Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (2)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 07:32

(Tiếp theo)

Trước viễn ảnh không thể hòa giải với Trung Hoa, Việt Nam bắt đầu những biện pháp ngăn ngừa Trung Hoa trả đũa. Trước hết, họ bắt tất cả những người Hoa nhập Việt tịch, nếu không sẽ mất quyền lợi mua lương thực. Sau đó, vào ngày 24-3-1978, chính phủ Việt Nam mở một đợt đánh tư sản mại bản, nhắm vào khối người Hoa để tịch thu gia sản của họ, đồng thời cũng ép buộc và khuyến dụ những người này rời khỏi Việt Nam để một mặt, tránh hiểm họa đạo quân thứ năm, mặt khác tịch thu thêm vàng bạc. Từ đó, phong trào thuyền nhân ra đời. Nhiều người đến được những trại tỵ nằm rải rác ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Nhật Bản..., nhưng cũng có hàng trăm ngàn người khác phải bỏ mình ngoài biển khơi hay làm nạn nhân cho hải tặc (20).

Dĩ nhiên, chính quyền Trung Hoa lập tức phản kháng, họ gọi những Hoa Kiều ở Việt Nam là “nạn kiều” và ngưng tất cả những dự án Trung Hoa đang viện trợ cho Việt Nam, rút hết những chuyên viên về nước. Sự tranh chấp giữa hai nước đã trở nên mãnh liệt đến nỗi nghị quyết số 9 của Trung Ương Ðảng năm 1978 đã ghi rõ Trung Hoa là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất (trong khi Hoa Kỳ được coi như kẻ thù cơ bản và lâu dài). Ðiều này đến 1982 được ghi vào hiến pháp. Sau cuộc chiến với Căm Pu Chia và Trung Hoa, năm 1981, nghị quyết 39 của Bộ Chính Trị còn ghi là Cộng Sản Việt Nam sẽ “đấu tranh chống chủ nghĩa Mao trên mọi hình thái.”. Ðiều này khác hẳn với lời mở đầu trong Ðiều Lệ Ðảng năm 1951 “ đảng Lao Ðộng Việt Nam lấy học thuyết Mác, Ăng Ghen, Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Ðông kết hợp với thực tế cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng” (21).

Ðồng thời với những bất đồng ngày càng nghiêm trọng với Trung Hoa, những mâu thuẫn giữa hai phong trào Cộng Sản Việt Nam và Căm Pu Chia sau 1975 lại càng trầm trọng hơn. Thật ra sự mâu thuẫn này đã có từ lâu. Tuy đảng Cộng Sản Căm Pu Chia được thành lập và đỡ đầu bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng cũng chính vì điều này, cộng thêm bản chất tự tôn của những người cộng sản tự coi mình thuộc giai cấp tiên tiến, đang mang nghĩa vụ giải phóng toàn thể nhân loại, khiến cho những cán bộ Việt Nam mặc nhiên tự coi như giữ vai trò lãnh đạo, đàn anh đối với hai nước Lào và Căm Pu Chia. Do mối thù hận bị mất đất và bị cai trị khắc nghiệt trong lịch sử, cộng thêm mối nghi kỵ sẽ bị sát nhập với Việt Nam thành một “liên bang Ðông Dương”, những lãnh tụ Công Sản Căm Pu Chia, vốn đã cuồng tín, càng trở nên đa nghi hơn và kết qủa là hai bên đã phải giải quyết những mâu thuẫn bằng vũ lực trong một trận chiến cộng sản tương tàn (22).

Ngay trong tháng 4 năm 1975, sau khi cướp được chính quyền, quân Khmer Ðỏ đã tấn công đảo Thổ Châu, Hòn Trọc (Wai) và Phú Quốc của Việt Nam, mở đầu cho những đợt xung đột võ trang dọc theo biên giới hai nước. Những xung đột này trở nên bùng nổ dữ dội vào hai năm sau, vào đúng đêm trong đêm 30-4-1977, quân Khmer Ðỏ tấn công qui mô vào nhiều làng xã thuộc tỉnh An Giang, tàn sát nhiều người vô tội, sau đó đến tháng 9, 1977, đến lượt vùng biên giới Tây Ninh bị đánh. Chịu trách nhiệm phòng thủ Tây Ninh là Trần Văn Trà, tư lệnh Quân Khu VII. Trần Văn Trà đang dự định hành quân qui mô để trả đũa thì bị mất chức và kéo về trung ương, để cho Lê Ðức Anh đang làm tư lệnh Quân Khu IX lên thay (23). Trần Văn Trà đã mất chức trong giai đoạn nghiêm trọng này với lý do sơ hở về phòng thủ, không bảo vệ được dân chúng, nhưng lý do chính là vì sau năm 1975, những cán bộ người miền Nam trong Mặt Trận Giải Phóng không còn được tin dùng và dần dần bị tước đoạt hết quyền lực. Ðiều này đã gây ra bất mãn và chính quyền trung ương không thể để cho một người cốt cán của Mặt Trận nắm binh quyền ở một quân khu quan trọng. Ngoài ra, Trần Văn Trà cũng làm mất lòng Văn Tiến Dũng và Lê Ðức Tho khi viết hồi ký nhận phần lớn công trạng là của mình trong chiến thắng 1975. Do thay đổi cấp chỉ huy, phải chờ đến mấy tháng sau, cuối năm 1977, quân Việt Nam mới tràn qua biên giới phản công. Bị quân Việt Nam tràn ngập, hai sư đoàn 3 và 4 của Khmer Ðỏ coi như bị tiêu diệt, Căm Pu Chia lên tiếng tố cáo Việt Nam xâm lăng và chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ðể tránh dư luận quốc tế, quân Việt Nam phải rút về nước.

Do thất bại không thể chận đứng được cuộc tấn công của quân Việt Nam, Pol Pot đổ lỗi cho quân khu Ðông ở sát biên giới Việt Nam và mở một cuộc thanh trừng đẫm máu. Cuộc thanh trừng này một mặt làm suy yếu lực lượng quân đội Căm Pu Chia, mặt khác đẩy một số cán bộ lãnh đạo của Khmer Ðỏ như Heng Samrin, Hun Sen trốn sang Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam thành lập một Mặt trận Giải phóng bù nhìn để xâm lăng.

Vì không thể để cho quân Khmer Ðỏ tiếp tục gây rối, chính quyền Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải giải quyết dứt khoát, nhưng vì sợ phản ứng của Trung Hoa, Việt Nam phải đi tìm một hậu thuẫn vững mạnh cho nên cuối cùng, Việt Nam đành phải chính thức đứng vào quĩ đạo của Liên Xô. Ngày 1-11-1978, Lê Duẩn và Phạm Văn Ðồng dẫn đầu một phái đoàn đảng và chính phủ sang Mạc Tư Khoa để cùng Brezhnev ký bản hiệp ước “hợp tác và hữu nghị”, theo đó hai nước sẽ liên minh với nhau cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Ðiều 6 của hiệp ước này nói rõ là nếu một trong hai nước bị tấn công, cả hai nước sẽ dùng những biện pháp thích hợp đối phó. Từ đó, Liên Xô đã hết lòng viện trợ cho Việt Nam. Số tiền viện trợ và cho vay lên tới nhiều tỷ Mỹ kim. Bù lại, Việt Nam sẽ để cho Liên Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh và có thể Ðà Nẵng làm đầu cầu quân sự để kiềm chế Trung Hoa và đối đầu với hạm đội thứ 7 của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.

