Cầu Hiền Lương trên dòng Bến Hải |
Tác Giả: Saigon Echo | |||
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 10:03 | |||
_Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về` Lòng khách tha hương vương sầu thương` Nhìn em mờ trong mây khói` Bước đi nhưng chưa nỡ rời lệ sầu tràn mi` đượm men cay đắng biệt ly Rồi đây dù lạc ngàn phương` Ta hướng về chốn xa vời` Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai` Nghẹn ngào thương nhớ em... Hà Nội ơi Dẫu là người sinh trưởng ở Hà Nội 36 phố phường, hay là ở bất cứ miền nào đi nữa, bất cứ ai có dịp nghe đến những âm điệu thiết tha trong nhạc phẩm "Giấc Mơ Hồi Hương" của nhạc sĩ Vũ Thành đều không khỏi cảm thấy bồi hồi, vấn vương. Những lời nhạc nức nở như đưa hồi ức của người viễn xứ hướng về thành phố cổ kính thân yêu nay nằm ở cuối chân mây xa vời vợi... Một nhạc phẩm trữ tình khác của nhạc sĩ Anh Bằng cũng ra đời trong thời gian này. Bản "Nỗi Lòng Người Đi" phơi bầy tâm sự của một trái tim vừa độ chín mùi mà đã phải chia lìa đôi ngả: _Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu` Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều` Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ` Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa` Đã có rất nhiều nhạc phẩm ra đời sau ngày đất nước bị chia cắt. Bài hát nào cũng rung động thiết tha. Đối với tất cả mọi dân tộc, dường như không có niềm đau nào to lớn bằng việc đất nước bị qua phân. Sự chia cắt lãnh thổ có nghĩa là sẽ kéo theo sự phân ly giữa các gia đình, sẽ tạo ra niềm thương nhớ khôn nguôi giữa những con người cùng chung một huyết thống, và gây nên những vết thương trong lòng người. Cách đây nửa thế kỷ, một sự chia cắt đất nước đã để lại vết thương sâu đậm trong những trang sử hiện đại của nước nhà, và chính vết thương này là khởi đầu cho cả một tấm thảm kịch của dân tộc Việt Nam ngay sau đó: Hiệp định Genève 20-7-1954 chia đôi đất nước tại vỹ tuyến 17. Giòng sông Bến Hải phơi mình đón nhận định mệnh oan nghiệt, để trở thành giới tuyến chia đôi 2 miền Nam Bắc. Dân tộc Việt Nam đi vào một tương lai đen tối với những oan khiên kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay, khi mà mấy triệu người Việt xa quê vẫn ấp ủ trong lòng mình một "giấc mơ hồi hương": _Rồi đây dù lạc ngàn phương` Ta hướng về chốn quê nhà` Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương` Để cùng xây giấc mơ hồi hương` __1- Thế Giới Sau Đại Chiến Lần Thứ Hai_ Thế chiến thứ 2 chấm dứt với sự bại trận của phe Trục gồm Đức, Ý và Nhật. Các nước đồng minh thắng trận đã họp nhau tại Yalta (4-11/2/45) và Potsdam (11/7-2/8/45) để chia phần, vẽ lại bản đồ thế giới. Nước Đức bị cắt làm 4, phần phiá đông sông Oder dành cho Liên Sô, dựng lên nước cộng sản Đông Đức. Phần phiá Tây thuộc Anh, Pháp Mỹ, thành hình nước Cộng hoà Liên bang Đức. Những nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi vv... lọt vào quỹ đạo của Mạc Tư Khoa và trở thành các nước XHCN Đông Âu. Tại Á châu, Đồng Minh quy định việc giải giới quân Nhật tại Đông Dương dành cho quân đội Anh, Ấn Độ và Trung Hoa Dân Quốc. Việc giải giới quân Nhật tại bán đảo Triều Tiên dành cho Nga và Mỹ. Ngoài quy định trên, những việc còn lại đều mù mờ. Chiến tranh nóng chấm dứt, nhưng thế giới chưa yên, vì chiến tranh lạnh ngay lập tức tiếp nối. Liên Xô đang muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản