Niềm Đau Mậu Thân |
Tác Giả: Bai An Tran | |||
Thứ Hai, 20 Tháng 10 Năm 2008 07:48 | |||
* Hoàng Hoa Triều Để tưởng nhớ bạn Nguyễn văn Dũng - Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn Tỉnh Thừa Thiên-bị thảm sát tại Gia Hội, thành phố Huế trong vụ Mậu Thân 68. Câu chuyện từ một nhân chứng sống năm 1968 là học sinh mới có 17 tuổi bị bắt tại nhà thờ chính toà Phủ Cam của Tổng Giáo Phận Huế, đưa lên Chùa Từ Đàm rồi dẫn đến khe Đá Mài giết vào đêm mồng 7 tết Mậu Thân, nhằm ngày 5 tháng 2 năm 1968 Dương lịch, nhưng anh đã thoát được tử thần trước vụ thảm sát tập thể khoảng 30 phút. Trong vụ thảm sát nầy có bạn Lê Văn Mân, khoá 14 Biên Tập Viên, phục vụ tại Ty CSQG Thừa Thiên mà một số báo chí đã đăng tải qua bài tường thuật của Linh mục Nguyễn văn Giải lấy từ cuộc phỏng vấn nhân chứng sống nầy. Đó là vụ thảm sát khe Đá Mài. Vụ thảm sát thứ 2 mà nạn nhân là bạn Nguyễn văn Dũng cũng khoá 14 BTV, đương kim Trung tâm trưởng Trung Tâm thẩm vấn tỉnh Thừa Thiên bị chôn sống tại khu vực Gia Hội, thuộc quận Tả ngạn Thành phố Huế. Nhân chứng sống thứ 2 trong vụ nầy là Ông Tuấn, hồi đó mới có 16 tuổi, học sinh lớp đệ tam trường trung học tư thục Nguyễn Du. Sau đó Ông là sĩ quan quân lực VNCH và hiện sống tại Hoa Kỳ. Câu chuyện nầy được ghi nhận lại bằng cuộc phỏng vấn khá dài. Người viết đã hệ thống hoá và cô đọng ý và lời văn, nhưng những điểm chính vẫn giữ nguyên vẹn. Xin nghe ông tâm sự: Vào dịp tết Mậu Thân 68, chúng tôi được ăn tết vào ngày Mồng Một, nhưng đến đêm Mồng Hai, súng bắt đầu nổ tại khu chợ Đông Ba vọng qua chợ Xép, nơi tôi đang ở tại ngã tư đường Nguyễn Thành/Mai thúc Loan. Lúc đầu, chúng tôi tưởng là pháo nổ khai Xuân vì có 48 giờ hưu chiến được thỏa thuận giữa 2 Miền và qúa lắm là tiếng súng hoà lẫn tiếng pháo mừng Xuân của các anh lính VNCH. Nhưng thưa không. Người ta bắt đầu bỏ chạy từ phía chợ Đông Ba. Lúc nầy chúng tôi được biết là Việt Cộng đã về phía bên kia là chợ Đông Ba. Chúng tôi bắt đầu hoảng sợ. Tất cả đều chui vào những cái sạp hoặc divan để núp. Đến sáng Mồng Hai, Việt cộng đầy đường. Chúng mặc đồ đen ngắn tay, quần sọt, tay cầm AK, đi dép râu và đội nón tai bèo. Trong đám lộn xộn đó cũng có những tên mặc đồ bộ đội. Tôi bắt đầu phát hiện ra là có những người tôi quen: bạn tôi, thầy tôi. Người đầu tiên tôi thấy là ông Tôn Thất Dương Tiềm, ông dạy môn Việt văn lớp đệ tam trường tôi. Hằng ngày ông thường dạy chúng tôi tình yêu thương đồng bào, yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Nhưng Trời ơi! Quý vị có biết không, chính ông Tiềm ngày hôm nay lại là người dạy tôi sự tàn ác của Việt cộng qua chính con người ông. Ông vác