Lấy ảnh làm chồng (Chuyện bà Phan Bội Châu) |
Tác Giả: GS Trần Gia Phụng | ||||
Thứ Ba, 10 Tháng 3 Năm 2009 05:12 | ||||
(Nhân dịp Lễ Tưởng niệm Hai Bà Trưng do Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto tổ chức vào lúc 1:00 PM ngày Thứ Bảy 14-3-2009 tại Hội trường Oakdale Community Centre, số 350 Grandraville Drive, North York (gần Jane/Sheppard) , chúng tôi xin đăng loạt bài về những anh thư Việt Nam. Trần Gia Phụng)
Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhà yêu nước vĩ đại. Suốt đời ông đã quên mình và quên cả gia đình, chỉ hoạt động vì dân vì nước. Ông làm được điều nầy, một phần nhờ sự hy sinh cao cả của vợ ông, bà Phan Bội Châu. Bà Phan Bội Châu tên thật là Thái Thị Huyên, con ông Thái Văn Giai. Ông Thái Văn Giai là một nhà Nho, sống tại thôn Đức Nam, làng Diên Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, và là bạn học của ông Phan Văn Phổ, thân sinh Phan Bội Châu. Bà Thái Thị Huyên sinh năm 1866 (bính dần), lớn hơn chồng một tuổi. Phan Bội Châu vốn có chí hoạt động cách mạng, muốn trì hoãn việc lập gia đình, nhưng ông là con trai độc nhất trong một gia đình đã bốn đời có con trai một, nên thân sinh ông bắt ông phải cưới vợ sớm. Hai ông bà đính hôn lúc còn nhỏ tuổi, và làm lễ cưới năm 1888 (mậu tý) do sự sắp đặt của gia đình hai bên. Cưới vợ được tám năm, ông vẫn chưa có con mà thân phụ ông muốn có cháu bồng, nên bà Thái Thị Huyên (chánh thất, vợ cả) đã cưới bà thứ thất (vợ nhỏ) cho chồng năm 1896.(1) Bà thứ thất của Phan Bội Châu tên là Nguyễn Thị Em. Chẳng bao lâu bà thứ thất (bà Em) sinh được một con trai và bà chánh thất (bà Huyên) cũng sinh thêm một trai nữa. Theo tục lệ xưa, tuy con bà chánh thất sinh sau, nhưng được làm anh, còn con bà thứ thất sinh trước, lớn tuổi hơn, lại phải làm em. Để khẳng định tôn ty trong gia đình, Phan Bội Châu đặt tên con bà chánh thất (nhỏ tuổi hơn) là Phan Nghi Huynh, con bà thứ thất (lớn tuổi hơn) là Phan Nghi Đệ. “Nghi huynh nghi đệ” có nghĩa là “anh xứng đáng ra anh, em xứng đáng ra em.” Cách thức sắp đặt gia đình của Phan Bội Châu theo đúng đạo cương thường trong Nho giáo. Phan Bội Châu vốn không có chí khoa cử sĩ hoạn, nhưng để có điều kiện hoạt động cách mạng, ông dự kỳ thi hương tại trường thi Nghệ An năm canh tý (1900) và đỗ giải nguyên (thủ khoa). Sau đó Phan Bội Châu vào Huế mượn cớ theo học trường quốc tử giám để tìm cách liên kết nhân tài. Cuối năm 1904 (giáp thìn), Phan Bội Châu xin phép trường quốc tử giám về quê ăn Tết, thật sự là rời Huế để chuẩn bị qua Nhật hoạt động. Trước khi ra đi năm 1905, Phan Bội Châu đã tự viết hai tờ giấy ly dị vợ, giao cho hai bà vợ để phòng thân, rủi công việc của ông bị bại lộ, nhà cầm quyền có thể đến làm phiền hai bà, thì hai bà trưng giấy ly dị để khỏi bị liên lụy.