Hợp tác hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ tại các nước ASEAN và Hoa Kỳ, đem lại một kết quả thuận lợi cho Trung Hoa. Trước đó hai tháng, Việt Nam đã cử Phạm Văn Ðồng sang Thái Lan, Mã Lai và Tân Gia Ba để ve vãn những nước này. Tại Thái Lan, Phạm Văn Ðồng hứa chấm dứt yểm trợ đảng Cộng Sản Thái. Tại Mã Lai, Phạm Văn Ðồng đến đặt vòng hoa tại đài chiến sĩ tưởng niệm những binh sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh chống Mã Cộng. Riêng đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thiết lập bang giao nhưng khi cần đến thì đã quá trễ.

Sự chậm trễ thiết lập bang giao với Hoa Kỳ bắt nguồn từ những thái độ kiêu căng sau chiến thắng của những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam. Năm 1976, sau khi Tổng Thống Carter được bầu lên, ông muốn lật một trang sử đã qua nên đã cử ngay một phái đoàn thiện chí sang Hà Nội thăm dò về việc thiết lập bang giao. Thiện chí này càng làm giới lãnh đạo Việt Nam thêm phần cao ngạo. Họ nhất định đòi có được ba tỷ Mỹ kim tiền bồi thường chiến tranh như một điều kiện tiên quyết.

Những cuộc hội đàm ở Hà Nội và Paris giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền với Woodcock và Holbrook lần lượt tan vỡ. Cho tới tháng 9 năm 1978, khi Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là thứ trưởng, gặp Holbrook và bằng lòng bỏ đi điều kiện số tiền ba tỷ thì lúc đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu thương thuyết với Trung Hoa. Phải lựa chọn giữa hai nước đang đối nghịch nhau, Carter chọn bang giao với Trung Hoa trước và từ đó, do việc Việt Nam đứng vào khối Cộng Liên Xô rồi xâm lăng Căm Pu Chia, bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chậm đi mất gần 20 năm.

Sau khi ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác, tin tưởng vào hậu thuẫn và sức mạnh của Liên Xô, bất chấp mọi hậu quả từ phản ứng của Trung Hoa và thế giới, ngay sau đêm Giáng Sinh năm 1978, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Lê Trọng Tấn (24), quân đội Việt Nam ồ ạt mở một cuộc tổng tấn công toàn diện vào lãnh thổ Căm Pu Chia. Chỉ trong vòng hơn một tuần, quân Việt Nam đã lấy được Nam Vang và khoảng bốn tháng sau, coi như làm chủ được toàn lãnh thổ Căm Pu Chia. Lê Ðức Anh được cử làm tư lệnh đội quân chiếm đóng. Nhưng cũng từ đó, Việt Nam bắt đầu phải gánh chịu một cuộc chiến tranh tiêu hao nặng nề cả về sinh mạng lẫn kinh tế, ngoại giao.

Cuộc xâm lăng Căm Pu Chia của Việt Nam kể trên là một xúc phạm nặng nề cho uy tín nước lớn và lòng tự tôn Ðại Hán của Trung Hoa cho nên Ðặng Tiểu Bình cần phải có biện pháp trả đũa. Một mặt, ông ta tiếp xúc với Thái Lan để tiếp tục giúp đỡ Khmer Ðỏ chống lại Việt Nam. Mặt khác, ông ta không còn khó khăn với Hoa Kỳ về vấn đề Hoa Kỳ tiếp tục bán võ khí cho Ðài Loan nữa mà bằng lòng thiết lập bang giao chính thức một cách gấp rút vào ngày 15-12-1978. Hai tháng sau, Ðặng tiểu Bình lên đường sang thăm Hoa Kỳ, chuẩn bị dư luận cho cuộc tấn công Việt Nam. Khi được Ðặng Tiểu Bình cho biết trước về cuộc tấn công, Tổng Thống Carter đã không tán thành nhưng cũng không phản đối.

Sau khi sửa soạn xong, ngày 17-2-1979, quân đội Trung Hoa bắt đầu tấn công vào những tỉnh biên giới Việt Hoa, dọc theo chiều dài hơn 1,000km của biên giới Việt Hoa từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Dù sao Trung Hoa cũng e sợ phản ứng của Liên Xô nên cuộc chiến tranh này đã được Trung Hoa gián tiếp thông báo trước giới hạn về qui mô thời gian và không gian. Tuy thế, dù chỉ kéo dài có hơn một tháng, sự tổn hại nhân mạng mỗi bên (cả hai bên đều giấu kín, khi loan báo chính thức thì cả hai đều giảm thiểu tổn thất của mình và thổi phồng tổn thất của địch) cũng phải lên tới nhiều chục ngàn và hầu hết những thị xã của Việt Nam dọc biên giới đều bị tàn phá. Nhìn vào cuộc chiến, quân đội Việt Nam chứng tỏ khả năng phòng thủ bền bỉ và khả năng chiến đấu cao hơn, trong khi quân đội Trung Hoa bộc lộ ra nhiều nhược điểm và đã phải trả giá khá đắt cho “bài học” mà họ muốn dạy. Tuy nhiên, theo thời gian, Việt Nam đã phải gánh chịu một hậu quả tai hại hơn. Về chính trị, kinh tế, quân sự phải gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô, về ngoại giao thì bị cô lập... Nhưng thời gian đó là thời gian mà đế quốc Liên Xô đang hồi cực thịnh. Trên bề mặt, đế quốc đó đang bành trướng không những ở Á Châu mà còn ở Phi Châu và Nam Mỹ. Việt Nam, theo như Lê Duẩn nói với Brezhnev khi ký thỏa ước hợp tác và hữu nghị, đã chấp nhận “nghĩa vụ quốc tế cao cả”, làm người lính tiên phong cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản, đúng hơn là cho đế quốc Liên Xô ở Á Châu. Từ đó, việc xâm lăng Căm Pu Chia thực ra chỉ là một bài học học từ Liên Xô để áp dụng chủ thuyết Brezhnev, theo đó, một nước Cộng sản có quyền đem quân vào một nước Cộng sản khác, như Liên Xô đã từng đem quân vào Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc hay Afghanistan. Ngoài ra, giống như ở Liên Xô, các lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam cũng muốn duy trì tình trạng “giữ nguyên trạng” (các cán bộ lãnh đạo sẽ cứ giữ nguyên địa vị cho đến lúc chết nếu không bị thanh trừng vì chống đối hay muốn tranh giành quyền lực với những lãnh tụ đương thời). Nếu những ủy viên Bộ Chính Trị của Liên Xô như Brezhnev (tổng bí thư), Gromyko (ngoại giao), Ustinov (quốc phòng), Suslov (lý thuyết gia), và Andropov (công an)... đều đã ở lì chức vụ lãnh đạo trên dưới hai mươi năm thì ở Việt Nam, lãnh đạo đảng Cộng Sản từ hơn ba mươi năm trước vẫn là những khuôn mặt Duẩn, Chinh, Ðồng, Thọ, Giáp...