tại vùng Châu Á nên một mặt muốn các cường quốc không được can thiệp tại đây để Mao Trạch Đông tiếp tục thôn tính Trung Hoa Lục Địa, một mặt tạo ra những "khoảng trống chính trị" để cho các phong trào cách mạng giải thực, giành độc lập do các đảng cộng sản địa phương có cơ hội huy động và lèo lái. Từ đó, thế giới chia làm hai phe rõ rệt. Một bên là các nước cộng sản do Liên Sô đứng đầu. Một bên kia là các quốc gia tự do đặt dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Gọi là chiến tranh lạnh nhưng tình hình cũng nóng bỏng không kém cuộc thế chiến khủng khiếp mà nhân loại vừa trải qua. Một số những điểm nóng bỏng nhất là cuộc chiến tranh Triều Tiên ở miền Đông Bắc Á, và cuộc chiến tranh Đông Dương ở miền Đông Nam Á. __2- Bối Cảnh Đông Dương Sau Đệ Nhị Thế Chiến_ Ngay khi tiếng súng của trận thế chiến thứ 2 vừa chấm dứt, các nước thực dân đã mưu tìm cách chiếm lại những thuộc địa cũ của mình. Tại Đông Dương, lính Pháp xuống tầu theo quân Anh có nhiệm vụ giải giới quân Nhật để đặt chân lên bán đảo hình chữ S. Đơn vị đầu tiên chỉ có vỏn vẹn 150 quân nhân Pháp tháp tùng đoàn quân của tướng Anh Gracey. Đến tháng 10/45, tướng Leclerc với Sư Đoàn 2 thiết giáp tới Việt Nam và tiến chiếm lại những thành phố lớn tại Nam Phần. Tuy vậy, phía Bắc vĩ tuyến 16, Pháp vẫn chưa đặt chân lên được vì là địa giới trách nhiệm của quân đội Tưởng Giới Thạch. Cũng trong lúc đó, tình hình Việt Nam đã đổi khác. Các cuộc nổi dậy của quần chúng vào tháng 8/45 đã lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim, chấm dứt chế độ phong kiến của nhà Nguyễn. Việt Nam tuyên bố độc lập và có một chính phủ liên hiệp lâm thời bao gồm các đảng phái chính trị quốc gia và cộng sản núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh. Hồ Chí Minh và đảng cộng sản muốn biến nước ta thành một nước cộng sản trong quỹ đạo của Liên Xô, nên tìm cách mau chóng đẩy đoàn quân của Tưởng Giới Thạch ra khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt. Trong âm mưu này, họ Hồ ký kết với Pháp một bản hiệp định để giúp quân Pháp chính thức hiện diện tại miền Bắc, nhưng rồi sau đó lại hô hào toàn quốc kháng chiến vào tháng 12/1946 để chống lại quân Pháp. Phe quốc gia nằm trong một thế trận ngặt nghèo, họ chống Pháp để giành lại độc lập cho đất nước, nhưng đồng thời lại phải dựa lưng vào người Pháp để chống lại cộng sản, vì không muốn đưa nước ta vào vòng xích hóa của chủ nghĩa này. Nước Pháp, trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã trải qua một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước này. Sau nhiều năm bị chiếm đóng, tinh thần người Pháp rất sa sút. Nhân tâm ly tán vì trong chiến tranh, một phần dân Pháp quy phục kẻ chiếm đóng; một phần khác cầm súng chống lại kẻ xâm lăng. Chiến tranh tàn phá hầu hết hạ tầng cơ sở sản xuất khiến nền kinh tế bị kiệt quệ. Ngay chính nước Pháp cũng còn phải nhờ đến chương trình tái thiết Châu Âu của Mỹ, được biết qua danh hiệu _"chương trình Marshall", để xoá dần tàn tích của chiến tranh. Có thể nói, nền chính trị đối nội cũng như đối ngoại của Pháp từ sau Thế Chiến và nhất là trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương, rất là bất ổn định. Chỉ trong 8 năm trời, từ năm 1946 tức là khi bắt đầu chiến tranh Đông Dương cho đến năm 1954 vào lúc ký Hiệp Định Genève, Pháp đã thay đổi chính phủ 17 lần, có thủ tướng chỉ cầm quyền được 2 ngày! Do đó, việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam đã không được quan tâm đúng mức. Sau năm 1950, tình hình chiến sự ở Việt Nam ngày càng thất lợi cho quân đội viễn chinh Pháp. