Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Vai trò của Cộng Sản Trung Quốc trong chiến tranh 1946-1954 ở Việt Nam

Vai trò của Cộng Sản Trung Quốc trong chiến tranh 1946-1954 ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Gia Phụng   
Thứ Năm, 02 Tháng 7 Năm 2009 00:22

1.- HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Sau thế chiến thứ hai, Việt Minh (VM), mặt trận của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) cướp chính quyền và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945. Ngày 11-9-1945, trung ương đảng CSĐD họp tại Hà Nội đưa ra quyết định chủ trương độc quyền cai trị đất nước.(Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143. Về sau, Cộng sản Việt Nam thực hiện điều nầy qua điều 4 hiến pháp năm 1992.)

Thực hiện chủ trương nầy, về đối nội, VM tiêu diệt tất cả những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc. Về đối ngoại VM nhượng bộ các lực lượng nước ngoài để rảnh tay đối phó với các tổ chức đối kháng trong nước, nhằm duy trì việc độc quyền chính trị.

Khi Pháp gởi lực lượng theo quân Anh tái chiếm miền Nam, rồi tiến ra Bắc nhằm thay thế quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng, VM liên tục nhượng bộ. Hồ Chí Minh ký kết với đại diện Pháp liên tiếp hai hiệp ước (hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946), sẵn sàng đón tiếp quân Pháp đến Bắc Kỳ, để cho Pháp tái tục những hoạt động kinh tế, văn hóa, giao thông trên toàn quốc…, trái với lời thề chống Pháp khi Hồ Chí Minh trình diện chính phủ ngày 2-9-1945.

Thấy VM yếu kém, ngày 18-12-1946, Pháp tiếp tục uy hiếp, buộc VM phải giao quyền kiểm soát an ninh Hà Nội cho Pháp. Nếu Pháp kiểm soát an ninh Hà Nội, thì sinh mệnh ban lãnh đạo VM và đảng CSĐD hoàn toàn nằm trong tay Pháp. Thay vì hỏi ý kiến quốc hội (cơ quan có quyền tuyên chiến), Hồ Chí Minh họp trung ương đảng CSĐD tại Vạn Phúc (Hà Nội) trong hai ngày 18 và 19-12-1946. Hội nghị nầy quyết định bất ngờ tấn công Pháp tối 19-12-1946.( Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tt. 503-504.) Đảng CSĐD quyết định tấn công Pháp nhắm tạo điều kiện để ban lãnh đạo VM và đảng CSĐD có lý do chính đáng nhằm thoát thân khỏi Hà Nội. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thế là chiến tranh không tuyên chiến xảy ra từ 1946 đến 1954.

Chiến tranh 1946-1954 có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất 1946-1949 và giai đoạn thứ hai 1950-1954. Trong giai đoạn thứ nhất (1946-1949), Việt Minh cộng sản (VMCS) rất yếu kém, phải rút lên rừng núi hay vào bưng biền để trốn tránh và chỉ sử dụng du kích chiến nhằm làm tiêu hao lực lượng Pháp. Trong chiến tranh, VM tiếp tục truy diệt những thành phần chính trị theo chủ nghĩa dân tộc. Vì bản năng sinh tồn, giới nầy tập hợp chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, tạm thời liên kết với Pháp để chống VM.

Năm 1949 xảy ra hai biến cố quan trọng. Thứ nhất tổng thống Pháp ký với cựu hoàng Bảo Đại hiệp định Élysée (8-3-1949), đưa đến sự thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN) do Bảo Đại làm quốc trưởng. Thứ hai, tại Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) thành công. Chủ tịch đảng CSTQ là Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hoa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) ngày 1-10-1949.

Cả hai biến cố nầy đều ảnh hưởng đến chiến tranh Việt Nam và làm thay đổi tính chất cuộc chiến. Sự thành lập QGVN khiến trên đất nước Việt Nam có hai chính thể đối nghịch nhau: Chính thể QGVN tự do dân chủ, vừa tranh đấu với Pháp để xây dựng độc lập hoàn toàn, vừa nhờ sự giúp đỡ của Pháp để chống lại VM cộng sản, và chính thể VNDCCH theo chủ nghĩa cộng sản. Pháp ở vị trí một đế quốc xâm lăng, nay trở thành đồng minh của QGVN.

Do sự sắp đặt giữa VMCS và CSTQ, VNDCCH thừa nhận CHNDTH ngày 15-1-1950. Đáp lại, CHNDTH thừa nhận VNDCCH ngày 18-1-1950 và sau đó, Liên Xô thừa nhận ngày 30-1-1950. Trước tình hình nầy, Hoa Kỳ lo ngại sự bành trướng của cộng sản, liền thừa nhận chính phủ QGVN do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng ngày 4-2-1950, lôi kéo theo chính phủ Anh thừa nhận ngày 7-2-1950, và sau đó là các nước đồng minh của Hoa Kỳ.

