiệu tên mình và thành phố cư ngụ, riêng tôi thì phải thêm nguồn gốc sắc tộc vì sợ nhiều người tưởng là dân Trung Quốc hay Thái Lan. Thành phần tour nhân số chẳng chòi 30 người xuất phát từ 4 quốc gia: Mỹ 17 người (có 4 người Việt), Úc (8 người), Nam Phi (South Africa, 3 người đàn bà) và Sri Lanka (là ông bà chủ đồn điền trà lớn tuổi, hiền lành ít nói mà chúng tôi hay gọi là ông bà Ấn Ðộ). Chúng tôi ăn bánh ngọt uống trà hay nhai đậu phộng uống rượu vang, câu chuyện pha trò, không khí thân mật vui vẻ. Ông Luigi cho biết chương trình đêm nay là đi bộ dạo phố đêm, ông sẽ dẫn ra quảng trường lớn của thành phố Grand Palace, đi xem tượng thằng nhỏ đứng tè Manneken Pis và giới thiệu khu phố ẩm thực về đêm rất nhộn nhịp.
 
Ký sự du lịch đêm về phố cổ Brussels

Tòa Thị Chính Brussels với cửa chính lệnh tâm

Brussels (tiếng Pháp Bruxelles) thủ đô của vương quốc Bỉ đồng thời cũng được xem là thủ đô của Âu Châu vì các cơ quan và văn phòng của Liên Hiệp Âu Châu (EU) cũng như khối NATO đều đặt tại thành phố này. Brussels có nhiều công viên lá xanh hoa thắm, những dinh thự, hoàng cung nguy nga hoành tráng và khu phố cổ gợi lại cảnh sắc Âu Châu thời Trung Cổ. Văn hào Victor Hugo và thi sĩ Baudelaire từng đến nơi đây và ra đi với con tim ở lại.

Chiều Chủ Nhật 4 Tháng Năm 2008 chúng tôi đặt chân tới Brussels, sau khi lấy phòng tại khách sạn ở trung tâm thành phố và một buổi tiệc trà họp mặt gọi là “Welcome Drink” để làm quen nhau giữa những thành viên trong đoàn du lịch. Sau đó chúng tôi được ông Luigi Saba trưởng đoàn đưa đi viếng khu phố cổ ở quảng trường chính thành phố là Grand Place, tượng thằng bé đứng tè Mannekin Pis và khu ẩm thực về đêm.

Những kiến trúc cổ ở quảng trường Grand Place.
King's Gallery

Từ khách sạn muốn ra khu phố cổ trung tâm thành phố chúng tôi đi bộ về hướng Nam xuyên qua một thương xá cổ gọi là King's Gallery. Thương xá chỉ có một con đường ở giữa dài 200 mét, hai bên là những cửa hiệu thanh lịch bày bán những món đắt tiền như kim cương, nữ trang, đồng hồ, tranh tượng nghệ thuật. Phía trên trần cao lợp bằng kính trong màu xanh để lấy ánh sáng mặt trời nên du khách tản bộ phía dưới có ánh nắng rất dịu mát và ấm áp. Nguyên thủy thương xá được xây vào năm 1836 bởi kiến trúc sư trẻ tên Jean Pierre Cluysenaer người Hòa Lan nhằm thu hút khách thượng lưu đến mua sắm. Vị trí thương xá trước đây là những con hẻm tạp nhạp nằm giữa hai chợ dược thảo và chợ rau cải dân giàu có ít khi dám vào. Ðể xây thương xá người ta phá bỏ những hàng quán lôi thôi nhếch nhác này trong đó có ngôi nhà “Maison des Orfèvres” (nhà thợ bạc) ở đầu đường Rue du Marché aux Herbes hiện nay, bà cụ sống từ lâu trong căn nhà đã chết vì xúc động khi nghe tin ngôi nhà sẽ bị phá bỏ. Một ông thợ hớt tóc có biệt danh “Mister Paneel” không chịu dời đi và dọa sẽ dùng dao cạo râu cắt cổ còn hơn là nhìn thấy tiệm tóc của mình bị san bằng!

