Phạm Trần 13-02-08
“…cuộc tấn công Mậu Thân tàn sát dân lành của Cộng quân cách nay 40 năm “không chỉ được lưu giữ trong ký ức mà còn hiện hữu mãi với thời gian” từ thế hệ người Việt Nam này đến thế hệ khác…”
CÀNG NÓI DỐI, SỰ THẬT CÀNG LÒI RA
Bây giờ là Thế kỷ 21 mà người Cộng sản Việt Nam vẫn giữ thói quen nói những điều không có để tuyên truyền xuyên tạc sự thật và bóp méo lịch sử.
Lãnh đạo của họ, nhất là lớp đã ra khỏi hang động sau 30 năm chiến tranh mà xem ra đầu óc vẫn chưa vượt khỏi cánh rừng. Họ cứ nghĩ người dân bây giờ cũng khờ khạo, dễ đánh lừa như khi còn chiến tranh, nên cứ nói mà không cần nghĩ xem người ta có tin hay không.
Cũng không thay đổi là bản lĩnh của người Cộng sản. Dù biết nói sai nhưng họ chủ quan cứ nói dai và nói dài thì trước sau gì “không” cũng thành “có” mà “có” cũng phải biến thành “không”.
Đó là tư duy mà đảng CSVN đã phản ảnh trong việc họ ồn ào tổ chức hội thảo, mít tinh kỷ niệm Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 40 năm trước đây ở miền Nam. Cả thế giới biết Tết con Khỉ năm 1968 là những ngày máu đổ, thịt rơi do lực lượng Cộng sản gây ra cho nhân dân miền Nam trong những ngày lễ truyền thống dân tộc.
Những nạn nhân của lính Cộng sản, nhất là thân nhân của hơn 5,000 người bị tàn sát tại Huế - Thừa Thiên trong 26 ngày năm 1968, sẽ không bao giờ quên được những thảm cảnh mà người Cộng sản đã gây ra cho gia đình , hay bạn bè họ.
Dù đảng CSVN co “tô son, điểm phấn, bôi mặt nạ, treo đèn, giăng hoa” cho Cuộc tấn công Mậu Thân thì máu đỏ của những người dân vô tội ở Huế cũng không thể biến thành nước sông Hương.
Vậy mà trong dịp Tết Mậu Tý năm nay, trong khi không ngừng kêu gọi đoàn kết dân tộc thì đảng CSVN lại tổ chức “ăn mừng chiến thắng”, mở lại vết thương chưa lành ở ngay tại thành phố Huế và trên những mảnh đất đã chôn người tập thể.
Một trong những người từng nhúng tay vào máu ở Huế là Lê Khả Phiêu, Cựu Tổng Bí thư đảng (khoá VIII) đã có mặt trong cuộc hội thảo ngày 11-01-2008 được gọi là "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Theo báo Nhân Dân, ông Phiêu từng là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, người đã trao cờ cho lính Cộng sản trước giờ đánh Huế hồi Tết Mậu Thân.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THẬT
Nhưng có cuộc ‘nổi dậy” Xuân Mậu Thân của nhân dân miền Nam không ? Cả thế giới biết không hề có chuyện đó. Cũng không có chuyện dân miền Nam, sống trong vùng lãnh thổ do Quân đội Việt Nam Cộng hòa bảo vệ, đã “bỏ chạy” về phía quân “giải phóng” như Hà Nội dự kiến.
Trước mắt nhân dân thế giới, người ta chỉ thấy quân Cộng sản đi đến đâu, mang theo chết chóc đổ vỡ đến đó, khiến người dân miền Nam phải bỏ chạy về phía chính quyền VNCH. Cũng không một ai đã hăm hở chờ đợi quân Cộng sản về “giải phóng” họ khỏi “ách kìm kẹp” của chính quyền miền Nam như Hà Nội tuyên truyền.
Bằng chứng của sự đánh lừa nhân dân miền Bắc đã được đảng CSVN nguỵ tạo trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14, tháng 1-1968, của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khoá III).