Vì ở ngoài mặt, đế quốc Liên Xô đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Ðiều này đã che dấu sự mục nát từ hạ tầng cơ sở của chế độ xã hội chủ nghĩa và của cơ chế kinh tế chỉ huy khiến cho những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam vẫn tin tưởng rằng đường lối kinh tế đó là một đường lối siêu việt và họ vẫn nhất tâm theo đuổi. Vì đất nước bị chia đôi năm 1954 cho nên từ 1954 đến 1975, họ chỉ có thể thi hành chính sách kinh tế này ở miền Bắc. Tất cả những hình thức kinh doanh tư nhân bị xóa bỏ. Những ngành sản xuất hay thương mại đều được điều hành, chỉ huy bởi nhà nước. Chính sách kinh tế tập trung này đều lấy theo khuôn mẫu Liên Xô, theo đó, cơ quan quan trọng nhất để điều hành kinh tế quốc gia là “Ủy Ban Kế Hoạch Nhà nước” mà công việc bao trùm lên tất cả các bộ có liên quan đến kinh tế hay sản xuất. Ủy ban đặt một kế hoạch toàn bộ từ trên xuống dưới cho tất cả những ngành trực thuộc, tính toán tiền bạc, vật dụng được phân phối, sản lượng xuất cảng, nhập cảng... Dựa theo kế hoạch chung đó, Ủy ban Vật giá định giá cả hàng hóa, Bộ Tài Chánh phân phối ngân sách, các Bộ Nội Thương, Ngoại Thương, Lương Thực thu nhập hay phân phối sản phẩm từ trung ương tới địa phương. Kỹ nghệ hay nông nghiệp có trách nhiệm sản xuất đúng chỉ tiêu trong kế hoạch. Ngân sách chi thu của những bộ không có liên quan đến kinh tế như Bộ Y Tế, Quốc Phòng hay Giáo Dục cũng phải dựa theo kế hoạch chung của Ủy Ban Kế Hoạch. Vì thế, chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch thường phải là một phó thủ tướng kiêm ủy viên bộ Chính trị đứng đầu một ủy ban trên 10 người thuộc hàng bộ trưởng hay thứ trưởng. Thường thì kế hoạch hàng năm được soạn thảo xong vào tháng 9 để đưa cho thủ tướng và Bộ Chính Trị duyệt xét cho năm sau. Vì những nước cộng sản giao thương mật thiết với nhau, kế hoạch của những nước này phải liên quan mật thiết với những nước trong khối cộng sản, chẳng hạn số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam phải ăn khớp với nhu cầu nhập khẩu của những nước khác. Nước đứng đầu khối Cộng là Liên Xô phải nghiên cứu khả năng của những nước đàn em, hoạch định một kế hoạch chính cho cả khối rồi Liên Xô và những nước Ðông Âu theo đó mà đặt kế hoạch của mình.

So với các nước cộng sản khác, kế hoạch kinh tế của nhà nước Cộng Sản Việt Nam trước năm 1975 rất giản dị, vì ngoài nông nghiệp và các mỏ than, mỏ sắt mà mức sản xuất rất giới hạn, kinh tế và ngân sách của Việt Nam lúc đó phần lớn nhờ vào ngoại viện. Mỗi năm, họ làm một danh sách những vật dụng kể cả võ khí, bom đạn hay tiền bạc cần thiết và cử Lê Thanh Nghị, chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch nhà nước sang Liên Xô và Trung Hoa hay các nước Ðông Âu để xin. Lê Thanh Nghị đã được giữ chức vụ này nhiều năm, trở nên một chuyên viên xin viện trợ vì ông ta đã có thể nhẫn nhịn chịu đựng được khi bị các nước viện trợ đôi khi có những thái độ hay lời lẽ khinh thường, nhất là những nước Ðông Âu. Những nước này dù nhiều năm gặp khó khăn cũng vẫn phải viện trợ cho Việt Nam là do áp lực của Liên Xô. Còn Trung Hoa thì tệ hơn, Mao trạch Ðông có lúc gọi Lê Thanh Nghị là “tên ăn mày, lúc nào cũng ngửa bát đòi xin thêm” (25).

Từ 1954, việc xây dựng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Bắc Việt bắt đầu bằng một kế hoạch ngũ niên từ 1960 đến 1965, gọi là kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất để quốc hữu hóa tất cả các hãng, xưởng, công ty tư nhân và bắt tất cả nông dân vào hợp tác. Những tư nhân tương đối có ít nhiều của cải hay ruộng vườn bị đấu tố tàn nhẫn. Dù rằng sau đó đảng đã hạ tầng công tác của Trường Chinh, Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt, cho Võ Nguyên Giáp công khai xin lỗi về những lỗi lầm, nhưng mục tiêu phá bỏ tư hữu của họ ở miền Bắc đã đạt được, dù cho đã có nhiều người bị chết hoặc bị tù đày oan uổng. Sau kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất này, tất cả những ngành kinh tế tại miền Bắc đều được tập trung, chỉ huy và qui hoạch bởi chính phủ. Dù hệ thống kinh tế đó chẳng sản xuất được bao nhiêu, luôn phải nhờ vào ngoại viện và nhân dân suốt hơn hai mươi năm sống trong nghèo đói, họ đổ thừa thất bại đó là do chiến tranh và do đế quốc phá hoại.

Sau năm 1975, những biện pháp tập thể hóa các ngành kinh tế kể trên lại được áp dụng tại miền Nam (26). Họ gọi đó là kế hoạch ngũ niên thứ hai (từ 1976 đến 1980), là một giai đoạn chuyển tiếp để “cải tạo” công nghiệp nông nghiệp miền Nam vào chiều hướng xã hội chủ nghĩa ngõ hầu kết hợp được với kinh tế miền Bắc. Do chính sách “Người Cày Có Ruộng” của chính phủ Cộng Hòa trước 1975, lúc đó trong miền Nam đã hầu như không còn giai cấp địa chủ, những cảnh đấu tố hai mươi năm trước đã không xảy ra, nhưng những thương gia thì qua những đợt đánh “tư sản mại bản” nếu không khéo chạy chọt, đút lót đều bị trắng tay. Kế hoạch ngũ niên lần thứ hai này được đề ra và chấp thuận trong đại hội đảng lần thứ tư. Vì mục tiêu của kinh tế xã hội chủ nghĩa đặt ưu tiên vào kỹ nghệ nặng, lý luận của các kinh tế gia Cộng Sản Việt Nam là kỹ nghệ nặng sẽ hỗ trợ để nông nghiệp tăng gia sản xuất. Một khi mức sản xuất nông nghiệp gia tăng sẽ hỗ trợ ngược lại để phát triển kỹ nghệ. Tuy nghị quyết ghi như thế, nhưng thật ra những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam đã chủ định rằng trong thời gian đầu sẽ chỉ nhờ vào sức sản xuất của vựa lúa đồng bằng Cửu Long để hỗ trợ cho kỹ nghệ. Họ nghĩ rằng sau khi tập thể hóa, biến miền đồng bằng Cửu Long thành những nông trường hay những tập thể hợp tác, mức sản xuất của nông nghiệp sẽ tăng gia gấp bội. Trong tính toán chủ quan, họ đã đặt ra những chỉ tiêu rất cao, chẳng hạn kỹ nghệ sẽ phát triển 16 đến 18 % mỗi năm, nông nghiệp phát triển từ 8 đến 10%, lợi tức bình quân người dân tăng lên từ 13 đến 14 %. Dưới sự chỉ đạo của Ðỗ Mười, cùng với sự trợ giúp của quân đội (do Trần Văn Danh, tư lệnh phó quân khu VII) và công an (do Cao Ðăng Chiếm chỉ huy), chính phủ Cộng Sản Việt Nam từ 1976, bắt đầu kế hoạch ngũ niên thứ hai, nhằm tập thể hóa công nghiệp và nông nghiệp miền Nam để theo kịp khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa giống như ở miền Bắc.