Công tác xây cất được vua Leopold I đặt viên đá đầu tiên và để tỏ lòng tôn kính người ta đặt tên thương xá là King's Gallery. Khi hoàn thành thương xá rất lộng lẫy và thành công, nổi tiếng thời ấy là khu vui chơi mua sắm thanh lịch. Văn nhân thi sĩ nổi tiếng đương thời như Baudelaire, Alexandre Dumas, Victor Hugo, Apollinaire hàng ngày ngồi ở quán “Café de la Renaissance” (nay là quán “Taverne du Passage”). Một cửa hàng nổi tiếng khác ở số 23 của người Thụy Sĩ tên Jean Neuhaus chuyên làm kẹo ho, xi rô và marshmallows (bánh cái kén) trị bệnh bao tử. Khoảng năm 1912 cửa tiệm ông ta nổi tiếng với chocolates pha trộn đậu phộng, trái cây và rượu Rum. Ngày nay khi qua thương xá này vẫn còn thấy những quán cà phê, các cửa hiệu bán chocolates là một trong những món đặc sản của Brussels cùng với món bánh kẹp tàn ong waffle. Thương xá nguyên thủy đến năm 1950 bị phá bỏ vì quá cũ không hội đủ tiêu chuẩn an toàn theo luật lệ hiện hành và đã xây lại thương xá mới theo đúng theo kiểu cũ 1836.

Giữa thương xá và quảng trường Grand Place xưa kia là khu chợ rau nhưng ngày nay không thấy rau cải mà toàn là du khách đủ mọi quốc tịch với những hàng quán cà phê, bánh ngọt nhất là món bánh kẹp waffer ăn với xi rô hay kem béo ngọt (whipped cream). Người dân Âu Châu rất thích ăn ngọt, nơi nào cũng có tiệm kem và tiệm bánh nhưng số người mập quá khổ lại không nhiều bằng người Mỹ, có lẽ nhờ đi bộ nhiều không đi đâu cũng lái xe riêng như người Mỹ.

Rẽ sang phải đi về hướng Nam là đến quảng trường Grand Place, đặt chân đến đây là trời đã tối và những dãy nhà lầu cổ xưa vây xung quanh quảng trường đã lung linh ánh đèn huyền ảo. Họ thiết kế ánh đèn vàng không quá sáng trên những trụ đèn theo kiểu cổ những thế kỷ trước lúc đèn đường còn thắp bằng dầu. Chỉ trên nóc những tòa nhà mới có những ngọn đèn pha chiếu sáng những hình tượng, phù điêu bằng đá. Xung quanh quảng trường nổi bật hơn hết là Tòa Thị Chính cao vút ngọn tháp kiểu Gothic trên chóp (318 ft. hay 97 m) là tượng thánh St. Michael là thánh bổn mạng của thành phố Brussels. Các tòa nhà kế bên là Bread House xưa kia là tiệm bánh mì, tòa nhà vua Charles V cũng cổ xưa chi chít những hoa văn, hình tượng trang trí. Có một tòa nhà đang tu sửa lại mặt tiền với những giàn giáo, lưới che bụi nhưng phía trước cũng được phủ bằng tấm hình chính diện ngôi nhà lớn bằng kích thước thật, ở xa du khách tưởng là kiến trúc thật chứ không phải chỉ là tấm hình lớn (sau đó trong chuyến đi sang các thành phố khác như Venice, Rome cũng gặp cảnh như vậy, chứ trước kia khi tu sửa bày ra toàn là những giàn giáo trông rất loang lổ xấu xí).

Quảng trường thật rộng lớn lát bằng đá là nơi dân chúng hội họp mỗi khi có việc cần. Ban đêm gió thoang thoảng rất mát, du khách lưa thưa, có bà bán hoa tươi đang dọn dẹp, một anh chàng ngồi đàn ghi ta vài cô gái ngồi nghe khúc khích cười. Trước hành lang lờ mờ vài cặp tình nhân âu yếm bên nhau thật tình tứ lãng mạn.

“Là một trong những quảng trường thành phố đẹp nhất Âu Châu nếu không nói là cả thế giới” đó là nhận xét của du khách để diễn tả nét đẹp kiêu sa thanh lịch của quảng trường ngày xưa nơi mỗi ngày họp chợ ở trung tâm thành phố. Người nói tiếng Pháp gọi nó là “Grand Place” trong khi người nói tiếng Hòa Lan gọi là “de grote Markt”. Du khách ở thế kỷ 21 bây giờ không phải là những người đơn lẻ khi tán dương nét đẹp vì xưa kia công chúa Isabella con gái vua Filip II của Tây Ban Nha đã viết như sau khi viếng Brussels vào ngày 5 tháng Chín 1599: “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh nào đẹp và sắc sảo như ở quảng trường chính của thành phố này, nơi tòa thị chính cao vút lên bầu trời còn những phố xá thì trang hoàng rất ấn tượng!”

