Vào thời kỳ La Mã Cổ đại, Roma đã có một thời kỳ thịnh vượng kéo dài mấy thế kỷ, từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 476 sau Công nguyên. Các thành tựu về kiến trúc và xây dựng đều tập trung vào thời kỳ này. Người La Mã có đầu óc thực dụng, chú trọng công năng, ưa thích sự bề thế, đồ sộ. Kiến trúc của họ có hình thức lớn đáp ứng những chức năng sử dụng muôn vẻ, còn đường phố và cầu cống thì phẳng phiu, bền chắc.
Công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thường được nhắc đếu đầu tiên trong nền kiến trúc La Mã Cổ đại, có thể xem như là đại diện đầu tiên của nền văn minh La Mã Cổ đại là đấu trường Colisée.
Đấu trường Colisée ở Roma khởi công vào năm 72 sau Công Nguyên (vào các đời vua Vespasien và Tittus), là một công trình vật chất nhưng phản ảnh rất đầy đủ đời sống tinh thần của người La Mã Cổ đại. Vào thời kỳ ấy, người La Mã rất thích xem đấu mãnh thú, đấu vật giữa người với người, người với mãnh thú, và đua xe ngựa cùng các trò vui biểu diễn khác.
Những trò vui Circence - trong đó có nhiều trò phải đổi bằng nhiều máu người - lại được coi là một nhu cầu cần thiết không kém bánh mì (Panem). Vì vậy, nhà Vua cho xây dựng nhiều hý trường (Xiêccut), và đấu trường Colisée là một công trình cổ lớn thuộc loại hình này. Về kích thước tuyệt đối và sức chứa, nó chỉ thua kém nhà thờ Maximux (dài 600m, rộng 200m chứa được 26.000 người) nhưng về độ phức tạp của công năng, kết cấu thẩm mỹ thì nó có phần hơn.
Được đặt giữa hai Quảng trường Cáesar và Rômurô, mặt bằng của công trình có dạng hình elíp với chu vi 527m, được chia làm bốn phần đối xứng bởi hai trục dài và ngắn, trục dài có kích thước 188m, trục ngắn có kích thước 156m.
Khán đài hình elíp của đấu trường Colisée được nâng cao dần lên, tổ chức theo kiểu nền dốc bậc Amphitheatre và chứa được 50.000 người trong đó có 45.000 chỗ ngồi và 500 chỗ đứng. Hàng khán giả đầu tiên cao hơn bãi đấu 5m để bảo đảm an toàn cho người xem, còn hàng khán giả cuối cùng có độ cao tương đương với 5 tầng nhà. Số dãy ghế chạy vòng tròn từ dưới lên trên có tới 60 hàng, chia làm 5 khu vực theo chiều cao, riêng rẽ thoát người vào những lối ra và cầu thang của mình. Toàn bộ công trình có 80 lối thoát như vậy, trong khi đó, nhà Vua có lối ra vào riêng gắn với đường ngầm dưới đất, đảm bảo đường đi lại ngắn giữa chỗ ngồi danh dự trên khán đài với cung điện Hoàng gia. Dưới khán đài có những hệ thống không gian dành cho việc nghỉ ngơi, chạy vòng tương ứng với ba tầng nhà.
Hình thức mặt bằng của đấu trường Colisée được phản ánh trung thực trên mặt đứng, toàn bộ công trình cao 48m, chỉ có 3 tầng dùng kết cấu cuốn đá, từ dưới lên trên dùng các thức cột Dôrich, Iônic và Coranh, chuyển từ nặng đến nhẹ dần, sau đó thêm một tầng thứ tư nữa dùng mảng đặc là chính, thỉnh thoảng trổ cửa sổ nhỏ và trang trí cờ xí để phù hợp với không khí của ngày hội.
Công trình có phong cách hùng vĩ nhờ ở kích thước to lớn và vẻ khoa trương của các vòm cuốn từ các tầng. Các chi tiết kiến trúc cũng được chú ý để tạo nên không khí kịch tính trong trường đấu. Bãi đấu bên trong là một hình chữ nhật có kích thước 86x64m.
Đấu trường Colisée có hệ thống kết cấu hoàn thiện, hệ tường cột chạy vòng quanh mặt đứng công trình tạo nên 80 cái vòm cuốn đá cùng với hệ thống tường ngang hình rẻ quạt - 80 bức cả thảy - đỡ toàn bộ khán đài và các sàn tầng của công trình. Không chỉ là hệ thống kết cấu hợp lý mà còn cách tuyển chọn vật liệu đã chứng tỏ người La Mã Cổ đại nắm vững một số kỹ thuật xây dựng quan trọng. Hình thức kết cấu ở mặt ngoài đấu trường đã sử dụng hai yếu tố cuốn và cột thức rất thành công.
Tuy ngày nay đấu trường Colisée không còn được nguyên vẹn, một phần đã bị mất đi, nhưng vị trí và ý nghĩa của nó đối với Roma thì không suy chuyển.
|