súng AK, mặc quần xanh bộ đội chính quy và áo chemise trắng ngắn tay. Tôi thấy ông đang chỉ huy những người mặc đồng phục như ông, tay cầm AK. Chính những người nầy lại chỉ huy những tên mặc đồ đen là du kích. Trong đám đó, tôi còn thấy anh Hoàng văn Giàu, sinh viên đại học Huế. Tôi đã chứng kiến sự tàn ác của ông thầy tôi, ông Tiềm tại ngã tư Nguyễn Thành/ Mai thúc Loan vào sáng ngày Mồng Hai Tết lúc 12 giờ trưa. Những tên du kích bắt 5 người không rõ từ đâu, tay họ bị trói gập ra đằng sau, mặc thường phục và một số khác còn mặc đồ ngủ dẫn ra ngã tư nầy. Lúc nầy cũng có tên Việt cộng nằm vùng Hoàng văn Giàu loong toong chạy theo. Chúng bắt các nạn nhân sắp hàng, xoay lưng vô tường thành. Tôi thấy rõ ông Tiềm, giáo sư của tôi, chỉ huy vụ nầy. Ông ra lệnh cho tên bộ đội chính quy nói giọng Bắc, tên nầy truyền lệnh lại cho tên du kích giương súng AK lên bắn. Trong số nạn nhân trên có ông Quế già cảnh sát đã về hưu và những người khác chỉ là dân sự mà tôi biết mặt từ trước. Tuyệt nhiên chưa có một công chức hay quân nhân nào tại chức, tại ngũ. Sau đó, thân nhân nạn nhân chạy đến, chồm tới khóc lóc thảm thiết, nhưng những tên du kích bảo họ: "Cút đi, cút đi!" Tình trạng thây người với máu, ruồi nhặng dưới ánh nắng kéo dài vài hôm sau, thân nhân mới len lén đem xác về chôn cất. Đó là lần bắn đầu tiên và người đầu tiên tôi thấy ra lệnh bắn đồng bào tôi, chính là giáo sư khả ái trước đây của tôi, ông Tôn Thất Dương Tiềm! Tôi ở tại góc đường Nguyễn Thành/ Mai Thúc Loan từ Mồng Hai Tết, tức ngày 31-01-1968 Dương lịch cho đến khi có sự xuất hiện những chiếc trực thăng của quân đội Hoa Kỳ và VNCH bắn xuống ở cửa Đông Ba. Vì thế, Ba tôi quyết định phải chạy để tránh lằn đạn giao tranh. Chúng tôi chạy về hướng Mang Cá. Thoát được xóm thứ nhất, xóm thứ hai, nhưng đến xóm thứ ba thì bị những tên du kích chận đường. Chúng bắt tôi đi khiêng đồ gồm quân dụng, thực phẩm. Dẫn đi được một hồi, tôi thấy chúng tập trung được 5 người cùng xóm với tôi và đưa đến chùa Diệu Đế. Tại đây, lúc đó có độ mười mấy người trạc tuổi tôi. Chúng sai chúng tôi đi khiêng gạo cơm, đạn dược. Sau đó, chúng đưa về phía Gia Hội sống chung quanh các nhà cư dân. Chúng bắt chúng tôi khuân vác trong mấy ngày liền. Những ngày hôm sau, từ phía chợ Đông Ba, chúng tôi thấy máy bay bắn xuống rất rát. Tôi đoán chắc là lính VNCH bắt đầu phản công. Ngay tối hôm đó, thay vì đi dân công như thường lệ, chúng phát cho chúng tôi cuốc để đào hố. Thoạt tiên tôi nghĩ hố nầy dùng để núp bom đạn từ máy bay bắn xuống. Mười mấy người chúng tôi khi màn đêm buông xuống là đi đào hố, bề sâu 1 thước, bề rộng khoảng 1 sải tay-1thước 60 