Home Giải Trí Thơ Vui Đi câu giải trí

Đi câu giải trí PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguoi Viet   
Thứ Hai, 29 Tháng 11 Năm 1999 16:00

Đi câu giải trí ( Nguoi Viet)

 

Ngồi trong một căn nhà tại Mộc Hóa, thọc cần qua cửa sổ cũng câu được cá rô

Bài và hình: Trần Tiến Dũng

Ngày nay, người Sài Gòn chỉ đợi dịp được nghỉ để lập tức rời Sài Gòn, người về quê, kẻ đi chơi đâu đó để trốn chạy những vấn nạn đô thị. Trong dòng người có 1001 lý do “tạm thời lánh nạn” đó, người ta thường bắt gặp đội quân đi câu cá giải trí. Và có lẽ đội quân đi câu cá giải trí gồm đàn ông, con nít, cả đàn bà sồn sồn là những người “lánh nạn thảnh thơi” nhất.

 

Một ngày may mắn với cả chục ký cá chẽm

Chiều Thứ Bảy, cậu em vợ tôi gọi điện: “Bốn giờ sáng mai đi câu nghen anh, sớm hơn cũng được. Ði câu cho đúng giờ cá đói bụng mới có cá.”

Một xóm toàn ghe của những người nghèo không nhà, không đất bên sông Vàm Cỏ Tây.

Bốn giờ sáng, cậu em vợ đến chở tôi đi, trong bóng tối lờ mờ của buổi sớm mai, nhìn mớ cần câu đủ loại của cậu em vợ bỏ trong cái túi mang trên vai. Tôi hỏi: “Mày câu cá gì mà nhiều cần câu dữ dậy?” D, cậu em vợ tôi nói: “Thời sông rạch ô nhiễm mà, gặp cá gì câu cá đó. Gặp cá có tóc cũng câu luôn.” Thấy tôi còn ngờ ngợ chuyện cá có tóc. Cậu em vợ giải thích: “Thời nay, đàn bà thôi chồng ôm con sống một mình nhiều quá trời luôn. Mình đi câu có khi gặp cảnh đời dở dang giữa đồng không gió mát, không tấp vô tâm sự thì tối về nhà tiếc ngủ không được.”

Chuyện bên lề của dân câu cá

Cậu em chở tôi xuống bùng binh Cây Gõ để mua trứng kiến câu cá rô. Mới 4 giờ sáng, đèn đường còn mập mờ mà trước tiệm bán mồi câu đã có bốn, năm tay đi câu ngồi chờ mua mồi. Tôi nói với cậu em vợ: “Thay vì ngồi chờ, kiếm một tiệm cà phê làm một ly đi”. Cậu em vợ nói: “Ðâu được anh, trứng kiến hiếm lắm, chậm tay là hết liền”. Vậy là tôi đành ngồi ngáp chờ tiệm mở cửa. Chúng tôi vừa ngáp mấy cái thì có một dân câu tấp xe vô bắt chuyện: “Ê, bữa nay mấy cha đi miệt nào?” Cậu em vợ nhanh miệng trả lời: “Ði Gò Công kiếm cá ‘gô’”. Tay đi câu cười giả lả rồi móc trong túi áo ra cái cạc, nói: “Cá rô giật đâu có sướng tay, tôi giới thiệu chỗ này, trên Ðức Hòa. Trời ơi giật cá tra con nào con nấy mấy ký trở lên không hà, sướng tê tay luôn”. Cậu em vợ làm bộ cầm tấm cạc coi coi, rồi nói: “Lần khác đi. Bữa nay mà câu cá tra đem về chắc vợ tôi nó ói luôn, ăn sao nổi”. Ðợi cho tay tiếp thị dịch vụ câu cá đi khuất, cậu em vợ tôi nói: “ Ðám chủ hồ thả cá cho câu giàu lắm, phần nhiều là cán bộ hưu trí không hà. Anh thấy dám mướn mấy tay đi tiếp thị thì đâu phải vừa, em mà hỏi thêm tụi này sẽ quảng cáo tới cá heo có vú luôn”.

