Home Giải Trí Truyện Cười Những “bà” giúp việc tai quái

Những “bà” giúp việc tai quái PDF Print E-mail
Tác Giả: Nhiều Tác Giả   
Thứ Sáu, 12 Tháng 11 Năm 2010 09:06

Dạo này, báo chí trong nước nói nhiều về chuyện “Oshin bi khúc” – những oán khúc về nạn gia chủ bị Oshin (người giúp việc hành hạ).

 Nhiều chuyện nghe như chuyện tiếu lâm, nhưng qua nhiều chuyện kể và qua nhiều tác giả, chúng ta mới hình dung là có thể những chuyện nói trên là những thực trạng tại Việt Nam. Mời qúy độc giả xem qua vài chuyện cho biết thêm về thực trạng Oshin tại quê nhà…

Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, các chị em phụ nữ đang rủ rê nhau lập “Hội những người bị người giúp việc bạo hành”.
Công việc ở cơ quan bận rộn, không thu xếp được thời gian làm hết việc nhà, rất nhiều người đã phải “nhịn hơn nhịn mẹ chồng” để chịu đựng những “bà” giúp việc tai quái.

 “Mày không ăn tao tát vỡ mồm!”

Bà giúp việc tên Xuân, quê ở Phú Thọ được mẹ đẻ chị Linh (Hà Nội) tìm về để chăm sóc cho cháu gái được 2 tuổi. Chị Linh đi làm suốt ngày, lại thấy bà giúp việc tự giới thiệu là đã từng chăm sóc trẻ cho một gia đình người Bỉ ở Việt Nam nên chị rất yên tâm.

Từ ngày có bà giúp việc mới, cháu ngoan hẳn, cứ ăn thun thút chứ không ỉ eo khóc lóc như xưa. Cả nhà đều mừng. Chị Linh còn hào phóng mua thêm quần áo tặng bác giúp việc để bác chăm sóc cháu kĩ hơn.

Chỉ đến khi bà hàng xóm bên cạnh hớt hải chạy sang, lôi chị Linh ra thông báo chuyện, con gái chị ngày nào cũng ăn vài phát tát vào mặt thì chị mới tá hỏa.
Số là bà hàng xóm đi ăn phở sáng, gặp bác giúp việc cho cháu bé đi ăn. Gọi cả bát phở ra, bác giúp việc cắm cúi ăn hết sạch. Cháu thèm quá cứ với với xin ăn thì bị bác tát bôm bốp.
Còn 3 cọng phở cuối bát, bác giúp việc nhét hết vào mồm cháu. Cháu bé bị sặc. Bà hàng xóm thấy thế ức chế quá thì căn vặn, bác giúp việc hồn nhiên: “Con này không ăn được đâu, cứ cho nhịn đến tối, đợi bố mẹ nó về, nó ăn thun thút vì đói ngay”.

Hỏi loanh quanh thêm thì nghe được cả chuyện cứ tầm trưa, bà giúp việc bế con chị ra phản thịt lợn đầu đường, buôn chuyện với mấy bà bán thịt, vừa buôn vừa cho ăn.
Cháu bé nhỡ có không nuốt kịp thì gào lên “Mày không ăn tao tát vỡ mồm!”, “Tao cho mày ăn mà mày đ.. ăn à!”.

Chị Linh giận quá, hộc tốc chạy ra căn vặn bà giúp việc, thì bà thản nhiên: “Trẻ con, thương phải cho roi cho vọt”.
Chồng chị Linh cáu tiết, đuổi bà giúp việc đi thì bà chạy ra đường hét ầm lên là vợ chồng chị đánh. Hàng xóm thấy ầm ĩ quá liền gọi công an đến. "Bà giúp việc lúc này lại khóc lóc ỉ ôi kể lể là thiếu nợ nhà mình, xin làm trừ nợ mà nhà mình không đồng ý, còn đánh bà" - chị Linh kể. Báo hại, gia đình chị Linh mất cả ngày làm việc với công an.
 

Ghét chủ nhà, cho uống cả thuốc pha xăng

Cạy cục mãi, nhà chị Phương mới tuyển được một cô bé giúp việc tên là Tươi, quê ở Nghệ An. Khi mới lên thì cô bé ngoan ngoãn, dạy gì cũng nghe, bảo gì cũng vâng dạ. Nhưng chỉ "ngon lành" được vài tháng thì cô này yêu ngay... vài anh chàng xung quanh nhà.