(2) Phan Bội Châu viết rất nhiều sách, nhưng ngược lại nói rất ít về gia đình. Sách vở cũng ít đề cập đến gia đình Phan Bội Châu. Có thể bà thứ thất (Nguyễn Thị Em) từ trần trước khi Phan Bội Châu bị bắt về nước năm 1925, vì khi người Pháp dẫn giải Phan Bội Châu từ Hà Nội vào Huế cuối năm đó, đi ngang qua thành Nghệ An, chỉ có một mình bà chánh thất đến gặp Phan Bội Châu được nửa giờ đồng hồ. Trong câu đối khóc bà vợ thứ, Phan Bội Châu kể: “Có chồng mà ở góa, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu, trao gánh nặng về phần chị cả; “Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi Phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi.” Bà chánh thất Thái Thị Huyên từ trần năm 1936 (bính tý). Trước lúc bà sắp từ trần, Phan Bội Châu làm câu đối bằng chữ Nho (chữ Tàu) gởi về an ủi vợ: “Trấp niên dư cầm sắc bất tương văn, khổ vũ thê phong, chi ảnh vi phu, nhật hướng sằn nhi huy nhiệt lệ; “Cửu tuyền hạ băng thân như kiến vấn, di sơn điền hải, hữu thùy tương bá, thiên xai lão hán bả không quyền.” (1936) Tạm dịch: “Hai mươi năm đàn nhịp không hòa, gió thảm mưa sầu, lấy ảnh làm chồng, ngày ngóng đàn con tuôn giọt lệ; “Dưới chín suối bạn bè gặp hỏi, dời non lấp biển, có ai giúp mợ, trời ghen thân lão nắm tay không.” Sau đó, khi bà Thái Thị Huyên từ trần ngày 21-5-1936 (1-4-bính tý), Phan Bội Châu khóc vợ qua câu đối: “Tình cờ động khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ; “Khen khéo giữ bốn đức, gần bảy mươi tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con.” (3) Về phần hai người con trai của Phan Bội Châu, cha là một nhà khoa bảng nổi tiếng, nhưng vì yêu nước, đi làm cách mạng, nên gia đình quá nghèo túng khó khăn, đã phải đi sống nhờ ở nhà người khác, và hai ông không được học hành gì nhiều. Có người nói rằng, thuở nhỏ hai ông phải trốn tránh để khỏi bị Pháp bắt, nhưng vẫn nhiều lần bị các hương chức địa phương làm khó dễ.(4) Khi Phan Bội Châu bị Pháp đưa về an trí ở Huế. Phan Nghi Huynh ở lại Nghệ An hầu hạ bà mẹ ruột, tức bà vợ cả của Phan Bội Châu, và chỉ vào Huế vài lần thăm cha rồi trở ra Nghệ An sinh sống với mẹ. Phan Nghi Đệ cũng hoạt động cách mạng, bị Pháp bắt ở Nghệ An khoảng sau năm 1930. Pháp ra điều kiện nếu Phan Bội Châu chịu bảo lãnh ông Đệ về Huế sống với Phan Bội Châu thì Pháp sẵn sàng đưa ông Đệ về Huế, nghĩa là Pháp chỉ định cư trú đối với ông Đệ như đối với Phan Bội Châu, đồng thời Pháp tiện việc kiểm soát hai cha con cùng một lúc. Phan Nghi Đệ sống bên cạnh Phan Bội Châu cho đến khi cha qua đời năm 1940. Năm 1946, Phan Nghi Đệ chạy tản cư về An Truyền (làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, và từ trần tại đây. Sau đó ông được cải táng về nằm cạnh cha, trong vườn nhà Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, Huế. Ngoài hai người con trai, Phan Bội Châu còn một người con gái tên là Phan Thị Như Cương. Bà Như Cương là con của Phan Bội Châu và bà vợ thứ là Nguyễn Thị Em. Bà Như Cương có chồng là Vương Thúc Oánh. Vương Thúc Oánh cũng hoạt động chính trị, lúc đầu theo Phan Bội Châu, sau theo Lý Thụy (Hồ Chí Minh). Khi được biết Lý Thụy là người bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu, bà Như Cương xin phép cha cho mình ly dị chồng. Phan Bội Châu không chấp thuận. Theo lệnh