Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô |
Tác Giả: Trương Hùng (lược dịch) | ||||||||||
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 22:52 | ||||||||||
Trong loạt bài đầu tiên này, chúng tôi xin trích dịch một số nội dung liên quan đến những mối quan hệ bí mật giữa CIA với anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, những khúc mắc, mâu thuẫn giữa anh em họ Ngô với các quan thầy Mỹ, nguyên nhân, âm mưu của cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 và sự sụp đổ của chế độ Diệm - Nhu. 1. "Chọn mặt gửi vàng" Năm 1951, CIA bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam. Nhiệm vụ ban đầu của cơ quan này là hỗ trợ người Pháp duy trì thế trận chống Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tuy nhiên, đến giai đoạn 1953-1954, người Pháp ngày càng thất thế, nhất là sau trận đại bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5/1954) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva (tháng 7/1954). Washington bắt đầu chuẩn bị kế hoạch nhảy vào thay chân Pháp, và nhiệm vụ của CIA là chuyển sang tìm kiếm một nhân vật đủ bản lĩnh để đứng ra xây dựng “thành trì chống Việt Minh” ở miền Nam Việt Nam. Mối quan hệ giữa anh em Diệm - Nhu với CIA thực ra đã bắt đầu từ khá lâu trước khi ông Diệm lên nắm quyền (tháng 7/1954). Ngay từ khi CIA mới đến Việt Nam, Ngô Đình Nhu là một cầu nối liên hệ cực kỳ quan trọng.
Trong giai đoạn đầu (từ năm 1950 đến trước tháng 1/1953), ông Nhu là đường dây liên lạc duy nhất của CIA trong các hoạt động chính trị tại Sài Gòn. Và xuyên suốt quá trình 9 năm hợp tác giữa CIA với chính quyền Sài Gòn, ông Nhu luôn đóng vai trò cầu nối của mọi liên lạc giữa CIA với người anh trai. Mặc dù chẳng có thành tích gì nổi bật, nhưng Ngô Đình Diệm vẫn là chọn lựa số 1 của các quan thầy Mỹ - Pháp, và sau đó trở thành thành trì chống Cộng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, vì Ngô Đình Diệm có một số đặc điểm hiếm có vào thời đó: tinh thần chống Cộng, theo đạo Thiên Chúa và biết tiếng Anh. Tuy nhiên, sự chọn lựa này cũng đã tạo ra mầm mống chống đối trong hàng ngũ các tướng tá xuất thân từ lò đào tạo của Pháp và cả các giáo phái miền Nam, như Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn... Từ cuối năm 1953 đến trước khi Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, Ngô Đình Nhu tiếp tục là cầu nối liên lạc giữa CIA với Diệm. Thông qua Nhu, CIA đã tìm hiểu nắm bắt được những ý định của Ngô Đình Diệm cũng như các tham vọng tương lai của Nhu. Nhu đã thẳng thắn tuyên bố với CIA rằng, ông ta có khả năng "cầm lái" anh mình. Thực tế, Nhu vừa là người thân, vừa là cố vấn thân cận nhất, luôn luôn ở sát cạnh Diệm để kịp thời đưa ra những quyết sách theo đúng ý đồ của mình. CIA nhận định: muốn điều khiển Diệm tất phải tác động thông qua Nhu. Điều này cộng với tài đa mưu túc trí và lòng nhiệt tình cộng tác đã giúp Nhu trở thành trọng tâm trong mọi kế hoạch hành động bí mật của CIA tại Việt Nam.
CIA có 2 cơ sở hoạt động tại Sài Gòn, bao gồm: Trạm CIA, thường gọi là trạm chính quy, đảm nhiệm các hoạt động chính của CIA; và trạm thứ hai, còn gọi là "trạm Lansdale", bao gồm các cố vấn, nhân viên ngoại giao hoạt động ngầm từ bên trong Tòa đại sứ Mỹ, dưới quyền chỉ huy của trùm tình báo Edward Lansdale. Tháng 4/1954, Paul Harwood được điều động từ Manila, Philippines đến Sài Gòn, hoạt động bên trong Trạm CIA, hỗ trợ Trưởng trạm Emmett McCarthy trong việc tiếp cận anh em Diệm - Nhu. Hai tháng sau (6/1954), Đại tá Edward Lansdale cũng xuất hiện tại Tòa đại sứ Mỹ với chức vụ Tùy viên Không quân. Thực chất vai trò của 2 ông này là cố vấn cho anh em Diệm - Nhu, và cả 2 đã hoạt động như một cặp bài trùng cho đến khi Harwood về nước tháng 4/1956. Trước đây, Lansdale từng đến Việt Nam vào năm 1953 trong thành phần phái bộ quân sự Mỹ do tướng John O'Daniel dẫn đầu hỗ trợ Pháp đang ngày càng thất thế. Một điều thú vị là Lansdale không phải là người của CIA. Ông ta xuất thân từ OSS (Văn phòng phục vụ chiến lược, tiền thân của CIA), nhưng hoạt động tình báo khắp nơi theo sự điều động của Chính phủ Mỹ. Ông ta từng được Washington giao 5 triệu USD bay sang Philippines hỗ trợ chính quyền Elpidio Quirino chống lại lực lượng Hukbalahap (quân đội của đảng Cộng sản Philippines thời đó). Sau đó, Lansdale kết thân với Ramon Magsaysay và giúp ông này giành thắng lợi trước Quirino trong