Lo có chuyện không hay xảy ra với cô bé giúp việc nhà mình, chị Phương kiên quyết không cho nó yêu đương.
Nói chuyện tỉ tê nó vẫn không nghe, chị Phương cấm cửa mấy cậu thanh niên lảng vảng quanh nhà mình tìm cô bé giúp việc.

Một hôm, cô bé quyết "trả thù" bà chủ. Lợi dụng thói quen sắc thuốc bắc cho vào chai mang đến cơ quan để uống của chủ, cô bé giúp việc lén chạy sang xin chai đựng xăng của người yêu làm thợ sửa xe ở đối diện nhà, đổ thuốc bắc.
Chị Phương lẳng lặng mang lọ thuốc đến cơ quan, vừa uống được một ngụm thì phát hiện trong chai thuốc có xăng. Ngay sau đó, chị đã được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu vì ngộ độc…

 “Cho cháu đi chơi với anh ấy thì cháu mới trông em”

Sau khi nghỉ sinh 4 tháng, chị Lan bắt đầu quay lại công việc cơ quan bận rộn. Mặc dù buổi trưa vẫn tranh thủ về được với con, nhưng do bà nội, bà ngoại ở quê cả nên chị bắt buộc phải tìm người giúp việc trông con cho mình.

Cô bé giúp việc chăm trẻ khá tốt do đã có kinh nghiệm chăm sóc ở vài nhà. Chỉ mỗi tội cô bé thích... yêu đương và buôn chuyện điện thoại. Đêm đêm cứ nằm buôn chuyện với người yêu đến 3,4 giờ sáng rồi lăn ra ngủ, có khi còn ngủ quên giữa phòng khách. 8,9 giờ hôm sau cô bé mới dậy nổi, mắt mũi sưng húp vì mệt mỏi.

Đấy là chưa kể đến việc nếu hôm nào mà giận nhau với người yêu thì chả thiết ăn uống, nói gì cũng cáu gắt. Thương con, chị Lan vẫn cố gắng nhịn vì sợ, mình quát nó, ở nhà nó... đánh con mình.

Cả nhà phải nhịn cô giúp việc đến mức, đang ăn cơm mà anh người yêu gọi, cô giúp việc vừa ăn vừa nói chuyện oang oang, cả nhà vẫn cắm cúi ăn, chả dám góp ý.
Cao điểm nhất là chuyện người yêu cô bé lên Hà Nội làm việc hẳn, tối nào cũng đến rủ người yêu đi chơi. Chị Lan không cho đi thì cô bé gào lên “Cô phải cho cháu đi chơi với anh ấy thì cháu mới trông em”.

Thế là gia đình chị đành chào tạm biệt cô giúp việc, chị Lan chấp nhận nghỉ thêm mấy tháng ở nhà trông con chứ nhất định không chịu gia nhập “Hội những người bị giúp việc bạo hành” thêm một ngày nào nữa.
Theo Hải Bình/Vietnamnet

Đòn hiểm của ôsin

Câu chuyện tôi “nghe lỏm” được tại một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội. Thiết nghĩ các bà vợ hãy cẩn thận với ôsin, đừng để phải nếm đòn thù như bà chủ này.
“Tao đã nện cho mụ ấy một đòn chí mạng” - Thơm “ôsin” kể với bạn gái của mình, cũng là một ôsin.

“Nếu mụ ấy tử tế thì tao sẽ tử tế lại. Nhưng mụ ấy rất nanh nọc. Đưa tiền đi chợ về bắt khai từng xu và mắng thậm tệ: Cái con nhà quê này! Mày đi chợ thì phải mặc cả chứ, thịt nạc thăn hôm nay chỉ 66.000 đồng thôi. Ngu mất cả phần của chó. Cái con nhà quê này mày uống sữa tắm hay sao mà chóng hết thế. Hôm qua chai sữa tắm còn một nửa mà hôm nay đã hết sạch rồi”.

