Home Giải Trí Thi Ca Kẻ Sĩ và Bồi Bút !

Kẻ Sĩ và Bồi Bút ! PDF Print E-mail
Thi Ca
Thứ Tư, 10 Tháng 2 Năm 2010 18:30

. . . Và trong trường hợp nào thì họ có thể thực hiện đúng “sĩ khí” để được tiếng thơm muôn đời!

Khi chúng ta nói đến hai chữ Sĩ khí, có nghĩa là nhắc nhở nhau hãy quay nhìn lại mình trước khi hành động về một vấn đề gì đó hay dấn thân vào một phong trào, một đảng phái... mà theo chủ quan, đó là lý tưởng hoặc ít ra đó là con đường đúng đắn của kẻ sĩ! Theo chủ quan, theo cái nhìn với góc cạnh từ hai mắt mình, từ sự suy nghĩ của mình đôi khi chưa phải là chín chắn khi chính mình chưa kinh qua những kinh nghiệm.

Mỗi khi mùa xuân về, mỗi khi hoa đào nở, gió xuân làm lòng người dịu lại những trăn trở theo cuộc sống; thì chúng ta, ai cũng nhớ đến bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên. Bài thơ giản dị và trong sáng, không có những từ ngữ đổm dáng hay văn vẻ, nhưng nó làm cho mọi người cảm thấy bùi ngùi tiếc thương một thời đã qua. Hình dáng một ông đồ mặc áo dài khăn đóng, trải chiếc chiếu hoa củ kỷ bên đường phố đông người. Ông Đồ ngồi chờ khách thuê viết đôi câu liễn treo trong nhà nhân dịp tết. Ông đồ viết chữ đẹp như phượng múa rồng bay... Nhưng người thuê viết chẳng đọc được, chẳng hiểu được nữa những nét chấm phá tuyệt vời ấy. Đôi khi theo thói quen, họ thuê ông viết đôi câu đối mà không biết nghĩa những chữ đó ra thế nào, có thể đem về treo trên tường, nghĩ rằng nó là vật kỷ niệm mà thôi. Rồi mỗi năm khách dần thưa, người ta qua đường thờ ơ với một ông Đồ già, hình bóng một quá khứ đã qua, không thể nào có thể níu kéo lại...!

Tôi nhớ lúc trọ học ở Bồng Sơn, thuộc quận Hoài Nhơn, trong gia đình Bác Tám Thơm. Hồi đó là năm 1958, Bác Tám khoảng chừng 60 tuổi, để râu dài, trông như một cụ đồ nho, nhưng bác Tám không biết một chữ nho nào, kể cả chữ quốc ngữ. Nhưng bác luôn luôn tôn thờ chữ “thánh hiền”. Tôi còn nhớ, lịch treo tường có in hai loại chữ Việt và Hán văn ghi ngày tháng dương và âm lịch. có lần tôi xé tờ lịch, vò tròn vứt vào thùng rác. Bác Tám nghiêm sắc mặt, vừa cuối xuống lượm tờ lịch vừa nói với tôi: “Chữ Thánh Hiền không được vò xé, chỉ nên đốt hay để chỗ tôn kính!” Thế đấy, những người trong thời trước chúng ta một vài thập niên, dầu họ không được học, hay đọc chữ “ thánh hiền”, họ đều có chung một tư tưởng tôn thờ chữ nghĩa. Mà theo họ, chữ nghĩa ấy là linh hồn của Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tùng Tứ Đức. Dầu sao thì thời đại củ đã lùi xa, nhưng cũng ít ai quay lưng lại với chính quá khứ của mình bằng nhà thơ Vũ Đình Liên cùng một vài văn thi sĩ thời tiền chiến sau đó theo “cách mạng”.

Trở lại mùa xuân với bóng dáng ông Đồ già trong thơ Vũ Đình Liên, không ai trong chúng ta phủ nhận một hình ảnh của thời gian giao thoa giữa hai nền văn học. Cái mới của văn minh Âu Châu đã đánh bại một nền móng văn hóa bao đời ngự trị trên quê hương Việt. Bài thơ “ông Đồ” đã phản ảnh bao sự giằn co, bao hoài niệm và tiếc thương, giống như ta thường tiếc thương mối tình đầu đã qua trong đời!

Mỗi năm hoa đào nỡ,
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa rồng bay.

Nhưng mỗi năm một vắng,
Người thuê viết nơi đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Hôm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm củ,
Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ không những đã được mọi người khen tặng, nó còn được hân hạnh làm bài giảng văn và học thuộc lòng trong các lớp trung học thời Việt Nam Cộng Hòa. Bài thơ và tên tuổi tác giả được liên tục nhắc đi nhắc lại mỗi khi mùa xuân trở về với mọi người, nhắc nhở một quá khứ đầy hoài niệm và mang biết bao lịch sử trong văn hóa dân tộc Việt. Nhưng chưa có ai trong chúng ta, trước đây biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp tác giả bài thơ “ông Đồ”, hay có thể cố tình không nói đến. Vì thế người đời sau ít biết rỏ về Vũ Đình Liên, một người Cộng Sản, một bồi bút rất có uy tín trong Đảng và trong nền văn học vô sản tại Việt Nam.

