Home Giải Trí Thắng Cảnh VN Núi và chùa Bái Đính to nhất VN?

Núi và chùa Bái Đính to nhất VN? PDF Print E-mail
Tác Giả: Đặng Thái Huyền   
Thứ Bảy, 20 Tháng 12 Năm 2008 13:06

Lên núi Bái Đính, xem chùa lớn nhất nước Nam

Đại công trường Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn còn ngổn ngang nhưng mỗi ngày vẫn đón vài trăm lượt khách vãn thăm. Danh tiếng của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam không chỉ làm nên bởi con số về kích thước, khối lượng đáng kinh ngạc mà còn bằng những câu chuyện kì tích của người thợ tài hoa xây đắp.
 
Bạc tóc ăn ngủ cùng 500 vị La Hán
 

Điện Pháp Chủ và gác chuông như một khối núi
Đã 3 năm rồi, xưởng đá của nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn lúc nào cũng vui như cái hội làng. Tiếng đục, tiếng mài cắt đá ầm ì, đường đi lối lại chật kín với những tảng đá cao hơn đầu người, hình khối đá phác thảo, tượng La Hán sắp hoàn chỉnh. Những người thợ tài hoa nhất làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã hội tụ về đây để tạc khối tạo hình phục dựng 500 vị La Hán cho chùa Bái Đính.

Thợ tạc Đặng Văn Phong sau một hồi miệt mài ghé sát mặt vào phiến đá tạo đường nét mới dừng tay: "Tượng La Hán phải sinh động, mà tạo đường nét mặt là cái khó nhất. Những tay thợ trẻ chỉ lơ là sẽ hỏng cả khối đá chọn tuyển rất kĩ càng".

Anh em ở công trường vẫn hay có câu đùa "Bạc đầu với La Hán". Cũng bởi chỉ sau độ nửa giờ tạc tượng, đầu ai cũng bạc trắng với bụi đá. Những chi tiết càng tinh xảo lại càng phải chăm chú "hít bụi tạc hình". Cả công trường hàng trăm người được chia làm 7 đội làm liên tục 3 ca, ca tối từ 7h đến 10h30, ăn ngủ giữa cả quần thể tượng. Đêm mùa đông, khí đá lạnh buốt mà từng mũi mài vẫn rít lên nóng rẫy tạo đường chỉnh nét.
 
Cái công phu nhất của tạc tượng La Hán là phải phục dựng tới 2 lần. Từ 4 tập sách dày ghi tên vẽ hình các vị lấy từ viện Hán Nôm, anh em thợ phải tạo thành một mẫu thạch cao hoàn chỉnh, từ đó mới dựa theo mà tạc mẫu đá.
"Thực ra những vị như Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà… chúng tôi khắc tên vào đây chứ không biết gì về lịch sử nhà Phật. Cánh thợ chỉ có cái tâm hướng Phật mà làm cho cẩn trọng. Trung bình suốt 2 tháng ròng rã mới xong một tượng". Anh Phong tâm sự.
 
Hiện tại, cả xưởng mới chuyển vào chùa Bái Đính được 200 pho. Còn 300 pho La Hán nữa sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.
 
Trở lại công trường chùa Bái Đính với xe ben, máy phá đá, máy ủi gào rú đêm ngày cho kịp tiến độ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lĩnh đang trầm ngâm trước bãi gỗ lớn: "Trên toàn công trường có khoảng 8.000 khối gỗ. Tôi mới phụ trách 50 khối gỗ vàng tâm mà cũng mất ăn mất ngủ. Nghề sơn mài của làng Cát Đằng (Ý Yên, Nam Định) có lịch sử 500 năm mà lần đầu tiên mới nhận một công trình lớn tới vậy".
Những bức hoành phi, câu đối, cửa võng với kích thước chưa từng có. Bức hoành với hai chiều 9m x 3,2m nặng khoảng 9 tấn đang được những người thợ tài hoa nhất Cát Đằng trạm trổ, sơn son thếp vàng. "Chúng tôi từng tu bổ bức hoành phi lớn nhất Việt Nam ở Cẩm Giang (Từ Sơn, Bắc Ninh) mà chỉ có kích thước 4,5m X 0,9m. Chưa bằng một nửa đơn hàng này".

Dự kiến có 3 tổ thợ mỗi tổ 100 người làm liên tục trong 5 tháng mới hoàn thành được khối lượng cửa võng, hoành phi cho điện Tam thế.
 