Hễ mở mồm ra là mụ ấy gọi tao là cái con nhà quê này. Mà mụ ấy cũng nhà quê một cục, ở Hải Dương lên, ngọng líu ngọng lô “nòng nợn, miến nươn” may vớ được ông chồng có học hàm học vị mà thành bà nọ bà kia chứ cao sang gì. Vậy mà lúc nào cũng vênh mặt lên, khinh người như rác “cái con nhà quê này sao mày buôn điện thoại ghê thế. Một tháng 3 lần gọi về quê mà lần nào cũng trên 10 phút”. Tao hận lắm. Đã thế thì cái con nhà quê này sẽ cho mụ ấy biết tay.

Ông chủ thường làm việc khuya. Cứ tầm khoảng 11 giờ là tao phải pha café cho ông ấy. Tao mua hai bộ váy áo trắng tinh và mỏng tanh... Tao mang café đến cho ông chủ. Ông ấy lịch sự cám ơn rồi liếc rất nhanh vào ngực tao. Nhìn ánh mắt của ông chủ tao biết ông ấy muốn gì rồi. Hôm sau mang café đến tao đứng từ phía sau, cúi xuống, đặt cốc café lên bàn, cố ý chạm cái “quả bưởi” vào lưng ông ấy một tí. Ông ấy nắm tay tao nói cám ơn.

Rồi mụ ấy phải về Hải Dương thăm bà mẹ bị ốm hai hôm. Thời cơ đến rồi. Tao sẽ “bắt sống” ông chủ cho mụ ấy biết mặt. Tao với ông chủ có hai đêm tít mít. Được ăn của lạ, ông ấy rất hào hứng và không thể quên được. Ông chủ thỉnh thoảng lại dúi cho tao một tệp tiền. Mụ ấy ky bo một thì ông chủ rộng rãi mười. Thấy tao mặc có vẻ khiêu khích, mụ ấy mắng: “Cái con nhà quê này, sao mày mặc trông chướng mắt thế!”.

Tao nói: “Cháu ngủ trên tầng thượng, lại không có điều hoà nên nóng lắm, phải mặc thế cho mát. Vả lại cháu ở một mình mà”. Ông chủ bênh tao: “Buổi tối ở nhà thì mặc thoáng một chút cũng được. Nhưng ban ngày thì phải mặc cho kín đáo”. Mụ ấy lườm chồng đến rách cả khoé mắt.

Rồi mụ ấy nghi ngờ chồng. Cứ để mụ ấy nghi, càng nghi tao càng thích. Tao cố tình khiêu khích ông chủ nhiều hơn. Mỗi lần mang café tới, tao lại chạm vào ông chủ một cái.

Rồi một hôm, ông chủ làm việc khuya hơn mọi ngày. Gần 2 giờ sáng rồi mà ông ấy vẫn ngồi trước máy vi tính. Tao rón rén đi xuống, nghe nhịp thở của mụ ấy đều đều, hình như đã ngủ say rồi. Tao định đến gần ông chủ nhưng ông ấy chỉ tay lên gác thượng và nháy nháy mắt. Tao biết ông ấy muốn nói gì. Tao lên gác, bật đèn ngủ, nằm chờ, trong khi cánh cửa chỉ khép hờ. Một lúc sau, tao nghe tiếng cánh cửa mở rất khẽ. Người mở cửa không ai khác ngoài ông chủ. Vì quen rồi nên ông ta không phải giữ gìn gì hết, lập tức “hành sự” ngay. Tao ôm ông ấy rất chặt...

Bỗng đèn trong phòng tao bật sáng và mụ ấy đứng chắn trước cửa, mồm há hốc, mặt méo xệch, mắt xếch lên giận dữ. Tao vớ cái quần của ông ấy, che phần dưới của mình, còn để mặc cho ông chủ cứ thỗn thện thế cho mụ ấy ngắm. Tao thừa biết rằng mụ ấy không dám làm to chuyện, vì mụ ta phải giữ thể diện và sự thăng tiến của chồng. Ngay sáng hôm sau mụ ta đưa cho tao một tháng lương và mắng: “Con nhà quê! Cút đi cho khuất mắt tao!”.