cuộc bầu cử cuối năm 1953 và lên làm Tổng thống Philippines. Đến Sài Gòn lần này, Lansdale hoạt động dưới vỏ bọc Tùy viên Không quân bên trong Tòa đại sứ Mỹ. Thực chất, Đại tá Lansdale chính là "trưởng trạm 2" của CIA tại Sài Gòn, có nhiệm vụ giúp Ngô Đình Diệm xây dựng nhà nước "dân chủ" trên vùng lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào làm thành trì chống Cộng tại Đông Nam Á. Nhờ kinh nghiệm và thành công tại Philippines, Lansdale tự tin rằng ông ta đã nắm trong tay "bí quyết" đánh bại các cuộc nổi dậy của quân cách mạng. Vì thế tháng 7/1954, Lansdale mạnh miệng tuyên bố trước Giám đốc CIA Allen Dulles rằng, mục tiêu của ông ta không gì khác hơn là xây dựng một "nền tảng chính trị" ở Đông Dương, nếu thành công, sẽ "giúp CIA nắm quyền kiểm soát chính phủ và thay đổi toàn bộ bầu không khí chính trị" tại đây. Thực tế sau năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, Lansdale vẫn chưa thể làm được như đã tuyên bố. Mặc dù Lansdale luôn cố gắng tạo ảnh hưởng đối với Diệm để thuận tiện việc triển khai các chương trình, chiến lược của Washington tại miền Nam Việt Nam, nhưng tính thụ động, ngoan cố và chính sách cai trị độc tài, phản dân chủ của Ngô Đình Diệm cộng với sự tham nhũng, lộng quyền của Nhu đã không chỉ làm hỏng nhiều kế hoạch của Lansdale mà rốt cuộc còn làm sụp đổ chế độ cộng hòa mà CIA đã cất công hỗ trợ xây dựng. 3. CIA và cuộc di dân lịch sử 1954-1955 Tình hình rối loạn trong những tuần lễ đầu sau khi Diệm lên nắm quyền và nhất là sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7/1954) đặt chính quyền non trẻ của ông ta trong tình trạng bị đe dọa triền miên. Chúng cũng là nỗi ám ảnh thường trực đối với các trạm CIA, cho nên CIA luôn phải tìm cách củng cố nền tảng chính trị cho Diệm - Nhu, cả ở trong và ngoài vĩ tuyến 17. Không chỉ lo ngại bị miền Bắc "thôn tính", CIA còn lo Diệm có thể dễ dàng bị các thế lực chống đối trong Nam như tướng Nguyễn Văn Hinh, bác sĩ Phan Quang Đán thuộc phe đối lập... lật đổ, trong khi chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn chưa thu phục được lòng dân, nhất là vùng nông thôn. Các điều khoản trong Hiệp định Geneva đưa ra 2 thời hạn để các bên thực thi: thứ nhất là thời hạn 300 ngày để những người Việt muốn theo bên nào thì di cư theo ý nguyện, lấy vĩ tuyến 17 và dòng sông Bến Hải làm ranh giới tạm chia đôi đất nước Việt Nam; và thời hạn thứ 2 là vào tháng 7/1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất trên toàn quốc. Từ thực tế phải thực thi các điều khoản Hiệp định Geneva, Lansdale tính toán rằng Diệm cần xây dựng một cơ sở ủng hộ vững chắc trong dân chúng. Cuộc di dân từ Bắc vào Nam là tối quan trọng, đòi hỏi Diệm phải chuẩn bị 2 giải pháp cùng lúc: thứ nhất là giải quyết tái định cư cho người di cư; và thứ hai là thiết lập nền tảng ủng hộ ông ta ở vùng nông thôn. Để chuẩn bị, Thủ tướng Diệm đã lập ra một "ủy ban liên bộ về người tị nạn". Nhưng ủy ban này hầu như không hoạt động gì, cho nên Lansdale yêu cầu Diệm phải thay một ủy ban mới có năng lực hơn để thực hiện công tác di dân như ý muốn của CIA. Nhưng Lansdale lại lo ngại sẽ có hàng ngàn người không chịu rời miền Bắc, và như thế kế hoạch di dân sẽ thất bại. Diệm theo đạo Thiên Chúa, cho nên thành phần di cư được nhắm đến chủ yếu là những người theo đạo Thiên Chúa. Thế là Lansdale cho triển khai một chiến dịch mang tên "Đường đến Tự do" (The Passage to Freedom) do nhóm điệp viên cài cắm ở lại miền Bắc sau Hiệp định Geneva thực hiện nhằm xúi giục người theo đạo Thiên Chúa di cư. Lợi dụng đức tin của giáo dân, nhóm của Lansdale đã tung tin đồn rằng "Đức Mẹ Maria đang đi vào miền Nam". Thời điểm đó (tháng 8/1954), Việt Minh chưa vào tiếp quản Hà Nội. Lợi dụng điểm này, các điệp viên của Lansdale còn rải truyền đơn phao tin đồn thất thiệt bôi xấu Việt Minh để kích động dòng người di cư đông hơn. Như vậy, tính đến tháng 5/1955 (kết thúc đợt di cư), đã có hơn 900.000 người từ miền Bắc vào Nam sinh sống, tạo nên một làn sóng di cư chưa từng có trong lịch sử. 4. CIA và các giáo phái Tháng 9/1954, chương trình di cư đang tiếp diễn. Diệm muốn lợi dụng CIA để lôi kéo các giáo phái chống Việt Minh là Cao Đài ở vùng Đông Nam Bộ và Hòa Hảo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Pháp đã lên kế hoạch lôi kéo các giáo phái bằng cách cung cấp tiền bạc và phương tiện vận chuyển để chống lại Việt Minh.