phân-. Mỗi thằng đào một hố. Xong hố nầy, đào hố khác như đào tuyến công sự phòng thủ vậy. Đến 3 giờ sáng, tôi thấy một đoàn người từ xa xa đi về phía chúng tôi. Khi đến gần, thấy họ bị trói cập cánh. Mỗi toán khoảng 15 người bị cột chùm lại với nhau bằng dây điện thoại. Mỗi cái hố chúng tôi đào bằng cỡ đó. Số nạn nhân nầy có kẻ mặc thường phục, đồ ngũ, đi dép hoặc chân không. Chúng bắt họ quay lưng vào miệng hố. Một tên Việt cộng mặc áo trắng, quần xanh bộ đội, đội nón cối đọc bản án" tội ác với nhân dân, với cách mạng". Vừa đọc xong bản án, tên du kích mặc quần sà lỏn đen dùng AK chỉ bắn một người thôi. Nạn nhân nầy rơi xuống hố, những người còn lại bị dính chùm, cũng bị lật ngửa và té xuống hố. Họ lăn lộn bên dưới. Tên VC chính quy miền Bắc bảo chúng tôi: "Lấp lẹ, lấp lẹ!" Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi khóc thương cho đồng bào xấu số của tôi và trả lời: "Không lấp!" Nó dùng bảng súng AK dọng vào lưng tôi và dùng lưởi lê đâm nhẹ vào ba sườn tôi. Tất cả chúng tôi đều khóc, chúng đánh tiếp, buộc lòng chúng tôi phải lấp. Trời ơi! Phật ơi! Đồng bào tôi dưới hố đang ngước lên nhìn chúng tôi. Trời ơi! Không lấp thì chúng nó đánh, mà lấp thì đồng bào tôi chết. Có vài người ngẩng đầu lên vì bản năng sinh tồn,chúng dùng bảng súng đánh vào đầu cho chết luôn. Lạy Trời! Lạy Phật! chưa có thằng nào tàn ác như vậy. ( vừa kể, vừa khóc) Đến giờ phút nầy, tháng 2 năm 2008, tôi vẫn bị cơn ác mộng, vẫn nằm ngủ thấy ánh mắt của đồng bào tôi từ dưới hố đang nhìn lên tôi, miệng đầy đất. Họ nằm ngửa, nằm nghiêng trong cơn tuyệt vọng! Từ những đợt sau, chúng không bắn vì xẹt lửa ban đêm, sợ lộ mục tiêu. Những lần nầy, sau khi tên mặc áo trắng cụt tay đọc bản án, thì tên du kích dùng báng súng AK đánh vào đầu người thứ nhất làm té ngữa xuống hố, vì dính dây chùm, những người kia cũng bị ngã theo. Ai ngoi đầu lên, chúng dùng báng súng hay cuốc nện vào đầu cho chết luôn, sau đó bắt chúng tôi lấp. Những cái sọ nào sau nầy đào lên mà thấy vỡ là nằm trong trường hợp đó khiến tôi chợt nghĩ là 5 người bị bắn đợt đầu tại chợ Xép là chết sướng lắm, không qúa thảm thương như những lần sau đâu! Tôi thấy kiểu Hitler giết người Do Thái chỉ cần xả hơi ngạt là chết liền, chết êm ả hơn là chết chôn bị nhộp và bị đánh vào đầu! Suốt mười mấy ngày đêm, chúng bắt được bao nhiêu thì chúng tôi phải đào hố và chôn sống bấy nhiêu. Mấy ngày trước khi thành phố Huế được giải toả, lính VC tràn về phía Gia Hội nhiều lắm. Độ năm, sáu trăm người. Có lẽ bị quân lực VNCH rượt đuổi nên dồn về đây. Những đêm sau, khi trời vừa nhá nhem tối, trực thăng rọi đèn bắn xuống, VC bắn lên, trên bắn xuống. Lúc