Như thế, năm 1950 đánh dấu khúc quanh của chiến tranh, mở đầu giai đoạn thứ hai của cuộc chiến. Việt Minh dựa vào viện trợ của Cộng sản quốc tế, chủ yếu là viện trợ của CSTQ, phản công chống Pháp, quyết tâm tiêu diệt QGVN. Quốc Gia Việt Nam, ngòai đồng minh là Pháp, còn nhờ sự viện trợ của Hoa Kỳ chống lại VMCS. Từ năm 1950, cuộc chiến không còn ý nghĩa kháng chiến chống Pháp, và biến thành chiến tranh ý thức hệ quốc cộng trên đất nước Việt Nam.

2.- HỒ CHÍ MINH CẦU VIỆN

Từ năm 1950, CSTQ đóng vai trò càng ngày càng quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ việc Hồ Chí Minh cầu viện Trung Quốc và Liên Xô.

Ngày 1-10-1949, Mao Trạch Đông (Mao Zedong) tuyên bố thành lập CHNDTH. Cuối năm đó, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh xin viện trợ. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina, 2000, tt. 13, 15.) Lúc đó, Mao Trạch Đông cùng Châu Ân Lai (Zhou Enlai) đã qua Moscow từ 16-12-1949 để thương thuyết với Stalin.

Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), xử lý công việc bộ Chính trị đảng CSTQ, cử La Quý Ba (Luo Guibo), uỷ viên trung ương đảng CSTQ làm đại diện đảng CSTQ bên cạnh đảng CS Đông Dương (CSĐD).(Qiang Zhai, sđd. tr.15.) Ngay trong tháng 1-1950, La Quý Ba rời Bắc Kinh qua Việt Nam.(La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, đăng trong Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, do Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Dương Danh Dy hiệu đính (tài liệu lưu hành nội bộ), tr. 2.)

Theo các tài liệu của CSTQ, chế độ CHNDTH mới thành lập ngày 1-10-1949, đang khó khăn, chưa được các nước Tây phương thừa nhận, nhưng vì tinh thần và nghĩa vụ quốc tế vô sản, CHNDTH đã hào phóng viện trợ vô tư không điều kiện cho VNDCCH.(La Quý Ba, sđd. tr. 4.)

Sự thật đúng là lúc đó các nước Tây phương chưa thừa nhận CHNDTH, nhưng CHNDTH lại sẵn sàng thừa nhận và giúp đỡ VNDCCH vì hai chủ đích riêng của CHNDTH: 1) Lúc đó, đảng CSTQ chưa ổn định tình hình lục địa Trung Hoa. Đảng CSTQ lo ngại Tưởng Giới Thạch nhờ các nước tư bản, nhất là Hoa Kỳ và Pháp, giúp đỡ để lực lượng Quốc Dân Đảng quay trở lại tấn công CSTQ. Vì vậy, CSTQ nhận VMCS làm đồng minh, giúp đỡ VMCS để VMCS giữ gìn an ninh vùng biên giới Hoa Việt, làm vùng trái độn an toàn cho Trung Quốc. Mao Trạch Đông công khai xác nhận việc nầy trong một cuộc họp của trung ương đảng CSTQ tháng 11-1950.(La Quý Ba, sđd. tr. 7) 2) Về tương lai, CSTQ dự tính có thể sử dụng VNDCCH để tìm đường xuống Đông Nam Á.

Sau phái đoàn Lý Bích Sơn và Lưu Đức Thủy, đích thân Hồ Chí Minh bí mật qua Bắc Kinh cầu viện ngày 30-1-1950. Lúc đó Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai vẫn còn ở Liên Xô. Lưu Thiếu Kỳ hứa sẽ đáp ứng những lời cầu viện của Hồ Chí Minh và sắp đặt cho Hồ Chí Minh qua Liên Xô cầu viện tiếp.

Trong các cuộc tiếp xúc với Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai, lãnh tụ Liên Xô là Joseph Stalin nhiều lần lập lại ý kiến rằng công việc viện trợ cho VNDCCH là công việc chủ yếu do CSTQ gánh vác. Chắc chắn Lưu Thiếu Kỳ ở Bắc Kinh đã được biết quyết định nầy của Stalin do phái đoàn Mao Trạch Đông thông báo, nhưng Lưu Thiếu Kỳ vẫn sắp đặt cho Hồ Chí Minh qua Moscow, có thể nhằm cho Hồ Chí Minh tận mặt gặp Stalin để tận tai nghe ý kiến của Stalin.