Vũ Đình Liên, sinh năm 1913 tại phố Hàng Bạc Hà Nội. Sau khi đậu tú tài ở trường Pháp Collège de protectorat ( Trường Bảo hộ tại Thụy Khuê, chính là Trường Bưởi, sau đổi thành Chu Văn An). Ông ta ghi danh học Luật một vài năm rồi bỏ ngang để dạy học tư và làm báo. Năm 1946, Vũ Đình Liên theo kháng chiến trong Hội Văn Nghệ Cứu Quốc Liên Khu 3, gia nhập vào Đảng Cộng Sản năm 1951, dạy học và biên soạn sách giáo khoa cho chế độ!

Bài thơ “Ông Đồ” được Vũ Đình Liên sáng tác vào năm 1937, đăng trên báo Tinh Hoa. Ngoài ra ông còn những bài thơ khác nữa nhưng không nổi tiếng. Vì bài Ông Đồ làm cho tiếng tăm Vũ Đình Liên được vào danh sách những văn thi nhân có hạng, nên khi trở thành Đảng viên Cộng Sản, ông tiếp tục lấy hơi hám bài thơ nầy làm sườn cho ý tưởng ca tụng “Đảng và Bác” một cách rất ư là ngây ngô và nịnh hót! Ta hãy xem bài thơ sau đây, họ Vũ dựa vào bài “ông Đồ” để diễn tả “tấm lòng” theo đảng trung thành của mình như thế nào:

Bài thơ “Thủy Chung” sáng tác năm 1977, Tết Đinh Tỵ:

Năm nay đào nỡ rộ,
Mừng hội Đảng, Hội Dân,
Bút ông đồ lại họa
Những nét chữ đẹp, thân.

Cờ biển ngập phố phường,
Cành đào bay thắm đỏ,
Như cả ngàn hoa xuân,
Nét hoa trên mỗi chữ.

Thấy trong lòng say sưa,
Dừng chân không muốn bước,
Nghe đọc những vần thơ
Ngợi khen những nét bút.

Xuân Cộng Hòa Xã Hội
Mai đào tươi thắm hoa
Một nguồn hạnh phúc mới
Trào ngọn bút dòng thơ...!

Đây là bài thơ tiêu biểu của một bồi bút, nó phản ảnh không biện bác được rằng, Vũ Đình Liên, trước sau cũng chẳng giữ được tiết tháo “kẻ sĩ”như Trần Dần. Nhà thơ họ Trần đã để lại cho đời mấy câu thơ ngắn cho một giai đoạn bị tù đày, trả giá mấy vần thơ:

“Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà,
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ...!”
TD

Chưa hết, Vũ Đình Liên dựa vào thể thơ năm chữ đã thành công trong bài Ông Đồ, sáng tác nhại theo như thế rất nhiều bài có phong cách tương tự nhưng ý và mục đích ca tụng Đảng cùng với “bác” một cách không ngượng ngập gì cả. Sau đây là bài ca tụng đầy tính “nâng bi” một cách trân tráo của nhà thơ, mà, những người chống Cộng, chống sự kèm kẹp thô bạo của tập đoàn Cộng Sản trong nước, vẫn hàng năm nhắc đến tác giả, nhắc đến bài thơ Ông Đồ mà không nhắc đến những bài khác mang tính “cách mạng cao” là một thiếu sót. Bài “Mùa Xuân Cộng Sản” dưới đây là một trong những bài mà Vũ Đình Liên làm theo thể thơ năm chữ nhại theo bài Ông Đồ:

Một cây đào muôn thuở,
Năm bốn mùa nở hoa
Một ông đồ bất tử
Tay với bút không già.

Hoa tươi màu sông núi,
Chữ thắm tình quê hương
Cành đào và câu đối
Ngàn đời Tết Việt Nam

Nghiên bút xưa vẫn đợi
Tự ngàn năm bài thơ
Tự ngàn năm câu đối,
Đảng sáng tác bây giờ

Nghệ sĩ với ông đồ
Tình nước non vô tận
Như Đảng với bác Hồ
Hương đất trời Cộng Sản

Năm nay đào lại nỡ
Vui người mới hồn xưa
Một mùa xuân bất tử
Tươi nét lụa lời ca!