Khởi thủy Grand Place rất khiêm nhường, chỉ là một điểm mua bán trên gò cao nơi giao nhau giữa 2 con lạch nhỏ từ núi đổ xuống để chảy vào sông Senne. Sau đó ngôi chợ được gọi với cái tên là “Niedermerckt” có nghĩa là “chợ dưới”. Rồi đến thế kỷ 12 Brussels trở thành điểm hẹn của thương buôn giữa các thành phố Bruges, Cologne và Pháp, len Ăng Lê, rượu vang Pháp và bia Ðức tràn ngập dưới thuyền ở bến sông và cả trên chợ. Thời Trung Cổ nhiều ngôi nhà gỗ đã dựng lên, đến năm 1402 bắt đầu xây tòa thị chính và mãi đến năm 1455 mới hoàn tất với ngọn tháp cao vút như ta thấy ngày nay. Tuy nhiên đến ngày 13 Tháng Tám 1695 khu phố ở quảng trường bị thiêu rụi do quân Pháp xâm lăng theo lịnh của vua Louis 14. Ngọn tháp cũng như tòa thị chính bị thiệt hại nặng nhưng vài năm sau người Pháp xây dựng trở lại với kiểu dáng nguyên thủy.

Ông trưởng đoàn du lịch Luigi Saba người đảo Sardinia nước Ý hỏi chúng tôi thấy gì khác lạ ở ngôi nhà Tòa Thị Chính không? Ông ta chỉ cho thấy chiếc cửa chính tòa nhà nằm lệch với trục tâm thẳng đứng của tòa nhà. Dù không ảnh hưởng gì mấy đến sự vững chắc nhưng là một khiếm khuyết khiến dư luận chê bai cười cợt. Kiến trúc sư tòa nhà “hình như” là Jacob van Thienen (vì quá xưa (1402) nên người ta truy tìm tài liệu không được chính xác) tìm cách sửa chữa nhưng không được vì di dời cột này đi thì lại lệch các nơi khác, cuối cùng ông ta đã tự tử chết chỉ vì cái cánh cửa vô duyên này! Ông này chắc có dòng máu Nhật, chuyện gì cũng có thể tự tử được! Chính Thượng Ðế tạo nên con người còn khiếm khuyết, thử đứng trước gương xem thân xác chúng ta có cân đối qua trục đối xứng hay không? Mắt và ngực thường bên lớn bên nhỏ, bên cao bên thấp, mũi quặp một bên, nhờ vậy mới có ngành giải phẫu thẩm mỹ. Tội gì phải tự tử bằng những lý do vớ vẩn:

Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngổng, thấp chê lùn
Béo chê, béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra!
(Ca dao)

Mỗi năm vào Tháng Bảy người ta sẽ làm tấm thảm bằng hoa tươi ở quảng trường Grand Place này gọi là lễ hội Ommegang để thu hút khách du lịch. Brussels mưa nhiều (hơn 200 ngày mưa trong một năm) gần biển nhiều hơi nước nên hoa rất đẹp.

Tượng thằng bé đứng tè (Manneken Pis)

Tòa Thị Chính nằm ở cạnh Nam quảng trường, phía sau là con đường Stoof cũng đi về hướng Nam qua 2 con đường là đến tượng thằng bé đứng tè Manneken Pis (tiếng Hòa Lan có nghĩa “người nhỏ tiểu”). Tưởng là tượng lớn lắm nhưng đến nơi thấy bé tí xịu cao khoảng chừng 2 feet, tượng thằng bé bằng đồng đen trần truồng đứng tiểu xuống một bệ nước. Có nhiều truyền thuyết về lai lịch pho tượng. Một trong những truyền thuyết là vào thế kỷ 14, thành Brussels bị giặc ngoại xâm bao vây ngoài thành. Một thằng bé tên là Juliaanske từ trong thành ra len lỏi dọ thám địch quân. Nó thấy quân địch đặt chất nổ để phá sập tường thành, bèn tè vào ngòi nổ đang cháy và cứu được... nguyên cả thành không rơi vào tay giặc! Từ đó người ta đúc tượng để ghi công thằng bé. Tượng ngày xưa làm bằng đá vào khoảng thế kỷ 15 và bị đánh cắp nhiều lần. Năm 1619 được thay thế bằng tượng đồng do ông Jerome Duquesnoy đúc và được giữ gìn cẩn thận cho đến ngày nay. Có nhiều dịp lễ hội tượng thằng bé được mặc áo quần và nước tè ra được thay thế bằng bia cho du khách tha hồ đưa ly cối vào hứng uống no say!