Hồ Chí Minh đến Moscow tối 6-2-1950. Bộ chính trị đảng CSLX mở tiệc chào mừng Hồ Chí Minh nhưng Stalin không đến dự. Sau đó, Stalin chỉ tiếp Hồ Chí Minh tại văn phòng làm việc, với sự có mặt của Malenkow, Molotow, Bulganin và Vương Gia Tường, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô. Như đã từng nói chuyện với Mao Trạch Đông, Stalin nói thẳng với Hồ Chí Minh: “Chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn... Trung Quốc ở sát Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam hơn chúng tôi, kinh nghiệm đấu tranh của Trung Quốc càng có tác dụng làm gương đối với Việt Nam, giúp các đồng chí sẽ thuận tiện hơn.” (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, trong sách Hồi ký những người trong cuộc…, sđd. tr. 20.)

Ngày 14-2-1950, Joseph Stalin và Mao Trạch Đông ký Hiệp ước hữu nghị, liên minh và hỗ tương Trung-Xô (Sino-Soviet Treaty of Friendship, Alliance and mutual Assistance) gồm 6 điều khoản và hiệu lực trong 30 năm. Ngày 16-2-1950, trong buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn Trung Quốc trước khi Mao Trạch Đông về nước, nhân lúc Stalin vui chuyện, “Hồ Chí Minh lại nói: “Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước. Stalin nói: “Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra? Chúng tôi giải thích như thế nào? Hồ Chí Minh nói: “Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao?” Stalin cười lớn: “Đó là sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh.” Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang.”.(Trương Quảng Hoa, sđd. tr. 21.)

Ngày 17-2-1950, Hồ Chí Minh cùng Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai rời Moscow trở về Bắc Kinh bằng xe hỏa. Trong cuộc hành trình nầy, một hôm Hồ Chí Minh “đi đến toa xe của Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh nói ngay bằng tiếng Trung Quốc: “Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc.”( Trương Quảng Hoa, sđd. tr. 22.)

Về tới Bắc Kinh, hai bên ký kết một hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa CHNDTH và VNDCCH, theo đó hai bên hợp tác để tiễu trừ thổ phỉ (ám chỉ Quốc Dân Đảng Trung Hoa và biệt kích Pháp).(Bernard Fall, Le Viet-Minh, Paris: Max Leclerc et Compagnie, 1960, tr. 119.) Hiệp ước nầy cho thấy việc CSTQ quyết định viện trợ cho VNDCCH rõ ràng không phải vì tinh thần và nghĩa vụ quốc tế cộng sản mà vì quyền lợi thiết thực của CSTQ là bảo vệ an ninh vùng biên giới phía nam.

Không kể lần đi cầu viện thứ nhất, cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1954, Hồ Chí Minh còn qua Bắc Kinh ba lần và qua Moscow hai lần để cầu viện trong các năm 1951, 1952, 1954. Trong bản tin ngày 14-5-2009, đài BBC đã tường thuật một bài báo mới đăng trên báo Pravda (Nga), nhắc lại rằng các xe vận tải Molotov và súng phòng không của Liên Xô đã góp công rất lớn đến chiến thắng Điện Biên Phủ. (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam.) Trong lịch sử Việt Nam, không có nguyên thủ quốc gia (trước đây là vua) Việt Nam nào, kể cả Lê Chiêu Thống (Chỉ có mẹ vua ra đi mà thôi), qua Trung Hoa trực tiếp cầu viện như Hồ Chí Minh,

3.- CÁC PHÁI ĐOÀN CỐ VẤN

Ngoài cố vấn chính trị là La Quý Ba đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 1-1950, về quân sự CSTQ gởi sang VN một cố vấn đặc biệt và một phái đoàn cố vấn đông đảo để giúp bộ đội VM.

Viên cố vấn đặc biệt là đại tướng Trần Canh (Chen Geng), uỷ viên dự khuyết ban chấp hành trung ương đảng CSTQ, tư lệnh quân khu Vân Nam, chính uỷ binh đoàn số 4, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vân Nam. Hồ Chí Minh đã xin đích danh với Mao Trạch Đông gởi Trần Canh sang làm cố vấn cho trung ương đảng CSĐD. Trần Canh rời Côn Minh đi Việt Nam ngày 7-7-1950.

Trần Canh vào địa phận Việt Nam từ 20-7-1950, nghiên cứu tình hình tại chỗ và gởi về Bắc Kinh một báo cáo, đại ý như sau: 1) VM cần vận dụng thêm phụ nữ vào công việc chiến đấu. [Từ sau ý kiến của Trần Canh, xuất hiện nữ dân công VM trên chiến trường.] 2) Những sĩ quan cấp tiểu đoàn của VM thiếu kinh nghiệm chiến trường, nên cần phải tổ chức tiến đánh những đồn bót nhỏ, để tăng kinh nghiệm và tạo chiến công nhằm gây niềm tin nơi quân sĩ. 3) Thực hiện chiến thuật công đồng đả viện (tấn công cứ điểm, chận đánh viện binh) bằng cách tấn công các đồn nhỏ để quân Pháp đưa quân đi cứu viện, rồi phục binh tấn công viện quân củ Pháp. Nếu làm như thế, VM có thể chiếm được Cao Bằng và sẽ làm thay đổi tình hình biên giới.