Trên công trường chùa Bái Đính có hơn 500 thợ (phần lớn ở Ninh Bình và Huế) làm việc liên tục. Mỗi người từ thợ xẻ gỗ, lợp mái, quét sơn… đều đang lập kì tích cho mình.
 
Ngược đường vào núi tìm Phật
 
Sự hoành tráng của chùa Bái Đính đang xây dựng khiến ít người để ý rằng chỉ vòng qua bên kia núi một độ đường sẽ đến chùa Bái Đính cũ vẫn giữ vẻ hoang sơ.

Bên này núi ầm ĩ tiếng máy móc ngày đêm, bên kia chùa cũ tương truyền có ngót nghìn năm vẫn trầm mặc. Chùa tựa lưng chùa mà tưởng chừng của hai thế giới.

Những kỷ lục của chùa Bái Đính
- Khu chùa có diện tích rộng nhất: 107ha. Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ có diện tích lên tới 1.000 m2.
- Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn. Ba pho Tam Thế mỗi pho nặng 50 tấn.

- Hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á: 36 và  27 tấn.

- Chùa có nhiều tượng La Hán nhất với 500 vị bằng đá cao hơn đầu người.

 

 
Vòng vèo leo qua hơn 300 bậc đá mới tới chùa Bái Đính cũ ở độ cao ngót 200 mét. Ông Đặng Văn Bắc, người phụ trách tôn tạo lại ngôi chùa cũ này, cho hay: "Phật nơi nào cũng như nhau, chùa cũ mới đều có cái vị thế hay của nó. Chùa cũ trầm mặc kín đáo nhưng lại là nơi long chân huyệt đích, long mạch chạy dài, tụ thủy ở Giếng Ngọc. Trong vùng dù khô hạn đến mấy mà giếng không bao giờ cạn".
"Còn chùa mới được cái vị thế ỷ sơn hướng hải, không gian khoáng đạt, trước mặt sông chảy qua, án ngữ bởi hai khối núi như long chầu hổ phục".
 
Các cụ trong huyện Gia Viễn đều kể lại câu chuyện thiền sư Nguyễn Minh Không vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông bị hóa hổ. Thiền sư phát hiện động Tối, động Sáng, Thung Thuốc trên núi nên đã biến thành chùa thờ phật. Bên động Tối gồm nhiều hang nhỏ thông nhau có thờ cả Mẫu Thượng Ngàn.
 
Cụ Đỗ Xuân Cảnh, nhà ở ngay chân chùa Bái Đính cũ phấn khởi: "Có chùa mới to nhất nước dân làng ai cùng mừng rỡ. Nhưng nghĩ lại phật ở trong lòng, tìm đến phật là tìm đến sự thanh thản, thông tuệ. Cũng không nên cầu sự ồn ào thái quá!".Chùm ảnh: Ngổn ngang đại công trường núi chùa Bái Đính

   
 Thắp hương trước tượng Phật Tổ nặng 100 tấn giữa dàn giáo Pho tượng trong điện Tam Thế nặng 50 tấn 

 

 
Du khách rất hào hứng chụp chuông cao 5,6m nặng 27 tấn bên điện Tam Thế.

 
 Tháp chuông bát giác 3 tầng, 24 mái để treo chuông 36 tấn 
 Một bên mái điện thờ Pháp Chủ. Điện cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m.
 
 
Bãi đá làng Ninh Vân với hàng trăm tượng La Hán đã hoàn thành. Khoảng 200 vị La Hán đã được chuyển tới Bái Đính
 
Nắn nót từng nét áo  Mỗi tượng đều phải có một mẫu thạch cao phục dựng trong khoảng 1 tháng
 
 2 công nhân sơn vân gỗ trong 3 ngày liên tục mới xong 1 cột.  
Đẽo cột dựng Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát hoàn toàn bằng gỗ.
   
Thợ xẻ Trần Văn Định: "Cột quá lớn, phải xẻ bằng tay, 3 ngày tạm phác được khối tròn".  Lựa chọn gỗ chở về làng Cát Đằng làm cửa võng, hoành phi
Lợp mái nhỏ điện Pháp Chủ. 10 công nhân lợp được 8 hàng ngói/ngày.
   