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp xuất phát từ ý niệm ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản. Trong lúc đó thì Pháp lại tiến hành chiến tranh với mục tiêu chiếm lại thuộc địa. Chính sự khác biệt về chủ đích này cũng đã gây nhiều khó khăn về tiếp liệu cho quân đội Pháp. Trong lúc đó, từ một quân đội sơ khai, Việt Minh đã huy động được lòng yêu nước, chống ngoại xâm của quần chúng, là nguồn tiếp vận vô tận cho một trận thế chiến tranh nhân dân áp dụng lối đánh du kích, không theo một quy luật chiến tranh cổ điển nào cả. Thêm vào đó, Việt Minh cộng sản đã được sự hỗ trợ của Liên Xô và từ năm 1950, Trung Cộng đã viện trợ ồ ạt vũ khí, quân trang, quân dụng và cả nhân sự cho Việt Minh. Pháp bị đánh bật ra khỏi những vùng rừng núi biên giới Hoa-Việt, dồn về châu thổ sông Hồng Hà. Nhiều vị tướng lãnh danh tiếng của Pháp, đã từng lập nhiều chiến công hiển hách trong Đệ Nhị Thế Chiến đã được đưa tới chiến trường Việt Nam và đã thất bại. Lòng tham và tinh thần thực dân đã khiến Pháp hứa liều, hứa cuội "trả lại độc lập hoàn toàn" cho Việt Nam. Tổng cộng từ lúc đưa Bảo Đại trở về đến ngay trước khi ký Hiệp Định Genève, Pháp đã hứa trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam đến 5 lần, nhưng đều không thực tâm thực hiện. Ngày 13/3/54, trong lúc tướng Navarre khởi sự đợt nhì của chiến dịch Atlante, nhằm bình định vùng duyên hải miền Trung, thì trận Điện Biên Phủ mở màn. Cứ điểm này bị bao vây kín mít. Pháo binh và cao xạ của Việt Minh đã uy hiếp và gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Chỉ 4 ngày sau, tức ngày 17/3/54, cầu không vận không sử dụng được nữa. Việt Minh pháo kích vào sân bay và bắn lên các phi cơ tiếp tế. Việc tiếp vận và tăng cường quân số chỉ còn thực hiện được bằng cách thả dù. Tướng Paul Ely, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đã sang Hoa Thịnh Đốn để vận động sự trợ giúp quân sự của Mỹ, nhưng chính quyền Hoa Kỳ gồm cả tổng thống Eisenhower lẫn lưỡng viện, e dè không quyết định. Điện Biên Phủ thất thủ vào lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 7/5/54. Hội nghị Genève khai diễn trước đó 2 tuần lễ, nay được thúc đẩy với nhịp độ nhanh hơn để tìm một giải pháp ngưng bắn trên chiến trường. _3- Hiệp Định Genève Chia Đôi Đất Nước_ Ngày 26/4/1954, Hội Nghị Genève đã khai mạc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève để bàn về cuộc Chiến ở Triều Tiên và Đông Dương. Hội nghị này được triệu tập theo quyết định của Hội Nghị Berlin kéo dài từ 25/1-18/2/54 giữa các ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Trong khi Hội Nghị còn đang bàn thảo về tư cách tham dự và thành phần của các phái đoàn, thì ở Việt Nam, Điện Biên Phủ thất thủ. Hội Nghị chính thức đề cập đến vấn đề Đông Dương vào ngày 8/5/54. Thành phần tham dự Hội Nghị Genève gồm: Liên Xô có Molotov (ngoại trưởng), Andrei Gromyko (thứ trưởng ngoại giao); Trung Cộng có Chu Ân Lai (thủ tướng kiêm ngoại trưởng); Việt Minh có Phạm Văn Đồng (ngoại trưởng); Anh Quốc có Anthony Eden (ngoại trưởng); Hoa Kỳ có ngoại trưởng Foster Dulles xuất hiện lúc đầu, sau được thay thế bởi tướng Walter