Núi Cô Tô, tên chữ là Phụng Hoàng Sơn, cao 614m, là một trong bảy ngọn núi nổi tiếng của vùng Thất Sơn, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Núi Cô Tô nhìn từ xa Chủ đích ban đầu của tôi khi đến đây không phải để tham quan núi Cô Tô, mà vì tò mò về Khu du lịch hồ Soài So nằm dưới chân núi. Tuy nhiên, khi đến nơi, tôi thật sự thất vọng vì toàn bộ khu du lịch chỉ là một lòng hồ nhỏ cạn trơ đáy, vài quán nước xập xệ và một cổng kiểm soát thu tiền vé với giá 3000đ/ khách.
Hồ Soài So cạn nước trông "buồn xo" Trái ngược với sự đìu hiu của hồ Soài So, cách đó vài trăm mét, chân núi Cô Tô đang nhộn nhịp bởi những đoàn khách hành hương và đội ngũ xe ôm đưa khách lên núi. Để không phải quay về tay không, tôi bỏ 90.000đ cho một chuyến xe ôm lên núi khi được bác tài giới thiệu là “đi hết trơn các điểm tham quan trên núi: Chân Tiên, Vồ Hội, Nam Hải, Bồng Lai…, lên tới chỗ cao nhất có thể đi được bằng xe máy”. Xe vừa chạy được vài khúc quanh lên núi, tôi đã toát hết mồ hôi, nhiều lúc chỉ muốn kêu bác tài dừng xe lại. Đường lên núi nhỏ hẹp, quanh co và có độ dốc rất lớn, lắm khi cứ tưởng chiếc xe sẽ bị tuột ngược lại. Xe chạy số một, gầm rú hết ga để ngược dốc trong khi tôi ngồi sau nhắm chặt mắt, lòng cứ liên tưởng đến trò chơi tàu lượn siêu tốc trong Đầm Sen hay Suối Tiên. Đường lên núi dốc đứng... ... và quanh co Vừa ôm cua liên tục, bác tài vừa nói vọng ra sau: “Để chạy được ở con đường này, xe phải thay dĩa loại lớn và “độ” lại máy. Một năm tụi tui phải thay mười mấy cái vỏ sau, hơn hai chục cái bố thắng và làm máy lại mấy lần…”. Bác tài xe ôm có tay lái "lụa" Con đường lên núi toàn bộ tráng xi măng, do người địa phương góp công, góp của xây dựng. Mục đích ban đầu là để các hộ dân trên núi tiện việc đi lại. Sau này, con đường trở thành lối đi cho khách hành hương và nghề xe ôm cũng ra đời, tạo thêm thu nhập cho người dân. Các điểm tham quan chính trên núi là những ngôi chùa hoặc các nơi có tầm nhìn, có phong cảnh đẹp. Từ những điểm cao trên núi, du khách có thể nhìn toàn cảnh vùng đồng bằng Tri Tôn và Tịnh Biên, xa xa thấp thoáng các ngọn núi khác trong dãy Thất Sơn. Dấu chân tiên Hình trên là dấu chân ở khu vực được gọi là Sân Tiên. Theo người dân địa phương, một vị tiên đã đặt chân phải nơi đây, rồi bước thêm một bước nữa đến núi Cấm. Vì thế, dấu chân ở Cô Tô là dấu chân phải, còn ở núi Cấm có dấu chân trái. Một đoàn khách hành hương nghỉ mệt ở Sân Tiên
Một ngôi chùa trên núi
Nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương viếng chùa Lên khỏi Sân Tiên một đoạn là Vồ Hội - một mặt đá rộng rãi, bằng phẳng, tứ bề gió lộng. Nằm rải rác trên Vồ Hội và Sân Tiên là những bàn thiên để khách hành hương có chỗ thắp nhang, cúng vái. Vồ Hội Hồ Soài So nhìn từ Vồ Hội Thấp thoáng xa xa là núi Cấm
Phong cảnh nhìn từ đỉnh Cô Tô Khi hỏi về con đường lên núi, anh xe ôm cho biết, cách đây vài năm, trước khi có đường, đã có nhiều hộ dân sinh sống trên núi. Thắc mắc tại sao họ lại chọn cuộc sống tịch mịch, thiếu thốn tiện nghi như thế, anh xe ôm trả lời một câu hết sức miền Tây: "Ở trên núi mát và khoái lắm". Giờ đây, đứng trên đỉnh Cô Tô lộng gió, khi những phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày đã rơi lại dưới chân núi, tôi mới phần nào hiểu được chữ "khoái" trong câu nói đó.
|