Đây là cơ sở để CIA ra tay giúp Diệm lôi kéo các giáo phái. Thật ra, ngay trong những tuần lễ đầu Diệm làm Thủ tướng (tháng 7/1954), Paul Harwood đã gửi hàng triệu đồng tiền Đông Dương cho Dinh Gia Long để sử dụng tùy ý. Tháng 9/1954, số tiền đó đã hết, Diệm gặp Lansdale để... xin thêm. Tướng chỉ huy quân đội Cao Đài Trịnh Minh Thế từ lâu đã là mối liên lạc của Ngô Đình Nhu, ủng hộ Diệm thì ít mà chống Pháp thì nhiều. Và đây là đối tượng có thể lợi dụng cho việc thanh lọc thành phần thân Pháp trong quân đội quốc gia. Sau vài cuộc thương lượng giữa Nhu và tướng Thế, theo yêu cầu của Diệm, Lansdale trao cho Diệm vài ngàn USD để Nhu dùng "lót tay" tướng Thế. Hai ngày sau, Lansdale được mời đến đại bản doanh của tướng Thế trên núi Bà Đen, Tây Ninh. Tại đó, tướng Thế cam kết ủng hộ chính quyền Diệm, không đơn phương hành động chống Pháp và thả tù nhân Pháp. Đại sứ Heath đã yêu cầu CIA không thể công khai "giao dịch" với tướng Thế mà phải tài trợ bí mật cho Diệm để Diệm trao cho Thế. Lý do, lúc đó người Pháp vẫn xem Trịnh Minh Thế là... tội phạm. Sau khi thu phục được tướng Thế, CIA tiếp tục thúc đẩy Diệm thực hiện cải cách chính trị. Thành phần nội các lúc đó chỉ bao gồm toàn anh em, bà con thân thích của Thủ tướng Diệm và ông cố vấn Nhu. Với sự vận động của người Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao John Foster Dulles muốn nội các Diệm phải mở rộng bao gồm cả các thành phần giáo phái. Diệm phản đối lối ngoại giao "sóng đôi" Mỹ - Pháp đó, cho nên Tổng hành dinh CIA ra lệnh cho Trạm CIA tại Sài Gòn can thiệp tháo gỡ bế tắc nhằm tránh sự đối đầu căng thẳng có thể dẫn đến việc mất chỗ đứng tại miền Nam Việt Nam. Từ tác động của CIA thông qua Paul Harwood, Nhu tìm cách thuyết phục Diệm thay đổi nhưng thất bại do Diệm vẫn bảo lưu quan điểm, không lay chuyển. Ngày 20/9/1954, Nhu triệu tập Harwood đến Dinh Gia Long để trực tiếp thuyết minh vấn đề với Diệm, nhưng ý chí sắt đá của Diệm suýt làm tan vỡ mọi nỗ lực trong hơn 2 tiếng đồng hồ của Harwood. Cuối cùng, trước sự kiên trì của Harwood, Diệm bất đắc dĩ phải đồng ý cải tổ nội các theo yêu cầu của CIA. Tuy nhiên, việc cải tổ nội các chỉ mang lại kết quả tồi tệ hơn; thành phần các giáo phái tham gia nội các đều không phản ánh sự trung thành đối với chính phủ đương quyền. Lansdale hoảng hốt, chỉ ra đây là trò lừa dối của người Pháp nhằm "phá cho hôi". Ông ta liền báo cáo ngay với Ngoại trưởng Dulles về diễn biến vừa xảy ra và yêu cầu Dulles tác động để Bảo Đại phản đối sự can thiệp của người Pháp. Qua sự việc này cho thấy CIA đóng vai trò rất lớn trong các quan hệ giữa Mỹ với chính quyền Ngô Đình Diệm ngay từ buổi đầu (Còn nữa) Trương Hùng (lược dịch)
|