Trong bài thơ nầy, chúng ta thấy Vũ Đình Liên không còn là một thi sĩ, tác giả bài thơ ông Đồ ngày nào, không còn là một văn nhân đầy sĩ khí như Trần Dần, Phan Khôi... Mà hóa thân thành bồi bút ca tụng một chế độ khát máu nhất, tàn bạo nhất trên Thế giới. Những chữ “ muôn thuở, “ngàn đời” “vô tận”... làm cho ta cảm thấy xót xa và thương cho chữ nghĩa Việt Nam. Người thi sĩ cảm nhận cái ý nghĩa, cái hay của đất trời, cảm hoài một vài ý thơ và sáng tác... Mỗi bài thơ là mang một nét gì khác với bài trước, là xuất thần với ý thơ ... Nhưng Vũ Đình Liên không những đã nghèo nàn ý thơ, nghèo nàn sáng tác mà còn “ôm” lấy cả thể điệu, cả hình dáng Ông Đồ để làm nhân chứng tiêu biểu cho chính mình! Dĩ nhiên khi bài thơ Ông Đồ nổi tiếng thì hoàn cảnh và không gian thời gian khác với “ông Đồ” trở về làm “cách mạng”.Theo họ Vũ, ông Đồ của bài thơ làm cho tên tuổi của mình nổi tiếng khác với ông Đồ “phục vụ Đảng”, đó là ông Đồ mới(?).

Nhưng không phải một mình họ Vũ, tác giả bài thơ Ông Đồ được Đảng “lột xác” mà rất nhiều nhà văn nhà thơ tiền chiến cũng bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Nào là Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Xuân Nhị, Huy Cận, Chế Lan Viên...

Bồi bút thứ thiệt, trùm lên tất cả các bồi bút xưa nay, không ai qua mặt được Tố Hữu với những bài thơ ca tụng Cộng Sản quốc tế và tự nhận làm đệ tử trung thành. Ta hảy xem những đoạn thơ sau đây chứng minh tên đồ đệ họ Hồ phóng bút làm dơ bẩn văn thơ Việt như thế nào:

Ca tụng Lenin, cho học sinh cấp tiểu học:

... Ông Lenin ở nước Nga,
Mà em đã biết rất là Việt Nam...!

Khi nghe Stalin chết:

... Ông Stalin ơi! ông Stalin
Trời ơi ông chết đất trời có hay,
... Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười...!

Ta hãy nghe Xuân Diệu ca tụng:

Mổi lần tranh đấu gay go,
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm.
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người.

Trong chiến dịch hô hào đấu tố, Xuân Diệu cao giọng:

Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quì gục xuống, đọa dày chết thôi.

Khi từ trại tập trung về, kẻ viết bài nầy bị tống ra khỏi thành phố, đến ở vùng Đồng Nai làm rẫy. Hàng xóm là một anh cựu Trung Sĩ đang làm khuân vác. Chiều xuống là anh từ nơi làm việc về nhà say lý túy. Vừa đi anh ta vừa hát nghêu ngao những bài hát xen với thơ “tiền chiến”. Tuy say nhưng anh ta vẫn cố tình kéo dài “nhại” những câu thơ Xuân Diệu, cố cho bàng dân thiên hạ nghe chơi:

“... Con nai vàng không còn ngơ ngác nữa em ơi!
Nó đã thành trâu chạy húc người...”

Có hôm anh chàng gỏ cửa nhà người viết bài nầy, tay cầm chai rượu, hai mắt đỏ bừng, hét vào tai tôi: “Con nai hay con trâu? Tôi cười đáp: “ con nai!” anh chàng ôm lấy tôi, đưa chai rượu bắt tôi tu một hốp, rồi nói: “Trâu cũng có sừng, nai cũng có sừng... Mỗi con ngu một cách... xin đừng bỏ nhau!”... Anh Trung Sĩ của chúng ta đó, kẽ sĩ thời nay có bằng một góc hay không?

Xem thế chúng ta mới hiểu rằng, muốn làm “kẻ sĩ” cho đúng nghĩa chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mà nghĩ cho cùng, Trong khung cảnh bị “cải tạo tư tưởng” bị chỉ đạo sáng tác và chế độ “tem phiếu”, thì làm sao kẻ sĩ có thể ngồi xem vợ con chết đói, khư khư giử tiếng tăm cho một ảo tưởng của Khổng Giáo để lại, có mấy ai trọn tình trọn nghĩa? Nhưng để làm gì nhĩ!

Ngày nay, khi người ta đã thoát khỏi cái cảnh kèm kẹp, ra hải ngoại làm thơ, viết văn; trong khung cảnh tự do như thế, lại có những nhà văn nhà thơ “thiết tha” tình nguyện làm “bồi bút” mới là chuyện lạ. Xem thế, chúng ta sẽ chẳng có thể nào phân biệt được là, trong hoàn cảnh nào thì người nghệ sĩ biến thành “bồi bút” và trong trường hợp nào thì họ có thể thực hiện đúng “sĩ khí” để được tiếng thơm muôn đời!