Trần Canh gặp Hồ Chí Minh lần đầu ngày 28-7-1950 tại chiến khu Dương Sơn, tỉnh Thái Nguyên. Hồ Chí Minh hoàn toàn đồng ý với kế hoạch Trần Canh.

Trong khi đó vào cuối tháng 7-1950, bộ tư lệnh cố vấn quân sự Trung Quốc (BTLCVQSTQ) chính thức được thành lập, lúc đầu gồm 281 người, trong đó có 79 cố vấn, 202 tùy viên, do tướng Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing) làm tư lệnh với hai phụ tá là Mai Gia Sinh (Mei Jiasheng) và Đặng Dật Phàm (Deng Yifan). Vi Quốc Thanh và BTLCVQSTQ có mặt ở bộ chỉ huy bộ đội VM tại Quảng Nguyên (Cao Bằng) ngày 12-8-1950, rồi được phân phối đi các đại đơn vị VM.

Từ đây, kế hoạch, chiến thuật, chiến lược tấn công của VM đều do quân uỷ đảng CSTQ ở Bắc Kinh nghiên cứu, duyệt xét, đưa qua cho BTLCVQSTQ, rồi bộ tư lệnh nầy chuyển lại cho giới lãnh đạo VM thi hành.
 
4.- TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ QUÂN SỰ VÀ KINH TẾ

Sau khi đi cầu viện, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam cuối tháng 2-1950. Tháng 4-1950 Hồ Chí Minh gởi qua Bắc Kinh một danh mục xin viện trợ và đề nghị CSTQ lập một một trường võ bị ở Trung Quốc để huấn luyện cho bộ đội VM, xin Trung Quốc gởi cố vấn sang Việt Nam và giúp thêm quân nhu, quân cụ, súng ống. (Qiang Zhai, sđd. tr. 18.)

Từ tháng 4 đến tháng 9-1950, CSTQ đã gởi qua cho VM 14,000 súng lục và súng trường, 1,700 súng liên thanh và súng không giựt, 150 súng cối, 60 đại pháo, 300 ba-dô-ka (bazooka), cùng trang thiết bị quân sự, thuốc men, dụng cụ truyền tin, áo quần và 2,800 tấn thực phẩm. (Qiang Zhai, sđd. sđd. tr. 20.)

Chiến dịch biên giới của VM: Chiến thắng quan trọng đầu tiên của VM trong thời kỳ nầy là trận Đồng Khê (từ 16 đến 18-9-1950) và cuộc phục kích vào đầu tháng 10-1950 bắt 4,000 binh sĩ, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan, trong đó có hai trung tá Pháp, hoàn toàn do Trần Canh chỉ huy.

Sau chiến thắng nầy, VM kiểm soát một vùng rộng lớn giữa biên giới Việt Hoa, làm trái độn an toàn cho CHNDTH. Đảng CSTQ yên tâm về biên giới phía nam, liền rút Trần Canh về nước.

Sau khi Trần Canh ra đi, Võ Nguyên Giáp và ban lãnh đạo VM đưa quân tấn công các tỉnh thuộc vùng châu thổ Hồng Hà. Những trận đánh ở vùng đồng bằng của Võ Nguyên Giáp thất bại thê thảm ở Vĩnh Yên (01-1951), Phả Lại, Uông Bí (03-1951), Hà Nam và Ninh Bình (tháng 05 và 06-1951).

Các chiến dịch Tây bắc của VM: Không biết các trận đánh ở vùng đồng bằng là kế hoạch của Võ Nguyên Giáp hay của các cố vấn quân sự Trung Quốc, nhưng khi về Bắc Kinh báo cáo và dưỡng bệnh vào tháng 7-1951, Vi Quốc Thanh đổ lỗi rằng VM quá nôn nóng tiến đánh những căn cứ của Pháp ở đồng bằng, gần hậu phương của địch, nên VM khó thành công. Vi Quốc Thanh đề nghị VM tái cấu trúc bộ chỉ huy, tái huấn luyện quân đội, mở phong trào chỉnh huấn để huấn luyện chính trị, đồng thời thanh lọc hàng ngũ quân đội.