Hiển nhiên là tiến trình tập thể hóa đó đã đưa đến thất bại. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế nêu trên đã không thực hiện được. Về nông nghiệp, trong khi những tập thể và hợp tác nông nghiệp tại miền Bắc vẫn chỉ sản xuất tạm vừa đủ ăn thì tại miền Nam, nông dân, phần lớn đều đã có ruộng đất nên không ai muốn vào tập thể. Mới đầu, chính quyền còn khuyến dụ để nông dân tự ý xung phong vào hợp tác, nhưng vì không có kết qủa nên đã phải dùng những biện pháp cưỡng bách. Cán bộ được phép truất hữu ruộng đất, tịch thu máy cày, máy bơm nước, trâu bò... Kết quả là nông dân giết trâu bò gia súc trước khi bị tịch thu, và khi phải vào hợp tác đã không chịu hết sức làm việc cho nên lương thực vào những năm 1978 và 1979 bị thiếu hụt. Theo thống kê chính thức của chính phủ, tổng sản lượng lúa gạo sản xuất năm 1976 là 11.83 triệu tấn, năm 1977 còn 10.60 triệu tấn, năm 1978 là 9.79 triệu tấn. Ðại đa số nhân dân phải ăn độn cơm với khoai hay bo bo (được nhà nước gọi là cao lương). Nhiều nơi gần như bị nạn đói. Mức sản xuất giảm sút trầm trọng đến nỗi Hội Nghị Trung Ương vào tháng 8 năm 1979 đã phải tạm thời nới lỏng việc tập thể hóa, theo đó, miền Bắc sẽ cho phép ngoài hệ thống kinh tế nhà nước, còn có một phần nhỏ kinh tế cá thể. Riêng miền Nam, còn cho phép kinh tế tư doanh cỡ nhỏ, tạo điều kiện gia tăng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Về công nghệ, những năm đầu sau chiến tranh, mức sản xuất có tăng đôi chút, vì những hãng xưởng ở miền Bắc không còn bị sơ tán vì chiến tranh và ở miền Nam, việc kiểm soát của chính quyền chưa chặt chẽ lắm. Tuy nhiên, sau 1977, sau khi chính quyền đẩy mạnh “cải tạo công nghiệp”, mức sản xuất sa sút hẳn. Tổng sản lượng sản xuất công nghiệp năm 1980 so với 1976 thấp hơn 3 %. Kỹ nghệ nặng miền Bắc cũng bị tổn hại sau khi quân Trung Hoa tấn công và tàn phá những tỉnh biên giới phía Bắc. Vì nạn thất nghiệp gia tăng, Việt Nam phải gửi hàng trăm ngàn nhân công đi lao động tại Liên Xô và các nước Ðông Âu.

Khi đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế thật cao như vậy, Cộng Sản Việt Nam cũng đã lạc quan trông đợi vào sự giúp đỡ của những cường quốc. Tuy nhiên, số tiền ngoại viện đã không được như ý muốn. Tiền bồi thường chiến tranh 3 tỷ Mỹ kim của Mỹ không có, các nước Tây Phương chỉ viện trợ nhỏ giọt, viện trợ của Trung Hoa nửa chừng bị cắt. Sau khi Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị với Liên Xô và gia nhập khối kinh tế COMECON của những nước Cộng sản, Việt Nam chỉ nhận được viện trợ của Liên Xô và các nước Ðông Âu, nhưng số viện trợ này không đủ để bù đắp vào những khuyết điểm của một hệ thống kinh tế cứng nhắc, thiếu sáng kiến. Ngoài ra, sự viện trợ của những nước cộng sản anh em (khoảng trên dưới ba tỷ Mỹ kim mỗi năm) không phải không có điều kiện. Việt Nam phải đứng hẳn vào phe Liên Xô để chống lại Trung Hoa và phải để cho Liên Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh và Ðà Nẵng.

Ngay sau trận chiến biên giới Việt Hoa, những chiến hạm trang bị dụng cụ điện tử để thu thập tin tức tình báo của Liên Xô bắt đầu cập bến Ðà Nẵng. Sau đó, ngày 27-3-79, một chiến hạm, một hộ tống hạm, một tàu vớt mìn của Liên Xô tiến vào trú đóng tại hải cảng Cam Ranh. Số chiến hạm này tăng dần cho tới năm 1986 thì có tất cả 25 chiến hạm, kể cả tàu ngầm. Cùng với khoảng 16 oanh tạc cơ Badger, một phi đội Mig 23 và những phi cơ chuyên chở và quan sát tầm xa, Liên Xô đã có một đầu cầu quân sự quan trọng đe dọa Trung Hoa cũng như toàn vùng nam Thái Bình Dương (27).

Cũng ngay sau cuộc chiến Việt Hoa trên vùng biên giới, để đối phó với sự đe dọa liên tục của Trung Hoa và để cho có đủ quân số bình định Căm Pu Chia, ngày 5-3-1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên, tăng quân số từ nửa triệu đến hơn 1 triệu, biên chế thành 51 sư đoàn, trong đó có 38 sư đoàn bộ binh (19 sư đoàn đóng ở Căm Pu Chia, 16 sư đoàn ở Việt Nam, 3 sư đoàn ở Lào). Số quân đoàn chính qui (mỗi quân đoàn có 3 hay 4 sư đoàn dùng như những lực lượng tổng trừ bị) cũng tăng từ 4 lên thành 6 rồi 8 (28). Sự bành trướng quân đội này được thực hiện nhờ sự trợ giúp lớn lao của Liên Xô. Trước năm 1975, Liên Xô chỉ cung cấp khoảng 75% trang bị và tiếp liệu của quân đội Cộng Sản Việt Nam, số còn lại là của Trung Hoa và những nước Ðông Âu giúp đỡ. Sau 1975, tỷ số này tăng lên 97%. Mỗi năm, Liên Xô gửi khoảng 15 ngàn cố vấn quân sự sang Việt Nam. Trị giá viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam được ước lượng khoảng 1 tỷ rưỡi Mỹ kim mỗi năm. Ðó là cái giá cần thiết trong mục tiêu chiến lược của Liên Xô để một mặt, dùng Việt Nam cầm chân và bao vây Trung Hoa và mặt khác, có được một đầu cầu chiến lược đối đầu với Hoa Kỳ tại vùng biển Thái Bình Dương, đe dọa Nam Dương và Úc Châu.

Tuy nhiên, dù đã được Liên Xô và các nước Ðông Âu viện trợ dồi dào như thế, do gánh nặng của cuộc chiến Căm Pu Chia và vì phải đề phòng “bài học thứ hai” của Trung Hoa, ngân sách của Việt Nam bị thiếu hụt trầm trọng. Riêng chiến phí quân sự tại Căm Pu Chia đã chiếm mất hơn 40% ngân sách. Ngoài ra, trong thời gian đó, Trung Hoa vẫn cố gắng phát động một cuộc “chiến tranh phá hoại đa diện” khiến cho nền kinh tế Việt Nam càng thêm cùng quẫn. So với Việt Nam, Trung Hoa không thua về kiên nhẫn và thủ đoạn. Họ giúp đỡ Khmer Ðỏ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại, thường xuyên gây rối ở biên giới, đe dọa về “bài học thứ hai”, ve vãn những chính khách thất sủng như Hoàng văn Hoan, Trương như Tảng của Việt Nam, Không Le của Ai Lao... thành lập những “Mặt Trận Giải Phóng” chống lại Việt Nam. Họ áp lực và mua chuộc để những công ty ở Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai hay Tân Gia Ba không mua hàng hóa của Việt Nam... Những điều này đã khiến kinh tế Việt Nam càng thêm sa sút. Dù căn bản cho sự sa sút kinh tế này là do việc tập thể hóa nông nghiệp và “cải tạo công thương nghiệp” miền Nam, nhưng nhóm cầm quyền vẫn một lòng trung thành với chủ nghĩa Mác, vẫn cho chính sách kinh tế tập trung là siêu việt, và họ đổ lỗi cho những thất bại là do những lý do khách quan như bị những thế lực thù địch phá hoại, do “tàn dư Mỹ Ngụy” hay do cán bộ quản lý yếu kém. Vì thế, năm 1980, đảng Cộng Sản cầm quyền cải tổ lại chính phủ để thay đổi nhân sự điều hành:

- Thủ tướng vẫn là Phạm Văn Ðồng (29)

- Tố Hữu được cử làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế. Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh tại Huế năm 1920, xuất thân là một nhà thơ, nổi tiếng với bài thơ ca tụng Stalin. Tố Hữu trong suốt mấy chục năm trước thường chỉ công tác trong đảng với những nhiệm vụ văn hóa hay tuyên huấn, nhưng đã được chỉ định đặc trách kinh tế vì Tố Hữu là người tỏ ra rất trung kiên về ý thức hệ, rất tôn phục Liên Xô, và trong giai đoạn này, bộ Chính trị quyết tâm xã hội chủ nghĩa hóa kinh tế theo khuôn mẫu Liên Xô một cách cứng rắn. Ngoài ra, Tố Hữu còn được Lê Duẩn và Lê Ðức Tho nâng đỡ, cho nên hai năm sau, ông ta được đưa vào Bộ Chính Trị, dự trù để thay Phạm Văn Ðồng làm thủ tướng một khi ông này về hưu. (dù ở chức vụ cao, nhiều quyền hành, thơ được học sinh bắt buộc phải học nhiều nhất, nhưng Tố Hữu và đảng Cộng Sản cũng biết giới hạn mà không bao giờ in lại hay phổ biến bài thơ thương mến Staline gấp mười cha mẹ của ông).

- Phạm Hùng thay Trần Quốc Hoàn làm bộ trưởng công an. Phạm Hùng, bí danh Bảy Cường, người tỉnh Bến Tre. Sau Hiệp Ðịnh Genève, đóng vai một đại tá phục vụ trong phái đoàn Bắc Việt tại Ủy Hội Kiểm Soát Ðình Chiến, sau đó trốn vào bưng làm chủ tịch Trung Ương Cục Miền Nam, là ủy viên Bộ Chính Trị duy nhất phục vụ tại miền Nam.

- Nguyễn Cơ Thạch thay Nguyễn Duy Trinh trong chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao giỏi tiếng Anh, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên đầu óc tương đối cởi mở, được cử lên thay Nguyễn Duy Trinh trong thời gian mà Việt Nam đang bị cô lập sau khi Việt Nam đem quân sang chiếm đóng Căm Pu Chia

- Văn Tiến Dũng thay Võ Nguyên Giáp làm bộ trưởng Quốc Phòng. Võ Nguyên Giáp bị Lê Duẩn ganh ghét nên đã bị chèn ép và mất dần uy thế. Năm 1973, nhân sự thất bại của trận chiến 1972, Lê Duẩn gạt Võ Nguyên Giáp ra khỏi chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội. Năm 1980, Võ Nguyên Giáp mất luôn chức ủy viên Bộ Chính Trị và bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Kể từ đó, Võ Nguyên Giáp chỉ còn được giao cho những chức vụ không quan trọng như chủ tịch Ủy Ban Khoa Học hay Ủy Ban Phòng Ngừa Sinh Sản.

- Nguyễn Lâm thay Lê Thanh Nghị làm chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà nước. Khả năng chính của Lê Thanh Nghị là trong những năm chiến tranh, mỗi năm cầm bản danh sách những vật dụng hay quân dụng cần thiết sang Trung Hoa xin viện trợ. Sau 1975, Trung Hoa đã trở nên thù nghịch nên Lê Thanh Nghị đã không còn cần thiết nữa.

- Ðinh Ðức Thiện (em Lê Ðức Tho) (30) thay Phan Trọng Tuệ làm Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải. Phan Trọng Tuệ từng là chính ủy Quân Khu IX ở miền Nam trước 1954. Con rể Phan Trọng Tuệ là Nguyễn Khánh Toàn, sau này là thứ trưởng công an. Chính Phan Trọng Tuệ, vào những năm cuối thập niên 1940, đã cho Phòng Chính Trị của Quân Khu IX phổ biến thông tư đặc biệt cho phép Phan Trọng Tuệ, Lê Ðức Tho và Lê Duẩn được lấy thêm vợ (31)

- Trần Hữu Dực thay Vũ Tuân ở Bộ Công Nghiệp Nhẹ.

Ngoài ra, ở các bộ khác như:

- Bộ Trưởng Xây Dựng: Ðồng Sĩ Nguyên đã thay Ðỗ Mười từ 1977 để cho Ðỗ Mười vào miền Nam, chỉ đạo việc cải tạo công thương nghiệp.

- Bộ Trưởng Bộ Lương Thực: Hồ Viết Thắng (32) thay Ngô Minh Loan từ 1979

- Bộ Trưởng Nội Thương: Trần Phương (từng là trợ lý của Lê Duẩn) thay Hoàng Quốc Việt từ 1981

- Bộ Trưởng Văn Hóa Thông Tin: Nguyễn Văn Hiếu (thứ trưởng là Trần Ðộ (33), kiêm nhiệm bí thư đảng ủy)

- Bộ Trưởng Thương Binh Xã Hội: Dương Quốc Chính. Dương Quốc Chính từng là Bộ Trưởng Nông Nghiệp trước năm 1965. Trước đó là 1 trong 11 người được phong tướng đầu tiên trong quân đội, dưới tên Lê Hiến Mai (xin xem chú thích (34) về lý do cái bí danh này).

- Huỳnh Tấn Phát của MTGPMN cũ được làm chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Cơ Bản Nhà Nước

Nội các này đã gần như không thay đổi cho đến đại hội đảng lần thứ V.

Ðại hội IV được cử hành trong khi thế đang lên sau chiến thắng năm 1975, cùng một lúc với sự bành trướng thế lực của Liên Xô trên toàn thế giới. Vì thế, những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam lúc đó hoàn toàn tin tưởng rằng chủ nghĩa Mác-xít Lên-nin nít bách chiến bách thắng, sức mạnh của “ba dòng thác cách mạng” dưới sự lãnh đạo của Liên Xô là một sức mạnh long trời long lở đất đang trên đường nhuộm đỏ toàn cầu. Tin tưởng vào hậu thuẫn Liên Xô, họ đe dọa các nước lân bang, đặt điều kiện khi Hoa Kỳ ngỏ ý muốn bang giao, coi thường dư luận thế giới để chiếm đóng Căm Pu Chia và ngang nhiên thách đố và đương đầu với Trung Hoa. Tất cả những chính sách đó dù đã đưa kinh tế Việt Nam vào một tình trạng thảm hại, đời sống nhân dân thêm khốn khó, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn cuồng tín tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời, thuận lợi là chủ yếu. Với tinh thần cương quyết xây dựng xã hội chủ nghĩa, đảng Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị họp Ðại Hội Ðảng Lần Thứ V.

 

Chú thích:

1. Thái độ của Phạm Văn Ðồng khi Dự Hội Nghị Tích Lan: trích trong bài Passing Of An Area của Seah Chiang Nee từ www.littlespeck.com/The Past/Cpast-Viet-870102.htm

2. Bộ máy cai trị của Lê Duẩn và Lê Ðức Tho: tài liệu của ông Trần Nhu, một nhà sử học ở Hà Nội hiện định cư tại Hoa Kỳ (trong website Vietnamexodus). Trưởng ban trong Trung Ương Ðảng ăn lương bậc 9, cấp bậc ngang bộ trưởng nhưng quyền thế nhiều khi lớn hơn bộ trưởng, chẳng hạn trưởng ban Thông Tin Văn Hóa Ðảng quyền thế hơn bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa. Trong số những người này, có ông Nguyễn Trung Thành trong những năm 1960 đã cùng Ðại Tá Kinh Chi thuộc cục bảo vệ quân đội và Ðại Tá Dương Thông (sau là trung tướng) thuộc Bộ Công An theo lệnh Lê Duẩn và Lê Ðức Tho bắt bớ, giam hãm những người trong vụ án xét lại. Dương Thông là em vợ của Lê Duẩn.