Bedell Smith; Pháp có Georges Bidault (ngoại trưởng) sau được thay thế bởi Pierre Mendès France (thủ tướng kiêm ngoại trưởng). Phía các quốc gia liên hiệp gồm: Việt Nam với Trần Văn Đỗ, Cao Miên với Sam Sari và Lào với Phoui Sananikone. Hội nghị đã đề cập đến những vấn đề chính trị như việc công nhận tính chất độc lập của các quốc gia thuộc địa cũ. Pháp cố kèo nài là phải độc lập trong "_khối liên hiệp Pháp". Nhưng vấn đề chính là vấn đề ngưng bắn, chấm dứt chiến tranh. Những giải pháp ngưng bắn và tập trung quân đội theo kiểu "0_da beo" hoặc chia đôi Việt Nam đã được đưa ra bàn thảo. Ngoại trưởng Anh cố gắng thuyết phục các phe bên lề hội nghị và giải pháp chia cắt đã được các phe đồng ý. Với quan niệm "0_chiến tranh lạnh" và "_chiến tranh ý thức hệ" của Tây Phương, việc phân định lằn ranh rõ rệt là một thuận lợi để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản bằng "chiến tranh giải phóng". Nhưng đối với Việt Nam, đây là một nỗi đau vô cùng to lớn. Ngay đến Quốc Trưởng Bảo Đại, lúc trước không mấy tha thiết đến việc đất nước cũng đã cảnh giác Pháp và Hội Nghị. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mặc cho tiếng rên xiết của một dân tộc, một đất nước sẽ bị phân chia; đêm 20 rạng 21/7/1954, Pháp và Việt Minh cộng sản đã ký Hiệp Định Genève chia đôi Việt Nam: phía bắc vĩ tuyến 17 thuộc Việt Minh, phía Nam "thuộc Pháp". Phía Quốc Gia đã từ chối ký vào Hiệp Định chia cắt này. __4- Bến Hải: Nỗi Đau Phân Ly_ Người dân Việt Nam trước đây thường gọi ngày 20/7/1954 là "Ngày Quốc Hận". Quốc hận vì nó là ngày chia cắt giang sơn, chia cắt dân tộc, phản lại truyền thống nghìn đời của Tổ Tiên đã viết lên những trang sử oai hùng cho sự thống nhất dân tộc, thống nhất cõi bờ. Hiệp định Genève quy định thời gian 300 ngày để người dân Việt Nam có cơ hội chọn lựa phần đất sinh sống cho mình. Trong thời gian này, hàng triệu người, hàng triệu gia đình đã phải bỏ quê, bỏ làng để tìm tự do ở phương Nam. Cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng của tác giả Hoàng Văn Đào đã mô tả tâm trạng của đồng bào miền Bắc trong những ngày này như sau: "_Ngày 20 tháng 7 năm 1954, khi nghe đài phát thanh loan tin CS và thực dân đã chính thức ký hiệp định chia đôi đất nước, lấy con sông Bến Hải làm ranh giới hai miền, nhân dân Bắc Việt vô cùng xúc động xôn xao. Đã đành là phải ra đi, nhưng tiền của đâu mà đi, nhà đất bán rẻ mạt không có người mua! Đó là những người ở đô thị; trái lại những đồng bào ở thôn quê, CS tìm đủ mọi cách không cho rời khỏi làng, còn nói chi đến vấn đề bán nhà đất và vật dụng! não lòng biết bao! mỗi khi đi qua các phố Hàm Long, phố Nhà Thương đau mắt, phố Halais, nào sập gụ, tủ chè, bàn ghế, giường nằm, tủ áo, đỉnh đồng, đèn đồng, bát đĩa cổ đến sách, báo quý giá... nghĩa là từ thượng vàng đến hạ cám, đồng bào bày ra bán với giá thật rẻ mạt; đồng bào mệnh danh là "Chợ trời" cố thu xếp lấy chút tiền để bồng bế nhau di cư vào miền Nam tự do. Thật tình mà nói, nếu không có sự ngăn chặn của CS, con số đồng bào di cư vào miền Nam này có thể lên tới hàng 2,3 triệu người". Một số tài liệu khác của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho biết, từ tháng 8-1954 mỗi ngày có hàng ngàn người từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn bằng đường hàng không và hàng ngàn người mỗi ngày bồng bế nhau về cảng Hải Phòng để được xuống