Thật ra cậu em vợ tôi không đi câu ở Gò Công mà là đi Mộc Hóa. Không phải dân câu giấu nhau miệt nào có cá mà chỉ phòng hờ đám đi câu không hạp tính bám theo. Ông Hương một người trong nhóm đi câu của cậu em vợ tôi nói: “Một tuần, chờ sáu ngày trời mới có được một ngày đi câu, câu chủ yếu là để vui thoải mái, để có chuyện mà nói trong bàn nhậu nhưng xui mà gặp thằng đi cùng không đúng hệ, mở miệng ra là nói chuyện ‘cách mạng’ thì có nước quăng cần câu chạy không kịp. Nói thiệt, sợ còn hơn là sợ rắn”.

Ông Hương là một người Bắc di cư. Trước đây, bố ông từng là một liên gia trưởng. Ông nói rằng từ hồi bố ông đi cải tạo về buồn rồi bệnh mà chết, ông cũng chán đời nên mua cần đi câu, hồi bao cấp, ngày nào cũng đi câu để kiếm cá cho gia đình, còn bây giờ đi câu là do nghiện. Lần trước tôi có dịp đi câu với ông Hương ở Cần Giờ. Lúc ông giật được con cá chẽm nặng gần 2 kg. Ông mừng húm như bắt được vàng. Ông nói: “Ði câu, được giật cá nặng tay, đổi cảm giác đó bằng tiền triệu có khi cũng không có”. Cũng cái cảm giác đó mà ông Hòa, một người Hoa ở Bình Thới trong nhóm đi câu nói: “Tôi theo thằng Béo (ông Hương), ban đầu thì câu cá rô, cá phi chơi, sau thấy nó câu rê cá lóc, cá chẽm giật sướng tay quá nên cũng mua cần mắc tiền biểu nó chỉ cách móc mồi. Thằng Béo chỉ tôi móc lưỡi câu qua hai mắt con ếch, rồi thêm cọng kẽm xỏ vào đít con ếch, tôi làm theo nhưng tối về ngủ thấy mình ác còn hơn quân đầu trâu mặt ngựa dưới Diêm Vương. Vợ tôi nó biết chuyện chửi tôi hoài, tôi đem chuyện bị vợ chửi kể cho thằng Béo. Nó biểu tôi về dạy vợ là thánh hiền từng dạy rằng: vật dưỡng sinh. Vợ tôi nghe rồi chửi: “Ác thì nói ác, dưỡng cái đầu ông”.

Chia sẻ theo cách dân câu

Chúng tôi đến Mộc Hóa tầm 9 giờ sáng. Lúc vào tiệm ăn thêm một tô bánh canh, em vợ tôi nói: “Ðây là tiệm bánh canh ngon nhất vùng này, anh em mình ăn bánh canh rồi ngắm bà chủ đeo vàng đỏ tay cho sướng”. So với những địa phương khác cũng có cửa khẩu biên giới thì Mộc Hóa vẫn là một thị xã nghèo. Nếu cố để ý tìm cái mới ở những thị xã vùng sâu như thế này thì đó vẫn là mấy cái trụ sở đồ sộ của chính quyền và cảnh đủ thứ màu sắc của các loại nón bảo hiểm mà dân đi xe gắn máy đang diễu hành trên những con đường quê ngày Chủ Nhật.