Trong lúc Vi Quốc Thanh vắng mặt, La Quý Ba tạm thay đứng đầu BTLCVQSTQ. Ngày 16-2-1952, BTLCVQSTQ gởi báo cáo về Bắc Kinh, đề nghị mở chiến dịch Tây bắc, vì lực lượng phòng thủ của Pháp ở đây yếu kém, và chiếm vùng Tây bắc sẽ củng cố chiến khu Việt Bắc, đồng thời có thể mở đường sang Lào.

Chẳng những chấp thuận kế hoạch của BTLCVQSTQ, Mao Trạch Đông bắt đầu nghĩ đến chiến lược bành trướng xuống phía nam qua đường Lào: chiếm Tây bắc Việt Nam, chiếm Thượng Lào, xuống Hạ Lào, xâm nhập Cambodia. (Vu Hóa Thẩm, “Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp”, sách Hồi ký những người trong cuộc…, sđd. tr. 51.)

Sau đó, trong một lần chỉ thị trực tiếp cho Vi Quốc Thanh tại Bắc Kinh vào tháng 10-1953, Mao Trạch Đông còn khai triển cả một chiến lược dài hạn: Một là dùng hai đại đoàn bộ binh và nửa đại đoàn pháo binh chiếm Lai Châu, chiếm toàn bộ vùng Tây bắc, chuyển qua Thượng Lào, rồi xuống Trung và Hạ Lào. Hai là cương quyết khai thông con đường Nam tiến [đường núi Trường Sơn]; đó là con đường huyết mạch; đo đạc thật nhanh, xây dựng kế hoạch, chia giai đoạn để hoàn thành. Ba là điều động cán bộ, quân đội các liên khu 3, 4 làm công tác mở vùng; đánh được nơi nào thì củng cố nơí ấy. Mao Trạch Đông tóm gọn kế hoạch nầy trong 12 chữ: “Hai đại đoàn rưỡi, một đường quốc lộ, ba lớp cán bộ”. (Vu Hóa Thẩm, “Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp”, sách Hồi ký những người trong cuộc…, sđd. tr. 68.)

Phía VM, Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng Lao Động đã theo cố vấn Trung Quốc, chuyển hướng tấn công, mở các chiến dịch đánh vùng tây bắc Bắc Việt, rồi đánh qua Lào năm 1953. Cuối cùng hai bên đụng độ ở Điện Biên Phủ vào đầu 1954. Trận Điện Biên Phủ (ĐBP) kết thúc ngày 7-5-1954, nghiêng thắng lợi về phía VM.

Trận Điện Biên Phủ: Theo các tài liệu do các cố vấn Trung Quốc tiết lộ trong sách Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, do Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc xuất bản ở Bắc Kinh năm 2002, thì trận ĐBP hoàn toàn do các cố vấn quân sự Trung Quốc chỉ huy từ đầu đến cuối. Chẳng những Trung Quốc viện trợ vũ khí, quân nhu, chiến lược, kế hoạch, mà viện trợ luôn cả những người đào giao thông hào là những người đã tham dự các trận đánh ở Triều Tiên trước đó.

Qua sách hồi ký nầy, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chỉ là những đốc công trên chiến trường, “Những con người tiêu máu của dân / Như tiêu giấy bạc giả!”(thơ Phùng Quán). Chiến thuật biển người sở trường của các tướng lãnh Trung Quốc được áp dụng triệt để, nên dầu thắng trận, VM mất trong trận nầy khoảng gần 25,000 người, bị thương khoảng 15,000 người trong khi liên quân Liên Hiệp Pháp thua trận, nhưng chết dưới 2,500 người, bị thương khoảng 5,200 người.

Cần chú ý là trước khi VM tiến hành những chiến dịch lớn, Hồ Chí Minh luôn luôn tham khảo ý kiến rất chi tiết với các nhà lãnh đạo đảng CSTQ. Thậm chí, trước khi mở chiến dịch Tây bắc, Hồ Chí Minh đã đến tận Bắc Kinh tháng 9-1952, rồi tiếp tục qua Liên Xô để thảo luận và cầu viện với Stalin. (Qiang Zhai, sđd. tt. 37-38.) Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng thế. Hồ Chí Minh qua Trung Quốc cuối tháng 3-1954. Từ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh theo Châu Ân Lai qua Moscow ngày 1-4-1954, nói là để bàn về công việc ngoại giao và hội nghị Genève. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngọa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève], Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, nhan đề tiếng Việt là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 5: “Dốc sức lên kế hoạch”. (Nguồn: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it .) Ngày 12-4-1954, Hồ Chí Minh mới trở lui Bắc Kinh, rồi về Việt Nam. Chắc chắn chuyến đi nầy nhằm thảo luận trận chiến ĐBP và vận động tăng cường viện trợ võ khí cho VM để tấn công.