3. Nguyễn Chí Thanh: từng là ủy viên xứ ủy Trung kỳ. Tới 1948 được cử làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội, rất thân cận với Lê Duẩn và Tố Hữu. Vào Nam chỉ đạo chiến tranh từ 1964 đến 1967 thì chết sau khi về Bắc. Có lẽ trong hồ sơ lý lịch xét sau năm 1975, cho thấy Nguyễn Chí Thanh khi bị Pháp bắt thời trước 1945 đã cung khai ra đồng bọn nên sau này Nguyễn Chí Thanh đã không được vinh danh rầm rộ như những người khác. (chỉ có 1 con đường ở Sàigòn ngay sau 1975 lỡ được đặt tên Nguyễn Chí Thanh nên được giữ lại).

4. Sự ganh ghét giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp: đọc Mặt Thật của Bùi Tín theo đó Lê Duẩn còn có lần chê Võ Nguyên Giáp “nhát như thỏ đế”. Không những đã đè đầu và hạ nhục Võ Nguyên Giáp, Duẩn và Thọ còn coi thường cả Hồ Chí Minh. Nhật ký của Nguyễn Văn Trấn, ủy viên Trung Ương Ðảng, kể lại lời Bùi Công Trừng nói là trong một hội nghị, Hồ Chí Minh muốn có ý kiến đều bị Lê Ðức Tho gạt đi “bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà”. Ung Văn Khiêm, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao, vì ký thông cáo chung với Novotny của Tiệp Khắc thiên về lập trường Liên Xô nên bị phê bình đã phân trần là trước đó Hồ Chí Minh chẳng những đã đồng ý với ông ta mà còn viết thêm lời bàn trên bản thảo. Ung văn Khiêm nói với Bùi Công Trừng “ tao nghĩ bản thảo ấy đưa ra không phân bua được gì cho tao, mà chỉ làm thớt cho Sáu Thọ băm ông cụ”. Nhà văn Vũ thư Hiên cũng kể lại là Lê Liêm, cựu chủ nhiệm tổng cục Chính trị, có lần dự định đề ra một kế hoạch, hỏi ý Hồ Chí Minh và được đồng ý, nói là cứ đưa ra hội nghị và ông ta sẽ hỗ trợ, nhưng khi đưa ra, bị nhóm Duẩn và Thọ chỉ trích, thì Hồ Chí Minh làm lơ, ngó qua chỗ khác. Với danh vị của Hồ Chí Minh, chắc ban tổ chức của Lê Ðức Tho đã nắm được điều gì trong lý lịch (có thể là vụ cụ Phan bội Châu bị bắt, những lăng nhăng tình ái...) khiến Hồ Chí Minh phải ngồi yên để nhóm Duẩn, Thọ thao túng trong nhiều năm.

5. Tôn Ðức Thắng nhờ tuổi tác và không bon chen nên được làm Chủ tịch nhà nước sau khi Hồ Chí Minh chết. Xuất thân là công nhân, sau đó trong thế chiến thứ nhất làm thủy thủ trên một tàu chiến Pháp, được đảng Cộng Sản Việt Nam mô tả là một người “giản dị, vĩ đại”. Sử gia Christoph Giebal khi viết về Tôn Ðức Thắng cũng công nhận ông ta là một người giản dị, không tham vọng, nhưng chưa chắc là vĩ đại, vì mỗi ngày bộ máy tuyên truyền càng tạo thêm nhiều chi tiết về tiểu sử của ông. Mới đầu, đảng Cộng sản nói là ông ở tham dự vào cuộc nổi lọan ở Hắc Hải (năm 1907, một tàu Pháp từ chối không chịu nghe lệnh cấp trên để trợ giúp đàn áp phong trào công nhân nổi lọan ở Liên Xô). Những năm 1950, thì đảng nói thêm là ông là người cắm cờ Cộng sản trên con tàu đó, bây giờ đảng lại đôn ông lên làm một trong những người lãnh đạo phong trào nổi lọan. Trong suốt mấy chục năm, nhiều phóng viên Liên Xô đã nhiều lần hỏi ông về những chi tiết trong vụ này nhưng ông đều trả lời là ông không nhớ.

6. Mai Chí Thọ, sau 1975 là trùm công an ở miền Nam, chiếm hữu một tòa biệt thự rông lớn ở Sài gòn (tòa đại sứ Thụy Sĩ trước kia). Ðến 2006, khi không còn quyền hành, mới viết thư góp ý trong dịp chuẩn bị đại hội đảng lần thứ X là những người trong Liên minh Dân chủ “ khi cần chúng ta lấy ra dùng, khi không cần, chúng ta gạt ra”. Thật ra những người này, khi chính quyền tịch thu nhà của những người di tản hay bị đuổi đi kinh tế mới đều được cấp cho mỗi người một căn nhà khang trang hơn, kể cả đám Vũ Hạnh, Lữ Phương, Thái Bạch...

7. Khoảng hơn 10 năm sau, Lý Quí Chung có viết một bài báo, kể lại chuyện học chính trị cùng với sinh viên. Khi làm bài, Lý Quí Chung gò lưng so sánh Mác với người này người kia để cuối cùng kết luận Mác là số 1, nhưng kết qủa điểm lúc nào cũng hạng chót. Lý Quí Chung hỏi mấy cô sinh viên làm bài ra sao, mấy cô cười phá lên và nói là tài liệu đưa ra sao, mấy cô chép y trang lại là được điểm hoàn toàn. Giọng văn của Lý Quí Chung trong bài này là để phân trần thiện chí học tập của mình mà không được chiếu cố chứ không phải có ý chê trách lối giảng dạy. Cựu Ðại Tá Dương Hiếu Nghĩa kể lại là mấy ngày sau 30-4-75, ông đến nhà Ngô Công Ðức, đúng lúc công an đến bắt Ngô Công Ðức vì tội “phải làm lớn với Mỹ ngụy nên trong nhà mới có đài (điện thoại)”. Gia đình phải chạy chọt nên Ðức mới được thả ra.

8. Thích Huyền Quang: tên thật Lê Ðình Nhân sinh năm 1919. Bắt đầu bị bắt năm 1977 vì phản đối chính sách đàn áp tôn giáo và chống lại việc sát nhập Giáo hội Việt Nam Thống nhất vào giáo hội nhà nước. Năm 1982 bị đày ra chùa Hội Phước, Quảng Ngãi. Năm 1992, được thượng tọa Thích Ðôn Hậu viết chúc thư công nhận là Tăng Thống Viện Hóa Ðạo nhưng công an vào chùa tịch thu và giấu mất chúc thư. Mấy năm trước, Phan Văn Khải và gần đây hơn, Lê Hồng Anh có đến thăm thượng tọa, với mục đích tuyên truyền và ly gián Thượng Tọa Huyền Quang với Quảng Ðộ.