Thảm cảnh sau Tết Mậu Thân tại Huế Một khu dân cư nghèo tại Saigon bị hủy hoại
Một đọan của Nghị quyết này viết: “Quần chúng nhân dân ở các thành thị và những vùng còn tạm bị địch chiếm ở miền Nam đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa với những hình thức khác nhau. Hàng triệu quần chúng đang sục sôi cách mạng và sẵn sàng vùng lên, sẵn sàng hy sinh tất cả để giành cho được độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất. Nhân dân lao động miền Nam, nhất là công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đang vùng dậy mạnh mẽ, mở ra một khí thế mới đấu tranh quyết liệt chống Mỹ và tay sai trong các thành thị”.
Quân và dân miền Bắc cũng không hề biết từ năm 1967 về trước, quân đội chính quy Cộng sản miền Bắc ở trong Nam và quân địa phương ‘Việt Cộng” gần như kiệt quệ trên khắp các mặt trận. Họ cũng không biết những cuộc biểu tình chống Mỹ, chống chính phủ VNCH ở Sàigòn từ 1966 đến 1967 của một thiều số chống đối chiến tranh không tạo được ảnh hưởng nào đáng kể đến tình hình chính trị và quân sự trong Nam.
Vậy mà Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và Bộ Chính trị lúc đó đã bịa ra những chuyện không có như tinh thần quân đội miền Nam xuống thấp, không còn đủ tinh thần chiến đấu, muốn bỏ hàng ngũ chạy về phía quân “giải phóng” để đánh lừa quân và dân miền Bắc bằng một Nghị quyết giả tạo, bịa đặt ra những “điều kiện chín muồi” cho một cuộc tấn công quân sự như họ đã làm trong dịp Mậu Thân.
Nghị quyết tháng 1/1968 viết tiếp: “Về mặt quân sự, địch còn trên một triệu quân và một tiềm lực chiến tranh lớn, nhưng đội quân đó đã liên tiếp thất bại về chiến lược và chiến thuật, quân số tuy đông nhưng tinh thần bạc nhược và bắt đầu suy sụp; về mặt chính trị, địch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, chúng tỏ ra không thể thống trị nhân dân miền Nam được nữa và nhân dân miền Nam cũng không chịu sống dưới ách thống trị của chúng nữa….”
“…. Nhiệm vụ chủ yếu của ta về chính trị là chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa (kết hợp với tổng công kích) cho đến thành công, đập tan nguỵ quyền và các tổ chức chính trị phản động khác, xây dựng chính quyền cách mạng và phát triển nhanh chóng lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng”.
Thế là cả miền Bắc bị đánh lừa. Hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ miền Bắc bị đảng “xúi trẻ ăn cứt gà”, lôi ra khỏi các trường học để huấn luyện quân sự chớp nhoáng, rồi lên xe nối đuôi nhau chui đầu vào lửa đạn mà cứ nghĩ là mình “được đi làm phúc” trong nhiệm vụ vinh quang “giải phóng” đồng bào ruột thịt miền Nam khỏi “gông cùm” Mỹ-Nguỵ !
NƯỚNG THANH NIÊN
Bằng chứng của chiến dịch “đốt người” sau 40 năm mới được tiết lộ: “Tăng cường lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền nam và cả ở hậu phương miền bắc, trong một thời gian ngắn, hàng vạn nam nữ thanh niên có trình độ văn hoá, có giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong” .
“Từ tháng 3-1967 đến tháng 3-1968, 155.000 quân đã được đưa vào miền nam. Tính riêng trong năm 1967, đã có hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ (tăng 1,5 lần so với năm 1966) được tổ chức biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho các chiến trường Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, nâng tổng số quân giải phóng miền nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương, không kể lực lượng dân quân, du kích, tự vệ” .
“Năm 1968, hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền bắc hành quân vào nam nhanh chóng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Các lực lượng vận tải, lực lượng bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác... bao gồm hàng chục vạn người đều được động viên từ hậu phương lớn miền bắc.
“Bảo đảm khối lượng vật chất - kỹ thuật cho cuộc tổng tiến công, Chính phủ đã tăng tổng ngân sách quốc phòng cho quân đội lên gấp mười lần năm 1964 là năm cuối của thời kỳ hòa bình trên miền bắc, trước khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại. Năm 1968, các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cho ta 517.493 tấn vật chất - kỹ thuật, tính thành tiền trị giá hơn 1.615 triệu rúp (1 rúp có giá trị tương đương 1 USD).