Trong công cuộc viện trợ quân sự của CSTQ cho VM trước năm 1954, cần chú ý đến kế hoạch 12 chữ của Mao Trạch Đông. Chẳng những VM triệt để thực hiện kế hoạch nầy trong chiến tranh trước năm 1954, mà Cộng sản Việt Nam còn dùng con đường Trường Sơn trong việc xâm lăng miền Nam sau năm 1954. Ngày nay, Trung Quốc tiếp tục kế hoạch nầy, lấy cớ khai thác bauxite để lấn chiếm Cao nguyên Nam Trung Phần, nhằm khống chế Việt Nam và Đông Nam Á.

Viện trợ kinh tế: Về kinh tế, các nhà nghiên cứu Tây phương thường cho rằng trong suốt cuộc chiến 1946-1954, VMCS đã thực hiện kinh tế chỉ huy, tập thể và tự túc. (Pierre Brocheux, “L’économie de la résistance vietnamienne, 1945-1954”, đăng trong Les Cahiers de L’institut d’histoire du temps présent, No. 34, Paris: Juin 1996, tr. 77.) Ý kiến nầy có thể bắt nguồn từ sự quan sát bên ngoài những sinh hoạt kinh tế trong các vùng do VM chiếm đóng, vì đời sống dân chúng khó khăn, ít tiêu xài, chỉ dùng hàng hóa nội địa. Trên lý thuyết, bất cứ nền kinh tế cộng sản nào cũng đều do nhà nước chỉ huy và có tính cách tập thể. Tuy nhiên, dân chúng phải tự túc, nhưng nhà cầm quyền VM không tự túc trong thời gian chiến tranh.

Ngay từ đầu, Lưu Thiếu Kỳ đã nói với cố vấn chính trị La Quý Ba vào năm 1950: “Nhu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay là giải quyết vấn đề tài chính kinh tế, công tác ngân hàng, công tác lương thực…”(La Quý Ba, bài đd., sđd. tr. 5.)

Chẳng những gởi người sang làm công tác cố vấn mà CSTQ còn gởi lương thực, hàng hóa để tiếp tế cho VM. Số lượng gạo, thực phẩm từ Trung Quốc chuyển sang cho VM có thể tính như sau: 120 tấn (năm 1950), 776 tấn (năm 1951), 610 tấn (năm 1952), 1,516 tấn (1953), 1, 772 tấn (năm 1954).(Một nhóm tác giả, Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003, tr. 638.)

5.- TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ CHÍNH TRỊ

Cố vấn chính trị La Quý Ba có mặt ở Việt Nam từ năm 1950 cho đến khi chiến tranh kết thúc. La Quý Ba đã giúp VM tổ chức những phong trào chính trị quan trọng trong suốt cuộc chiến. Đầu tiên phải kể đến cách tổ chức quân đội.

Ngay từ khi mới thành lập năm 1946, bộ tổng chỉ huy quân đội VM tổ chức hệ thống chính uỷ trong các đơn vị. Viên chính uỷ nắm toàn quyền quyết định trong tất cả các đơn vị quân sự, khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng CS trong quân đội. Nguồn gốc của chức chính uỷ từ tổ chức hồng quân Liên Xô. Mao Trạch Đông phỏng theo. Nguyên vào tháng 10-1927, Mao Trạch Đông nổi dậy ở Hồ Nam, nhưng thất bại phải bỏ chạy qua Giang Tây. Tại đây, ông cải tổ quân đội và lập ra chức chính uỷ để huấn luyện và nắm vững tinh thần binh sĩ. Việt Minh theo đúng cách tổ chức của Mao Trạch Đông nên trong hệ thống quân giai VM, bên cạnh đơn vị trưởng luôn luôn có chính uỷ đi kèm, nắm toàn quyền trong đơn vị.

Từ năm 1949, khi đảng CSTQ bắt đầu thắng thế ở Trung Quốc, VM đẩy mạnh những phong trào chính trị theo kiểu CSTQ, mở đầu bằng phong trào “rèn cán chỉnh quân”, từ giữa năm 1949. (Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 855.) “Rèn cán chỉnh quân” là rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội, nhưng phong trào nầy không mấy thành công và được thay thế bằng phong trào chỉnh huấn năm 1950.(Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, California: Xuân thu tái bản, 1989, tt. 205, 421.

Theo mô thức CSTQ, VM mở phong trào chỉnh huấn vừa để thanh lọc hàng ngũ đảng viên, cán bộ, sĩ quan, loại bỏ những thành phần trí thức tiểu tư sản dầu những người nầy đã lên đường tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu. Đồng thời, chỉnh huấn còn để củng cố tư tưởng chuyên chính vô sản, hướng dẫn cán bộ tự giác, tự nguyện, tin tưởng tuyệt đối ở chủ trương chính sách của đảng CSĐD.