đi đào hố có độ mười mấy người, nhưng tôi chỉ có 4 người cùng xóm quen nhau. Tôi bàn: với tình trạng nầy mình phải lợi dụng cơ hội để trốn thoát vì trước sau gì chúng cũng tìm cách thanh toán bọn mình. Vì khoẻ mạnh, đô con nhất trong đám nên nói gì 3 người kia cũng nghe theo tôi. Tôi nói nhỏ khi máy bay bắn xuống lúc sập tối, hễ tao nháy mắt là bọn mầy chạy về hướng mà chúng nó không chạy, chạy ngược chiều nó, thì còn hy vọng sống sót dù là mong manh. Thà máy bay bắn chết còn sướng hơn là đến lượt bị chôn sống. Và cuối cùng tôi nháy mắt vừa lúc máy bay bắn xuống. Bốn chúng tôi phóng vào bụi cây. Việt cộng bận bắn máy bay và chúng tìm nơi ẩn núp. Chúng tôi đâm đầu chạy tiếp, nhưng thằng sau hết cùng xóm bị trúng đạn AK, rớt lại. Ba chúng tôi cắm đầu chạy, chạy mãi cho đến khi thấy một vùng sáng có đèn, có xe nhà binh, chúng tôi hét lên: "cứu ! cứu!" và thấy anh lính VNCH mặc đồ rằn ri mang khẩu M.16. Chúng tôi lại la lên: "cứu! cứu!" Người lính nầy biết là dân mình rồi, ảnh giơ tay ngoắt lại. Trời ơi! mấy chục ngày ở trong tay VC, lần đầu tiên gặp lại anh lính VNCH, tôi chạy tới ôm ảnh vào lòng mừng như mẹ đi chợ về, vừa khóc vì qúa xúc động. Không ai bảo ai, ba chúng tôi ôm ảnh khóc nức nở; cái lòng yêu thương dạt dào người lính VNCH dâng lên trong tôi, một người mà mình cảm thấy có sự bảo vệ. Anh vuốt đầu tôi, nói: "Không sao đâu em." Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ảnh cho ăn, tắm rửa,mặc đại đồ lính. Sau khi lấy lại thành phố Huế, tôi là người chỉ dẫn những địa điểm mà VC chôn sống đồng bào tôi. Bây giờ tại đây, tất cả những người bị bắt buộc đào hố như tôi, ngoài ba chúng tôi thoát được, tất cả đều bị bắn vào đầu chết tại chỗ, trước khi chúng tháo chạy. Sau đó tôi mới chỉ những hầm đã đào. Tôi còn nhớ những bộ quần áo đồng bào tôi đã mặc. Vẫn còn liên tưởng đến những ánh mắt nhìn lên tôi...ám ảnh...khiến tôi chạnh lòng đến quặn thắt tâm can. Mãi đến bây giờ con ma Mậu Thân vẫn ám ảnh cuộc đời tôi. Tôi đã phiêu bạt giang hồ bỏ Huế đi từ dạo đó, quyết không bao giờ trở lại. Tôi sợ Huế không phải sợ quê hương tôi mà sợ cái qúa khứ khốn nạn do Cộng sản Việt Nam đã gieo hoạ cho Huế. Mỗi lần đài phát thanh nhắc tới Huế hoặc hát nhạc về Huế, tôi tắt radio. Tôi cũng sợ cả giọng Huế. Hễ nghe ai nói giọng Huế là tôi giật mình (như khi nghe Công Tằng Tôn Nữ Ngự Bình nói chuyện trên sân khấu Thuý Nga Paris). Cái bóng ma nầy đã 40 năm trôi qua vẫn ám ảnh tôi. Huế bây giờ tội nghiệp lắm người ơi ! Nó có tên đường Mậu Thân và đường 68. Người dân Huế phải đi qua hai con đường đó bởi chủ nghĩa Mác Lê gian ác còn tồn tại trên quê hương thân yêu của tôi. Con