“Chi viện cho chiến trường miền nam năm 1968 tăng 8,4 lần so với năm 1965. Các lực lượng vận tải và bảo đảm giao thông như công binh, vận tải quân sự, vận tải nhà nước, vận tải nhân dân... được củng cố và lớn mạnh vượt bậc.
Ðến năm 1968, số trung đoàn công binh trên miền bắc tăng gấp 1,2 lần, số tiểu đoàn công binh tăng gấp hai lần, số đại đội công binh tăng gấp 16 lần so với năm 1965. Lực lượng vận tải quân sự của Bộ Quốc phòng và của các quân khu tăng gấp bốn lần. Các loại phương tiện bắc cầu, bảo đảm vượt sông năm 1968 tăng 2,6 lần. Lực lượng vận tải nhà nước cũng tăng mạnh, trong đó một bộ phận khá lớn được huy động làm nhiệm vụ vận tải quân sự.” (Báo Nhân Dân, 29-1-08)
Mặc dù với sức người, sức của như thế mà lực lượng Cộng sản cũng không chiếm nổi một quận lỵ nào của miền Nam trong cuộc tấn công quân sự này. Cũng chẳng làm gì có đơn vị lính VNCH nào đã bỏ hàng ngũ chạy sang với lực lượng quân “giải phóng” như đảng đã quả quyết trước khi mở cuộc tấn công.
Ngược lại, quân chính quy CS miền Bắc và lực lượng địa phương trong Nam có tên gọi quen thuộc là “Việt Cộng” đã thiệt hại nặng nề trong thời gian tấn công Mậu Thân từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1968. Giới quân sự ước tính có từ 80 ngàn đến 100 ngàn quân lính Cộng sản đã bị thiệt mạng hay bị thương trong khỏang thờ gian ngắn ngủi này. Nhiều lính Cộng sản đã bỏ hang ngũ chạy về phía Quốc gia để được an thân.
Đây là thất bại nặng nề và quan trọng nhất đối với đảng CSVN trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, nhưng người cộng sản đã tìm mọi cách che đậy để đánh lừa nhân dân hai miền Nam-Bắc và các thế hệ người Việt Nam sinh ra từ sau 1968.
Bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thời là Bộ trưởng trong Chính phủ bù nhìn “Việt Cộng” (Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) đã nhìn nhận với Nhà báo Mỹ nổi tiếng Stanley Karnow rằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân không những chỉ là một thất bại về mặt quân sự mà còn thất bại cả về mặt chính trị khi không thực hiện nổi một cuộc nổi dậy nào của nhân dân miền Nam. Bà nói quân “Việt cộng” đã mất cả những thành phần ưu tú nhất (our best people).
Bằng chứng thất bại đã rõ như ban ngày như thế mà trong cuộc mít tinh, ăn mừng “chiến thắng” giả tạo này, Đảng CSVN vẫn có thề trâng tráo khoe: “Bằng đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta trên chiến trường ngày đó đã đưa chiến tranh vào sâu trong hậu phương, hậu cứ đối phương; tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh; làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường; ghìm chặt một đội quân đông hơn 1 triệu 300 nghìn tên, được "trang bị tới tận răng" vào mặt trận đô thị; tạo điều kiện và thời cơ cho quân và dân ta đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn”!
TỪ HUẾ ĐẾN SÀI GÒN
Trong báo Nhân Dân ngày 29-1-08, Đinh Như Hoan cũng viết không ngượng về tình hình ở Huế năm 1968: “Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Huế thật sự là chiếc vòng nguyệt quế của quân dân miền nam. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính quyền cách mạng đã được thành lập tại một đô thị lớn ở miền nam và trong 26 ngày đêm làm chủ thành phố, quân dân Huế đã bẻ gãy nhiều cuộc tiến công”.