Song song với phong trào chỉnh huấn là cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ), bắt đầu với sắc lệnh số 78/SL ngày 14-7-1949 thành lập Hội đồng giảm tô, rồi thông tư liên bộ số 33/ NVI ngày 21-8-1949 đưa ra nguyên tắc phân chia ruộng đất tịch thu được của Pháp và “Việt gian” là những người bị VM kết tội thân Pháp hay tay sai cho Pháp.

Để giúp VM thực hiện CCRĐ, Trung Quốc tổ chức khóa huấn luyện chủ nghĩa Mác-Lênin tại Bắc Kinh năm 1951, chính là để học tập phương thức CCRĐ theo đường lối “thổ cải” (cải cách ruộng đất) của Trung Quốc. Sau khóa học tập nầy, phái đoàn Việt Nam trở về liền tổ chức những thí điểm CCRĐ ở Việt Bắc và ở Thanh Hóa, nhưng không thành công. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, California: Nxb. Văn Nghệ [tái bản], 1995, tr. 164.) Vì vậy, VM chấn chỉnh tổ chức, chuẩn bị bài bản kỹ lưỡng hơn để tiếp tục CCRĐ từ năm 1953.

Tháng 1-1953, đại hội trung ương đảng CS, lúc nầy lấy tên là đảng Lao Động, quyết định phát động lại cuộc CCRĐ, với sự giúp đỡ mạnh mẽ của CSTQ. Lúc đó, bộ Tư lệnh cố vấn quân sự TQ lập thêm một ban mới là “Ban CCRĐ và củng cố đảng” do Zhang Dequn cầm đầu. Đảng CSTQ liền gởi thêm 42 chuyên viên CCRĐ để tăng cường công việc CCRĐ ở Việt Nam.

Từ đây, cuộc CCRĐ hoàn toàn theo đường lối CSTQ. Các chuyên viên CSTQ đã hướng dẫn kinh nghiệm thổ cải Trung Quốc, phân loại nông dân, thành lập nông hội, đưa nông dân nghèo vào trong Uỷ ban hành chánh và thi hành kế hoạch tam cùng (three together system) là cùng ăn, cùng ở, cùng làm để lấy lòng dân và thăm dò tin tức. Sau tam cùng, đến bắt rễ, xâu chuỗi, phân chia thành phần địa chủ theo nguyên tắc của Trung Quốc là trong một xã có bao nhiêu bần nông thì có bấy nhiêu địa chủ.

Để tuyên truyền, các cố vấn CSTQ cho chiếu bộ phim “Bạch mao nữ” (The White-Hair Girl) kể về cuộc sống đau khổ của một cô gái nghèo trong tay viên địa chủ ác độc nhằm kích động cán bộ. Quan trọng nhất là sắc lệnh CCRĐ ngày 4-12-1953 cấm đoán mọi sự phản kháng cuộc CCRĐ (điều 35) và quy định việc thiết lập tòa án nhân dân đặc biệt để xét xử những thành phần chống lại cuộc CCRĐ (điều 36). Các phương pháp đấu tố (đấu tranh tố cáo) như đấu lý, đấu lực, đấu pháp và đấu ảnh cùng các tòa án nhân dân cũng được thực hiện theo bài bản CSTQ. Cuộc CCRĐ đang tiến hành thì xảy ra trận Điện Biên Phủ và hội nghị Genève.

Đấu lý là đưa ra những bằng chứng (có thực hay bịa đặt) để tố cáo nạn nhân. Đấu lực là dùng sức mạnh tra khảo, trấn áp buộc nạn nhân phải nhận tội. Đấu pháp là đưa nạn nhân ra trước tòa án nhân dân, không có pháp luật mà chỉ do ban CCRĐ quyết định. Đấu ảnh trong trường hợp nạn nhân đã chết, đem hình ảnh hay một vật tượng trưng của nạn nhân ra đấu tố. (Vụ đấu ảnh nổi tiếng là vụ đấu tố Phan Bội Châu ở Nghệ An.)

Hội nghị Genève về Đông Dương khai diễn ngày 8-5-1954, một ngày sau khi liên quân Liên Hiệp Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Do thắng lợi trên chiến trường, phái đoàn VM tham dự hội nghị Genève do Phạm Văn Đồng tỏ rất rất cứng rắn, đưa ra nhiều đòi hỏi lớn lao, ngoài chủ trương của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô. Trong lúc hội nghị tạm nghỉ họp vào cuối tháng 6-1954, Châu Ân Lai, thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Genève, trở về nước, và mời hay đúng hơn là gọi Hồ Chí Minh sang họp tại Liễu Châu (Liuzhou) ở Quảng Tây (Kwangsi hay Guangxi).