Bóng Điện Tam Thế sánh ngang bóng núi. Chùa Bái Đính cũ vẫn nép mình, tĩnh mịch
Những kỷ lục

Từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đi vào đến núi Bái Đính chỉ khoảng 20km. Cách xa 2-3km đã thấy 2 ngôi chùa như hai búp sen khổng lồ mọc vững chãi trên vách núi, nối tiếp nhau, với những mái đao cong vút, xanh biếc. Tòa nằm phía trước, bên dưới gọi là Pháp Chủ điện. Tòa nằm phía trên, cách khoảng 100m, gọi là Tam Thế điện.

Phía ngoài cùng, ngay con đường quanh co dẫn lên chùa, cách Pháp Chủ điện khoảng 300m là gác chuông 3 tầng, 24 mái. Đây là nơi sẽ đặt một quả chuông nặng tới 36 tấn. Hiện tại, hai hạng mục gồm cổng tam quan (chạy dài hơn 200m) và hai hành lang tượng La Hán (nằm ở hai bên, dẫn từ cổng tam quan lên gần sát Tam Thế điện với chiều dài khoảng 500m, mỗi bên đặt 250 tượng La Hán bằng đá trắng) mới bắt đầu được động thổ.

Chùa trong quần thể chùa Bái Đính.
 Cả một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, nhìn ra hồ Đầm Thị ở phía Bắc và xa hơn nữa là sông Hoàng Long. Đứng ở sân chùa Bái Đính trông ra, bốn bề là cảnh sông nước và núi đá vôi rất hữu tình, mang nét đặc trưng hiếm có của vùng Gia Viễn (Ninh Bình)- vốn được mệnh danh là "vịnh Hạ Long trên cạn".

Mặc dù đến nay, ngôi chùa vẫn chưa xây dựng xong, mới hoàn tất được khoảng 70% công việc, xây dựng chùa, nếu tính cả dự án gồm nhiều hạng mục như hồ, suối, khu vui chơi giải trí, hang động, đường sá… thì mới chỉ đạt 30%, nhưng danh tiếng của nó đã lan rộng ra khắp các vùng vì những kỷ lục đáng ngạc nhiên mà từ xưa đến nay chưa từng gặp ở Việt Nam.

Chằng chịt giàn dáo
 Kỷ lục đầu tiên chính là sự bề thế và hoành tráng của ngôi chùa. Ngôi Tam Thế điện có diện tích lên tới 2.400m2, gồm 12 mái, với những cây cột cao từ 22-30m. Mỗi cây cột có đường kính 80-90cm, 2-3 vòng tay người ôm. Ngôi Pháp Chủ điện, cây cột cao nhất cũng lên tới 27m và rộng gần 2.000m2 (trong khi những ngôi chùa lớn hiện nay cũng chỉ rộng 150m2). Bước vào, khách phải ngước lên mỏi cổ mới nhìn thấy xà nhà. Bên trong chằng chịt giàn giáo xây dựng.

Theo anh Ngô Xuân Chiến, một thợ mộc đang thi công ở đây cho biết, chỉ riêng phần mái của ngôi Tam Thế đã rộng tới 4.000m2. "Toàn bộ phần mái, chủ đầu tư đã mời thợ từ tận TP. Huế ra lợp. Họ phải lợp trong 3 tháng liền mới xong. Mỗi ngày chỉ lợp được 2 hàng ngói"- anh kể.

Tượng đá trắng nguyên khối.
 Thế nhưng, điều còn gây sửng sốt hơn là những pho tượng Phật lớn chưa từng thấy ở Việt Nam, được đúc và đặt ở Tam Thế điện và Pháp Chủ điện. Đây là những pho tượng Phật khổng lồ được đúc bằng đồng nguyên khối nhập từ Nga về, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng ở Ý Yên (Nam Định) thực hiện. Nóc chùa đã cao lút tầm nhìn, đầu các pho tượng (ngồi) cũng chạm lên tận xà nhà.

Bởi vậy, người ta phải định vị tượng vào tòa sen trước rồi mới tiến hành xây dựng khung chùa. Trong đó, theo chủ đầu tư cho biết, riêng 3 pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng tới 50 tấn. Còn pho tượng Pháp Chủ đặt trong Pháp Chủ điện thì nặng tới 100 tấn. Riêng phần bệ xây để đặt đài sen đã cao ngang mặt một người lớn.