Có “bẻ gẫy” và “làm chủ” hay không thì phải đọc lời thú nhận của người trong cuộc Lê Khả Phiêu. Ông Phiêu nói tại cuộc hội thảo ngày 11-01-2008: “ Lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam càng làm nức lòng và có sức thôi thúc mạnh mẽ quân và dân toàn miền, quân và dân ta trên cả nước. Có lẽ các anh trong Khu ủy - Quân khu ủy cũng như chúng tôi, các cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cho đến những du kích, những cơ sở trong thôn, ấp, ai ai cũng phấn khởi và sẵn sàng bước vào cuộc quyết chiến này và cho là trận quyết chiến cuối cùng, nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Với tinh thần, quyết tâm rất cao như vậy, lãnh đạo của chúng ta tuy có dự liệu khả năng bất trắc, song vẫn thiên về mặt thuận nhiều hơn, từ đó đã giảm nhẹ sự suy nghĩ những kế sách đối phó khi tình hình không thuận, cuộc chiến kéo dài, các hướng chiến trường khó khăn, ta bị động, lúng túng…”
Từ lúng túng, lực lượng Cộng quân bị quân lực VNCVH và đồng minh truy kích vào rừng. Ông Phiêu nói về các cuộc hành quân này: “Mặt khác, chúng liên tục truy quét từ chiến trường rừng núi, đẩy ta ra khỏi vùng giáp ranh, càn quét vùng đồng bằng nông thôn một cách khốc liệt, lập ấp chiến lược, lập thêm đồn bốt. Bọn ác ôn ngóc đầu dậy thẳng tay tàn sát nhân dân, tàn sát lực lượng cách mạng ở cơ sở. Trong khi đó, lực lượng của ta chưa được củng cố, thế trận từ đồng bằng tới vùng giáp ranh và lên vùng rừng núi chưa được xây dựng lại; bộ đội bị thương, bị sốt rét, thiếu đói, thiếu đạn v.v..., sức chiến đấu suy giảm...”
“Nhưng lệnh của trên là tiếp tục thực hiện đợt 2 và đợt 3, tức là tiếp tục Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Quân khu chấp hành nhưng thực hiện thì ít hiệu quả. Tư tưởng của bộ đội, của nhân dân, của cán bộ chính trị ở cơ sở nông thôn, rồi trong nội bộ Ðảng cũng phát sinh những lủng củng, v.v...”
“Tôi trích ý kiến của đồng chí Trần Văn Quang tự kiểm điểm sau khi rút khỏi Huế: ... “Ðáng lẽ chúng tôi phải bình tĩnh đánh giá lại tình hình, xác định lại nhiệm vụ và phương châm hành động, không phải tiếp tục Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, mà phải tiêu hao, tiêu diệt bộ phận địch, giữ gìn và xây dựng lại cơ sở, xây dựng lại thế ba vùng liên hoàn có lợi cho ta, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh hợp pháp với nửa hợp pháp ở vùng địch kiểm soát” .
“Tóm lại, nhiều việc phải làm lại từ đầu cho phù hợp với tình hình so sánh lực lượng và âm mưu, thủ đoạn của địch lúc đó, thì chúng tôi lại để thời gian, công sức, lực lượng có hạn vào việc tổ chức một số trận tiến công địch và tiếp tục Tổng công kích - tổng khởi nghĩa trong khi điều kiện không còn nữa. Ðịch và ta ở mặt trận Trị Thiên - Huế đã thay đổi, nhu cầu cách mạng và chiến tranh cách mạng ở địa phương là phải chuyển cách hành động.”
“Chúng tôi đã không sáng suốt, không kịp thời đề ra nhiệm vụ, phương châm, biện pháp phù hợp với tình hình, không có can đảm để phản ánh, mà lại chấp hành mệnh lệnh một cách thụ động, làm cho tình hình càng khó khăn thêm". Ðây là một bài học rất quan trọng cho mỗi chúng ta, nhất là chỉ huy quân sự ở những tình huống phức tạp nhất.” (Trần Văn Quang, nguyên Bí thư Khu uỷ, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế).
Ông Phiêu nói tiếp: “Nhưng đúng như đồng chí Trần Văn Quang nói, khuyết điểm là ở chỗ: "Ðáng lẽ ra lúc đó một mặt chấp hành lệnh của Bộ, mặt khác phải chấn chỉnh lại lực lượng, bố trí lại đội hình, suy nghĩ các biện pháp mới, vừa đánh địch, vừa chuẩn bị đối phó khi địch chiếm lại thành phố và nông thôn. Nhưng chúng tôi đã không làm được như thế mà chỉ đánh địch phản kích tại chỗ, cố giữ một số điểm tiêu biểu trong thành phố...".