Trong cuộc họp ba ngày tại Liễu Châu từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, Châu Ân Lai thuyết phục hay đúng hơn ra lệnh Hồ Chí Minh và chính phủ VM phải theo chủ trương của CSTQ, chấp nhận chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, giải quyết riêng biệt chuyện Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao. Thế là Hồ Chí Minh phải nghe theo, và chỉ thị ngay cho Phạm Văn Đồng sau khi nghỉ họp vào tối 5-7-1954. Chỉ thị nầy thường được gọi là chỉ thị 5/7 trong hồ sơ ngoại giao của CSVN. (Tiền Giang, sđd. chương 27 “Hội nghị Liễu Châu then chốt”.)

Ngang đây, có thể nói, Hồ Chí Minh và đảng CSĐD, rồi đảng Lao Động, hầu như lệ thuộc hẳn vào chủ trương chính trị của Liên Xô và nhất là của Trung Quốc. Trong Đại hội 2 của đảng CS vào tháng 2 năm 1951 tại Tuyên Quang, Hồ Chí Minh đã đặt tên mới cho đảng CSĐD là đảng Lao Động (LĐ), là tên do Stalin đặt. (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tt. 149-150.)

Trong dịp nầy, Hồ Chí Minh phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin.Về tổ chức, đảng Lao Động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung, Về kỷ luật, đảng Lao Động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 174.) Khi đó, đại biểu miền Nam là Nguyễn Văn Trấn đã trình bày với Hồ Chí Minh rằng: "Có đồng chí còn nói: hay là ta viết "tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh". Hồ Chí Minh trả lời: "Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin."(Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 151.) Cũng trong Đại hội nầy, Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được.”(Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, California: Nxb. Tuổi Xanh, 2001, tr. 63.) Một lần khác, có người đã hỏi Hồ Chí Minh vì sao ông không viết sách về lý thuyết cộng sản, thì ông trả lời ông không cần viết, vì đã có Mao Trạch Đông viết rồi. (Oliver Todd, "Huyền thoại Hồ Chí Minh", Nguyễn Văn dịch, đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, tr. 277.)

KẾT LUẬN

Vào năm 1946, VM rất yếu kém, nhưng ở thế chẳng đặng đừng phải phát động cuộc chiến tối 19-12. Việt Minh rút lui vào các chiến khu trên rừng núi hay trong bưng biền. Lực lượng Pháp dần dần mở rộng vùng kiểm soát, VM càng ngày càng nao núng. Việt Minh đang trên đà suy sụp và có thể bị tiêu diệt.

Khi CSTQ thành công ở lục địa năm 1949, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc cầu viện và nhờ Trung Quốc mở đường, Hồ Chí Minh tiếp tục qua Liên Xô cầu viện. Liên Xô thỏa thuận để cho đảng CSTQ viện trợ cho VM. Viện trợ của Trung Quốc đã cứu sống VM và đảng CSĐD.

Trung Quốc viện trợ cho VM về mọi mặt, võ khí, quân nhu, quân dụng, chiến lược, chiến thuật, chính trị, kinh tế, thực phẩm… Trung Quốc trở thành hậu phương lớn cho VM trốn tránh, dưỡng quân, huấn luyện sĩ quan và bộ đội. Trung Quốc tạo thành một hành lang để VM có thể liên lạc ngoại giao và nhận viện trợ thêm từ các nước ở xa bên ngoài, như Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước không liên kết… Cuối cùng, có thể nói chính Trung Quốc đã thắng cuộc chiến năm 1954 chứ không phải VMCS. Đồng thời, nhờ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc dầu là một nước chậm tiến, lạc hậu, chưa được vào Liên Hiệp Quốc, nghiễm nhiên được ngồi ngang hàng với các cường quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ Liên Xô tại hội nghị Gèneve (1954).

Trong khi đó, cái giá phải trả cho việc Trung Quốc viện trợ cho VM là vô giá. Giới lãnh đạo bá quyền CSTQ nói rằng viện trợ không hoàn lại, nhưng trên thế giới nầy làm gì có chuyện cho không, biếu không? Phản bội tổ quốc, rước voi về giày mồ, Hồ Chí Minh, mặt trận VM, đảng CSĐD ăn cám trả vàng. Chỉ khổ một nỗi là người trực tiếp trả vàng lại là dân tộc Việt Nam.

Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm toàn bộ những tội lỗi do chính Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản gây ra, từ việc Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, ký văn thư ngày 14-9-1958, tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc và triệt để tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, cho đến chiến tranh biên giới năm 1979, hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển vào các năm 1999 và 2000, và ngày nay vụ Trung Quốc khai thác bauxite ở Cao nguyên Nam Trung Phần.

Trần Gia Phụng (Toronto, 21-3-2009)