Tao giả vờ sợ hãi và nói rằng: “Cháu xin lỗi cô chú. Nhưng cháu đang có thai. Xin cho cháu ở lại đây, sau khi sinh nở xong cháu sẽ về quê”. Mày có biết mụ ấy sợ hãi như thế nào không? Mặt tái mét đi, lắp bắp mãi mới nói được: “Tao lạy mày! Cầm 2 triệu đồng đi giải quyết cái của nợ ấy đi rồi về quê”. Tao dọa tiếp: “Cháu không dám làm việc đó đâu, thất đức lắm.
Cháu sẽ về quê sinh con và sẽ không ai biết hết. Nhưng cô chú phải cho cháu 50 triệu đồng”. Mụ ta đứng thần ra một lúc rồi mở két, đếm đủ 50 triệu đồng đưa cho tao: “Của nợ! Cút đi” -

Thơm “ôsin” cười đắc thắng - "Tao doạ thế thôi chứ có chửa chiếc gì đâu. Trước đó tao đã uống thuốc tránh thai rồi. Tao rời nhà ấy nhưng tình cảm của vợ chồng nhà ấy không yên nữa. Tất cả là tại cái thói nanh nọc của mụ chủ. Vì thế tao mới trả thù”.
Theo Nhà văn Hoàng Hữu Các/GĐXH

 Bi kịch vợ dùng ôsin để thử chồng

Để kiểm chứng lòng chung thủy của chồng, chị Hường đã lên kế hoạch dùng cô giúp việc trẻ xinh đẹp để thử chồng. Chị không ngờ khi anh "sập bẫy" cũng là lúc mái ấm gia đình chị tan vỡ theo.

Tốt nghiệp đại học, chị Hường kết hôn cùng anh Thắng và về Đồng Nai lập nghiệp. Qua bao khó khăn, anh chị đã có một cơ ngơi rất khang trang với một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, là niềm ao ước của nhiều người.

Kinh tế khá giả, vợ chồng chị thuê người giúp việc nhà và trông coi cửa hàng. Cô bé giúp việc xinh đẹp tên Thuận, 23 tuổi. Kể từ có Thuận quán xuyến, chị Hường thảnh thơi hơn nhiều. Thuận tháo vát, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn nên anh chị rất quý và coi như con cháu trong nhà. Chị còn mua cho Thuận chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc với gia đình, bạn bè và báo cáo tình hình công việc buôn bán. Hàng xóm khuyên chị nên cảnh giác về mối quan hệ giữa chồng và người giúp việc nhưng chị luôn nghĩ anh đã 40 tuổi, đứng đắn, hiền lành, vả lại chị rất khéo chiều chồng nên sẽ không có chuyện mèo mỡ ở đây.

Chị Hường kể: “Trong giao tiếp hàng ngày, tôi cũng để ý thấy sự thân thiết giữa chồng và cô giúp việc. Cô ấy gọi chồng tôi là bác nên tôi cũng yên tâm nghĩ đó tình cảm bác cháu bình thường. Tuy ở cùng nhà, thi thoảng vẫn thấy chồng tôi nhắn tin cho Thuận. Ngay trong những lúc bán hàng, tôi thường thấy Thuận hay ngồi nhắn tin và tủm tỉm cười. Tôi có hỏi thì cháu cũng thành thật trả lời ‘con nhắn tin cho bác trai’. Chính vì sự thật thà đó nên tôi càng an tâm”.

Một hôm, tò mò xem lén những tin nhắn ấy, chị Hường tá hỏa khi đọc được những dòng tin mặn mà của chồng: “Bác nhớ con quá”, “nay con đi đâu mà lâu về vậy?”. Tiếp tục lục hộp thư đi, chị thấy vẫn còn nóng hổi dòng chữ “con cũng nhớ bác lắm, bác ngủ ngon nhé!”

Kể đến đây, chị Hường nghẹn ngào: “Tôi cũng bất ngờ về những tin nhắn này, nhưng tôi vẫn không tin anh ấy có tình cảm với người giúp việc. Để kiểm chứng, tôi đã có một quyết định tồi tệ nhất trong cuộc đời mình là dùng chính cô bé giúp việc ấy để thử lòng chung thủy của chồng”.