Chúng tôi ghé nhà K, một dân cố cựu ở Mộc Hóa. Ba anh trước đây là tỉnh trưởng Kiến Tường. Tôi không tiện hỏi vì lý do gì mà một “ thành phần khó sống dưới chế độ cs” như anh lại còn “tá túc” ở vùng đất này, chỉ biết là cùng chờ đi Mỹ với anh còn bốn cô em gái, không ai dám lấy chồng để chờ được đoàn tụ gia đình. Anh K, hiện là chủ một cơ sở làm cửa sắt. Tiếp chúng tôi anh cười hồn hậu, đúng điệu dân Ðồng Tháp Mười, anh nói: Ðể tôi ra chợ kiếm thêm đồ nhậu. Còn muốn câu thì cứ bắc ghế ngồi thọt cần câu qua cửa sau nhà tôi là có cá. Cá rô ở cái ao sau nhà tôi mùa này chưa nhiều nhưng đủ để các anh đem về cho vợ con nó mừng”. Mà thiệt vậy! Cái ao sau nhà anh K không thuộc quyền sở hữu của anh, đó chỉ là một vùng trũng bị nước lũ về làm ngập. Tôi vừa móc mồi thọc cần câu ra là lập tức câu dính một con cá rô bự cỡ ba ngón tay. Xứ Mộc Hóa xưa nay nổi tiếng là xứ nhiều cá không thua kém gì rừng U minh. Ðã là dân Sài Gòn phải chịu cảnh ăn cá rô, cá lóc, cá tra nuôi trong vùng nước ô nhiễm, nay được nhìn con cá rô mắc câu óng ánh lớp vảy màu xanh rêu của vùng nước hiếm hoi còn trong sạch, làm sao mà chẳng sướng ! Anh Hương nói: “Hôm qua tôi mới đi thăm người bạn chết vì bệnh ung thư. Vậy mà cả đám ma ai cũng nói chuyện đó là thường. Ở Việt Nam cái gì cũng không ô thì nhiễm, không ung thư hay bệnh nan y mới là chuyện lạ”. Chúng tôi ngồi câu ở nhà anh K một lúc cũng được gần cả kí cá rô. Sau bữa cơm trưa, em vợ tôi rủ đi về miệt Thạnh Hóa để ghé thăm một “cơ sở”, D nói: “ Tụi này đi tới đâu câu cũng tìm dân địa phương để kết nghĩa, cái nghĩa là ở chỗ họ hướng dẫn mình chỗ có cá, họ kể cho mình nghe chuyện đời sống ở vùng sâu, vùng xa, có chuyện nghe rơi nước mắt. Rồi tụi này mang xuống cho họ các vật dụng gia đình, từ cái đầu dĩa tới quạt máy cũ... cái gì ở đây họ cũng quí hết. Anh coi có khi bê cho họ cái tivi tổ chảng để giữa căn nhà lá không có được một cái bàn, chuyện trớ trêu vậy mà khách với chủ nhà cùng cười ra nước mắt”. Tôi hỏi vặn: “Cậu mang đồ cũ hết xài xuống cho người ta để đổi bữa cơm với đồ nhậu chớ gì!” Cậu em vợ giãy nảy: “Anh nói bậy bạ. Chỉ mấy thằng cán bộ mới nỡ lòng ăn cướp, ăn cắp của người nghèo chớ tụi này không mất dạy vậy đâu”.

Tất nhiên ngày nay, với nhiều người ở Sài Gòn về quê, ngoài cái thú câu cá giải trí, thăm thú đồng quê... trong tâm lý của họ còn có một dạng đi để chữa bệnh, bệnh ở “tù đô thị”, bệnh lãnh cảm với những cảnh khổ, cảnh nghèo, bệnh kiêu ngạo vì đời sống vật chất sung túc và nhất là bệnh nguy cơ đồng lõa với cái thói tham lam - tham nhũng - hám lợi của cả hệ thống xã hội đang ngày càng thối rữa quá mức tệ hại.

Buổi chiều, trên đường về, chúng tôi đi ngang một bến ghe của dân làm củi, giăng câu bắt cá nghèo xơ xác bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Hỏi thăm, chúng tôi được biết họ là dân không nhà, không đất đai của các tỉnh lân cận đổ về miệt này kiếm ăn trong mùa nước nổi. Chúng tôi tấp xe vào một đám đông, nơi người trên bờ, kẻ dưới sông đang mua bán. Thứ hàng hóa duy nhất được mua bán ở đây chiều nay là những mớ cá rô đồng. Thứ cá được gọi là cá rô bí này thực ra là cá con chưa kịp lớn. Ai cũng biết ăn những con cá này có nghĩa là triệt đường sinh sản nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Nhưng nghèo quá, biết là có tội cũng đành nhắm mắt mà bắt, mà ăn vậy thôi.

Ở bến ghe, nhìn cảnh sinh hoạt về chiều của họ thật thảm thương, con nít thì tắm trong vũng nước ngập bùn, người lớn thì quần áo rách nát đang gom rửa những cái lờ, miếng lưới, đến con chó đứng ngóng lên bờ cũng ngơ ngác. Dù đất còn đó, rừng tràm còn đó, con chim trên trời, con cá dưới sông dù ít ỏi nhưng vẫn còn đó thì riêng đội quân nông dân mất đất, mất nhà ngày càng đông đúc là không biết đi về đâu. Huyền thoại về một vùng Ðồng Tháp Mười mênh mông, tài nguyên trù phú nay đã đến lúc cạn kiệt.