Ngay khi vừa bước vào chùa, nhiều người đã phải giật mình trước kích cỡ của pho tượng lớn chưa từng thấy bao giờ. Đây được coi là pho tượng không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất cả khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, còn có 2 quả chuông cũng được coi là lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, gồm nặng 27 tấn và 36 tấn, do chính nghệ nhân đúc Nguyễn Văn Sính ở TP. Huế trổ tài. Hiện hai quả chuông đã được vận chuyển về đến chùa Bái Đính, sau Tết Nguyên đán sẽ được treo lên.
 
Quả chuông kỷ lục.

Điều còn khiến chúng tôi bất ngờ hơn là khu vực đang tập kết tượng La Hán trên mỏm đồi ở phía trước Tam Thế điện. Tất cả có khoảng 200 pho tượng đá trắng nguyên khối, mỗi pho cao quá đầu người (2,3m), đặt thành hàng lối như một "rừng tượng". Mỗi pho đều được đánh số theo thứ tự.

Anh Nguyễn Khắc Hùng, một thợ tạc tượng, cho biết: "Đây chỉ là một phần trong tổng số 500 pho tượng La Hán sẽ được đặt dọc dãy hành lang La Hán do thợ tạc tượng ở làng đá Ninh Vân (Hoa Lư-Ninh Bình) thực hiện. Còn 200 pho tượng nữa hiện chúng tôi đang gấp rút hoàn thành. Để làm xong số tượng này, chúng tôi phải đục đẽo ròng rã suốt 3 năm trời".


Ở đây, cái gì cũng lớn, cũng làm người ta phải ngạc nhiên, từ tầm cỡ của ngôi chùa, các pho tượng đến số lượng thợ tham gia, số lượng gỗ, đá được sử dụng. Bởi vậy, đi từ đầu chùa đến cuối chùa, ở đâu người ta cũng phải sử dụng đến chữ "đại" để gọi tên, như đại hồng chung, đại tượng, đại Phật tự… mới cảm thấy diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa của công trình "đệ nhất nước Nam" này.

Đại công trường

Để kịp tiến độ, bất chấp tiết trời lạnh thấu xương, hơn 500 công nhân gồm hàng chục cánh thợ đến từ những vùng nổi tiếng về xây dựng, mộc, điêu khắc, sơn mài, đúc tạc như Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Kim Sơn, Yên Mô (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định), TP Huế… gần như quên ăn quên ngủ để làm việc.

Họ phải "đánh vật" với những khúc gỗ dài hơn 10m, đường kính gần 1m trong cả đống gỗ 8.000m3. Toàn là gỗ quý như sến, táu, dổi, lim, vàng tâm… Cưa xẻ, đục đẽo ầm ầm. Quanh chùa, trên đỉnh núi, lán trại, nhà xưởng của công nhân dựng chi chít như trại lính. Cả khu núi Bái Đính hoang vu trở thành một đại công trường với máy xúc, máy ủi, xe benz chở đất, xe tải chở gỗ, gạch ngói… chạy suốt ngày đêm.


Ông Nguyễn Văn Chiến, 50 tuổi, thợ cả phụ trách một cánh thợ 60 người ở làng Cung Kiệm, xã Nhân Hòa (Quế Võ- Bắc Ninh), đang thi công dãy hành lang đặt 500 tượng La Hán, bảo: "Chúng tôi đã từng đi ra tận đảo Phú Quốc, lên tận Móng Cái (Quảng Ninh) để dựng chùa chiền, nhà cửa mà chưa thấy ở đâu có ngôi chùa lớn như thế này".


Mặc dù chùa vẫn chưa xong nhưng ngày nào cũng có hàng trăm khách mò mẫm tìm vào cúng bái. Người dân đội mũ bảo hiểm, đi xe máy đến tham quan cũng có. Ôtô chở khách du lịch theo tour ghé qua cũng có. Trước 3 pho tượng Tam Thế và tượng Pháp Chủ, khói hương đã bắt đầu nghi ngút.


Theo ông Nguyễn Văn Công, tổng chỉ huy xây dựng công trình chùa Bái Đính, thì cả khu chùa rộng tới 107ha. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của dự án xây dựng trung tâm du lịch "tâm linh văn hóa" Tràng An rộng gần 2.000ha do Công ty TNHH Xuân Trường (một doanh nghiệp chuyên hoạt động về xây dựng ở Ninh Bình) làm chủ đầu tư.


Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Trường- chủ đầu tư dự án- cho biết, chùa Bái Đính sẽ xong phần ngoại thất vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.