người Tôn Thất Dương Tiềm- Theo tuần báo Sàigòn Nhỏ số 595 ra ngày 9 -5-2008 trong bài viết của Long Hải có đoạn: Cha con "đạo hữu" Nguyễn Đoá, con gái Nguyễn thị Ngọc Trinh cũng như con rể Tôn thất Dương Tiềm gần 20 năm vừa sống nhờ vào trường Bồ Đề Huế, vừa hoạt động cho VC. Cuối cùng tới tết Mậu Thân ôm súng đi bắn giết đồng bào. Không lý việc ấy không khiến cho người dân Huế khi oán trách cha con Nguyễn Đoá, lại không nhớ tới cái bóng cây Bồ Đề mà cha con ông ta núp bóng mấy chục năm. (Trước năm 1975, giáo sư tư thục có thể dạy hai trường tư. Như vậy ông nầy vừa dạy trường Bồ Đề lại dạy thêm trường Nguyễn Du.) Ông Tuấn hồi năm 1968 mới có 16 tuổi và ở trong tay VC suốt mười mấy ngày liền, nên không nêu được thời gian chính xác lúc nào quân lực VNCH và Mỹ phản công chiếm lại Huế. Xin nghe lại một đoạn văn của Tú Gàn viết trên Sàigòn Nhỏ số 594 ra ngày 2-5 -08 sau đây: VC bắt đầu tấn công Huế lúc 2 giờ 35 phút sáng 31-1-68 tức sáng mồng 2 tết. Số Cộng quân đưa vào chiếm đóng thành nội Huế khoảng 4000. Số còn lại chiếm một số khu ở ngoại thành. Bộ Tư Lệnh quân khu Trị Thiên không bao giờ tiên liệu sẽ phải đối phó với sư đoàn 1 không kỵ Hoa Kỳ. Trong 10 ngày đầu Sư đoàn nầy đã án binh bất động. Đợi đến khi VC thiết lập xong các cơ sở quân sự, hành chánh với ý định chiếm giữ Huế lâu dài, lúc 16 giờ ngày 10-2-1968, sư đoàn 1 không kỵ Hoa Kỳ mới bắt đầu mở cuộc hành quân tảo thanh VC, đầu tiên từ phiá hữu ngạn sông Hương. Kể từ ngày 14-2-68, không lực Hoa Kỳ bắt đầu dội bom xuống đầu Cộng quân đang đóng trong thành nội Huế (tả ngạn sông Hương). Bùi Tín và vài người khác nhận định rằng sở dĩ cộng quân đã thảm sát đồng bào Huế vì bị phản công, lập luận nầy không đứng vững bởi ngay từ mồng 2 tết, chúng đã thanh toán 5 người tại ngã tư Nguyễn Thành/ Mai thúc Loan. Còn tại Chùa Từ Đàm đã có 20 nạn nhân bị bắn trong sân Chùa ngay sau khi chiếm Huế. Vụ thảm sát khu Đá Mài trong đó có bạn Lê văn Mân cũng đã xảy ra vào đêm mồng 7 tết tức mới đến ngày 5-2-1968 dương lịch. Những tên VC nầy là bọn nằm vùng mà trong đó có một số sinh viên, học sinh trong cuộc đấu tranh năm 1966 do tên đại gian manh Thích Trí Quang đội lốt thầy tu phát động chống lại chính quyền Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyển Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương điều hành. Sau khi quân đội và Cảnh sát Dã chiến từ Sàgòn ra giải toả, bọn nằm vùng nầy chạy lên núi, nay trở về phối hợp với những thành phần nằm vùng năm 1968 để ra tay hành động. Chúng đã lập rất kỹ danh sách những người chúng coi là "phản động", kể cả những trường hợp tư thù cá nhân, trước khi chiếm Huế.
|