Một câu hỏi nữa đặt ra là: Lúc bấy giờ, tại sao không rút một bộ phận lực lượng ra vùng nông thôn, tổ chức tiến công địch ở vòng ngoài? Lực lượng Bộ tăng cường cho Huế ta dồn cả vào trong nội đô lại càng khó khăn thêm, lúc này chủ yếu là chống đỡ, không tiến công được.
Rõ ràng, ở mặt này, ta thiếu sự nhạy bén trong đánh giá tình hình, ngay từ khi làm phương án cũng có sự chủ quan, đánh giá thấp địch. Từ bên trên đến cán bộ, chiến sĩ, ai cũng nghĩ rằng chiến dịch này nhất định toàn thắng, giành thắng lợi quyết định, có nghĩa là miền nam được giải phóng”.
Vì tình hình mặt trận chính trong cuộc tấn công Mậu Thân của đảng CSVN ở Trị-Thiên bị động như thế nên lực lượng Cộng sản ở các nơi khác bị rã đám mau chóng trước sức phản công của Quân lực VNCH.
Ấy thế mà miệng lưỡi của người Cộng sản Lê Thanh Hải, Thành ủy Thành phố Sàigòn, vẫn ngông ngênh trong Lễ kỷ niệm “mừng chiến thắng” Mậu Thân tại Sài Gòn hôm 1-2-08: “Ôn lại diễn biến Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta, nêu rõ cách đây tròn 40 năm, quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền nam, cùng lúc tiến công dũng mãnh vào các thành phố lớn: Huế, Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau.”
“Các lực lượng chính trị, võ trang của các đoàn thể, cơ sở quần chúng cách mạng ở thành phố đã phối hợp lực lượng Biệt động thành và lực lượng các tiểu đoàn mũi nhọn, lực lượng chủ lực tiến công địch bằng nhiều hình thức linh hoạt, đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Ðòn giáng phủ đầu của lực lượng võ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh, đặc biệt là lực lượng Biệt động thành, cùng các chiến công trên toàn miền nam với khí thế cách mạng sục sôi dâng trào của nhân dân thành phố và cả nước đã làm rung động nước Mỹ và vang xa ra cả thế giới.”
Trên 3 triệu dân Sài Gòn thời đó đã chết hết đâu mà ông Hải dám bịa đặt ra những điều không có để xuyên tạc lịch sử ? Làm gì có chuyện “Các lực lượng võ trang, võ trang của các đoàn thể, cơ sở quần chúng cách mạng ở thành phố đã phối hợp lực lượng ....” ?
Khắp phố phường Sài Gòn- Chợ Lớn thời bấy giờ có bóng ma thân Cộng nào dám ra đường hoan hô “quân giải phóng” đâu mà sao lại có chuyện “phối hợp” tài tình, ngoạn mục “quân-dân” một lòng đến thế ?
Hà Đăng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương còn phét lác trên báo Nhân Dân ngày 30-1-08: “Từ chỗ đứng của Tết Mậu Tý 2008 này, ngoảnh nhìn lại Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 40 năm về trước, ai là người Việt Nam, dù đã trải qua hay chưa từng được nếm trải những tháng ngày hào hùng ấy đều cảm thấy niềm tự hào và sự cảm phục khôn cùng. Âm vang và những hình ảnh sống động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ấy không chỉ được lưu giữ trong ký ức mà còn hiện hữu mãi với thời gian”.
Đúng như Hà Đăng viết, cuộc tấn công Mậu Thân tàn sát dân lành của Cộng quân cách nay 40 năm “không chỉ được lưu giữ trong ký ức mà còn hiện hữu mãi với thời gian” từ thế hệ người Việt Nam này đến thế hệ khác vì “miếng ngon thì nhớ lâu mà sự đau thì nhớ đời”.
Lịch sử muôn đời vẫn là lịch sử. Dù có bóp méo đi cũng không bẻ cong được đối với các nạn nhân ở Huế.
|