Vào cuối tuần, Thuận thường tự bắt xe bus để về quê. Nhưng lần này, chị lại gợi ý nhờ chồng chở cô gái về với lý do trời tối đã hết xe bus. Trước khi về, chị Hường đã lấy điện thoại của Thuận và nhắn tin vào số của chồng “dọc đường con và bác ghé nhà nghỉ nào đó nghỉ ngơi bác nhé”. Chị không ngờ rằng chính hành động của chị đã vẽ đường cho hươu chạy, khởi đầu cho hàng loạt bi kịch xảy ra trong nhà.

“Tôi biết mình đã sai, nhưng vẫn không nghĩ chồng tôi lại dám hành động như vậy nên vẫn tiếp tục kế hoạch của mình. Thế nhưng một sự thật nghiệt ngã khi tôi tận mắt chứng hai người dắt nhau vào khách sạn”, chị Hường kể trong nước mắt. Họ đã “tình nguyện” sa vào cái bẫy ngọt ngào mà chị giăng ra để "thử" chồng.

Kể từ khi chị Hường quyết định cho Thuận nghỉ việc thì đức lang quân của chị cũng thường xuyên vắng nhà hơn. Còn chị trở nên trầm cảm, ít nói, chỉ biết vùi mình vào công việc. Đã có lúc chị nghĩ tới chuyện ly hôn nhưng vì con cái, vì dòng họ nên chị cố níu kéo mặc dù quan hệ vợ chồng đã nguội lạnh.

Câu chuyện tương tự xảy ra trong gia đình anh Toàn, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Anh Toàn là giám đốc đại diện cho một công ty nước ngoài. Vì thương vợ nên anh thuê một cô bé giúp việc tên Phụng, 19 tuổi để giúp vợ vơi đi gánh nặng quán xuyến việc nhà.

Kể từ ngày có bé Phụng, chị Thư, vợ anh như có thêm một người bạn nên chị rất vui, cũng nhờ đó mà vợ chồng chị có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Chị bồi hồi kể lại: “Phụng rất nghe lời tôi lại tháo vát đảm đang nên tôi coi cô ấy như bạn mình vậy. Tôi thấy cuộc sống bớt buồn chán hơn vì có người để tâm sự”.

Chị Thư có thói quen mỗi khi rảnh thường lên mạng để tán gẫu hoặc đọc truyện online. Tối hôm đó, chị hốt hoảng khi phát hiện những dòng tin nhắn và những cuộc trò chuyện thâu đêm mùi mẫn của chồng với người giúp việc vẫn còn lưu ở nhật ký máy tính. Tâm trạng vừa tức giận vừa không tin vào mắt mình, chị chợt nảy ra ý định dùng chính cô gái giúp việc để trả lời cho thắc mắc của chị.
Chị Thư lên một kế hoạch rất chi tiết với cô bé giúp việc để “thử” chồng. Còn Phụng rất quý và nghe lời chị chủ nên cũng háo hức muốn chung tay “giúp” cô chủ thực hiện ý đồ.

Theo kế hoạch tác chiến của chị Thư, bước đầu tiên là “tút” lại nhan sắc cho Phụng. Chị sắm cho Phụng những bộ quần áo mát mẻ, hở hang và gợi cảm. Trước sự thay đổi lạ lùng này, anh Toàn cũng tỏ ra ngạc nhiên. Khi anh thắc mắc thì chị giải thích “có gì đâu, trời nóng quá, mặc thế cho mát, với lại cho bé Phụng cũng cần nở mày nở mặt với bạn nó chứ”.

Bước tiếp theo, chị vẽ đường cho Phụng có những “đụng chạm” vô tình vào người chồng. “Mỗi khi thấy chồng đi làm về, tôi đều để cho Phụng mang nước uống và khăn lạnh xuống, rồi như vô tình đụng chạm vào người anh”, chị Thư buồn bã kể.

Cao điểm của kịch bản vào một buổi tối, chị Thư gọi điện cho chồng báo: “Bạn em bị bệnh, mà chồng lại đi công tác, em ghé chăm sóc cho bạn. Anh về ăn cơm với bé Phụng rồi nghỉ ngơi đi nhé. Tối em không về”.

Đêm ấy, với những gì đã được chỉ dạy sẵn, Phụng không khó để gây sự chú ý của ông chủ. Anh Toàn cũng bị mê hoặc bởi sức quyến rũ toát ra từ thân thể cô gái mới lớn kia. Trong căn nhà vắng tanh, hai người đã không thể cưỡng lại những rung cảm mãnh liệt của bản năng. Còn Phụng cũng không còn nhớ đến ranh giới mà cô chủ đã dặn dò.