9. Thích Quảng Ðộ: Tên thật là Ðặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 là tổng thư ký Viện Hóa Ðạo. Cùng bị bắt một lượt với Thượng Tọa Huyền Quang. Năm 1982, thượng tọa bị đày ra Thái Bình, quản chế tại ngôi chùa Long Khánh. Ông tự ý trở lại Sàigòn năm 1992, tiếp tục đấu tranh cho tự do tôn giáo và lại bị kết án tù 5 năm. Trong đêm đầu tiên ở chùa Long Khánh, thượng tọa đã làm mấy câu thơ:

Dưới án quyển kinh sâu cuốn tổ

Trên tòa tượng Phật nhện giăng tơ

Câu đối mối xông mùn đắp kín

Hoành phi mọt đục bụi tre mờ

Thầy của ông, Thượng Tọa Thích Ðức Hải bị cộng sản bắt và xử tử năm 1946 vì bị nghi là Quốc dân đảng.

10. Nguyễn văn Thuận: cháu của Tổng Thống Diệm, trước 1975 phụ tá Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình, sau đó bị đưa ra Bắc và ở tù 12 năm. Khi giám mục qua La Mã công tác, chính quyền không cho ông trở về. Tòa thánh giữ ông lại, sau đó được thăng Hồng Y trước khi ông mất.

11. Vụ David Trương làm gián điệp: dù chỉ ăn cắp được những tài liệu không quan trọng, nhưng vì không quan trọng nên có thể công khai đưa ra tòa làm bằng chứng. Sau khi bị kết tội, David Trương sang định cư ở Hòa Lan (Brother Enemy - Nayan Chanda). Một người giúp đỡ chính phủ Mỹ trong vụ án này là bà Yung Krall (Ðặng mỹ Dung).

12. Thích Trí Siêu: tên thật Lê Mạnh Thát, đi tu năm 15 tuổi. Ðỗ tiến sĩ triết học tại Ðại Học Wisconsin, trở về dạy Ðại Học Vạn Hạnh, cùng Thích Tuệ Sĩ soạn cuốn Tự Ðiển Phật Giáo Việt Nam. Bị bắt giam ở Chí Hòa từ 1984 đến 1988 mới ra tòa và bị lên án tử hình. Nhờ quốc tế can thiệp, án giảm còn 20 tù, bị giam ở Z230, mấy năm sau được thả ra nhưng vẫn bị quản thúc hay theo dõi. Trí Siêu và Tuệ Sĩ đã hợp soạn cuốn Tự Ðiển Phật Giáo Việt Nam.

Thích Tuệ Sĩ, tên thật Phạm Văn Thương, đi tu từ nhỏ, tốt nghiệp Ðại Học Vạn Hạnh năm 1965. Rất giỏi tiếng Pháp, Anh, Hán, Ðức, Pali, Phạn. Xuất bản những cuốn: Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng, Ðại Cương Về Thiền Quán... Cùng với Trí Siêu, Tuệ Sĩ bị bắt năm 1984 và bị kết án tử hình năm 1988 với tội danh mưu toan lật đổ chính phủ. Do áp lực quốc tế, án cũng được giảm xuống 20 năm tù và bị giam tại trại A, Phú Yên. Tuệ Sĩ là một tấm gương kiên cường. Tháng 8, 1998, chính quyền bảo ông xin ân xá. Ông trả lời “Không ai có quyền xét xử tôi. Không ai có quyền ân xá tôi”. Hãy đọc những lời thơ xanh mướt của ông:

Tang thương một giải tóc huyền

Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu

Gửi thân gió cuốn sa mủ

Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng

Ðến khi ở trong tù thì thơ của ông đầy cảm khái:

Phụng thử ngục tù phạm

Cúng dường Tối Thắng Tôn

Thế gian trường huyết hận

Bình bát lệ vô ngôn

Tuệ Sĩ được ra khỏi tù tháng 9 năm 1998, nhưng cho tới nay, ông vẫn như bị giam lỏng ở chùa Già Lam.

13. Võ Ðại Tôn: Cựu đại tá, sau năm 1975 định cư bên Úc, khoảng năm 1980 cùng một số đồng chí vượt biên trở về Việt Nam và bị bắt. Ông giả bộ hợp tác và được chính quyền Cộng sản đem ra trình diện báo chí. Nhưng trong cuộc họp báo, ông lớn tiếng tố cáo chế độ độc tài và đàn áp nhân dân. Thứ Trưởng Nội Vụ Lê Thanh Công và Trung Tướng Công An Dương Thông phải vội vàng kết thúc ngay cuộc họp báo.

14. Hoàng Cơ Minh: cựu phó đề đốc, trước 1975 là tư lệnh vùng II duyên hải. Sau khi di tản, năm 1981 thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đặt mật khu ở biên giới Thái Lan. Tháng 7 năm 1987, khi cùng chiến hữu trên đường xâm nhập vào Việt Nam thì bị chận đánh ở biên giới Việt Lào. Trong trận đánh, bộ đội Cộng Sản Việt Nam huy động cả pháo binh và phi cơ. Ông Hoàng Cơ Minh bị tử trận cùng một số chiến hữu.

15. Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 600 tờ báo. Tất cả đều do chính quyền kiểm soát. Tổng biên tập đều phải là đảng viên. Hai tờ báo chính của chính quyền là Nhân Dân, có từ 1951, phần nhiều chỉ đăng những nghị quyết, những thông cáo hay những lời tuyên bố của những lãnh tụ, và tờ Quân Ðội Nhân Dân, cũng đăng tin quốc tế và quốc nội nhưng nhấn mạnh về quân sự. Ngoài ra, còn có tờ Học Tập, sau 1976 đổi tên là Tạp Chí Cộng Sản phát hành mỗi tháng là tiếng nói của đảng. Cũng có một số báo ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Căm Pu Chia... trong đó có tạp chí Vietnam Courrier viết về những vấn đề chính trị, văn hóa, tạp chí Vietnam Foreign Trade về thương mại. Ngoài ra là những báo của những đoàn thể (Phụ Nữ, Công Ðoàn), những địa phương hoặc những ngành nghề . Tờ báo tương đối mạnh dạn là tờ Tuổi Trẻ. Tờ báo có nhiều độc giả là tờ Công An, nhờ khai thác và ly kỳ hóa những vụ án tống tiền, lường gạt, hiếp dâm&Tờ báo bán ế nhất là tờ Nhân Dân dù các cơ quan đoàn thể đều bắt buộc phải mua và trong thời kỳ khan hiếm giấy, người dân mua chỉ để gói hàng hay vệ sinh cá nhân (trích lời của cựu Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan trong Shadows and Wind của Robert Templer).

16. Về việc lấy lòng chính quyền, khi tác giả còn ở Việt Nam thì ở tờ Tin Sáng, cái gì chính quyền làm cũng được ca tụng, từ cải tạo công thương nghiệp đến việc xây nhà vệ sinh. Cả đến những bài về khoa học viết về khoai lang, khoai mì, rau muống... cũng đều được Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ ca tụng là bổ dưỡng vô song. Những tác giả thi nhau lấy lòng chính quyền, chẳng hạn ông Trần Kim Thạch, con của nhà văn Thiên Giang, trước 1975, khi những hãng dầu bắt đầu tìm kiếm dầu hỏa ở ngoài khơi biển Ðông, có viết một bài báo nói là về phương diện địa chất không thể có dầu ở biển Ðông. Dĩ nhiên các hãng dầu hỏa không ai biết về bài “khảo cứu khoa học” của ông và đã tìm ra 2 giếng dầu Thanh Long và Bạch Hổ. Sau này, ông viết báo phân trần là ông biết rõ ngoài biển Ðông có dầu nhưng phải viết vậy để đế quốc Mỹ không khai thác.