tàu thủy đưa vào Nam (gọi là tàu há mồm). Tính đến chuyến tàu sau cùng vào tháng 3 năm 1955 có khoảng 950.000 người từ Bắc di cư vào Nam. Có nhiều nơi dân muốn di cư bị công an Việt Minh ngăn chận, gây nhiều xô xát đẫm máu. Dân di cư được phân phối định cư khắp nơi, dù đời sống lúc đầu khó khăn, nhớ quê hương ruộng đồng, bỏ nhà cao cửa rộng chen chúc ở các trại định cư, được trợ cấp tiền mặt mỗi ngày cho mỗi người lớn 12 đồng, trẻ em 6 đồng đủ sống. Tổng số 315 trại định cư cho 508.999 người, được chia ra Nam phần 206 trại cho 393.354; Trung phần 59 trại gồm 61.094 người; cao nguyên 50 trại cho 54. 551 người. Thiên Chuá giáo gồm 676.348 Tín đồ, Tin Lành 1.041 Tín Đồ, Phật Giáo 182.817 Phật Tử. Việc giúp cho người dân di cư ổn định đời sống chỉ trong thời gian ngắn đã là một thành công lớn của chính phủ quốc gia thời bấy giờ. Bao nhiêu tình tự, bao nhiêu nước mắt, bao nhiều giòng mực, bao nhiêu thi ca đã đổ ra để than khóc, để oán hận giòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương, để thương cho Hà Nội, để nhớ về Thăng Long. Những người lãnh đạo cộng sản đâu có đủ lương tri loài người để có thể cảm được những điều dân cảm. Bến Hải là một dòng sông hẹp, quanh năm nước chảy lặng lờ, bắt nguồn từ dẫy Trường Sơn về Rào Thanh, chảy thẳng đến Xuân Mỹ, rồi đổ xuống Cửa Tùng. Chiều dài của con sông, nếu tính theo đường chim bay, từ nguồn núi Tây ra biển Đông, chỉ vào khoảng 60 cây số. Nếu kể chiều dài uốn khúc quanh co theo chiền núi, thì độ chừng 100 cây số. Bề rộng của sông Bến Hải chỗ lớn nhất như quãng Tùng Luật tới 200 mét, ở khu vực cầu Hiền Lương chỉ độ 170 mét, khúc sông gần bãi cát Cửa Tùng chẩy ra biển chỉ rộng có 30 mét. Chiếc cầu bắc qua sông Bến Hải gọi là cầu "Hiền Lương", nằm giữa thôn Vĩnh Linh, huyện Trung Lương tỉnh Quảng Trị, và cũng là một chiếc cầu bình thường như trăm ngàn chiếc cầu khác trên trăm ngàn dòng sông quen thuộc của nước ta; vẫn là mấy nhịp sắt mầu đen và những tấm ván gỗ mộc mạc. Chiều dài chiếc cầu được chia làm hai phần, mỗi bên cai quản đúng 89 mét. Khu vực mệnh danh là "phi quân sự" được ấn định mỗi bên là 5 cây số, khoảng cách từ bờ sông trở ra và kéo dài theo triền sông. __5- Mơ Một Ngày Mai Tươi Sáng_ Sau ngày 30-4-75, hai nhịp cầu Hiền Lương đã được nối lại, hai miền Nam Bắc đã được gắn liền vào một giải non sông. Nhưng vết thương trong lòng người dân Việt lại càng sâu đậm hơn nữa. Bây giờ, vết thương mới không phải là một giòng sông, cũng chẳng phải là một nhịp cầu... mà vết thương mới nó nhức nhối bao la như biển cả, mênh mông sâu đậm trong lòng người... Chế độ cộng sản đã reo rắc thêm hận thù bằng độc tài, áp bức, bóc lột... làm vết thương ngày xưa chưa được liền lặn thì vết chém ngày nay đã vội bật máu. Từ 1954 đến 1975, vừa hai thập niên, vừa 2 lần phân ly... định mệnh oan nghiệt của dân Việt đã khiến dân tộc phải mang nặng một nỗi sầu ly biệt. Tất cả chỉ vì đất nước, dân tộc bị cai trị bởi một chủ nghĩa ngoại lai... Chỉ đến ngày nào mà chủ nghĩa cộng sản không còn trên quê hương, lúc đó mới không còn những dòng sông Bến Hải trong lòng người. Lúc đó người dân Việt mới thực sự đuợc ôm ấp mảnh đất quê hương yêu dấu trong trái tim mình. Nhớ ngày 20-7, chúng ta quyết làm sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ còn phải có những ngày quốc hận như vậy nữa. Đó là niềm mơ ước sâu thẳm của mỗi người dân Việt.
|