Trong đêm tối, chị Thư nhón từng bước chân nhẹ nhàng vào căn nhà của mình. Chị bước rất nhẹ và không dám thở mạnh. Nhưng vọng lại từ căn phòng của vợ chồng chị là những tiếng thở hổn hển và những tiếng thủ thỉ vẻ mãn nguyện của chồng và người giúp việc.

Chị Thư sụp xuống khi thấy kế hoạch của mình đã trở nên quá hoàn hảo khi chồng đã “sập bẫy” với cô ôsin “nhiệt tình”. Chị lặng lẽ bước ra khỏi nhà mà trong lòng đau như dao cắt vì chị biết chính chị đã tự tay giết chết hạnh phúc gia đình.

Sau này, khi anh Toàn biết tất cả kế hoạch của chị Hường là để “thử” chồng, cho rằng mình không được vợ tin tưởng, tôn trọng, anh quyết định ly dị để lại người vợ đau khổ níu kéo trong tuyệt vọng.

Chứng kiến nhiều bi kịch gia đình tương tự, Thạc sĩ giáo dục Phúc Thịnh, trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc nhận định: "Việc dùng ôsin để thử chồng chẳng khác nào lấy ‘mỡ treo miệng mèo’. Trong tình huống này, khả năng thông thường nhất là con mèo sẽ ăn miếng mỡ đó một cách rất thú vị. Việc làm này của người vợ chẳng khác nào tình nguyện ‘dâng hiến’ chồng mình cho người khác và tự đạp đổ hạnh phúc gia đình. Đó là một việc làm hết sức sai lầm".

“Với nam giới, thích chinh phục là bản tính của họ. Trong tâm lý, người đàn ông luôn muốn khám phá, tìm tòi những điều mới lạ và muốn được thể hiện bản lĩnh của mình. Do đó, việc đẩy ôsin đến với chồng thì người vợ đã vô tình đẩy chồng tới sự cám dỗ khó lòng vượt qua được”, ông nói.

Theo quan điểm của ông Thịnh, các bà vợ không nên “dại dột” mà tạo cho chồng tình huống “có thể phản bội”. Nếu nhận thấy có những biểu hiện bất thường trong mối quan hệ giữa chồng và ôsin thì cách tốt nhất là cách ly họ, hoặc cho ô sin nghỉ việc nếu cần. Không nên tạo ra những điều kiện thuận lợi về không gian, thời gian để sự phản bội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong trường hợp đã lỡ mang ôsin ra thử chồng và cả hai đều sập bẫy thì bản thân người vợ phải thấy được lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cho ô sin nghỉ việc để tình hình không phức tạp hơn. Điều quan trọng nhất, cần tìm mọi cách để tác động về mặt lý trí, tình cảm và lương tâm để có thể giữ chồng.
“Lấy ôsin thử chồng không chỉ phá đổ hạnh phúc gia đình mà còn mang lại những tổn thương về mặt tâm lý, thể chất, danh dự cho chồng. Vì thế để giữ gìn hạnh phúc gia đình đòi hỏi ở người phụ nữ sự khéo léo, tế nhị và đặc biệt là tin tưởng vào người bạn đời của mình". ông Thịnh cho biết thêm.

Theo VnExpress

Mếu cười chuyện ôsin

Hầu như gia đình nào phải thuê người giúp việc cũng đều có những chuyện cười ra nước mắt.

Xin giới thiệu một trích đoạn nhật ký.

Lùn đã ở với nhà mình gần một thập kỉ rồi. Chưa một lần nó về quê. Như thể, nó đoạn tuyệt hẳn với nơi chôn rau cắt rốn.
Nhiều lần có dịp đi qua quê nó, mình cũng gạ nó về, hứa hẹn cứ về nhà chừng 2 tiếng, chị đi công việc xong sẽ quay lại đón. Thế mà nó dẩu mỏ lên cong cớn: "Đừng có lừa".
Nó sợ mình lừa nó về quê rồi ko cho nó lên nữa.
Quê hương, với Lùn, giờ chỉ là 1 năm hai lần nghĩa vụ gửi tiền về cho bố nó mua bò. Đôi khi, người nhà nó ở quê lên, muốn mang ít khoai, sắn, nó mắng: "Của đấy ai thèm?". 
Đôi lần, khi nó gây ra một số tội tày đình, cả nhà thống nhất đuổi nó về quê, nhưng nó ăn vạ, ngồi bệt xuống đất, cộc lốc: "Không về". Thế mà cả nhà phải chịu, và thời gian trôi đi, nó cứ tưng tửng sống, tưng tửng làm việc và tưng tửng... phá.