17. Hoàng Văn Hoan vào tháng 7 năm 1979, khi đó đã mất chức ủy viên Bộ Chính Trị nhưng còn chức phó chủ tịch quốc hội, viện cớ sang Ðông Ðức chữa bệnh, khi máy bay tạm ngừng ở Karachi, Hồi Quốc, bỏ trốn sang Trung Hoa, được Trung Hoa giúp thành lập một “Mặt Trận Giải Phóng” chống lại Lê Duẩn. Viết cuốn hồi ký “Giọt Nước Trong Biển Cả”. Sau đó chết vì ung thư phổi.

18. Chu Văn Tấn: gốc người Tầy, làm Bộ Trưởng Quốc Phòng một thời gian ngắn trước Võ Nguyên Giáp. Sau này bị bắt và có lẽ chết trong tù. Sau khi chết nhiều năm, được đảng ngó lại, công nhận có đóng góp nhưng “đã phạm sai lầm” vào những năm cuối và vẫn bị chôn ở một nghĩa địa hạng chót theo tiêu chuẩn đảng..

19. Thái độ của Lê Duẩn (nhận làm em nhỏ đối với Trung Hoa, khom lưng cúi đầu chào Brezhnev hai lần ): Brother Enemy, Nayan Chanda

20. Chính sách trục xuất người Hoa và tổ chức vượt biên lấy vàng được gọi là “phương án 2”. Một trong những thuyền nhân là Trương Như Tảng, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Một người vượt biên khác là Nguyễn Công Hoan, một dân biểu nằm vùng trước 1975, sau 1975 cũng được chính quyền Cộng sản cho ra làm đại biểu quốc hội một nhiệm kỳ.

21. Tài liệu về hội nghị đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1951 đã được ghi nhận trong cuốn “Việt Nam Máu Lửa” của Nghiêm Kế Tổ in trong thập niên 1950. Nghiêm Kế Tổ là một đảng viên Quốc Dân Ðảng và rất có uy tín với Quốc Dân Ðảng Trung Hoa. Tuy ông đã giúp đỡ nhiều cán bộ Cộng sản (kể cả Hồ Chí Minh) để được tha khỏi tù, nhưng vẫn bị gán tội là “phản động” và bị Hoàng Văn Hoan gọi là “đặc vụ của Tưởng Giới Thạch”.

22. Về những chi tiết quân sự trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (Hoa Việt) và Tây Nam (với Căm Pu Chia), xin đọc Chiến Tranh Ðông Dương III của cùng tác giả, nhà xuất bản Văn Nghệ.

23. Về phương diện quân sự, Việt Nam được chia làm tám quân khu: quân khu I vùng Cao Bằng, Thái Nguyên, quân khu II vùng Lai Châu, Lào Kay, quân khu III vùng châu thổ sông Hồng, quân khu IV vùng Nghệ Tĩnh, Huế, Quân khu V vùng cao nguyên và duyên hải Nha Trang, quân khu VII vùng Sài gòn, quân khu IX vùng châu thổ sông Cửu Long. Ngoài ra còn có những đặc khu thủ đô, đặc khu thành phố HCM, đặc khu Quảng Ninh

24. Theo Nayan Chanda, trong chiến tranh với Căm Pu Chia, Lê Trọng Tấn là tổng tham mưu phó quân đội, đóng Bộ Tư Lệnh ở MACV cũ trong Tân Sơn Nhất, giám sát cuộc hành quân, nhưng theo ông Lê Tùng Minh (website Hưng Việt), tư lệnh là Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng Chính UƯy, Trần Xuân Bách Phó Chính UƯy, Lê Ðức Anh Là Tham Mưu Trưởng, Chu Huy Mân Tư Lệnh Phó. Có lẽ Lê Ðức Thọ giám sát cả về chính trị lẫn quân sự, còn Lê Trọng Tấn là tư lệnh về quân sự một thời gian ngắn. Khi Trung Hoa tấn công Việt Nam, cả Tấn lẫn Mân đều trở về Bắc, giao trách nhiệm cho Lê Ðức Anh. Thời gian này, Ðỗ Mười cũng phụ tá cho Lê Ðức Thọ

25. Việc Cộng sản Bắc Việt cho Lê Thanh Nghị mỗi năm muối mặt đi xin viện trợ và bị coi thường: Nayan Chanda trong Brother Enemy.

26. Theo Giáo Sư Nguyễn Như Cương, người đầu tiên vào Nam phụ trách tìm cách kết hợp kinh tế hai miền là Ðinh Ðức Thiện và Thiện đã lập một ban tư vấn kinh tế gồm những giáo sư đại học miền Nam như Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Xuân Oánh, Lê Văn Sĩ, Châu Tiến Khương, Dương Kích Nhưỡng... Nhưng cũng như hội Trí Thức Yêu Nước, ban này chỉ để tỏ ra nhà nước coi trọng trí thức, và những người tham dự, thật ra cũng chỉ để kiếm “ô dù” che thân. Nguyễn Văn Hảo không tham dự những nhóm này, có lẽ kiếm được một ô dù khác là Nguyễn Văn Linh. Sau đó vài tháng, Thiện được triệu hồi về Hà Nội làm Bộ Trưởng Giao Thông.

27. Căn cứ Liên Xô ở Cam Ranh, theo Nayan Chanda

28: Vietnam People Army của Douglas Pike

29. Phạm Văn Ðồng là thủ tướng lâu nhất thế giới tuy tự biết không làm được việc gì và nhiều lúc nói là thấy “xấu hổ”, nhưng vẫn ngồi lỳ ở chức vụ đến nỗi một cán bộ Cộng sản lâu năm là Trần Văn Giàu đã mai mỉa “cái đít nó biết nhớ cái ghế”.

30. Ðinh Ðức Thiện (tên thật Phan Ðình Dinh) là em ruột Lê Ðức Thọ, sau này chết vì súng bị cướp cò khi đang đi săn nhưng cũng có tin là bị con trai bắn chết (người con trai này hồi nhỏ bị ông ta đánh đập tàn nhẫn nên bị hư mắt và tâm thần). Tin chính thức thì nói là bị “xe đụng” (khi làm Bộ Trưởng Giao Thông!)

31. Tài liệu của ông Vi Thanh trong “Lớn Lên Với Ðất Nước”

32. Hồ Viết Thắng từng làm đại diện Tổng Bộ Việt Minh trong Nam trước 1954, bị hạ tầng công tác cùng với Trường Chinh trong Cải cách Ruộng đất. Dù thuộc phe Trường Chinh, sau này được phục hồi làm Bộ Trưởng Lương Thực vì có con gái là Hồ Thị Nghĩa, một bác sĩ, có con với Lê Duẩn.

33. Trần Ðộ: Tên thật là Tạ Ngọc Phách, trước 1954 làm chính ủy trung đoàn Sông Lô, rồi sư đoàn 312, sau 1954 là chính ủy quân khu hữu ngạn sông Hồng trước khi vào Nam.

34. Bí danh Lê Hiến Mai của Dương Quốc Chính rất lý thú. Tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên CS, trong cuốn Lớn Lên Với Ðất Nước, kể lại là trong một buổi họp ở quân khu IX trong miền Nam, dưới sự chủ tọa của Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ, Dương Quốc Chính muốn có được một bí danh họ Lê cho giống hai người kể trên nên đã nhờ một người ngồi bên cạnh đặt giùm. Người này thấy bộ răng của Dương Quốc Chính mới đặt hộ cho cái bí danh Lê Hiến Mai. Phải nhiều năm sau, Dương Quốc Chính mới biết thâm ý của người kia nên từ đó, đã từ bỏ cái bí danh đó. Lê Hiến Mai là một trong 11 cán bộ quân sự được phong tướng đầu tiên

(Còn tiếp)