cha, bà Như Cương không ly dị Vương Thúc Oánh, nhưng từ đó bà sống ly thân, không tiếp xúc với chồng nữa. (Theo lời kể của cháu nội Phan Bội Châu hiện sống tại Canada.) Để hiểu rõ hơn về bà Phan Bội Châu, có lẽ nên nghe lời ông kể về bà cho các con ông nghe: “Nầy con, “Các con ơi! Cha mầy e chết rày mai, có lẽ với mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu trời thương ta, cho hai ta đồng thời gặp nhau ở suối vàng cũng vui thú biết chừng nào. “Nhưng đau đớn quá! Mẹ mầy e chết trước ta. Ta hiện giờ nếu không chép sơ những việc đời Mẹ mầy cho các con nghe, thời các con rồi đây không biết rõ Mẹ mầy là người thế nào, có lẽ bảo Mẹ ta cũng như người thường thả cả. “Than ôi! Ta với Mẹ mầy, vợ chồng “thật” gần năm mươi năm, mà quan quả “giả” gần bốn mươi năm [quan: vợ chết, quả: chồng chết]. Khi sống chẳng mấy hồi tương tụ; mà đến khi chết lại chỉ tin tức nghe hơi! Chúng mầy làm con người, đã biết nỗi đau đớn của Cha mầy với Mẹ mầy, chắc lòng mấy con thế nào cũng an thích được. “Bây giờ ta nhơn lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịch sử Mẹ mầy nói với mầy. “Mầy nên biết, nếu không có Mẹ mầy, thời chí của Cha mầy đã hư hỏng những bao giờ kia. “Cha ta với Tiên nghiêm [cha] của Mẹ mầy xưa, đều là nho cũ rất nghiêm giữ đạo đức xưa. Mẹ mầy lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi con còn nên một. Tới năm Mẹ mầy hai mươi ba tuổi [tuổi ta, tức 1888], về làm dâu nhà ta. Lúc ấy, Mẹ ta bỏ ta đã tám năm, trong nhà duy có cha già với em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng nghề dạy trẻ, luôn năm ngồi ở quán phương xa, cái gánh sớm chiều gạo nước gởi vào trên vai Mẹ mầy. Cha ta đối với con dâu rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao giờ có sắc giận với Mẹ mầy. Cha ta hưởng thọ được bảy mươi tuổi, nhưng bệnh nặng từ ngày sáu mươi. Liên miên trong khoảng mười năm, những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm, thảy thảy một tay Mẹ mầy gánh cả. Kể việc hiếu về thờ ông gia, như Mẹ mầy là một việc hiếm có vậy. “Trước lúc cha ta lâm chung [1900], ước một phút đồng hồ, gọi Mẹ mầy bồng mầy tới cạnh giường nằm, chúc ta rằng: “Ta chết rồi, mầy phải hết sức dạy cháu ta, và hết sức thương vợ mầy. Vợ mầy thờ ta rất hiếu, chắc trời cũng làm phúc cho nó.” Xem lời nói lâm chung của Cha ta như thế, cũng đủ biết nhân cách Mẹ mầy rồi. “Năm Cha ta sáu mươi sáu tuổi [1896], còn hiếm cháu trai, vì ta là con độc đinh [con trai duy nhất], nên cha ta cũng khát cháu lắm. Mẹ mầy muốn được chóng sinh trai cho vừa lòng Cha, nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mầy, chẳng bao lâu mà em mầy sinh. Trong lúc thằng Cu mới ra đời, Mẹ mầy gánh vác việc ôm ấp đùm bọc hơn một tháng. Cha ta được thấy cháu đầu hoan hỉ quá chừng. Thường nói với ta rằng: “Ta chỉ còn một việc chết chưa nhắm mắt, là mầy chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi”.