"Thành tích" mới nhất của Lùn hôm nay là phá hoại 1 cái máy giặt và 1 cái lò vi sóng. Giờ thì cả hai cái máy đấy tịt rồi, thế mà còn khoe: "Hôm nay em mang cái lò vi sóng ra cọ xà phòng đấy. Xối 2 xô nước mà vẫn còn nước xà phòng".

Còn máy giặt chả hiểu bà ý làm thế nào mà bậy được cả cái lồng giặt ra, đến lúc thả cái lồng giặt vào thì "em ấn nút giặt rồi mà nó cứ đứng im".
Bó tay với Lùn rồi. Dặn không biết bao nhiêu lần, dạy không biết bao nhiêu lần, mà “nguyễn y vân”.
Tổng cộng tiền sửa lò vi sóng và máy giặt thiếu 60k nữa là 1,5 triệu. Mình tức điên lên quát: " Cho Lùn về quê chăn bò". Nó quát giả: " Không về. Không chăn". Thế mà phải chịu đấy.

Cơn giận rồi cũng qua, ngẫm lại, thấy có nó cũng vui. Không có nó, làm sao có những trận cười vỡ bụng. Như vụ ông già nằm viện, bảo nó mang cháo sang viện E, nhà cách bệnh viện có 5 phút đi bộ, mà 2 tiếng đồng hồ sau, ông già vẫn bảo chưa thấy Lùn đâu.

Tưởng mất Lùn rồi, ai dè sang đến bệnh viện thì nó đang nằm lăn quay trên ghế đá ngủ tít. Gọi dậy mang cháo vào phòng cho ông già ăn, đến lúc mở ra thì một cặp lồng toàn hành, chả có tí cháo nào.
Thì ra, nó cho hành vào cặp lồng sẵn, định lúc nào đi thì múc cháo, nhưng nó quên phéng không múc cháo, mà vẫn tung tăng xách cặp lồng hành sang bệnh viện.

Hay vụ nó làm cho nhà hàng xóm chết ngất. Nhà người ta xây nhà, hứng cái chậu nước bên ngoài đường rồi thả cái máy bơm tõm của Liên Xô ngày xưa vào chậu nước để bơm lên tầng.
Bỗng dưng cái bơm tịt, ông hàng xóm mặc quần đùi hăm hở cầm cái máy bơm lên tay ngắm nghía, xem hỏng chỗ nào, nó đi qua, ngứa tay thế nào, cắm cái phích điện vào ổ cắm. 
Cái máy bơm đang tịt tự dưng rung ầm ầm trên tay ông hàng xóm làm ông giật mình nhảy bắn lên, ném cả cái máy bơm xuống đất. Cả làng cả nước cười nghiêng cười ngửa, ông hàng xóm sau khi hoàn hồn cũng cười suýt tụt quần đùi.

Nó thì nhăn nhở: "Cái đấy là cái gì?". Lần đầu tiên nó nhìn thấy cái máy bơm tõm, về nhà còn thắc mắc mãi sao không giống máy bơm nước nhà mình.
Lùn đã ở đây gần một thập kỉ. Quê hương với Lùn giờ chỉ là những câu chuyện tiếng được tiếng mất, về những mùa lạc, mùa ngô.

Đôi khi, bọn trẻ con thúc giục lắm, nịnh sẽ cho Lùn đi sang nhà dì Khánh, nó mới kể chuyện quê cho bọn trẻ nghe.
Câu chuyện có đoạn: "Ngô cứng lắm, bò ăn còn rụng cả răng...".
Nó bốc phét ý mà, làm gì có ngô nào cứng thế. Nhưng nghe rồi, lòng không khỏi nao nao...


 Theo Việt Nga