Tượng tuy không hoành tráng nhưng ngộ nghĩnh dễ thương nên được thiên hạ ưa thích và khi tôi đến vài bó hoa tươi đặt dưới hàng rào. Cạnh bức tượng thằng bé có một tiệm bán bánh Waffle, sau tủ kính hai cô gái đồng phục đang nướng bánh rồi chế xi rô hay nặn kem ngọt lên trên. Cách đó vài căn là tiệm chocolates, đề giá 3 Euro cho 100 gram, tôi mua thử 100 gram đếm được 8 thỏi nhỏ. Ðây là món đặc sản nổi tiếng của Brussels, nếm thử thì cũng không khác gì chocolates hiệu See's mua ở Cali nhưng nghe nói có hiệu “Mary” thì rất ngon, tiền nào của nấy.

Khu ẩm thực cạnh Grand Place về đêm.
Chúng tôi đi bộ trở lại quảng trường Grand Place và vào con đường nhiều quán ăn ở phía Bắc cạnh quảng trường. Ðây là khu ẩm thực về đêm của Brussels chuyên bán cho du khách với món đặc sản là chem chép (mussels) hấp với một vài loại rau gia vị trong một nồi chứa bơ và rượu trắng. Món này ăn với khoai tây chiên và uống bia Bỉ. Bia Bỉ độ rượu nặng hơn bia Hoa Kỳ và có đến hơn 500 loại bia mùi vị khác nhau. Trên con phố ẩm thực này, các nhà hàng san sát nhau, dưới ánh đèn họ bày trí sò ốc, rau cải rất đẹp mắt và thực khách ngồi ăn uống ngoài trời, hàn huyên nói cười trong lúc nhâm nhi bia rượu rất thanh thản nhàn hạ. Thực đơn chem chép tôi thấy đề giá tiền là 18 Euro cho món này. Trong con phố ẩm thực có một nhà hàng chủ nhân là một cô gái Trung Hoa, cô ta đứng ra mời chào khách nhưng không thấy ai ăn trong quán cô ta trong khi các quán khác của người Âu thì thực khách khá đông. Có lẽ thực khách nghĩ rằng món đặc sản địa phương này phải do chính người địa phương nấu nướng thì mới đúng điệu trong khi ở Bolsa món phở hoặc bánh xèo nhiều nơi các anh chàng Mễ “Amigo” đứng nấu nhưng khách vẫn ăn đông.

Chúng tôi rời khu ẩm thực đi xa về hướng Tây bắt gặp một đại lộ rất lớn có tên là Boulevard Anspach, hai bên là những dãy phố lầu người đi và xe cộ tấp nập. Có một khu chuyên môn bán món ăn Thổ Nhĩ Kỳ với các bảng hiệu thường màu vàng đỏ và trưng hình những món ăn. Bên trong là những khay để thức ăn đã nấu sẵn thường là càry hay những món rất nhiều ớt và nghệ. Luôn luôn có một cây thịt bò tròn dựng đứng lên và hai bên là lò nướng chạy bằng điện. Khi kêu món bê nướng này thì người bán cầm con dao bén thái từng lát thịt cho vào dĩa. Chúng tôi ăn ở nhà hàng fast food Thổ Nhĩ Kỳ với món gà nướng và xà lách. Mỗi dĩa nửa con gà kèm theo khoai hay cơm trộn nghệ vàng và một dĩa xà lách giá là 7 Euro. Vừa hợp khẩu vị vừa rẻ tiền so với vật giá vùng Tây Âu này. Có món trừu nướng cũng rất ngon nhưng sợ đó là dê, không bao giờ ăn thịt... đồng loại! Xà lách không có những loại Dressing (Ranch, Italian...) như ở Mỹ mà chỉ có chai dầu Olive và chai giấm đen Balsamic (không phải Bolsamic đâu nhé). Ở Âu Châu nhiều ngày chuyên ăn xà lách với dầu giấm như vậy thấy cũng ngon nên khi trở về Cali đôi khi tôi cũng ăn theo kiểu này để nhớ phong cách Âu Châu.

Ðêm Brussels không muôn ngàn ánh đèn sáng rực như Paris, không nhộn nhịp như Luân Ðôn nhưng êm đềm, thanh vắng, ánh sáng lung linh, khung cảnh huyền hoặc và lãng mạn. Nếu một mình lang thang trong khu quảng trường chắc bạn sẽ gặp ma nhưng là ma... nữ tóc vàng sợi nhỏ, sẵn sàng để bạn mời đi ăn nhưng đoạn kết có... hậu hay không thì người viết du lịch không bảo đảm. Good luck!

Trịnh Hảo Tâm