[5] Mẹ mầy nhân đó càng ân đức thứ mẫu mầy, thân yêu nhau hơn chị em ruột. “Kể đức nhân về ân ái với người phận em như Mẹ mầy cũng ít có. “Cứ hai chuyện như trên, bảo Mẹ mầy là Mẹ hiền về thời cựu chắc không quá đáng. Nhưng mà bắt buộc cho ta phải trọn đời nhớ luôn, thời lại vì có một việc: Nguyên lai nhà ta chỉ có bốn tấm phên tre suông, chẳng bao giờ chứa gạo tới hai ngày. Nhưng vì trời cho tính quái đặc: thích khoản khuếch [khoản đãi rộng rãi], hay làm ân. Hễ trong túi đựng được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. Thường tới khi từ trường quán về, ta tất mang luôn khách về nhà, khách hoặc năm, sáu người, có khi mười người chẳng hạn, nhưng chiều hôm sớm mai, thiếu những gì tất hỏi Mẹ mầy. Mẹ mầy có gì đâu! Chỉ dựa vào một triêng [gánh] hai thúng, từ mai tới hôm [từ sáng tới tối] mà hễ nghe chồng đòi gì thời có nấy. Bổng dạy học của ta tuy có nhiều, nhưng chưa một đồng xu nào là tay Mẹ mầy được xài phí. Khổ cực mấy nhưng không sắc buồn; khó nhọc mấy nhưng không tiếng giận. Từ năm ta ba mươi sáu tuổi [1902], cho tới ngày xuất dương, những công cuộc kinh dinh việc nước, Mẹ mầy ngầm biết thảy, nhưng chưa từng hé răng một lời. Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, Mẹ mầy ngồi dựa cột, kế một bên ta nói: “Thầy chắc toan bắt cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt mà người ta đã biết nhiều sao thế?” Mẹ mầy tuy có nói câu ấy, mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá! “Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn mười năm. Nghèo đói mà bạn bè nhiều; cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ân Mẹ mầy. “Tới ngày ta bị bắt về nước, Mẹ mầy được gặp ta một lần ở thành tỉnh Nghệ, hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ có một câu nói rằng: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi, từ đây trở về sau, chỉ trông mong Thầy giữ được lòng Thầy như xưa, Thầy làm những việc gì mặc Thầy, Thầy không phiền nghĩ tới vợ con.” “Hỡi ôi! Câu nói ấy ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta, mà té ra ủ dài năm tháng, chẳng một việc gì làm, chốc chẵn mười năm. “Phỏng khiến Mẹ mầy mà chết trước ta, thời trách nhiệm của ta e còn nặng mãi mãi. Suối vàng quạnh cách, biết lối nào thăm; đầu bạc trăm năm, còn lời thề cũ. Mẹ mầy thật chẳng phụ ta, ta phụ Mẹ mầy! “Công nhi vong tư” chắc Mẹ mầy cũng lượng thứ cho ta chứ “. (1936) (6) Hình ảnh bà Thái Thị Huyên, qua lời kể chuyện của Phan Bội Châu, có thể được xem là biểu tượng của thế hệ phụ nữ Việt Nam theo truyền thống Nho phong ngày xưa, âm thầm gian khổ gánh vác toàn bộ công việc gia đình, để chồng có thể dồn mọi nỗ lực lo việc đất nước. Đúng như lời Phan Bội Châu đã viết: “Nghèo đói mà bạn bè nhiều, cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ân Mẹ mầy “. Một nửa sự nghiệp của Phan Bội Châu là nhờ bà Thái Thị Huyên vững tay lo việc gia đình. Chẳng những riêng Phan Bội Châu, mà hầu như một nửa sự thành công của nhiều danh nhân Việt Nam và trên thế giới đều nhờ ơn các bậc hiền phụ. Đáng quý thay! TRẦN GIA PHỤNG CHÚ THÍCH: 1. Theo tục lệ ngày xưa, vợ cả (chánh thất) cưới vợ nhỏ (thứ thất) cho chồng.
|